Muối Của Đất
Muối Của Đất

Kitô Giáo hay Giáo Hội
- Phần 1

Thánh Ilarion Troitsky

20.07.2024
Biểu tượng Tất Cả Các Thánh
Biểu tượng Thánh Tử đạo Ilarion Troitsky (+1929)

Thánh Tử đạo Ilarion Troitsky, Tân Thánh Tử Đạo của Nga và Người Xưng Nhận Công Chính của Giáo Hội, đã xuất sắc trình bày dựa trên Kinh Thánh và lời giảng các Giáo phụ về điều mà Đấng Kitô đến để thiết lập. Ngài đến không phải để mang lại một "Kitô giáo" cá nhân vô hình, hay đề xuất một giáo lý thuần tuý triết học, mà chính là để thiết lập Giáo Hội mà Ngài đã hứa sẽ xây dựng (xem Mt 16:18).

Vậy Giáo Hội thực chất là gì? Tồn tại hay không sự cứu rỗi bên ngoài Giáo Hội? Liệu một người có thể tự xem mình là Kitô hữu khi chỉ chấp nhận những lời dạy của Đấng Kitô nhưng lại không gia nhập vào Giáo Hội của Ngài? Thánh Ilarion sẽ giúp chúng ta trả lời những câu hỏi trên một cách đầy đủ và đầy thuyết phục.

Bản dịch được chia thành năm chương: chương I-III tập trung nhiều vào lời giải thích dựa trên Kinh Thánh và các giáo phụ. Chương IV-V là về cách nhìn nhận của Giáo Hội về những hiện tượng và phong trào tôn giáo đương thời.

Bạn đọc có thể tải toàn bộ văn bản dưới dạng PDF tại đây.


I. Lời mở đầu

Thông thường, mọi người sẽ giữ im lặng về những chủ đề mà họ không có kiến thức hoặc không hiểu. Dĩ nhiên điều này là hoàn toàn hợp lý. Hãy thử tưởng tượng một người không có kiến thức về hóa học nhưng lại liên tục can thiệp vào công việc của các nhà hóa học. Anh ta chỉnh sửa lại các công thức khoa học, vốn đã được dày công nghiên cứu, bằng việc đảo lộn trật tự hoặc thay thế chúng. Chúng ta sẽ đồng ý rằng hành động của một người như vậy là cực kỳ thiển cận và rằng anh ta đáng được thương hại.

Tuy nhiên, có một lĩnh vực mà quá nhiều người tự coi mình là bậc thầy hoàn hảo, thậm chí gần như là nhà lập pháp; đó là lĩnh vực về đức tin Kitô giáo và Giáo Hội. Trong lĩnh vực này, những công thức rõ ràng và vững chắc cũng đã được thiết lập, vốn được đúc kết qua quá trình suy luận thần học, sự hướng dẫn tâm linh, đức tin và lòng mộ đạo. Những công thức này đã được thiết lập và cần được chấp nhận dựa trên cơ sở của đức tin. Bất chấp sự thật này, rất nhiều người giải quyết các vấn đề đức tin và Giáo Hội chỉ với tư cách là những nhà cải cách táo bạo và quyết đoán, muốn thay đổi mọi thứ theo cách họ muốn. Khi gặp những vấn đề mà họ không có đủ kiến thức hoặc hiểu biết, họ lại càng không muốn giữ im lặng. Ngược lại, họ không chỉ bắt đầu nói, mà lại còn gào thét. Những tiếng gào thét về các vấn đề đức tin và Giáo Hội thường xuất hiện trên các trang báo và trong các cuộc trò chuyện thường ngày của những người mà, nhìn chung, rất hiếm khi nghĩ về đức tin và Giáo Hội. Nếu họ có nghĩ đến những chủ đề đó, họ thường thích thể hiện mình bằng một giọng điệu trịch thượng và cáo buộc.

Trong một bầu không khí như vậy, vô số những quan điểm sai lệch khác nhau đã được sinh ra và trở nên thịnh hành vì chẳng ai buồn bận tâm xem xét và kiểm chứng chúng. Khi những quan điểm ấy xuất hiện tràn lan thì ngay cả những người mà tâm hồn họ dành trọn cho đức tin và Giáo Hội đều có thể tiếp nhận chúng trong vô thức.

Một trong những ý kiến thịnh hành và “được chấp nhận” nhiều nhất là điều mà chúng ta gọi là “sự tách biệt của Kitô giáo ra khỏi Giáo Hội.” Chúng ta sẽ xem xét nó với sự giúp đỡ của Lời Chúa và bài viết của các giáo phụ.

II. Giáo Hội được thiết kế để phản ánh sự hiệp nhất hoàn hảo của Chúa Ba Ngôi

Cuộc đời của Đấng Kitô Cứu Thế mang đến cho người đọc Tin Mừng Thánh Thần nhiều khoảnh khắc thiêng liêng, lấp đầy tâm hồn với một sự cao cả đặc biệt. Nhưng có lẽ khoảnh khắc vĩ đại nhất trong cuộc đời của toàn nhân loại là khi, trong bóng tối của một đêm phương nam, dưới những vòm cây vừa xanh treo lơ lửng, qua đó thiên đàng dường như đang nhìn xuống trần gian tội lỗi với những vì sao lấp lánh, Chúa Giêsu Kitô, trong lời cầu nguyện Thượng Tế của Ngài, đã tuyên bố:

“Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho Con, để họ nên một như chúng Ta ... Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào Con, để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng Ta” (Gioan 17:11; 20-21).

Chúng ta cần chú ý đặc biệt đến những lời này của Đấng Kitô vì chúng định nghĩa rõ ràng bản chất của toàn bộ Kitô giáo. Kitô giáo không phải là một giáo lý trừu tượng được chấp nhận bởi tâm trí và được hiểu riêng lẻ tuỳ theo mỗi người. Ngược lại, Kitô giáo là một sự sống, trong đó mỗi nhân vị riêng lẻ được gắn kết với nhau đến mức mà sự hiệp nhất của họ có thể được ví như sự hiệp nhất của các Ngôi Vị trong Chúa Ba Ngôi. Đấng Kitô không chỉ cầu nguyện rằng giáo lý của Ngài sẽ được giữ gìn để có thể lan rộng ra khắp thế gian. Ngài cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả những người tin vào Ngài. Đấng Kitô cầu nguyện với Cha trên trời của Ngài cho việc thiết lập, hay nói một cách chính xác hơn là sự phục hồi, của sự hiệp nhất tự nhiên của toàn nhân loại trên trần gian. Nhân loại được tạo ra từ một cội nguồn chung và từ một nguồn gốc duy nhất (xem Công Vụ Tông Đồ 17:26).

Theo lời của Thánh Basil Cả, “Nhân loại sẽ không có sự chia cắt, hay bất hòa, hay chiến tranh nếu tội lỗi đã không chia cắt bản chất của nó”; và, “đây là điểm mấu chốt trong sự cứu rỗi của Chúa qua sự nhập thể của Ngài—để đưa bản chất con người vào sự hiệp nhất với Ngài và với Đấng Cứu Thế. Sau đó, khi đã huỷ diệt phần xấu xa, để lập lại sự hiệp nhất ban đầu như một người bác sĩ tài giỏi nhất, thông qua việc điều trị chữa lành, Ngài vá lại thân thể vốn đã bị cắt xé ra thành từng mảnh.” Giáo Hội được hình thành từ sự hiệp nhất của các cá nhân; không chỉ của các tông đồ mà còn là của tất cả những người tin vào Đấng Kitô theo những gì họ thú nhận. Không có gì ở trần gian là có thể so sánh được với cộng đồng mới của những người đã được cứu rỗi. Không có hình thức hiệp nhất nào trên thế gian có thể so sánh được với sự hiệp nhất của Giáo Hội. Sự hiệp nhất ấy chỉ có thể được tìm thấy trên thiên đàng. Trên thiên đàng, tình yêu vô song của Cha, Con và Thánh Thần hiệp nhất ba Ngôi Vị thành một Thực Thể, không phải ba Thực Thể, mà là Một Chúa sống một cuộc sống ba ngôi. Những người đã được Đấng Kitô cầu nguyện với Cha trên trời của Ngài: “để tình Cha đã yêu thương Con, ở trong họ, và Con cũng ở trong họ nữa” (Gioan 17:26) cũng được gọi đến với một tình yêu có thể hiệp nhất nhiều người lại thành một trạng thái thống nhất.

