Muối Của Đất
Muối Của Đất

Thư Gửi Diognetus
(Bản dịch tiếng Việt)

Vô danh

30.06.2024
Biểu tượng Tất Cả Các Thánh
Biểu tượng Tất Cả Các Thánh (nguồn ảnh tại đây)

Thư gửi Diognetus (khoảng 130-200 A.D.) được đánh giá là một văn bản biện giải mạnh mẽ của Kitô Giáo trong những thế kỷ đầu tiên. Tác phẩm này, được viết bởi một tác giả không rõ danh tính, sử dụng những lập luận logic và hùng biện để giải thích và biện giải Đức Tin, đồng thời phân biệt rõ ràng Kitô giáo với các tôn giáo của người Hy Lạp và người Do Thái. Người nhận thư là một người tên Diognetus không rõ danh tính.

Văn bản gốc được viết bằng tiếng Hy Lạp, và hiện đã có rất nhiều bản dịch lại sang tiếng Anh. Muối Của Đất tham khảo các bản tiếng Anh và dựa vào đó để dịch lại và chú thích sang tiếng Việt.

Tải văn bản dưới dạng PDF tại đây.


I. Lý do viết thư

Kính thưa Tổng Trấn Diognetus: tôi nhận thấy rằng ông đang mong mỏi tìm hiểu về cách các Kitô hữu tôn thờ Đức Chúa của họ. Ông đã đặt câu hỏi một cách kỹ càng và chân thành rằng, điều gì về Đức Chúa mà họ tin, và cách họ thờ phụng Ngài, lại có thể khiến cho họ xem nhẹ thế gian và khinh thường cái chết? Tại sao họ lại chối bỏ các vị thần Hy Lạp và các nghi lễ của người Do Thái? Và bản chất của tình yêu mến mà họ dành cho nhau là như thế nào? Và tại sao cộng đồng mới này và cách hành đạo của họ chỉ mới xuất hiện gần đây, nhưng không phải là từ rất lâu về trước?

Tôi luôn hân hoan chào đón sự nhiệt thành của ông, và tôi cầu nguyện với Chúa, Đấng đã ban cho ta khả năng nói và nghe, rằng hãy giúp cho tôi nói, sao cho tôi nghe được rằng ông đã khai tâm, và hãy giúp cho ông nghe, sao cho tôi, là người nói, không có lý do gì mà phải hối tiếc về điều mình đã thốt ra.

II. Sự vô nghĩa của ngẫu tượng

Nào hãy lắng nghe, hãy giải phóng tâm trí mình khỏi những guồng xích của định kiến, và gạt bỏ những điều vốn đã quen thuộc vì chúng sẽ dẫn ông đi sai lối. Hãy trở thành một con người mới như thể từ thuở ban đầu, bởi vì ông sẽ được nghe một giáo lý mà chính ông đã thừa nhận là mới. Đừng chỉ nhìn bằng đôi mắt, mà hãy dùng cả lý trí để thấu hiểu bản chất và hình thái của những đấng mà ông xưng là thần là thánh.

Có phải một trong những đấng đó là đá, tương tự như mặt sàn mà ta đang dẫm lên? Đấng kế đó là đồng, không hề cao quý hơn những vật dụng ta dùng hàng ngày? Đấng thứ ba là gỗ, và đã bị mục nát rồi phải không? Đấng thứ tư là bạc, và luôn cần một người canh giữ để tránh bị mất trộm? Còn đấng thứ năm là sắt, bị gỉ sét ăn mòn? Đấng thứ sáu là đất, giá trị gì hơn những vật được dùng cho mục đích thấp kém nhất?

Chẳng phải những đấng đó đều sẽ bị mục nát hư hỏng hay sao? Chẳng phải chúng đều được tạo ra bằng sắt và lửa? Chẳng phải là một trong số chúng được tạo bởi thợ điêu khắc, cái thứ hai bởi thợ rèn, cái thứ ba bởi thợ bạc, và cái thứ tư bởi thợ gốm? Có phải là trước khi được tạo thành hình thần dáng thánh bởi tài nghệ của những người thợ, những đấng đấy đều đã có thể trở thành các vật dụng khác nhau? Có phải là những vật hiện đang dùng để đựng, nếu được làm từ những vật liệu tương tự, thì cũng có thể “hoá thần” nếu được tạo tác bởi những người thợ trên? Có phải những đấng mà ông đang tôn thờ, cũng có thể được nhào nặn lại bởi bàn tay con người thành những vật dụng khác? Có phải tất cả chúng đều điếc và mù? Có phải chúng đều vô tri vô giác, và tất cả đều bất động? Có phải chúng rồi cũng sẽ bị mục nát và hư hỏng phải không?

