Ảnh tượng bị bài trừ
và những bóng ma trong gương
Savva Tống Duệ Uyên ✢
23.11.2024 — 14 phút đọcThần Học và Biện Giải
Phong trào Tin Lành (Kháng Cách giáo) từ lâu đã đứng vững trên nền tảng bài trừ ảnh tượng (iconoclasm), một lập trường dường như rất “sạch”, “chuẩn”, và “đúng hệ”. Việc cấm các loại ảnh tượng là cách cộng đồng tôn giáo Tin Lành chứng minh họ thuần túy thờ phượng Đức Chúa Trời, không để vật thể trần gian nào chen ngang. Nhưng nếu soi lại chính mình trong chiếc gương “iconoclasm” (bài trừ ảnh tượng) mà họ dựng nên, có thể họ sẽ thấy một bóng hình lấp ló, mờ ảo – một nghịch lý kỳ quặc mà đôi khi chính họ cũng không nhận ra.
Các nhà cải cách Tin Lành như Martin Luther, John Calvin, và Ulrich Zwingli đã khởi động một phong trào thần học khá táo bạo – nhưng “không có gì mới dưới ánh mặt trời”, với chủ trương bài trừ ảnh tượng như một cách để làm “tinh sạch” đức tin. Họ tin rằng hình ảnh, dù là bức tranh hay tượng thánh, đều mang nguy cơ dẫn con người lệch khỏi mối quan hệ trực tiếp với Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn, chính sự bài trừ ấy lại tạo ra những nghịch lý – thậm chí là những biểu tượng mới vô hình nhưng có sức mạnh mê hoặc không kém gì những ảnh tượng thánh thánh thiện của Giáo hội suốt 2000 năm mà họ từng bài xích.
Lời răn thứ hai trong Mười Điều Răn vang lên như một tuyên ngôn chống lại mọi hình thức vật chất hóa của đức tin: “Ngươi chớ làm tượng chạm nào... chớ quỳ lạy trước các hình tượng ấy.” (Xuất Ai Cập XX, 4–5). Với người Tin Lành, điều này không chỉ là mệnh lệnh; nó là ngọn hải đăng dẫn đường, một vũ khí thần học tối thượng để bài xích hình ảnh trong thực hành đức tin. Nhưng có bao giờ, giữa cuộc chiến chống lại những bức tượng thánh, họ tự hỏi liệu mình đang chiến thắng, hay chỉ đang dựng lên những ảnh tượng vô hình khác mà chính họ không nhận ra? Người Tin Lành thường tự hào trước người Công giáo La Mã và cả người Chính Thống giáo chúng ta rằng niềm tin của họ không dựa trên “hình ảnh” mà chỉ đặt trên lời Kinh Thánh – nơi họ cảm nhận sự hiện diện của Đức Chúa Trời. Nhưng đây là một nghịch lý: làm sao có thể thực hành đức tin mà không dựa vào bất kỳ trung gian biểu trưng nào?
Quả thật, không ai có đủ lập luận để phủ nhận một thực tế rằng chúng ta sống trong một thế giới biểu tượng. Con người không thể trải nghiệm thực tại mà không thông qua biểu tượng, dù đó là hình ảnh, từ ngữ, hoặc nghi thức. Khi Tin Lành bài trừ ảnh tượng thánh, “đáng tiếc thay” vốn dĩ họ không phá bỏ được sự cần thiết của biểu tượng, mà chỉ thay thế nó bằng những dạng khác – nhưng họ không nhận ra, sự kiêu ngạo và lòng sốt sắng mù quáng đã làm họ mờ trí. Các nhà thờ Tin Lành không sử dụng tượng hay tranh ảnh thánh, nhưng hãy nhìn vào những vật dụng họ sử dụng hàng tuần:
-
Thánh giá trơn: Dù không có hình tượng Chúa chịu nạn, thánh giá vẫn là biểu tượng trung tâm của đức tin Tin Lành. Họ không cúi lạy trước thánh giá, nhưng chắc chắn nó mang một trọng tâm cảm xúc không khác gì ảnh tượng thánh mà họ phê phán. Thánh giá trơn gợi lên vinh quang của sự phục sinh – theo các người Tin lành thường bào , nhưng đồng thời, nó cũng mang tính chất của một ảnh tượng – một biểu tượng mà tín hữu đặt niềm tin và lòng tôn kính. Nó vẫn là biểu tượng, và vì không có hình ảnh cụ thể, nó thậm chí còn trở nên mang tính phổ quát và trừu tượng hơn, thu hút sự tôn kính rộng rãi hơn.