Trong những lời của Đấng Kitô vừa được nhắc đến, chân lý của Giáo Hội được đặt trong sự hiệp nhất chặt chẽ nhất với sự huyền nhiệm của Chúa Ba Ngôi Chí Thánh. Những người bước vào Giáo Hội và yêu Giáo Hội sẽ giống như ba Ngôi Vị của Chúa Ba Ngôi, tình yêu của họ sẽ hiệp nhất họ lại thành một thực thể. Giáo Hội giống như một bản chất duy nhất của nhiều nhân vị, được tạo ra từ sự khởi đầu đức hạnh của tình yêu. Đây chính xác là chủ đề trong lời cầu nguyện thiêng liêng đầu tiên của Đấng Kitô Cứu Thế được hiểu bởi rất nhiều các cha và bậc thầy lỗi lạc của Giáo Hội—Thánh Cyprian của Carthage, Thánh Basil Cả, Thánh Gregory của Nyssa, Thánh Ambrose của Milan, Thánh Hilary của Poitiers, Thánh Cyril của Alexandria, Thánh Augustine của Hippo và Thánh John Cassian. Tôi đã cho phép mình trích dẫn một số đoạn ngắn về chủ đề này trong các bài viết của các giáo phụ vĩ đại và nổi tiếng này.

Thánh Cyprian của Carthage, trong bức thư gửi Magnus, nói: “Đức Chúa, Đấng dạy chúng ta rằng sự hiệp nhất đến từ quyền năng thánh thần, đã khẳng định và nói: “Ta và Chúa Cha là một” (Gioan 10:30). Trong bài viết “Kinh Lạy Cha,” Cyprian cũng nói: “Không hài lòng khi Ngài đã chuộc tội cho chúng ta bằng huyết của Ngài, Ngài cũng đã cầu thay cho chúng ta. Khi Ngài cầu thay cho chúng ta, đây là điều Ngài mong muốn: rằng chúng ta sẽ sống trong cùng một trạng thái hiệp nhất của Cha và Con là một.”

Đây là điều Thánh Cyril của Alexandria viết: “Đấng Kitô, sau khi lấy làm gương và hình ảnh cho tình yêu thương không thể bị chia cắt, sự hòa thuận và hiệp nhất chỉ có thể hiểu được trong sự đồng thuận, sự hiệp nhất về bản thể mà Cha có với Ngài và Ngài, đến lượt Mình, có với Cha, mong muốn rằng chúng ta cũng nên hiệp nhất lại với nhau; rõ ràng như sự hiệp nhất đồng bản thể, Chúa Ba Ngôi Thánh hiệp nhất để cả thân thể của Giáo Hội được xem như một, thăng tiến trong Đấng Kitô qua sự kết hợp và hiệp nhất của hai người vào thành phần của một sự toàn thể hoàn hảo mới. Hình ảnh về sự hiệp nhất Thánh Thần và tính chất đồng bản thể của Chúa Ba Ngôi Thánh, vốn được nhập vào nhau theo một cách hoàn hảo nhất, phải được phản ánh trong sự hiệp nhất của các tín hữu, những người có chung một trái tim và tâm trí.” Thánh Cyril cũng chỉ ra “sự hiệp nhất tự nhiên mà chúng ta được ràng buộc với nhau, và tất cả chúng ta với Chúa, không thể tồn tại mà không có sự hiệp nhất của thân thể.”

Vì vậy, tất cả các công trình trên thế gian của Đấng Kitô không thể chỉ được xem như là giáo lý. Đấng Kitô không xuống thế gian để thông báo một vài đề xuất lý thuyết mới cho nhân loại. Không! Ngài đến để tạo ra một sự sống hoàn toàn mới cho nhân loại, đó chính là Giáo Hội. Chính Đấng Kitô nói rằng Ngài sẽ xây dựng Giáo Hội (xem Mát-thêu 16:18).

Cộng đồng những con người mới này, theo chính quan niệm của Đấng Tạo Hóa, hoàn toàn khác biệt với tất cả các hiệp hội khác của con người trong các xã hội khác nhau. Chính Đấng Kitô thường gọi Giáo Hội của Ngài là Vương Quốc của Chúa và nói rằng Vương Quốc này không thuộc về thế gian, nghĩa là bản chất của nó không thuộc về thế gian, không phải là tạm thời; nó không thể được so sánh với các vương quốc khác của trần gian (xem Gioan 14:27; 15:19; 17:14-16; 18:36).

Ý niệm về việc Giáo Hội là một cộng đồng mới, hoàn hảo, tách biệt với cộng đồng của tổ chức chính quyền được thể hiện sâu sắc và đẹp đẽ trong kinh kontakion của lễ Giáng Thế của Chúa Thánh Thần, khi Giáo Hội nhớ lại và cử hành sự khởi đầu của chính mình. “Khi Đấng Tối Cao xuống và làm xáo trộn các tiếng nói, Ngài đã chia cắt các dân tộc, nhưng khi Ngài phân phát những chiếc lưỡi có lửa, Ngài đã gọi tất cả về chung một sự hiệp nhất. Vì vậy, chúng ta hãy đồng thanh ca ngợi Chúa Thánh Thần Chí Thánh.” Ở đây sự hình thành của Giáo Hội được đặt trong sự đối lập với Tháp Babel và “sự xáo trộn các tiếng nói,” lúc mà Đức Chúa, Đấng Tối Cao, đã xuống, làm xáo trộn tiếng nói và chia rẽ các dân tộc.

Câu chuyện Kinh Thánh về Tháp Babel có một ý nghĩa cực kỳ sâu sắc. Ngay trước sự kiện này, Kinh Thánh kể về những thành tựu đầu tiên của con người tội lỗi trong các lĩnh vực văn hóa và xã hội. Đây là thời điểm mà con người bắt đầu xây dựng các thành phố bằng đá. Vào lúc này, Chúa đã làm xáo trộn tiếng nói của những người sống trên mặt đất để họ không còn hiểu nhau nữa và bị phân tán khắp nơi trên mặt đất (Sáng Thế 11:4, 7-8). Sự kiện “xây dựng Tháp Babel” này cho chúng ta thấy một hình mẫu tổng thể của một xã hội dân sự hoặc chính quyền, dựa trên một tiêu chuẩn pháp lý bề mặt.

Nhà triết học Nga V. S. Soloviev định nghĩa luật pháp như sau: “Luật pháp là một yêu cầu bắt buộc nhằm đạt được một mức độ tối thiểu của việc tốt hoặc trật tự, ngăn chặn những biểu hiện nhất định của điều ác.” Ngay cả khi chúng ta chấp nhận định nghĩa này về luật pháp, thì rõ ràng nó sẽ không bao giờ phù hợp với đạo đức Kitô giáo. Luật pháp chạm đến khía cạnh bề ngoài và bỏ qua bản chất của con người. Một xã hội được hình thành trên nền tảng pháp lý không bao giờ có thể đưa con người vào sự hiệp nhất. Sự hiệp nhất bị phá hủy bởi thói yêu bản thân và tính vị kỷ, vì luật pháp không loại bỏ cái tôi của mỗi người. Ngược lại, luật pháp chỉ khẳng định nó, bảo vệ nó khỏi sự xâm phạm bởi những cái tôi của người khác. Mục đích của một nhà nước dựa trên luật pháp là tạo ra, trong khả năng có thể, một trật tự mà trong đó cái tôi vị kỷ của mỗi thành viên có thể tự tìm thấy sự thỏa mãn cho bản thân mà không vi phạm đến lợi ích của người khác. Con đường duy nhất để tạo ra một trật tự như vậy chỉ có thể là đặt ra một số hạn chế đối với tính vị kỷ của từng thành viên. Ở đây, chúng ta thấy một sự mâu thuẫn không thể giải quyết được của luật pháp: nó khẳng định tính vị kỷ, nhưng lại đồng thời áp đặt hạn chế lên nó. Như vậy, một xã hội được hình thành trên cơ sở pháp lý luôn mang trong mình mầm mống của sự tự huỷ hoại, vì nó bảo vệ tính vị kỷ, thứ liên tục ăn mòn mọi sự hiệp nhất. Số phận của Tháp Babel chính là số phận của xã hội pháp lý. Trong một xã hội như vậy, “sự xáo trộn tiếng nói” thường xuyên xảy ra, khi mọi người ngừng hiểu nhau ngay cả khi họ nói chung một ngôn ngữ. Trật tự pháp lý thường nhường chỗ cho sự hỗn loạn khủng khiếp.