Đó là những thứ mà ông xưng là thần là thánh; ông phụng vụ và cúng bái chúng, và ông cũng sẽ trở thành giống như chúng. Và chính vì lý do đó mà ông ghét những Kitô hữu, vì họ không coi chúng là thần. Nhưng chẳng phải ngay chính bản thân ông, người mà vẫn đang vinh danh và tôn thờ những vật ấy, lại còn khinh miệt chúng hơn cả các Kitô hữu? Chẳng phải ông đã nhạo báng và xúc phạm chúng còn nhiều hơn khi thờ phụng những đấng bằng đá và đất mà không bận tâm bố trí người canh gác; nhưng đối với những đấng bằng bạc và vàng, ông lại cất chúng vào ban đêm và cử người canh vào ban ngày để tránh bị mất trộm? Với những “vinh dự” mà ông đang dâng lên như vậy, nếu chúng nó có tri giác, thì chẳng phải ông đang đối xử tệ bạc với chúng hay sao? Nhưng nếu chúng vô tri, thì tại sao ông lại tôn thờ chúng bằng máu và mỡ của lễ vật? Ai trong các ông có thể chịu đựng được sự lăng mạ đó? Ai trong các ông có thể chấp nhận những điều này xảy ra với chính mình? Không một người nào sẵn sàng tự nguyện chịu đựng sự đối xử như vậy, bởi vì anh ta có tri giác và lý trí; còn cục đá thì sẵn sàng, bởi vì nó vô tri.

Vậy chẳng phải qua cách hành xử của mình, ông đang chứng minh cho sự vô tri giác của chúng hay sao? Và tôi có thể nói nhiều hơn nữa về việc tại sao các Kitô hữu không bị ràng buộc bởi những đấng này; nhưng nếu ngay cả những gì đã nói là không đủ, tôi e rằng tôi không cần phải nói thêm gì nữa.

III. Sự mê tín của người Do Thái

Tiếp theo, tôi đoán ông đang rất nóng lòng để nghe về vấn đề này, rằng các Kitô hữu không hề theo các nghi lễ thờ phụng của người Do Thái. Người Do Thái đã làm đúng khi họ kiêng cữ các kiểu thờ phụng kể trên, và chỉ dâng sự thành kính của họ lên đúng một Chúa duy nhất, Đấng của muôn vật. Nhưng nếu họ lại thờ phụng Ngài theo những phương thức mà ta đã bàn, thì họ hoàn toàn sai lầm. Vì nếu người Hy Lạp tự biến mình thành những kẻ mù quáng bằng việc cúng tế cho những pho tượng vô tri vô giác, thì người Do Thái nên nhận ra sự vô nghĩa trong cách họ dâng hiến lễ vật (hơn là sùng kính) khi tưởng tượng rằng Chúa cần đến chúng. Bởi vì Đấng đã dựng nên trời và đất, và muôn vật trong đó, và ban cho ta mọi điều cần thiết, nên chắc chắn Ngài không thiếu thốn những điều mà chính Ngài đã ban cho những kẻ muốn dâng hiến chúng lại cho Ngài.1 Đối với tôi, những kẻ đang vinh danh Ngài bằng máu, mỡ, và lễ thiêu, cũng không khác gì những kẻ thờ phụng những pho tượng điếc. Vì một bên thì dâng lễ vật cho những vật không thể hưởng được sự vinh danh, còn một bên thì dâng lên cho Chúa, Đấng mà không thiếu thốn điều gì.

IV. Các phong tục khác của người Do Thái

Nhưng sự cẩn trọng của họ đối với các loại thịt, sự mê tín của họ đối với ngày Sabát, sự khoe khoang của họ về hành động cắt bao quy đầu, sự giả tạo của họ về việc ăn chay và nhũng ngày trăng non—những điều lố bịch và không đáng để chú ý—tôi cho rằng ông không cần phải học thêm điều gì ở tôi. Vì đối với những vật được tạo ra bởi Chúa cho con người sử dụng, việc chấp nhận một số là hoàn hảo, nhưng lại chê những vật khác là vô dụng và thừa thãi, thì chẳng phải là một sự bất kính hay sao? Và việc biến tướng lời của Chúa, cứ như thể Ngài cấm ta làm những điều tốt đẹp vào ngày Sabát, chẳng phải là một sự báng bổ hay sao? Hơn nữa, việc tung hô chuyện cắt xén một phần thân thể như một biểu hiện của người được chọn, và tin rằng điều đó khiến họ được Chúa đặc biệt tin yêu, chẳng phải là một đề tài đáng để chế giễu hay sao? Và về việc quan sát các vì sao và mặt trăng, tuân thủ các quy định về tháng và ngày, phân biệt cách sắp đặt của Chúa và những thay đổi trong mùa màng theo ý của họ, rồi biến một số ngày thành lễ hội trong khi số khác thành thời kỳ than khóc, ai có thể coi đây là sự thờ phượng thiêng liêng chứ không phải là biểu hiện của sự điên rồ? Tôi nghĩ ông đã đủ thuyết phục được rằng các Kitô hữu đã đúng khi tránh xa khỏi sự ngớ ngẩn và sai lầm chung của người Do Thái, và cũng như sự cầu kỳ và kiêu ngạo quá mức của họ. Dẫu vậy, ông không nên hy vọng rằng mình có thể hiểu được những bí ẩn trong cách thức thờ phụng của các Kitô hữu thông qua lời giải thích của bất kỳ người phàm trần nào.