-
Nhà thờ và bầu khí thờ phượng: Ánh sáng mờ ảo, âm thanh vang vọng, màn hình LED chiếu hình ảnh Kinh Thánh trong các nhà thờ Tin Lành ngày nay – tất cả những điều này có khác gì cách Công giáo La Mã sử dụng thánh tượng để khơi gợi lòng sùng tín – đối thủ mà họ vẫn luôn ra sức bác khích? Một câu trích Kinh Thánh được in đậm trên tường nhà thờ có khác gì một bức tranh Madonna trong nhà thờ Công giáo La Mã hay Thánh Trướng của nhà thờ Chính Thống giáo? Lời nói cũng có khả năng trở thành “tượng đài thiêng liêng” khi được lặp đi lặp lại trong tâm trí và nghi lễ (dù giản đơn hay phức tạp).
Có lẽ người Tin Lành không quỳ lạy trước các hình tượng, nhưng họ đang “thờ phượng” một tập hợp các ý niệm trực quan thay thế. Chỉ là, thay vì mang hình ảnh cụ thể, những ý niệm này vô hình và thẩm thấu sâu hơn – như làn khói mờ lấp kín tâm trí.
Martin Luther từng nhấn mạnh Sola Scriptura – chỉ Kinh Thánh là thẩm quyền tối cao trong đức tin và thực hành. Nhưng chính trọng tâm này lại tạo ra một nghịch lý khó lường. Người Tin Lành không thờ lạy hình ảnh, nhưng họ tôn thờ Lời Chúa đến mức biến nó thành một dạng ảnh tượng bằng ngôn ngữ. Từng câu, từng chữ trong Kinh Thánh được xem như một dạng “thánh vật” bằng chữ. Chính ở đây, phong trào Tin Lành lâm vào một nghịch lý : họ không thể thoát khỏi biểu tượng, dù ở dạng vô hình hay hữu hình.
Nếu ảnh tượng hữu hình là cạm bẫy, thì liệu từ ngữ có khác gì? Người Tin Lành, trong khi khước từ hình ảnh thánh, đã thần thánh hóa “Lời Chúa” qua các ký tự đến mức chính ngôn ngữ cũng trở thành một dạng ảnh tượng.
Họ không chỉ đọc Kinh Thánh như một lời hướng dẫn; họ tôn nó lên như một “ảnh tượng bằng chữ”, nơi từng câu từng chữ mang quyền năng siêu việt. Kinh Thánh không còn chỉ là phương tiện dẫn tới Đức Chúa Trời; nó chính là tâm điểm của đức tin. Các bài thánh ca Tin Lành, đặc biệt những bài đương đại, gợi nên cảm giác gần gũi với Đức Chúa Trời, nhưng hãy hỏi: điều gì trong bài hát làm họ cảm thấy “chạm đến thiên đàng”? Giai điệu và ca từ này chẳng phải là ảnh tượng bằng âm thanh sao?
Người Tin Lành không lạy trước bức tượng, nhưng họ cúi đầu trước từng câu chữ Kinh Thánh và hòa mình vào giai điệu của thánh ca, tin rằng đó là những chiếc cầu kết nối họ với Đức Chúa Trời. Phải chăng bài trừ ảnh tượng chỉ là đổi từ vật chất sang trừu tượng?
Dù Tin Lành có từ chối ảnh tượng hữu hình, con người vẫn không thể thoát khỏi việc hình dung về Đức Chúa Trời. Khi chúng ta đọc về “Chúa giơ tay ban phước”, liệu chúng ta 100% không tưởng tượng ra hình ảnh một Đấng Quyền Năng nào sao, một chút cũng không, hay chưa từng? – Chúng ta không phải là những sinh vật có một khối óc chết!
Sự tưởng tượng này là một dạng ảnh tượng nội tại – một bức tranh được vẽ bởi tâm trí. Người Tin Lành có thể nói rằng đó chỉ là hình dung cá nhân, không mang ý nghĩa thần thiêng, nhưng họ quên rằng mọi tưởng tượng, một khi được lặp lại và gắn liền với cảm xúc đức tin, sẽ trở thành một hình tượng thiêng liêng trong tâm thức.