Xã hội của Kitô giáo—Giáo Hội—là sự tương phản trực diện với một xã hội pháp lý, thuần túy tạm thời. “Nhưng khi Ngài phân phát những chiếc lưỡi có lửa, Ngài đã gọi tất cả về chung một sự hiệp nhất.” Đấng Kitô không tạo ra Giáo Hội như một phương tiện để bảo vệ cái tôi vị kỷ của con người, mà như một phương tiện để hoàn toàn loại bỏ nó.

Cơ sở của sự hiệp nhất trong Giáo Hội không nằm ở các nguyên tắc pháp lý, vốn bảo vệ tính vị kỷ của từng cá nhân, mà là tình yêu thương, điều đối lập với tính vị kỷ của từng cá nhân. Trong cuộc trò chuyện tạm biệt, Đấng Kitô đã nói với các môn đệ của Ngài: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Gioan 13:34-35).

Chính sự “khởi đầu mới” này trong sự hiệp nhất của Giáo Hội mới có thể tạo ra được một sự hiệp nhất tự nhiên thay vì một sự hiệp nhất máy móc của những người mà nội tâm bị chia rẽ. Chính Đấng Kitô đã so sánh sự hiệp nhất của Giáo Hội với sự hiệp nhất tự nhiên của cây với các cành của nó (Rôma 11:17, 24).

Thánh Phaolô Tông Đồ đã nói rất chi tiết về sự hiệp nhất tự nhiên của Giáo Hội. Ngài cũng ví Giáo Hội như một cái cây, nhưng thường xuyên hơn, Thánh Tông Đồ Phaolô gọi Giáo Hội là “thân thể”—soma. Việc gọi Giáo Hội là “thân thể” ngay lập tức ngụ ý sự hiệp nhất của nó, vì hai thân thể không thể hiệp nhất một cách tự nhiên với nhau. Thuật ngữ này cũng chỉ ra tính đặc biệt trong sự hiệp nhất của các thành viên tham gia vào sự hợp thành của Giáo Hội. Hình ảnh của “thân thể” khi áp dụng cho Giáo Hội được Tông Đồ Phaolô miêu tả một cách đẹp đẽ. Tất cả những ai bước vào Giáo Hội đều là những bộ phận riêng lẻ, nhưng cùng nhau hợp thành một thân thể trong Đấng Kitô (Rôma 12:5; 1 Cor. 12:20). Thân thể là một, nhưng nó có nhiều bộ phận và tất cả đều là bộ phận của một thân thể; mặc dù chúng nhiều, chúng hợp thành một thân thể. Thân thể không được hợp thành từ một bộ phận, mà là từ nhiều bộ phận. Nếu cái chân nói, “Tôi không thuộc về thân thể vì tôi không phải là cánh tay,” thì nó có thực sự không thuộc về thân thể không? Và nếu tai sẽ nói, “Tôi không thuộc về thân thể vì tôi không phải là mắt,” thì sau đó nó sẽ không thuộc về thân thể nữa sao?

Chúa đã sắp xếp mỗi bộ phận của thân thể theo ý Ngài (1 Cor. 12:12; 12:16-18) cũng như chúng ta có nhiều bộ phận trong một thân thể, nhưng không phải tất cả các bộ phận đều có cùng một chức năng (Rôma 12:4). Mắt không có thể bảo tay, “Tao không cần đến mày,” cũng như đầu không thể nói điều đó với hai chân. Chúa đã cân đối thân thể dựa trên các bộ phận phụ thuộc lẫn nhau, nhưng tất cả các bộ phận đều có trách nhiệm với nhau. Vì vậy, Nếu một bộ phận nào đau, thì mọi bộ phận cùng đau; Nếu một bộ phận nào được vẻ vang, thì mọi bộ phận cũng vui chung. (1 Cor. 12:21, 24-26, 27; cf. Rôma 12:6, 9).

Nhưng làm thế nào có thể thực hiện một sự hiệp nhất như vậy với mọi người trong một cộng đồng Giáo Hội? Trạng thái tự nhiên của con người phù hợp hơn với việc tạo ra một xã hội chỉ dựa trên luật pháp, vì tội lỗi là sự tự khẳng định và thói yêu bản thân, vốn được bảo vệ bởi luật dân sự. Thật vậy, khi con người vẫn còn bảo vệ trạng thái tội lỗi của mình, thì sự hiệp nhất hoàn toàn sẽ vẫn chỉ là một giấc mơ viển vong không thể thực hiện được.

Tuy nhiên, việc này lại hoàn toàn có thể thông qua khái niệm về Giáo Hội. Đấng Kitô đã ban điều răn yêu thương nhau, nhưng điều răn đó thôi là không đủ. Như mọi đề xuất lý thuyết, nó không thể tạo ra bất cứ điều gì nếu như sức mạnh để thực hiện không được cung cấp. Nếu Kitô giáo chỉ giới hạn ở những giáo lý về tình yêu thì nó là vô dụng vì sức mạnh để thực hiện giáo lý này không có sẵn trong bản chất con người vốn đã bị bóp méo bởi tội lỗi. Lý trí thừa nhận rằng điều răn về tình yêu này là tốt, nhưng con người luôn gặp phải một luật khác trong mình, luật này chiến đấu chống lại luật của tâm trí và giam hãm con người trong luật của tội (Rôma 7:22-23). Tuy nhiên, công trình của Đấng Kitô không chỉ bị giới hạn ở các đề xuất lý thuyết, mà chính tại nơi đây, sức mạnh và ý nghĩa công trình của Ngài được bộc lộ.

Nhân loại được ban cho một sức mạnh mới và vì thế sự hiệp nhất mới của Giáo Hội trở nên khả thi với con người. Đó là một khởi đầu mới, một nguồn sống mới—Chúa Thánh Thần. Chính Đấng Kitô đã nói rằng ai không sinh ra bởi nước và Thần Khí thì không thể bước vào Vương quốc của Chúa (Gioan 3:3). Điều cần thiết là phải được “sinh ra từ Thần Khí” (Gioan 3:6, 8). Khi thánh Tông Đồ Phaolô nói về sự hiệp nhất của những người trong Giáo Hội, ông luôn nói về Chúa Thánh Thần là nguồn gốc của sự hiệp nhất này.

Đối với thánh Tông Đồ, Giáo Hội không chỉ là “một thân thể,” mà còn là “một Thần Khí duy nhất” (1 Cor. 12:11, 13; Eph. 4:3-4, 7). Ở đây chúng ta hiểu, không phải là sự đồng nhất về quan điểm hay sự hiệp nhất trong đức tin tôn giáo, như một số nhà tư tưởng phương Tây nghĩ, mà là một Thần Khí duy nhất của Chúa thâm nhập vào toàn bộ thân thể của Giáo Hội, như các thánh giáo phụ của Giáo Hội làm chứng.

Thánh Gioan Chrysostom hỏi: “Sự hiệp nhất của Thần Khí là gì?” và ông trả lời, “Cũng như linh hồn trong thân thể điều khiển tất cả và truyền đạt một sự hiệp nhất nào đó cho sự đa dạng được phát sinh ra từ các bộ phận thân thể khác nhau, thì ở đây cũng như vậy. Thần Khí cũng được ban để hiệp nhất những người khác nhau về dòng dõi và cách họ suy nghĩ.” “Với những lời này (Một Thần Khí duy nhất) thánh (Tông Đồ) muốn gieo vào họ một sự đồng thuận với nhau, như thể nói rằng: vì các anh em đã nhận chung một Thần Khí và uống chung một Nguồn thì sự bất hòa không được xảy ra giữa các anh em.”

Chân phước Theodoret nói: “Tất cả các anh em đều được coi là xứng đáng với một Thần Khí chung; các anh em hợp thành một thân thể.” Chân phước Jerome mô tả: “Một thân thể theo nghĩa là thân thể của Đấng Kitô, tức là Giáo Hội; và một Chúa Thánh Thần, một Đấng phân phát và làm thánh hóa của tất cả.” Chân phước Theophylact người Bulgaria đã viết: “Cũng như linh hồn trong thân thể là nền tảng gắn kết và hiệp nhất mọi bộ phận cho dù chúng có khác biệt đến đâu, thì Chúa Thánh Thần ngự trong các tín cũng hiệp nhất họ lại với nhau cho dù họ không cùng quê quán, tính khí và hoài bão.”