V. Cuộc sống của các Kitô Hữu

Bởi vì các Kitô hữu không khác biệt gì so với những người khác ở quốc gia, ngôn ngữ hay phong tục. Bởi vì họ không cư ngụ trong các thành phố riêng của họ, không sử dụng một ngôn ngữ khác, cũng như không theo một lối sống đặc biệt. Họ cũng không tuân theo những suy đoán hoặc thảo luận của những kẻ tò mò, và cũng không tự nhận mình là tiên phong cho những giáo lý thuần túy con người, như người khác hay làm. Họ sống ở các thành phố Hy Lạp cũng như man di, tùy theo số phận của mỗi người. Họ tuân theo phong tục của dân bản địa trong cách ăn mặc và lối sống, nhưng vẫn thể hiện được một cuộc sống độc đáo và khó tin đến lạ thường. Họ sống ở quê hương mình, mà chỉ như những người lữ khách. Họ chia sẻ trách nhiệm trong mọi việc như một người công dân, nhưng lại chịu đựng mọi điều như những người tha hương. Với họ, mọi vùng đất lạ đều như quê hương, và mọi vùng đất tổ đều chỉ như miền xa lạ. Họ vun đắp tổ ấm và sinh con như bao người, nhưng họ không bao giờ huỷ hoại những đứa con của mình. Họ ăn chung một bàn, nhưng không chung chồng chung vợ. Họ ở trong xác thịt, nhưng họ không sống theo xác thịt.2 Họ sống ở thế gian nhưng lại là công dân thiên đàng.3 Họ tuân theo pháp luật, nhưng cuộc sống của họ còn vượt lên trên cả pháp luật. Họ yêu thương tất cả mọi người, nhưng lại bị mọi người ngược đãi. Họ bị phớt lờ, nhưng lại luôn bị lên án; họ bị kết án tử nhưng lại được ban tặng sự sống.4 Họ nghèo khó, nhưng đã làm cho nhiều người giàu có.5 Họ thiếu đủ điều, nhưng lại dư giả mọi sự; họ bị xúc phạm, nhưng trong chính sự xúc phạm đó họ lại được tôn vinh. Họ bị gièm pha, nhưng lại được xưng công chính; khi bị nhục mạ, thì họ chúc phúc;6 khi bị xúc phạm, thì họ đáp lại với sự kính trọng; họ làm điều thiện, nhưng lại bị trừng phạt như những kẻ ác. Bị trừng phạt, thì họ vui mừng như thể được sống lại; họ bị người Do Thái thù hằn giống như những kẻ ngoại lai, và bị người Hy Lạp ngược đãi; nhưng những kẻ thù hận họ không tài nào biện minh được cho sự thù hận của mình.

VI. Quan hệ của các Kitô hữu với thế gian

Tóm gọn lại rằng, linh hồn với thân xác như thế nào thì các Kitô hữu là như thế đó với thế gian. Nếu như linh hồn phân tán ở khắp nơi trong thân xác, thì các Kitô hữu trú ngụ ở khắp các thành phố trong thế gian. Nếu linh hồn ngự trong thân xác, nhưng không thuộc về thân xác, thì các Kitô hữu ngự trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian.7 Nếu linh hồn vô hình được bảo vệ bởi thân xác hữu hình, thì các Kitô hữu được nhìn thấy là ở trong thế gian, nhưng sự thờ phụng của họ lại là vô hình. Thân xác thù ghét linh hồn, và chiến đấu chống lại nó,8 không phải vì sự oan trái nào, mà do nó không được thoả mãn lạc thú; thế gian cũng thù ghét các Kitô hữu, cũng không phải vì sự oan trái nào, mà do họ chối bỏ những lạc thú trần tục. Linh hồn yêu xác thịt, dẫu bị nó ghét bỏ, và yêu luôn cả các chi thể của nó; nên các Kitô hữu cũng yêu luôn cả những người ghét mình. Linh hồn bị giam cầm trong thân thể, nhưng lại gìn giữ cho chính thân thể ấy; và các Kitô hữu bị giam trong thế gian như trong tù ngục, nhưng chính họ lại là những người gìn giữ cho thế gian.9 Linh hồn bất tử ngự trong một căn lều tạm;10 và các Kitô hữu ngự giữa trần thế, tìm kiếm sự bất diệt trên thiên đàng. Linh hồn sẽ trở nên mạnh mẽ hơn khi thiếu ăn thiếu uống; và tương tự như vậy, mặc dù các Kitô hữu ngày càng bị áp bức, nhưng số lượng của họ lại ngày càng tăng. Chúa đã giao cho họ một vị trí vinh dự, và việc chối bỏ vị thế đó là điều sai lệch.