Nếu (theo lập luận của người Tin Lành) những bức tượng hữu hình có thể bị lạm dụng để thờ phượng sai lầm, thì những hình ảnh vô hình trong tâm trí liệu có khác gì? Thậm chí, chúng còn khó kiểm soát hơn, bởi khó có ai có thể “phá hủy” một bức tượng trong trí tưởng tượng. Để hiểu bản chất của chủ nghĩa bài trừ ảnh tượng, chúng ta cần xem lại một chút về dòng lịch sử. Phong trào này không chỉ là kết quả của sự mộ đạo thuần khiết của nhiều người trước thực trạng băng hoại suy đồi của Giáo hội Công giáo La Mã; nó còn mang tính chính trị sâu sắc hơn mà dường như những người Tin Lành của thể kỷ XXI hoàn toàn mù mờ ấp úng. Trong thời kỳ Cải cách, việc xiển dương phá hủy tượng thánh vốn là một trong những cách để phủ nhận quyền uy của Giáo hội Công giáo La Mã, vốn sử dụng hình ảnh như công cụ kiểm soát đức tin. và còn để xây dựng một bản sắc Cải cách độc lập, trong đó “sự đơn giản” của thờ phượng trở thành biểu tượng mới.
Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: liệu có thật việc loại bỏ ảnh tượng thành là một hành động giải phóng, hay nó chỉ là thay thế một hình thức quyền lực bằng một hình thức khác? Hành vi “bài trừ” vô tình tạo ra một hình ảnh mới về sự không có hình ảnh, nơi sự đơn giản trở thành một dạng tượng đài tinh thần.
Bản chất con người là sự biểu trưng hóa. Chúng ta không thể trải nghiệm bất kỳ thực tại nào mà không gán cho nó một hình ảnh hoặc ý niệm. Vì vậy, khi người Tin Lành cho rằng từ chối ảnh tượng, thì thực ra họ không thoát khỏi sự cần thiết này; họ chỉ thay đổi cách thức nó tồn tại:
-
Kinh Thánh trở thành biểu tượng tối thượng, nhưng không phải vì nội dung, mà vì tính siêu việt được gán cho nó.
-
Cộng đồng thờ phượng trở thành một dạng “tượng đài sống”, nơi hành vi tập thể thay thế cho vật thể hữu hình.
Để hiểu sâu hơn tính mâu thuẫn trong hành động bài trừ ảnh tượng của người Tin Lành, trước tiên chúng ta cần nhận diện rằng rõ ràng con người không thể tồn tại bên ngoài hệ thống biểu tượng. Biểu tượng là cách duy nhất để ta kết nối với những “thực tại siêu việt” vượt ngoài tầm hiểu biết của con người – không phải ngẫu nhiên khi nói đến từ khoá tình yêu người ta hầu hết sẽ liên tưởng hoặc vẽ hình ảnh “trái tim” chứ không phải một khúc xương. Thực tại thiêng liêng, vốn vô hình và vượt xa ngôn ngữ loài người, buộc phải được diễn đạt qua trung gian – biểu tượng.
Một loại đức tin mà không có biểu tượng sẽ giống như một bài thơ không ngôn từ – nó không thể tồn tại trong ý thức của con người. Trong mọi tôn giáo trên đời do con người tạo ra, biểu tượng không phải là “phụ kiện” mà là cốt lõi trong cách con người cảm nhận “thần linh” hay Đấng Tối Cao.
Do đó, việc phá bỏ tượng thánh, tranh ảnh hay biểu tượng vật chất trong nhà thờ Công giáo La Mã ngày xưa của đạo Tin Lành không phải là giải phóng khỏi hệ thống biểu tượng, mà chỉ là thay thế chúng bằng những biểu tượng khác – vô hình hơn, trừu tượng hơn, nhưng cũng đầy quyền năng – thậm chí còn hơn cả thứ mà họ bài xích.
Người Tin Lành thường tự hào về sự “tinh giản” của đức tin mình – không tượng thánh, không tranh ảnh, không nghi thức cầu kỳ. Nhưng sự giản lược này lại làm dấy lên một câu hỏi lớn: Sự giản lược có thực sự xóa bỏ biểu tượng không?