Theo lời dạy của thánh Tông Đồ, toàn bộ đời sống Giáo Hội là một biểu hiện của Thần Khí của Chúa; mỗi một biểu hiện của tình yêu, mỗi một đức hạnh là một ơn của Thần Khí. Theo lời của Tông Đồ Phêrô, con người chỉ là “quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Chúa” (1 Pet. 4:10). Thần Khí của Chúa đã, bằng quyền năng của Ngài, thâm nhập vào toàn bộ thân thể của Giáo Hội và ban cho mỗi thành viên các ơn thiêng liêng khác nhau, làm cho một sự sống mới trở nên khả thi với con người. Ngài hiệp nhất tất cả thành một thân thể, hiệp nhất bằng cách gieo vào trong trái tim con người một tình yêu thương, điều mà không thể tồn tại trong trạng thái tự nhiên của họ, không thể là nguyên tắc sống và là mối quan hệ với người khác.

Tình yêu thương là của Chúa—lời tuyên bố này của Tông Đồ Gioan có thể được coi là chủ đề chung của cả chuỗi các bài diễn thuyết của các Tông Đồ. Tình yêu được đặt danh hiệu là “của Chúa.” Tình yêu của Đấng Kitô thôi thúc các thành viên của Giáo Hội (2 Cor. 5:14). Tình yêu là hoa quả của Thần Khí (Gal. 5:22). Tình yêu của Chúa được đổ vào trái tim chúng ta nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta (Rôma 5:5). Chúa đã cứu chúng ta nhờ hành động làm mới của Thánh Thần, điều mà Ngài đổ đầy tràn xuống chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta.(Tít 3:5-6).

Vì vậy, Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội ban cho mỗi thành viên trong Giáo Hội sức mạnh để trở thành một con người mới với đời sống được dẫn dắt bởi tình yêu thương. Lời dạy của thánh Tông Đồ Phaolô về Giáo Hội là không thể tách rời khỏi lời dạy của ông về tình yêu thương như một nguyên tắc căn bản của đời sống Kitô hữu. Mối liên hệ này ít được chú ý bởi các nhà bình luận học thuật đương đại, nhưng các thánh giáo phụ của Giáo Hội đã chỉ ra điều này. Về việc các Tông Đồ so sánh Giáo Hội với thân thể, Chân phước Theodoret nói, “sự so sánh này là thích hợp trong việc giáo huấn về tình yêu thương.” Thánh Gioan Chrysostom, khi giải thích về một thân thể duy nhất, nói rằng, “Thánh Phaolô đòi hỏi trong chúng ta một tình yêu thương có thể gắn kết chúng ta lại với nhau, khiến chúng ta không thể tách rời, và có một sự hiệp nhất hoàn hảo đến mức chúng ta trở thành các chi thể của một thân thể. Chỉ có một tình yêu như vậy mới có thể tạo nên điều thiện lành vĩ đại.”

Khi đọc các thư tín của thánh Tông Đồ Phaolô, người ta có thể nhận thấy rằng ông thường nói về Giáo Hội và tình yêu thương song hành với nhau. Dĩ nhiên là vì cả hai ý tưởng này đều liên kết chặt chẽ với nhau trong chính hệ thống giáo huấn của thánh Phaolô. Toàn bộ đạo đức Kitô giáo của ông đều dựa trên lời dạy giáo lý về Giáo Hội. Do đó, trong những chương cuối thư Rôma, Thánh Phaolô nói chi tiết về đạo đức Kitô giáo. Bài diễn thuyết này bắt đầu từ câu chín của chương mười hai, và trong năm câu trước đó (4-8), thánh Phaolô ngắn gọn trình bày lời dạy về Giáo Hội như một thân thể. Trong Thư thứ nhất gửi các tín hữu Côrinthô, ngay sau lời dạy về Giáo Hội trong chương mười hai là “Bài ca đức mến” (12:31-13:13). Một điều tương tự cũng có thể được nhận thấy trong các thư gửi cho các tín hữu Êphêsô và Côlôxê.

Vậy điều gì được rút ra sau tất cả những gì đã nói? Lời dạy của Đấng Kitô không chỉ là về sự tái tạo của một người riêng biệt có đạo đức, mà còn là về sự tái tạo của một xã hội hoàn hảo, tức là Giáo Hội. Thần Khí của Chúa, sống trong Giáo Hội, ban sức mạnh để thực hiện lời dạy Kitô giáo trong đời sống. Vì lời dạy này là lời dạy về tình yêu thương nên việc thực hiện nó sẽ tạo ra một cộng đồng, bởi vì tình yêu thương là nền tảng gắn kết chứ không phải là chia rẽ.

Khi ở bên ngoài Giáo Hội và khi không có Giáo Hội, đời sống Kitô hữu là không thể. Nếu không có Giáo Hội, giáo lý Kitô giáo chỉ là một âm vang trống rỗng, vì đời sống Kitô hữu chính là đời sống Giáo Hội. Chỉ ở trong đời sống Giáo Hội, một người mới có thể sống và phát triển. Trong một thân thể sống, các thành viên riêng lẻ không bao giờ lớn mạnh hay phát triển độc lập với nhau, mà luôn luôn chỉ phát triển khi được gắn kết với toàn bộ thân thể. Điều này cũng áp dụng cho Giáo Hội. Sự phát triển của Giáo Hội đồng thời là sự phát triển của các thành viên.

Trong các sách của Kinh Tân Ước, mục đích tồn tại của Giáo Hội được mặc khải là sự hoàn thiện về mặt đạo đức của bản chất con người. Theo Thánh Phaolô, các ơn thiêng liêng và tất cả các công việc phục vụ nói chung tồn tại trong Giáo Hội để hoàn thiện các thánh nhân, có nghĩa là cho sự tái sinh về mặt đạo đức của các Kitô hữu cho đến khi tất cả chúng ta đều đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, Đấng trở thành người hoàn hảo, và cho đến khi chúng ta trưởng thành với tầm vóc viên mãn của Đấng Kitô (xem Eph. 4:13).

Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô miêu tả quá trình mà qua đó nhân loại được tái sinh và đạt đến sự trưởng thành viên mãn của Đấng Kitô. Thay vì đi sâu vào phân tích văn bản Hy Lạp của Eph 4:16, chúng ta sẽ tập trung vào việc giải thích ý nghĩa mà Thánh Phaolô muốn truyền tải. Toàn bộ thân thể của Giáo Hội được hiệp nhất trong một sự hài hòa ngày càng phát triển thông qua việc nhận thấy những ơn phong phú của Chúa Thánh Thần hoạt động một cách đặc biệt trong mỗi thành viên. Do đó, thân thể của Giáo Hội đạt đến sự hoàn thiện trong tất cả các thành viên của Giáo Hội. Sự phát triển của toàn bộ thân thể Giáo Hội phụ thuộc vào mỗi thành viên cá nhân tuân theo luật yêu thương một cách thiêng liêng. Việc nhận thấy ơn của Chúa Thánh Thần chỉ có thể làm được thông qua tình yêu thương và trong sự hiệp nhất với Giáo Hội.

Đó là cách mà những lời đã được đề cập của Thánh Phaolô được hiểu bởi Thánh Gioan Chrysostom, Chân phước Theodoret, Thánh Gioan của Damascus, và Chân phước Theophylact. Những suy nghĩ của họ đã được tổng hợp lại bởi Giám mục Theophan Ẩn Sĩ với những lời sau: “Đức tin Kitô giáo hiệp nhất các tín hữu với Đấng Kitô và từ đó hợp thành một thân thể hài hòa từ những cá nhân riêng biệt. Đấng Kitô tạo dựng nên thân thể này bằng cách ban tặng chính bản thân Ngài cho mỗi thành viên và cung cấp cho họ Thần Khí Ân Sủng một cách hữu hiệu và rõ ràng. Vì thế, Thần Khí Ân Sủng ngự xuống trên từng thành viên và biến họ trở thành người mà họ nên là trong thân thể của Giáo Hội Đấng Kitô. Thân thể của Đấng Kitô được kết hợp hài hòa thông qua ơn của Thần Khí, tự xây dựng bản thân tùy theo mức độ mỗi thành viên chu toàn bổn phận hoặc hành động vì lợi ích của Giáo Hội trong sự trọn vẹn của ân sủng đã nhận.”