VII. Sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế

Như tôi đã nói bởi vì đây không phải là một phát minh trần thế mà họ được nhận, cũng không phải là một hệ thống tư tưởng của con người mà họ nghiệm là cần phải gìn giữ cẩn thận, cũng không phải là sự quản lý của những bí ẩn thuần tuý con người mà họ được giao phó. Nhưng chính Đức Chúa toàn năng—Đấng quyền năng, Đấng tạo hoá của muôn loài, và Đấng vô hình—đã gửi từ trên thiên đàng và gieo rắc giữa loài người Chân Lý và Ngôi Lời,11 Lời thánh thần và không thể thấu hiểu, và đã khắc ghi Ngài vào trái tim họ. Trái với những gì con người có thể tưởng tượng, Chúa không gửi xuống trần gian một người hầu, một thiên sứ, hay một lãnh chúa, hay một trong những đấng cai quản trần thế, hay một trong những đấng được giao phó sắp đặt mọi sự trên thiên đàng, mà lại chính là Đấng Tạo Hóa và Tạo Hình của muôn loài—Đấng đã dựng lên thiên đàng, Đấng đã rạch ranh giới cho biển cả, Đấng mà tất cả các nguyên tố đều tuân theo sự sắp đặt của Ngài, từ Đấng mà mặt trời nhận lấy nhiệm vụ cai quản thời gian hằng ngày, Đấng mà mặt trăng tuân theo, nhận lệnh tỏa sáng trong đêm, Đấng mà các vì sao quy phục, theo sau trăng trong quỹ đạo của nàng, bởi Đấng mà muôn vật đã được sắp đặt, được đặt vào đúng vị trí, và đều quy phục Ngài—thiên đàng và muôn vật ở trong đó, thế gian và muôn vật ở trong đó, biển cả và muôn vật ở trong đó, lửa, không khí và vực thẳm, những gì trên cao, những gì sâu thẳm, và những gì ở giữa. Chính Đấng ấy đã được Ngài phái đến với loài người. Phải chăng Chúa làm vậy, như mọi người hay nghĩ, vì Ngài muốn áp đặt bạo quyền, hoặc để gieo rắc nỗi sợ và kinh hoàng? Hoàn toàn không như vậy. Nhưng với lòng khoan dung và thiện lành, Chúa đã phái Ngài xuống. Như một đức vua phái người con trai của mình, người cũng là vua, Chúa đã phái Ngài; Chúa đã phái Ngài với tư cách là Chúa; Chúa đã phái Ngài với tư cách là người với con người; Chúa đã phái Ngài với tư cách là một Đấng Cứu Chuộc, đến để thuyết phục, không phải để cưỡng ép, vì sự tàn bạo không thuộc về bản chất của Chúa. Chúa phái Ngài để gọi ta về, không phải để thù hằn theo đuổi ta; Chúa phái Ngài để yêu thương ta, không phải để phán xét. Vì nếu Chúa phái Ngài để phán xét, thì ai sẽ có thể đứng được trước sự hiện diện của Ngài?

Tại đây văn bản bị gián đoạn

Ông không thấy sao, họ bị ném cho thú dữ để phủ nhận Chúa, nhưng vẫn không bị khuất phục?

VIII. Sự khốn khổ của nhân loại trước khi Ngôi Lời nhập thể

Có ai biết gì về Chúa trước khi Ngài giáng trần? Hay là ông chấp nhận những học thuyết sáo rỗng và ngớ ngẫn của những kẻ được coi là hiền triết?12 Ông thì nói rằng lửa là Chúa (họ gọi đó là Chúa, nơi mà chính họ sẽ tới); ông thì là nước; những ông khác thì là những nguyên tố khác, và chúng đều được tạo ra bởi Chúa. Nhưng nếu bất kỳ học thuyết nào trong số này được chấp thuận, thì tất cả những thứ còn lại trong tạo vật đều có thể được xưng là Chúa. Nhưng những lời khẳng định như vậy chỉ đơn thuần là những lời phán vô căn cứ và sai lệch của những kẻ phù phép; và không một ai có thể nhìn thấy và biết đến Chúa, nếu Ngài không mặc khải chính Ngài. Và Ngài đã tự mặc khải chính Ngài thông qua đức tin, và đó là con đường duy nhất để biết đến Chúa. Vì Chúa, Thiên Chúa và Đấng Tạo Hoá của thế gian, Đấng đã dựng nên muôn vật và sắp xếp mọi sự theo quy củ, đã chứng tỏ rằng Ngài không chỉ yêu thương con người mà còn nhẫn nhịn chịu đựng. Đúng, Ngài đã luôn như vậy, vẫn đang như vậy, và sẽ mãi như vậy: ân cần và thiện lành, không phẫn nộ, và chân chính, và là Đấng duy nhất thiện lành.13 Và Ngài đã hình thành trong tâm trí Ngài một kế hoạch vĩ đại và không thể diễn tả, điều mà Ngài chỉ truyền đạt lại cho Con của Ngài. Vì vậy, khi Chúa giữ kín và che giấu ý định huyền nhiệm của Ngài, Chúa tưởng chừng như đã bỏ quên và trở nên thờ ơ với chúng ta.14 Nhưng sau khi Ngài đã mặc khải mọi điều qua Con yêu mến của Ngài và công khai mọi sự Ngài đã chuẩn bị từ thuở ban đầu, Chúa đã ban cho chúng ta tất cả mọi ân huệ cùng một lúc—để ta có thể thấy được sự ơn ích, tầm nhìn và sự hiểu biết về những huyền nhiệm mà không một ai có thể ngờ tới.

IX. Tại sao Chúa Con lại trì hoãn sự Nhập Thể?

Khi thời kỳ cũ còn tồn tại, Chúa cho phép ta bị chi phối bởi những thôi thúc không thể kiềm hãm, bị lôi kéo bởi sự khoái lạc và những dục vọng khác nhau. Không phải vì Chúa hân hoan gì trước những lầm lỗi của chúng ta, mà chỉ đơn thuần là Ngài đang nhẫn nhịn chúng; cũng không phải là Chúa chấp thuận thời kỳ của sự bất chính trước đây, mà là Ngài đang kiến tạo một thời kỳ mới của sự công chính. Khi nhận ra chính những hành động của mình đã khiến ta bất xứng với sự sống, ta lại được vực dậy với sự sống bằng lòng nhân từ của Chúa. Và sau khi nhận ra sự bất lực của ta trong việc tự thân bước vào vương quốc của Chúa, ta lại có thể làm được dựa vào sức mạnh của Chúa. Nhưng khi tội lỗi của ta đã chất chồng, khi mà hình phạt tương xứng đã được thể hiện một cách rõ ràng: sự trừng phạt và cái chết, và khi mà thời điểm Chúa đã định sẵn cũng đã đến, thời điểm mà Ngài muốn bày tỏ lòng nhân từ và quyền năng của mình (Ôi, lòng nhân từ và tình yêu vĩ đại biết bao của Ngài!), thì Chúa không hề căm ghét chúng ta, cũng không xua đuổi ta đi, hay mang lòng thù hận. Ngược lại, Chúa chịu đựng và nhẫn nhịn, và với lòng thương xót, gánh chịu tội lỗi của ta. Chúa đã hy sinh chính Con của Ngài để cứu chuộc chúng ta, Đấng thánh thiện cho kẻ gian ác, Đấng vô tội cho kẻ có tội, Đấng công chính cho kẻ bất chính, Đấng bất diệt cho kẻ sẽ mục nát, và Đấng bất tử cho kẻ sẽ chết.