Thực tế là, sự giản lược ấy không loại bỏ biểu tượng mà chỉ thay đổi cách biểu tượng được thể hiện. Một nhà thờ Tin Lành với bốn bức tường trơn trụi, một bục giảng và một cây thánh giá trống không phải là không có biểu tượng. Chính sự trống rỗng ấy trở thành một biểu tượng. Giống như một bài thơ “Haiku” của Basho:
富士の風
扇にのせて
江戸土産
(Tạm dịch: Bỏ lên chiếc quạt nhỏ/ từ Phú Sĩ gửi đi ngọn gió/ một chút quà Edo)
Bạn thấy đấy – chỉ vỏn vẹn vài từ, và không gian đơn giản của nhà thờ Tin Lành mời gọi trí tưởng tượng của tín hữu. Không có tượng thánh hay tranh ảnh, tín hữu tự mình tưởng tượng hình ảnh của Đức Chúa Trời. Và chính sự trống rỗng ấy trở thành một dạng ảnh tượng vô hình.
Hãy thử so sánh nhà thờ Chính Thống giáo trang trí rực rỡ và nhà thờ Tin Lành giản dị. Nếu nhà thờ Chính Thống giáo dùng các biểu tượng vật chất để hướng lòng tín hữu lên trời, thì nhà thờ Tin Lành lại dùng không gian trống trải để nhấn mạnh mối quan hệ cá nhân, trực tiếp với Đức Chúa Trời. Nhưng trong cả hai trường hợp, biểu tượng vẫn tồn tại – một bên là hữu hình, một bên là vô hình.
Hệ thống biểu tượng của phong trào Tin Lành nếu thoạt nhìn thì có vẻ đơn giản hơn. Nhưng chính sự “đơn giản” ấy lại tạo ra một tầng ý nghĩa sâu hơn, phức tạp hơn và “nguy hiểm” hơn.
Phong trào Tin Lành biến đức tin thành một hệ thống tư tưởng, nơi các ý niệm thần học cá nhân trở thành biểu tượng chính. Chẳng hạn khái niệm “ân điển qua đức tin” (grace through faith) không phải là một vật thể, nhưng nó mang ý nghĩa tương tự như một ảnh tượng thiêng liêng trong tâm trí người Tin Lành. Sự nhấn mạnh vào cá nhân hóa mối quan hệ với Đức Chúa Trời trong phong trào Tin Lành cũng là một dạng biểu tượng trừu tượng. Nó tương tự với việc thay thế một ảnh tượng thánh vật lý bằng một ý niệm thần thánh hóa về chính bản thân mình – nơi cá nhân trở thành trung tâm của trải nghiệm thiêng liêng. Và đây là một sự biểu hiện của kiêu ngạo, tội lỗi của mọi tội lỗi.
Con người cần biểu tượng để hiểu về siêu việt, và phong trào Tin Lành dù phủ nhận ảnh tượng hữu hình, cũng không thể thoát khỏi việc tạo ra ảnh tượng vô hình.
Phong trào Tin Lành – trong cơn thịnh nộ điên cuồng bài trừ ảnh tượng thánh của mình, đã nhân danh Mười Điều Răn để đập tan những bức tượng thánh và tranh ảnh trong nhà thờ Công giáo La Mã, tự hào tuyên bố mình “tinh sạch” hơn, gần gũi với Chúa hơn. Nhưng chính trong hành động ấy, liệu họ có nhận ra rằng mình cũng chỉ là những kẻ đắp nặn lại hệ thống biểu tượng, chỉ là đổi gỗ, đá và sơn màu thành những khái niệm trừu tượng, chữ viết và tư tưởng, và vô tình cũng thần thánh hóa chính những điều đó?
Thiên Chúa đã phán rằng: “Loài người nhìn bề ngoài, nhưng Đức Chúa nhìn thấy trong lòng” (I Samuel XVI, 7). Những ai tự cho mình là người giữ luật pháp, phải chăng chính mình đã dựng lên những “ảnh tượng trong lòng” – không phải bằng bàn tay, mà bằng chính tư tưởng kiêu căng rằng mình hiểu trọn ý muốn Đức Chúa Trời chăng?
Những kẻ phá bỏ gỗ và đá nhưng lại xây dựng những ngọn tháp Babel trong tư tưởng, hãy cúi đầu mà nhìn lại. Chính việc các ngươi từ chối đối diện với biểu tượng đã làm các ngươi nô lệ cho một dạng ảnh tượng tinh vi hơn, khó thấy hơn, nhưng lại nguy hiểm hơn!