Từ lời dạy của thánh Tông Đồ Phaolô và cách giải thích của các giáo phụ được trích dẫn trên, điều rõ ràng là theo Tân Ước, sự hoàn thiện của con người phụ thuộc vào việc họ có thuộc về Giáo Hội như một thực thể sống, phát triển thông qua những ảnh hưởng tích cực và phong phú của Chúa Thánh Thần. Nếu mối dây liên kết với thân thể của Giáo Hội bị cắt đứt thì con người sẽ bị cô lập và giam hãm trong cái tôi vị kỷ của mình, và họ sẽ bị tước mất sự ảnh hưởng tích cực và phong phú của Chúa Thánh Thần, Đấng ngự trong Giáo Hội.

“Trong thực tế, nếu như bàn tay bị cắt rời khỏi thân thể thì linh hồn từ não bộ, sau khi đã tìm kiếm sự tiếp nối và không thấy nó tại đó, cũng sẽ không tách rời khỏi thân thể và chuyển qua bàn tay bị cắt đứt. Nếu bàn tay không ở đó, nó sẽ không còn nhận bất kỳ sự liên lạc nào nữa. Điều tương tự cũng xảy ra ở đây nếu chúng ta không còn được gắn kết với nhau bằng tình yêu thương.” “Tất cả những gì đã tách khỏi nguồn sống, khi đã mất đi bản chất cứu rỗi, sẽ không thể sống và thở với một sự sống riêng biệt.” “Giống như tia nắng tách khỏi mặt trời—sự hiệp nhất của nó sẽ không cho phép nó tồn tại như một ánh sáng riêng biệt: bẻ một nhánh cây ra khỏi thân cây—phần bị bẻ sẽ mất đi khả năng phát triển; tách một dòng suối ra khỏi nguồn—phần tách ra sẽ bị khô cạn. Tương tự như vậy, Giáo Hội, được chiếu sáng bởi ánh sáng của Chúa, lan tỏa tia nắng của mình ra khắp thế gian; nhưng ánh sáng lan tỏa khắp nơi vẫn là một, và sự hiệp nhất của thân thể vẫn không bị chia rẽ. Giáo Hội dang rộng cành cây của mình, nặng trĩu trái quả, ra khắp mặt đất; dòng suối dồi dào của Giáo Hội chảy xa; và vẫn luôn như vậy, Người đứng đầu vẫn là Một. Một khởi đầu, một người mẹ, với muôn vàn hoa trái chín mọng.”

Trong những lời văn sống động và thi vị này, ý niệm được truyền đạt rõ ràng rằng một cá nhân riêng lẻ hoặc thậm chí một cộng đồng Kitô hữu riêng biệt chỉ thực sự sống khi và chỉ khi nó sống cuộc đời của Đấng Kitô, và khi nó được hiệp nhất với Giáo Hội Toàn Thể. Khi đứng riêng lẻ hoặc bị giam cầm trong chính bản thân mình, một cá nhân hoặc thậm chí một giáo hội địa phương sẽ bị đặt vào cùng một vị trí như một tia nắng bị tách khỏi mặt trời, một dòng suối tách nguồn, hoặc một nhánh cây rời khỏi thân. Đời sống tâm linh chỉ có thể tồn tại trong sự hiệp nhất tự nhiên với Giáo Hội Toàn Thể; nếu sự hiệp nhất này bị phá vỡ, thì đời sống Kitô hữu sẽ bị khô cạn.

Chúng tôi hy vọng rằng điều này đã được làm rõ đủ rằng khái niệm về Giáo Hội có một ý nghĩa quan trọng trong lời dạy của Tân Ước.

Kitô giáo không đặt nặng việc giải thích mọi thứ bằng lý trí; mà chỉ chú trọng đến những điều hữu ích cho sự cứu rỗi của con người. Vì vậy, trong Kitô giáo, không có các tín điều nào là thuần tuý lý thuyết. Các tín điều đều mang ý nghĩa đạo đức, và đạo đức Kitô giáo được xây dựng dựa trên nền tảng tín điều. Khái niệm về Giáo hội bao hàm điều này: Giáo Hội là điểm mà tín điều trở thành lời dạy đạo đức và tín điều Kitô giáo trở thành đời sống Kitô hữu. Hiểu được điều này, Giáo Hội mang lại sự sống và chu cấp cho việc thực hành giáo lý Kitô giáo. Không có Giáo Hội thì sẽ không có Kitô giáo, mà chỉ là giáo lý Kitô giáo, vốn tự nó không thể “tái tạo lại Adam sa ngã.”

Nếu bây giờ chúng ta chuyển từ giáo lý về Giáo Hội, vốn được mặc khải trong Kinh Tân Ước, sang các sự kiện trong lịch sử Kitô giáo, chúng ta sẽ thấy rằng đây chính xác là khái niệm căn bản của Kitô giáo, điều mà đã hình thành nên Giáo Hội. Trước tất cả mọi điều, các Kitô hữu đã ý thức được rằng mình là thành viên của Giáo Hội. Cộng đồng Kitô hữu tự gọi mình là “Giáo Hội” hơn là tất cả các tên gọi khác. Từ “Giáo Hội” (ekklisia) xuất hiện một trăm mười lần trong Kinh Tân Ước, trong khi các từ như ”Kitô giáo” và các từ tương tự hoàn toàn không được biết đến trong Kinh Tân Ước. Sau khi Chúa Thánh Thần ngự lên các môn đệ và tông đồ của Đấng Kitô, Giáo Hội ra đời như một cộng đồng hữu hình với một sự kết nối tâm linh giữa các thành viên.

Tại thời điểm ban đầu, không có một hệ thống giáo lý toàn diện. Đức tin của Đấng Kitô được thiết lập dựa trên một vài tín điều tổng quát. Không có gì phải học trong Kitô giáo và sự thống nhất chung hiếm khi được kêu gọi trong bất kỳ mệnh đề trừu tượng nào. Vậy trở thành một Kitô hữu vào thời điểm đó có nghĩa là gì?

Trong thời đại của chúng ta, chúng ta nghe nhiều câu trả lời khác nhau như: “Trở thành một Kitô hữu có nghĩa là nhận ra lời dạy của Đấng Kitô, cố gắng thực hiện các điều răn của Ngài.” Điều này, tất nhiên, là câu trả lời tốt nhất trong số các câu trả lời như vậy. Tuy nhiên, các Kitô hữu thuở sơ khai trả lời câu hỏi này một cách hoàn toàn khác. Từ những trang đầu tiên của lịch sử, Kitô giáo xuất hiện trước chúng ta dưới hình thức một cộng đồng hài hòa và đồng nhất. Bên ngoài cộng đồng này là không có các Kitô hữu khác. Tin vào Đấng Kitô, trở thành một Kitô hữu—điều này có nghĩa là hiệp nhất với Giáo Hội. Điều này được bày tỏ nhiều lần trong sách Công Vụ Tông Đồ, nơi chúng ta đọc rằng Chúa hàng ngày thêm những người được cứu độ vào Giáo Hội (xem Công vụ 2:47; 5:13-14). Mỗi một tín đồ mới giống như một nhánh được ghép vào cây sự sống của Giáo Hội.

Đây là một ví dụ cụ thể hơn, minh họa chính xác sự gia nhập vào Giáo Hội. Ông Saolô, kẻ bắt bớ các tín đồ Chúa trước đây, người vốn hừng hực lửa thù hận và toan tính giết hại các môn đồ của Chúa, trải qua một cuộc hoán cải kỳ diệu trên đường đến Đamát, và trở thành một môn đồ của Đấng Kitô. Trước mắt chúng ta là một sự mặc khải đặc biệt của Chúa dành cho con người. Ở Đamát, Chúa gửi Khanania để làm phép rửa cho Saolô. Saolô sau đó đi đến Giêrusalem để gia nhập với các môn đệ ở đó. Sau khi ông Banana thông báo cho các Tông Đồ về ông, “ông đã ở như một trong số họ.” Vì vậy, ngay cả vị Tông Đồ vĩ đại trong tương lai, được Chúa gọi là một lợi khí được chọn trong thị kiến của Khanania (Công Vụ Tông Đồ 9:15), ngay sau khi cải đạo đã hiệp nhất với Giáo Hội, một cộng đồng hữu hình. Đây là bằng chứng rõ ràng rằng Chúa không muốn biết các tôi tớ của Ngài bên ngoài Giáo Hội.

Rất dễ hiểu tại sao Thánh Tông Đồ Phaolô lại nói về Giáo Hội một cách kiên định như vậy trong các thư tín của ông: ông không tạo ra một lời dạy về Giáo Hội, vì trong sự cải đạo của mình, Phaolô biết chính xác về Giáo Hội này và không phải điều gì khác, vì ông đã gợi nhớ lại sau đó: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Giáo Hội của Chúa” (Gal. 1:13). Saolô không bắt bớ những người theo một lời dạy nào đó, mà cụ thể là Giáo Hội, như một giá trị đã được xác định, có thể nhận thấy được bởi ngay cả “người ngoài.”