Vì còn điều gì khác có thể che đậy được tội lỗi của chúng ta ngoài sự công chính của Ngài? Bằng cách nào khác mà chúng ta, những kẻ phạm tội và trần tục, lại có thể được xưng công chính ngoài thông qua Con duy nhất của Chúa? Ôi sự trao đổi ngọt ngào! Ôi hoạt động không thể thấu hiểu! Ôi những ân huệ vượt qua hẳn mọi mong đợi, rằng tội lỗi của nhiều người được che lại trong một Đấng công chính duy nhất, và sự công chính của Ngài đã xưng công chính cho những kẻ bất chính! Do đó, bằng việc minh chứng cho ta thấy trong thời kỳ trước về sự bất lực của bản chất con người trong việc đạt lấy sự sống, và bằng sự mặc khải của một Đấng Cứu Chuộc có thể cứu chuộc được cả những điều mà trước đây không thể, Chúa muốn chúng ta vì cả hai lý do đó mà tin vào lòng lành của Ngài và coi Ngài như là Đấng Nuôi Dưỡng, Người Cha, Người Thầy, Người Cố Vấn, Bác Sĩ, Trí Tuệ, Ánh Sáng, Danh Dự, Vinh Quang, Sức Mạnh và Sự Sống, và rằng ta không nên lo lắng về cơm ăn và áo mặc.

X. Những phước lành của niềm tin

Nếu ông cũng mong muốn có được đức tin này, hãy nhận trước hết tri thức về Chúa Cha. Vì Chúa đã yêu thương con người, vì họ mà Ngài đã dựng lên cả thế giới, trao họ quyền cai quản muôn vật, ban tặng họ cả lý trí và trí tuệ, và chỉ riêng họ mới được Chúa cho phép ngước nhìn lên thiên đàng, tạo hình họ theo hình ảnh của Ngài, vì họ mà Ngài đã phái Con duy nhất của Ngài, và với họ mà Ngài đã hẹn ước một vương quốc trên thiên đàng, và sẽ trao nó cho những người yêu mến Ngài. Và khi ông đã thấu hiểu được điều này, ông nghĩ ông sẽ vui đến mức nào? Hay, liệu ông sẽ yêu Chúa như thế nào, Đấng mà đã yêu thương ông trước? Và nếu ông yêu Ngài, ông sẽ noi gương sự thiện lành của Ngài. Và đừng ngạc nhiên rằng một người có thể trở nên giống Chúa. Anh ta có thể, nếu như anh ta sẵn lòng. Bởi vì sự hạnh phúc không được tìm thấy trong việc hà hiếp láng giềng, hay tìm cách đứng trên cơ những người yếu hơn, hoặc bằng cách giàu có, và tỏ ra hung bạo với những người kém cỏi. Con người không thể trở nên giống Chúa bằng những cách thức như vậy; những điều đó hoàn toàn xa lạ với Đấng Toàn Năng. Ngược lại, người nào sẵn sàng nâng đỡ gánh nặng của người láng giềng; người nào sẵn sàng giúp đỡ những người yếu kém trong lĩnh vực mình giỏi hơn, người nào sẵn sàng phân phát cho những người thiếu thốn với những điều mình đã nhận được từ Chúa sẽ trở thành một thánh nhân đối với những người nhận từ mình; người ấy sẽ trở nên giống Chúa.15 Khi ấy, cho dù ông vẫn còn ở thế gian, ông sẽ thấy Chúa trên thiên đàng cai trị cả đất trời. Ông sẽ bắt đầu thốt ra những điều huyền nhiệm từ Chúa; và ông sẽ yêu thương và kính phục những người đang bị tra tấn vì họ không chối bỏ Chúa; và ông sẽ lên án sự giả dối và mù quáng của thế gian khi ông cảm nhận được cuộc sống thực sự trên thiên đàng, tỏ ra khinh miệt trước thứ được xem là cái chết nơi đây, và run sợ trước cái chết thực sự—cái chết được dành cho những kẻ bị kết án với ngọn lửa đời đời, ngọn lửa mà sẽ thiêu đốt những kẻ bị ném vào đó cho đến tận cùng. Và ông sẽ kính phục những người vì sự công chính mà phải chịu đựng ngọn lửa tạm thời, và ông sẽ xem họ là những người phước lành khi ông hiểu được bản chất của ngọn lửa đó.16

XI. Những điều đáng biết đáng tin

Tôi không nói những điều lạ lẫm hay phi lý; nhưng là môn đồ của các Tông Đồ, tôi đã trở thành người thầy của muôn dân, và với những điều đã truyền đạt lại cho tôi, tôi đều phụng sự lại một cách đúng đắn cho những người xứng đáng là môn đồ của chân lý. Vì có ai được truyền dạy đúng đắn và do đó yêu mến Ngôi Lời, mà lại không tìm cách học hỏi chính xác những điều Ngôi Lời đã dạy rõ ràng cho các môn đồ? Chính Ngài đã hiện ra trước mắt họ và trò chuyện công khai những điều không thể hiểu được bởi những kẻ vô đạo. Ngài đã giải thích cặn kẽ lại cho các môn đồ, những người được Ngài xem là mộ đạo, và họ đã nhận được tri thức về những điều huyền nhiệm của Chúa Cha. Chúa Cha đã phái Ngôi Lời để Ngài có thể xuất hiện trước thế gian; Đấng bị khinh miệt bởi những người được chọn, nhưng lại được rao giảng bởi các Tông Đồ và tin nhận bởi muôn dân.17 Đây là Đấng đã hiện hữu từ thuở ban đầu, Đấng hiện thân là mới, nhưng lại được thấy là cũ, và luôn được tái sinh tươi mới trong trong trái tim của các thánh.18 Đây là Đấng Hằng Hữu, nay được tuyên xưng là Chúa Con;19 nhờ Ngài, Giáo Hội trở nên giàu có, và ân sủng lan rộng và nhân rộng giữa các thánh. Ân sủng ban sự hiểu biết, tiết lộ những bí ẩn, loan báo những thời điểm, vui mừng vì các tín đồ, ban tặng cho những ai tìm kiếm Ngài,20 những người mà không phá vỡ lời hứa của đức tin, những người mà không vượt qua ranh giới mà các Giáo Phụ đã đặt ra. Khi ấy, sự kính sợ của lề luật được ca tụng, và ân sủng của các sứ giả được chứng nhận, và đức tin của các Tin Mừng được thiết lập, và truyền thống của các Sứ Đồ được duy trì, và ân sủng của Giáo Hội hân hoan. Nếu ông không làm buồn ân sủng,21 ông sẽ hiểu được những điều Ngôi Lời truyền dạy, thông qua người Ngài muốn và vào thời điểm Ngài muốn. Vì những điều mà chúng tôi đã được thúc giục thốt ra với nhiều công sức theo ý muốn của Ngôi Lời đã ra lệnh, chúng tôi muốn truyền đạt lại với ông vì lòng yêu mến những điều đã được mặc khải cho chúng tôi.

XII. Tầm quan trọng của tri thức trong đời sống đức tin

Khi ông đã đọc và lắng nghe một cách chân thành những điều đã viết, ông sẽ biết những điều Chúa dành cho người yêu Ngài một cách chân thần. Ông sẽ như một thiên đàng của sự hân hoan, và ươm trồng trong trái tim ông sẽ là một cây trĩu quả và luôn xanh tươi, được tô điểm với muôn vàn trái ngọt. Vì tại nơi đây, cả cây tri thức và cây sự sống đều được trồng; tuy nhiên, không phải cây tri thức là thứ hủy diệt—mà chính sự bất tuân mới là thứ huỷ diệt.22 Quả thật vậy, không phải không có lý do mà trong Kinh Thánh ghi lại, rằng Đức Chúa ngay từ ban đầu đã trồng một cây tri thức và một cây sự sống ngay giữa vườn địa đàng, ngụ ý rằng con đường đến với sự sống là tri thức. Và bởi vì tổ tiên chúng ta đã không sử dụng tri thức một cách đúng đắn, nên họ đã bị lột trần vì sự lừa dối của con rắn. Vì sẽ không có sự sống nếu thiếu tri thức, và cũng như không có tri thức đúng đắn nếu thiếu sự sống thật sự.23 Bởi nên vậy, cả hai cây đều được trồng gần nhau. Hiểu được sức mạnh của sự kết hợp này và quy lỗi cho tri thức khi được thực hành tách biệt khỏi các điều răn dẫn đến sự sống, Đức Tông Đồ đã tuyên bố: “Tri thức sinh ra kiêu căng, còn tình yêu thương thì gầy dựng.”24 Với kẻ nghĩ rằng hắn biết tất cả mọi thứ, mà lại thiếu tri thức chân chính được minh chứng bởi sự sống, thì hắn chẳng biết gì; hắn bị lừa dối bởi con rắn, vì hắn không yêu sự sống chân thực. Nhưng người nào đã thu nạp tri thức với lòng kính trọng và theo đuổi sự sống, thì có thể gieo trồng trong hy vọng và mong chờ quả ngọt. Hãy để trái tim ông là tri thức của ông, và để cuộc sống của ông là lời chân thật được hiểu bởi trái tim ông. Nếu ông vun trồng cái cây ấy và mang lại hoa trái, ông sẽ mãi mãi gặt hái được những điều mà Đức Chúa mong đợi, điều mà con rắn không thể nào với tới, điều mà mọi sự dối lừa đều không thể đến gần; Eva cũng sẽ không bị cám dỗ, mà được tin tưởng như một trinh nữ. Và sự cứu rỗi được xuất hiện rõ ràng, và các Tông Đồ được giải nghĩa, và Lễ Phục Sinh của Chúa tiến tới, và các dàn hợp xướng được tập hợp lại, và được sắp đặt theo thứ tự chuẩn mực, và Ngôi Lời vui mừng trong việc giảng dạy các thánh nhân—thông qua Ngài mà Chúa Cha được vinh danh: Sáng danh Ngài đến muôn đời. Amen.