Theo lời chứng của người biên soạn sách Công Vụ Tông Đồ, cộng đồng Kitô giáo đầu tiên gần như là hiện thực hoàn chỉnh của khái niệm về Giáo Hội. Chúng ta đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ rằng các tín hữu “một lòng một ý” (Công Vụ Tông Đồ 4:32). Đáng chú ý rằng, vào thế kỷ thứ tư, khi tín điều về Chúa Ba Ngôi đang được giải thích, một số các thánh giáo phụ đã sử dụng hình ảnh của các Kitô hữu thời sơ khai để mô tả sự hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi.

Sự phân định rõ ràng của cộng đồng Kitô giáo đầu tiên được minh chứng một cách tuyệt đẹp trong một câu từ sách Công Vụ mà dường như đã bị bỏ qua: “Không một ai khác dám nhập đoàn với họ. Nhưng dân thì lại ca tụng họ.” (Công Vụ Tông Đồ 5:13).

Như vậy, một mặt, việc cải đạo sang Kitô giáo được hiểu là sự hiệp nhất với Giáo Hội, mặt khác, “không ai trong số những người không thuộc về họ dám nhập đoàn với họ.” Điều này rõ ràng rằng ngay từ thời điểm ban đầu, khi các môn đệ trực tiếp của Đấng Kitô còn sống, Kitô giáo đã là một xã hội hữu hình—Giáo Hội, bởi vì khi đó Kitô giáo không phải là lý thuyết, mà chính là sự sống.

Vâng, trong những thế kỷ đầu tiên, Giáo Hội đã đối lập với khái niệm trường phái. “Trường phái” gần như là một từ nguyền rủa đối với các Kitô hữu thời sơ khai. “Trường phái” là tên gọi của các cộng đồng dị giáo đã tách ra khỏi Giáo Hội, như có thể thấy từ các tác phẩm của Thánh Irenaeus của Lyon và Hippolytus của Rome. Sử dụng tên gọi này, họ nhấn mạnh quan điểm của họ rằng bên ngoài Giáo Hội không hề có đời sống Kitô hữu, mà chỉ có chỗ cho trường phái của chủ nghĩa duy lý, cho triết học kinh viện.

Chúng ta thậm chí có thể đưa ra bằng chứng bên ngoài Giáo Hội. Ai cũng biết rằng những người Kháng Cách đã xuyên tạc ý tưởng về Giáo Hội, rao giảng một giáo lý nào đó về một Giáo Hội “vô hình”. Giáo lý này mơ hồ, tối nghĩa và không rõ ràng đến mức một nhà thần học Lutheran, trong một báo cáo chính thức tại Diet tại Speyer vào năm 1875, đã tuyên bố: “Giáo lý Kháng Cách của chúng ta về Giáo Hội vẫn còn quá mơ hồ và không nhất quán, đến mức nó có thể được gọi là gót chân Achilles của Phong Trào Kháng Cách.” Tuy nhiên, những người Kháng Cách thường cố gắng gán giáo lý về Giáo Hội của họ cho Kitô giáo thời kỳ đầu tiên. Một số học giả Kháng Cách kiên quyết tuyên bố rằng nền tảng của Giáo Hội hữu hình trái ngược với Tin Mừng của Kitô giáo và đã xuyên tạc nó. Đó là quan điểm của Rudolf Sohm.

Tuy nhiên, gần đây, ngay cả trong các nghiên cứu Kháng Cách, không còn những tuyên bố quyết đoán như vậy về Giáo Hội của những thế kỷ đầu tiên. Học thuật xa lạ với Giáo Hội cũng dần nhận ra sự thật rằng Giáo Hội và Kitô giáo là những khái niệm đồng nhất và hoàn toàn không thể tách rời nhau ngay từ thuở ban đầu.

Cuối cùng, chúng ta sẽ bỏ lỡ một điểm quan trọng nếu không trích dẫn vài nhận định của các tác giả thời xưa của Giáo Hội về vấn đề này. Chúng ta sẽ dừng lại ở quan điểm của chỉ hai tác giả đã lao động nhiều trong sự hiểu biết của tín điều về Giáo Hội—Thánh Cyprian và Chân phước Augustine.

Theo lời của Thánh Cyprian, trở thành Kitô hữu nghĩa là thuộc về Giáo Hội hữu hình và tuân phục hệ thống cấp bậc mà Chúa đã sắp đặt trong đó. Giáo Hội là sự hiện thực hóa tình yêu thương của Đấng Kitô và bất kỳ sự tách rời nào khỏi Giáo Hội đều là điều xúc phạm đến tình yêu này, trong đó cả những kẻ dị giáo và ly giáo đều mắc tội như nhau. Đây là khái niệm cơ bản của bài luận thuyết “Về Sự Hiệp Nhất của Giáo Hội Công Giáo” của ông.

Ý niệm này cũng được lặp lại liên tục trong các lá thư của cùng một thánh giáo phụ. “Đấng Kitô đã ban cho chúng ta hòa bình; Ngài truyền lệnh cho chúng ta phải hòa thuận và đồng lòng; Ngài truyền lệnh rằng chúng ta phải gìn giữ, một cách bất khả xâm phạm và vững chắc, mối liên kết tình cảm và tình yêu. Ai xúc phạm đến tình yêu của Đấng Kitô bằng sự bất đồng thiếu lòng tin sẽ không còn thuộc về Đấng Kitô nữa: người nào không sở hữu tình yêu thương này cũng sẽ không sở hữu Chúa. Những ai không muốn đồng lòng trong Giáo Hội của Chúa không thể ở lại với Chúa.”

Những kẻ dị giáo và ly giáo không hề có tình yêu thương này, vốn là đức tính căn bản của Kitô giáo, và do đó, họ chỉ là Kitô hữu trên danh nghĩa. “Những kẻ dị giáo và ly giáo không giữ được sự hiệp nhất của Giáo Hội cũng như tình anh em.” “Họ hành động chống lại tình yêu của Đấng Kitô.” “Marcian, người đã gia nhập với Novatian, đã trở thành kẻ thù của lòng bác ái và tình yêu.” “Người ta biết rằng những kẻ dị giáo đã chệch hướng ra khỏi tình yêu và sự hiệp nhất của Giáo Hội Toàn Thể.” “Sự hiệp nhất nào được duy trì, tình yêu nào được giữ gìn hay tình yêu nào được mơ ước bởi một kẻ buông mình theo những cơn bất đồng, chia rẽ Giáo Hội, hủy hoại đức tin, gây rối loạn sự bình an, xóa bỏ tình yêu thương và xúc phạm đến các nhiệm tích?”

Thánh Cyprian thậm chí còn bày tỏ tư tưởng dứt khoát rằng, không chỉ không thể có đời sống Kitô hữu bên ngoài Giáo Hội, mà cũng không thể có giáo lý Kitô giáo nữa. Đức tin thuần khiết chỉ tồn tại trong Giáo Hội. Thánh Cyprian còn gọi Giáo Hội bằng tên “Sự Thật” và dạy rằng sự hiệp nhất của đức tin không thể tách rời khỏi sự hiệp nhất của Giáo Hội, vì sự thật là một cũng như Giáo Hội là một.

Ai không gắn bó với sự hiệp nhất của Giáo Hội không thể nghĩ rằng mình đang giữ gìn đức tin. Bất kỳ sự tách rời nào ra khỏi Giáo Hội đều chắc chắn liên quan đến sự bóp méo của đức tin. “Kẻ thù đã bày ra các dị giáo và ly giáo để lật đổ đức tin, bóp méo sự thật, và phá vỡ sự hiệp nhất. Các tôi tớ của hắn tuyên bố sự phản bội dưới vỏ bọc đức tin, rao giảng kẻ phản Kitô dưới danh nghĩa Đấng Kitô, và che giấu sự dối trá bằng sự công chính giả tạo, âm thầm và xảo quyệt phá hoại sự thật.”

“Cũng như quỷ Satan không phải là Đấng Kitô cho dù hắn lừa dối dưới danh nghĩa của Ngài, một người không thể là Kitô hữu nếu anh ta không tuân thủ sự thật trong Tin Mừng và đức tin của Ngài.” “Một kẻ dị giáo làm chia rẽ Giáo Hội và huỷ hoại đức tin ... hắn tự mình chống lại Giáo Hội. Về đức tin, hắn là kẻ phản bội; về lòng mộ đạo, hắn là kẻ ô uế, một tôi tớ ngang bướng, một đứa con bất trị, một người anh em thù địch.”