Footnotes

  1. Thánh Vịnh 50:8-14; Công vụ Tông Đồ 17:24, 25

  2. II Cô-rin-tô 10:3

  3. Phi-líp-phê 3:20

  4. II Cô-rin-tô 6:9

  5. II Cô-rin-tô 6:10

  6. II Cô-rin-tô 4:12

  7. Gio-an 17:11, 14, 16

  8. I Phê-rô 2:11

  9. Trong Hộ Giáo II, chương 7, thánh Justin Tử Đạo (100-165) viết: “Việc Chúa chờ đợi và không gây ra sự hỗn loạn và huỷ diệt toàn thế giới, điều mà sẽ khiến cho tất cả các thiên thần tà ác và ác quỷ và kể cả con người sẽ không còn tồn tại, là bởi vì mầm sống của các Kitô hữu,...”. Thánh Aristides của Athens (thế kỷ 2) cũng đã viết: “Và tôi không hề nghi ngờ rằng thế giới vẫn tồn tại được là nhờ vào sự cầu nguyện của các Kitô hữu.” (Hộ Giáo, chương 16).

  10. Nguyên gốc: σκήνωμα - Lều Tạm, ngụ ý chỉ thân thể là nơi cứ ngụ của linh hồn tương tự như trong II Cô-rin-tô 5:1-4 và II Phê-rô 1:13, 14. Tham khảo trong hệ thống Strong tại đây.

  11. Từ “logos” trong văn bản có thể được dịch bằng ba cách: (a) lý trí, khả năng sử dụng lý trí (suy nghĩ và ngôn ngữ) mà Chúa đã ban cho ta—so sánh ở chương 10, “ban tặng họ cả lý trí và trí tuệ” (λόγος và νοῦς); (b) lời răn dạy, sự mặc khải về sự thật của Chúa Cứu Thế, dịch lại thành “chính Ngài đã gửi từ thiên đàng và gieo rắc giữa loài người chân lý và lời răn dạy thiêng liêng, vượt qua khỏi sự hiểu biết của con người, vào trong tim họ”; (c) Lời, sự Giáng Trần của Ngôi Lời, và dịch như trên. Nếu ta dịch theo (a) thì câu sẽ bị tối nghĩa. Bản dịch (b) thì hợp lý hơn do động từ “gieo giắc” và “khắc ghi,” và bản dịch (c) thì được ngụ ý bởi tính từ “thánh” và “không thể thấu hiểu” (incomprehensible-ἀκατάλητος, được dùng bởi thánh Gioan Chrysostom khi nói về bản chất của Chúa). Và cũng có thể rằng cả (b) và (c) không nhất thiết cần phải, hoặc không thể bị tách biệt. Trong phúc âm Gio-an, Chúa Giêsu đáp rằng Ngài là chân lý, Gio-an 14:6, đồng thời răn dạy bằng chính lời (λόγος) của Ngài, ví dụ Gio-an 4:41, 6:63, 8:51. Tác giả của lá thư này có thể có cả hai quan điểm trên, và không cố phân biệt giữa sự mặc khải và Đấng Mặc Khải.

  12. Thánh Justin Tử Đạo viết “Các ông thấy đấy, sự hỗn loạn của những kẻ mà các ông coi là hiền triết, những kẻ mà các ông cho là các bậc thầy của tôn giáo: một vài ông tuyên bố rằng nước là căn nguyên của vạn vật; những ông khác, không khí; những ông khác, lửa; và những ông khác, những nguyên tố đã được đề cập trên; và tất cả họ đều sử dụng những lập luận thuyết phục để thiết lập cho những sai lầm của chính họ...”—Thuyết giáo cho người Hy Lạp, chương 4.

  13. Từ “thiện lành” đầu tiên là chỉ đặc tính của Chúa, và vế sau ngụ ý rằng Chúa là nguồn thiện lành duy nhất, tham khảo Mát-thêu 19:17; Mác-cô 10:18; Lu-ca 18:19.

  14. Về việc Chúa giấu kín sự huyền nhiệm từ muôn đời trước, tham khảo Rô-ma 16:25; I Cô-rin-tô 2:7-10; Ga-lát 4:4,5; Ê-phê-xô 3:4-10; Cô-lô-xê 1:26,27. Về vấn đề Chúa dường như “bỏ qua” tội lỗi của con người ở thời kỳ trước, tham khảo Rô-ma 3:25; Híp-ri 9:15; và đặc biệt là Công vụ Tông Đồ 17:30. Toàn bộ đoạn văn trên đều mang ý tưởng của thánh Phaolô.

  15. Tham khảo I Gio-an 3:16,17 và 4:21. Thánh Gregogry của Nazianzus (329-390) cũng đã viết: “Hãy trở thành một đấng thần với những người không may mắn bằng việc bắt chước lòng vị tha của Chúa, bởi vì con người chẳng có việc nào giống Chúa hơn bằng việc làm điều thiện; và cho dù nếu Chúa là một đấng nhân từ trên một quy mô lớn, và con người nhỏ bé hơn, thì tôi nghĩ, mỗi người vẫn nên làm việc thiện, tận dụng hết sức lực của mình.”, trích Diễn Văn Thứ 14: Về Lòng Yêu Thương Người Nghèo Khó, đoạn 26, 27.

  16. Thánh Gioan Chrysostom (347-407) viết: “...bởi ngay cả mặt trời cũng không thể thấy rõ ràng bởi kẻ mù, thì cũng như vậy, niềm hân hoan của người tỉnh táo không thể hiểu được bởi kẻ điên. Chỉ có các tín đồ mới là người phán quyết đúng đắn về những vấn đề này, và họ không có cùng niềm vui và nỗi buồn giống như những người khác. Nếu nhìn một võ sĩ quyền anh mang trên mình đầy những vết thương và đội một vương miện, người không biết gì về cuộc thi sẽ chỉ thấy sự đau đớn của những vết thương, mà không thể hiểu được niềm hân hoan mà vương miện đó đã mang lại. Cũng như vậy, những người chỉ nhìn thấy những khó khăn của ta mà không hiểu được lý do đằng sau sẽ nghi ngờ rằng ta chẳng có gì ngoài khổ đau. Và thật vậy, họ chỉ nhìn thấy được những cuộc vật lộn và nguy hiểm, nhưng không thấy được những giải thưởng, những vương miện và mục đích cao cả của cuộc thi...”, trích Thuyết giáo 12 về II Cô-rin-tô.

  17. So sánh I Ti-mô-thê 3:16

  18. Hai từ “mới” trong câu trên là hai từ khác nhau trong văn bản gốc. Trong cụm từ “hiện thân là mới”, “mới” καινός - kainos, nghĩa là mới trong bản chất, là chưa từng được nghe thấy (được dùng trong Mác-cô 1:27; Ga-lát 6:15; và II Cô-rin-tô 5:17);còn “tái sinh tươi mới”, νέος - neos, về khía cạnh thời gian, tuổi tác, “Cũng không ai lấy rượu mới đổ vào bầu da cũ” - Mát-thêu 9:17 - chỉ rượu mới được làm; “để các cụ có thể khuyên các phụ nữ trẻ biết yêu chồng, yêu con” - Ti-tô 2:4 - chỉ trẻ trong nghĩa tuổi tác). Chúa con là kainos trong sự Nhập Thể, là sự kiện mới hoàn toàn trong bản chất, chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử. Và Ngài luôn là neos, tươi mới, trong đời sống đức tin của các tín đồ; mối quan hệ và niềm tin yêu của các tín đồ với Chúa luôn được đổi mới và tràn đầy sức sống. Trong sách Early Church Classic, câu trên được dịch là: “This is He Who was from the beginning, Who appeared as new and was found to be ancient, and is ever being born anew in the hearts of the saints.”

  19. Thánh Vịnh 2:7, được nhắc đến bởi thánh Paul ở Antioch, Công vụ Tông Đồ 13:33, và đã được thực hiện trong sự Hồi Sinh của Chúa Kitô, Rô-ma 1:4.

  20. Ân sủng ở đây có thể hiểu là Chúa Thánh Thần, thông qua các động từ chủ động “ban,” “tiết lộ,” “loan báo,” “vui mừng,” “ban tặng.”

  21. Nếu ta hiểu ân sủng là Chúa Thánh Thần, ta có thể thấy được sự tương quan trong thư của thánh Paul: “Xin anh chị em đừng làm buồn Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời” (Ê-phê-sô 4:30)

  22. Thánh Gioan Chrysostom viết: “...không phải là việc ăn trái từ cây (tri thức) khiến mắt họ mở ra: họ đã có thể nhìn thấy ngay cả trước khi ăn. Thay vào đó, hành động ăn trái từ cây này đã là dấu hiệu của sự bất tuân và vi phạm điều răn của Chúa; và do đó, với cảm giác tội lỗi, họ đã tự tước đi sự vinh hiển bao quanh mình, khiến bản thân không còn xứng đáng với sự tôn kính cao quý ấy,” trích Thuyết giáo về Sáng Thế, thuyết giáo 12

  23. Thánh Gioan Chrysostom viết: “...việc hiểu rõ ràng về giáo lý nhưng lại lơ là về cuộc sống là hoàn toàn vô nghĩa; và việc quan tâm đến cuộc sống nhưng lại lơ là giáo lý chân chính cũng không mang lại bất kỳ giá trị gì cho sự cứu rỗi. Như anh chị em đã thấy, nếu chúng ta muốn thoát khỏi địa ngục và tiến vào thiên đàng, thì ta cần phải nổi bật về cả hai khía cạnh: sự chính xác trong giáo lý và sự chú tâm vào đời sống. Thật vậy, hãy cho tôi biết, một cái cây dù vươn cao chót vót, tán lá xum xuê nhưng lại không thể ra trái thì có ích lợi gì? Tương tự như vậy, đối với các Kitô hữu, giáo lý chính xác sẽ không mang lại lợi ích gì nếu ta không chú trọng vào việc sống. Do đó, Đấng Kitô đã tuyên bố những người như vậy là được phước lành: 'phước cho ai vâng giữ những điều răn nầy và dạy người khác cùng làm theo.' (câu này được dịch sát nghĩa trong bài thuyết giáo của thánh Gioan Chrysostom, tương tự như trong Mát-thêu 5:19),” trích Thuyết giáo về Sáng Thế, thuyết giáo 12

  24. I Cô-rin-tô 8:1