Nếu chúng ta xem xét đức tin của những tín hữu bên ngoài Giáo Hội, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả các kẻ dị giáo đều có một đức tin hoàn toàn khác biệt; thực tế là họ chỉ có một sự cuồng tín hoang dại, sự báng bổ và một sự suy đồi đấu tranh chống lại sự thánh khiết và sự thật.” Theo Thánh Cyprian, việc ở ngoài Giáo Hội nhưng vẫn là Kitô hữu là điều không thể, vì đứng ngoài Giáo Hội là đứng ngoài trại của Đấng Kitô.

Những người tự tách ra khỏi Giáo Hội và những người chống lại Giáo Hội là những kẻ phản Kitô và là ngoại đạo. Ví dụ, đây là những gì Thánh Cyprian viết cho Antonius về Novatian: “Anh đã mong muốn, người anh em yêu mến nhất, rằng tôi viết cho anh về Novatian, về dị giáo mà hắn đã đề xuất. Trước hết, hãy biết rằng, chúng ta không nên tò mò về những gì hắn giảng dạy khi hắn đang giảng dạy bên ngoài Giáo Hội.” “Dù hắn là ai hay là gì, hắn không phải là Kitô hữu ngay khi hắn không ở trong Giáo Hội của Đấng Kitô.” “Làm sao ai có thể ở cùng với Đấng Kitô nếu người đó không ngự trong Hiền Thê của Đấng Kitô, nếu người đó không được tìm thấy trong Giáo Hội của Ngài?”

Cuối cùng, trong bài luận thuyết “Về sự Hiệp nhất của Giáo Hội Công giáo,” chúng ta thấy những lời nổi tiếng, “Ai không xem Giáo Hội là mẹ thì không thể có Chúa là Cha.” Thánh Cyprian hoàn toàn từ chối danh xưng “Kitô hữu” cho tất cả những ai đứng ngoài Giáo Hội, như thể lặp lại lời tuyên bố quyết liệt của thầy mình là Tertullian: “haeretici christiani esse non possunt!”—những kẻ dị giáo không thể là Kitô hữu!

Do đó, chúng ta có thể hiểu yêu cầu của Thánh Cyprian rằng ngay cả những người Novatians, chỉ là những kẻ ly giáo, cũng phải được tái tẩy rửa khi được tiếp nhận vào Giáo Hội. Đối với Thánh Cyprian, phép tẩy rửa cho những kẻ ly giáo khi được tiếp nhận vào Giáo Hội không phải là phép tái tẩy rửa, mà chính xác là phép tẩy rửa. “Chúng tôi khẳng định,” ông viết cho Quintus, “rằng chúng tôi không tái tẩy rửa những người đến từ đó, mà là tẩy rửa; vì họ không nhận được gì ở nơi không có gì.” Ông thêm rằng phép tẩy rửa ngoài Giáo Hội chỉ là “một sự dầm mình trống rỗng và không trong sạch.” “Ở đó, người ta không được tẩy sạch, mà chỉ bị làm ô uế thêm; tội lỗi không được tẩy xóa, mà chỉ nhân đôi thêm. Một sự ra đời như vậy chỉ đưa con cái đến với ma quỷ chứ không phải với Chúa.”

Niềm tin chắc chắn của Thánh Cyprian về sự vô hiệu của bất kỳ lễ tẩy rửa nào bên ngoài Giáo Hội, và về sự cần thiết phải thực hiện lễ tẩy rửa lại cho những người cải đạo vào Giáo Hội, đã được xác nhận bởi một công đồng địa phương của Giáo Hội tổ chức tại Carthage vào năm 256 A.D. với chính Thánh Cyprian chủ trì. Trong bài phát biểu kết thúc, để tổng kết các quyết định của công đồng, Thánh Cyprian nói: “Những kẻ dị giáo phải được tẩy rửa bởi một phép tẩy rửa chỉ của Giáo Hội để họ có thể chuyển từ kẻ thù thành bạn và từ kẻ phản Kitô thành Kitô hữu.”

Những quan điểm trên của Thánh Cyprian, điều mà rõ ràng toàn bộ Công Đồng Carthagenian đều đồng thuận vào thế kỷ thứ ba, chứng tỏ một cách rõ ràng và sâu sắc rằng Giáo Hội hoàn toàn hiệp nhất với Kitô giáo và ngược lại.

Không phải tất cả các quan điểm của Thánh Cyprian đều được Giáo Hội hoàn toàn chấp nhận. Đặc biệt, lời dạy của ông về sự cần thiết phải tái tẩy rửa ngay cả những kẻ ly giáo khi họ cải đạo về Giáo Hội đã được điều chỉnh. Về điểm này, quan điểm của Chân phước Augustine có phần khác biệt, mặc dù quan điểm của ông về mối quan hệ giữa Kitô giáo và Giáo Hội vẫn hoàn toàn giống nhau.

Chân phước Augustine cho rằng giáo lý Kitô giáo, cho dù được hiểu một cách lý thuyết, vẫn có thể được gìn giữ bên ngoài Giáo Hội. Sự thật vẫn là sự thật ngay cả khi kẻ ác diễn đạt nó. Vì ngay cả quỷ dữ cũng thú nhận Đấng Kitô cũng như Tông đồ Phêrô đã làm. Vàng chắc chắn là tốt và vẫn là vàng ngay cả khi bị một tên trộm cướp đi, mặc dù nó sẽ phục vụ cho những mục đích khác nhau đối với kẻ trộm. Đấng Kitô từng nói với các môn đồ rằng, “ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Luca 9:50). Từ điều này, người ta kết luận rằng người đứng ngoài Giáo Hội về một số mặt không chống lại Giáo Hội và có một phần tài sản của Giáo Hội. Tuy nhiên, người Athens “kính thần vô danh” (Công vụ 17:23) và Tông đồ Giacôbê đã làm chứng rằng ngay cả các quỷ dữ cũng tin (Giacôbê 2:19), và tất nhiên, những người đó và ma quỷ đều đứng ngoài Giáo Hội. Trong các bài viết của ông chống lại những người Donatist, Chân phước Augustine lập luận chi tiết về sự hợp lệ của phép tẩy rửa của kẻ ly giáo. Tuy nhiên, nếu có thể bảo tồn giáo lý đúng đắn bên ngoài Giáo Hội và nếu ngay cả các nhiệm tích thực hiện tách biệt khỏi Giáo Hội cũng hợp lệ, thì liệu Giáo Hội có thực sự cần thiết không? Liệu sự cứu rỗi có thực sự không thể xảy ra bên ngoài Giáo Hội? Chẳng lẽ Chân phước Augustine không phân biệt giữa Kitô giáo và Giáo Hội? Tất cả những câu hỏi này đều nhận được câu trả lời phủ định trong giáo huấn của Chân phước Augustine. Ông cho rằng đời sống Kitô giáo, vốn là con đường đến sự cứu rỗi, chỉ thuộc về Giáo Hội. Ngoài Giáo Hội, đời sống này không thể tồn tại.

Tất cả các tài sản của Giáo Hội mà những người đã tách khỏi Giáo Hội sở hữu đều không hề mang lại cho họ lợi ích gì, mà chỉ có tác hại. Tại sao lại như vậy? Vì, Chân phước Augustine trả lời, tất cả những ai đã tách khỏi Giáo Hội đều không sở hữu tình yêu. Đấng Kitô đã ban cho một dấu hiệu để nhận ra các môn đệ của Ngài. Dấu hiệu này không phải là giáo lý Kitô giáo, thậm chí không phải là các nhiệm tích, mà chỉ là tình yêu. Vì vậy, Ngài nói với các môn đồ của mình, “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Gioan 13:35). Các Nhiệm Tích sẽ không thể cứu rỗi nếu người nhận chúng không có tình yêu. Thánh Tông Đồ nói: “Nếu tôi biết tất cả các điều huyền nhiệm (nhiệm tích) mà không có tình yêu, tôi chẳng là gì.” Ngay cả Caiaphas cũng đã tiên tri, nhưng hắn bị lên án. Hành động tách khỏi Giáo Hội tự nó là tội lớn nhất, chứng tỏ rằng những kẻ ly giáo không hề có tình yêu. Người nào được tái sinh trong phép tẩy rửa, nhưng lại không hiệp nhất với Giáo Hội, sẽ không nhận được ơn ích gì từ phép tẩy rửa vì người đó không có tình yêu; phép tẩy rửa chỉ có lợi khi anh ta hiệp nhất với Giáo Hội. Ân sủng của phép tẩy rửa không thể tẩy sạch tội lỗi của người không thuộc về Giáo Hội; hành động của phép tẩy rửa như bị tê liệt bởi sự cứng đầu của trái tim ly giáo trong sự tà độc của ly giáo. Vì người nhận phép tẩy rửa bên ngoài Giáo Hội bộc lộ sự tội lỗi và thiếu vắng tình yêu ngay sau khi được tẩy rửa bằng cách bước vào bóng tối của ly giáo, các tội lỗi sẽ mau chóng quay lại với người đó. Việc các tội lỗi đã được tha thứ quay trở lại khi không có tình yêu huynh đệ được Chúa chỉ rõ khi Ngài nói về người đầy tớ khi được tôn chủ tha cho mười ngàn yến vàng. Khi người đầy tớ này không thương xót người đồng bạn nợ hẵn chỉ có một trăm quan tiền, tôn chủ đòi lại tất cả những gì đã được tha. Cũng giống như người đầy tớ đã nhận được sự tha thứ tạm thời, người được tẩy rửa bên ngoài Giáo Hội cũng sẽ được giải thoát khỏi tội lỗi của mình tạm thời. Tuy nhiên, vì anh ta vẫn ở ngoài Giáo Hội ngay cả sau khi nhận phép tẩy rửa, tất cả các tội lỗi mà anh đã phạm trước khi tẩy rửa sẽ quay trở lại với anh ấy một lần nữa. Tội lỗi của anh ta chỉ được tha thứ khi anh, thông qua tình yêu thương, hiệp nhất với Giáo Hội.

Những kẻ ly giáo bị tước đoạt hy vọng cứu rỗi không chỉ vì phép tẩy rửa của họ không hợp lệ, mà còn vì họ ở ngoài Giáo Hội và trong sự thù địch với Giáo Hội. Ân sủng của Chúa Thánh Thần chỉ có thể được nhận và bảo tồn bởi những người đã được hiệp nhất trong tình yêu với Giáo Hội. Người đã tách khỏi Giáo Hội sẽ không có tình yêu. Ai không yêu sự hiệp nhất của Giáo Hội thì sẽ không có tình yêu của Chúa, thật là vô ích khi người ấy tuyên bố rằng anh ta có tình yêu của Đấng Kitô. Tình yêu chỉ có thể được bảo tồn khi có sự hiệp nhất với Giáo Hội, bởi vì Chúa Thánh Thần chỉ làm cho thân thể của Giáo Hội được hồi sinh. Không có lý do nào là hợp pháp và đủ để có thể tách khỏi Giáo Hội; người nào tách khỏi Giáo Hội sẽ không có Thần Khí, cũng như một chi thể bị cắt rời khỏi thân thể sẽ không có linh hồn sự sống, mặc dù nó vẫn giữ được hình hài cũ trong một khoảng thời gian. Do đó, tất cả những ai tách khỏi Giáo Hội đều chống lại Giáo Hội, họ không thể là người tốt; mặc dù hành động của họ có vẻ đáng khen ngợi—chính sự tách ra khỏi Giáo Hội làm cho họ trở nên xấu xa.

Do đó, theo giáo lý của Chân phước Augustine, Giáo Hội là một khái niệm hẹp hơn Kitô giáo, vốn chỉ được hiểu theo nghĩa của những luận đề trừu tượng. Một người có thể đồng ý với các luận đề trừu tượng này khi vẫn đang ở ngoài Giáo Hội; nhưng để hiệp nhất với Giáo Hội, sự đồng lòng là không thể thiếu (consensio voluntatum). Điều này rõ ràng là nếu không có yếu tố thứ hai, thì việc chỉ đơn thuần đồng ý với giáo lý Kitô giáo một cách trừu tượng là hoàn toàn vô ích và bên ngoài Giáo Hội không hề có sự cứu rỗi.

Quan điểm của Thánh Cyprian và Chân phước Augustine có thể có phần khác biệt, nhưng cả hai đều đi đến kết luận hoàn toàn giống nhau: bên ngoài Giáo Hội không hề có sự cứu rỗi! Con người được cứu rỗi bởi tình yêu của họ, vốn là Ân sủng của Tân Ước. Ngoài Giáo Hội, một người không thể giữ được tình yêu vì anh ta không thể nhận được Thần Khí.

Chúng ta đã thấy điều gì trong những ví dụ đại diện trên về suy nghĩ của Giáo Hội từ thế kỷ thứ ba đến thế kỷ thứ năm? Chúng ta thấy rằng chúng trùng khớp với những kết luận mà chúng ta đã đạt được trước đó khi xem xét giáo lý Tân Ước về Giáo Hội, cũng như các sự kiện của Kitô giáo sơ khai. Kitô giáo và Giáo Hội chỉ là một khi chúng ta không coi Kitô giáo chỉ là một tập hợp các luận đề trừu tượng, không yêu cầu ai phải làm bất cứ việc gì. Cách hiểu Kitô giáo như thế chỉ có thể gọi là của ma quỷ.

Điều này có nghĩa là những Kitô hữu ở ngoài Giáo Hội cũng thừa nhận theo cách của ma quỷ, những kẻ cũng tin và run rẩy. Liệu biết về giáo lý có thực sự đồng nghĩa với việc trở thành một Kitô hữu chân chính? Một người đầy tớ biết ý chủ và không thực hiện, sẽ bị đuổi việc và bị chối bỏ; điều đó là hoàn toàn xứng đáng.

“Kitô giáo không nằm ở niềm tin thầm lặng, mà nằm ở sự vĩ đại của hành động,” Thánh Ignatius nói.

Không, Đấng Kitô không chỉ là một người thầy vĩ đại; Ngài là Đấng Cứu Thế của thế gian, Đấng đã ban cho nhân loại sức mạnh mới, Đấng đã đổi mới nhân loại. Chúng ta không chỉ nhận được giáo lý từ Đấng Kitô Cứu Thế của chúng ta, mà còn nhận cả sự sống. Nếu người ta hiểu Kitô giáo như một sự sống mới, không phải dựa trên các yếu tố của thế gian vốn chỉ biết đến các nguyên tắc của tính vị kỷ và lòng tự ái, mà dựa trên Đấng Kitô với giáo lý và gương của Ngài về sự hy sinh bản thân và tình yêu thương, Kitô giáo sẽ nhất thiết đồng nhất hoàn toàn với Giáo Hội. Trở thành một Kitô hữu nghĩa là thuộc về Giáo Hội, vì Kitô giáo chính là Giáo Hội. Bên ngoài Giáo Hội không có sự sống và không thể có.

Cuối cùng, để hiểu được tầm quan trọng của khái niệm Giáo Hội, chỉ cần nhìn kỹ vào Biểu Tượng Đức Tin (Kinh Tin Kính), bởi vì các điều khoản khác nhau đã được đưa vào Biểu Tượng Đức Tin sau sự xuất hiện của những kẻ dị giáo, những kẻ đã bóp méo một hoặc nhiều chân lý. Do đó về mặt tổng thể, Biểu Tượng Đức Tin có thể được coi là mang tính tranh luận. Lịch sử của nó cho thấy nội dung của nó được mở rộng thêm như là kết quả của cuộc đấu tranh chống lại các dị giáo khác nhau.

Tuy nhiên, điều này không đúng với điều khoản thứ chín, liên quan đến Giáo Hội. Điều khoản này đã có trong Biểu Tượng Đức Tin ngay từ thuở ban đầu. Nó được giới thiệu độc lập với sự xuất hiện của bất kỳ loại giáo lý sai lầm nào. Vào thời điểm đó, vẫn chưa có người Kháng Cách nào mơ tưởng về một loại Kitô giáo không Giáo Hội.

Rõ ràng ngay từ ban đầu, khái niệm Giáo hội đã là nền tảng của niềm tin Kitô giáo và chân lý này, rằng Kitô giáo chính là Giáo Hội, có thể được coi là đã được ban từ chính Chúa Giêsu Kitô.

Khi đã đạt đến mức nhận thức về Giáo Hội như vậy, việc nhìn nhận cuộc sống đương đại, các xu hướng và quan điểm đang phổ biến trong đó và đưa ra sự đánh giá từ góc nhìn của Giáo hội sẽ là vô cùng hữu ích.