Lý giải việc sùng kính Đức Mẹ
trong Chính thống giáo
- Phần 1
Thánh Gioan Maximovitch ✢
05.06.2024 — 8 phút đọcVề Đức Theotokos
Lời người dịch:
Những ai đã từng nghiên cứu qua lịch sử truyền thống của Kitô giáo cũng sẽ rất ngạc nhiên rằng Đức Mẹ của Chúa được tôn vinh ở một vị trí rất cao trong các giáo điều, nghi lễ, và các lời cầu nguyện, cụ thể hơn là Bà chỉ đứng sau Đức Chúa Ba Ngôi—"Danh giá hơn các Minh thần Cherubim và nhiều vinh quang hơn hẳn các Luyến thần Seraphim". Nếu như Đức Giêsu Kitô được xem như là Ông Ađam thứ hai, thì Đức Mẹ được ví như Bà Eva thứ hai (phép ẩn dụ này được thể hiện rõ nhất trong bài biện giải của Thánh Irênê khoảng cuối thế kỷ thứ hai). Bà được đặt với danh hiệu "Đức Theotokos" (phiên âm tiếng Việt: Thê-ô-TÔ-kôs; tạm dịch từ tiếng Hy Lạp "Người-mang-Chúa" hay là "Đấng-Sinh-ra-Chúa"), danh hiệu được chính thức chấp thuận tại Công đồng Đại kết thứ ba vào năm 431.
Tiếp nối Thánh Truyền của Kitô giáo, Giáo hội Chính thống giáo sùng kính Đức Theotokos, và nhấn mạnh vai trò quan trọng của Bà trong đời sống các Kitô hữu và trong cả sự cứu rỗi của con người. Việc phủ nhận hay đề cao quá mức vai trò của Đức Theotokos đều là những sai lầm nghiêm trọng, phản ánh sự thiếu sót trong cách nhìn nhận về sự cứu rỗi của con người.
Để giải thích về cách Chính thống giáo hiểu và sùng kính Đức Theotokos, Muối Của Đất xin được dịch lại văn bản "The Orthodox Veneration of the Mother of God" viết bởi Thánh Gioan Maximovitch. Bản gốc của văn bản được viết bằng tiếng Nga, sau đó được dịch sang tiếng Anh bởi Đức Cha Seraphim Rose.
Văn bản gốc được chia thành bảy chương, giải thích một cách xúc tích về sự sùng kính Đức Mẹ của Chúa trong Chính thống giáo. Đồng thời, văn bản cũng chỉ ra và phản bác lại những hiểu biết sai lệch; chương dài nhất trong văn bản là một sự bác bỏ rõ ràng cho giáo điều "Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội" của Giáo hội Rôma.
Phần một: Việc sùng kính Đức Mẹ của Chúa trong cuộc đời trần thế của Bà.
Từ thời các Tông Đồ cho đến ngày nay, những ai thực sự yêu mến Chúa Kitô đều sùng kính Đức Mẹ, Người đã sinh ra Ngài, nuôi dưỡng Ngài và che chở Ngài trong những ngày Ngài còn trẻ. Nếu Chúa Cha đã chọn Bà, Chúa Thánh Thần đã ngự xuống Bà, và Chúa Con đã nằm trong bụng Bà, vâng lời Bà khi Ngài còn trẻ, lo lắng cho Bà khi Ngài đang bị đóng đinh trên Thập giá—vậy thì chẳng phải những người tuyên xưng Chúa Ba Ngôi cũng nên sùng kính Đức Mẹ hay sao?
Ngay trong những ngày khi Bà còn sống trên thế gian, những người bạn của Đấng Kitô, các Tông đồ, đã thể hiện sự quan tâm và tận tụy rất lớn đối với Đức Mẹ của Chúa, đặc biệt là Thánh Gioan Thần học, tác giả Tin Mừng, người đã thực hiện ý nguyện của Con trai Thần thánh của Bà, đón Bà về nhà và chăm sóc Bà như một người mẹ ngay từ khi Chúa nói với ông trên Thập giá: “Này là mẹ của con.”
Thánh Luca, tác giả Tin Mừng, đã vẽ lại rất nhiều bức tranh về Bà, một vài bức cùng với Hài Nhi Hằng Hữu, một vài bức thì không có Ngài. Khi ông mang những bức tranh ấy đến và đưa cho Đức Trinh Nữ Rất Thánh xem, Bà đã chấp thuận và nói: “Ân sủng của Con Ta sẽ ở cùng với những bức tranh này,” và lặp lại bài thánh ca mà Bà từng hát khi ở nhà Êlisabét: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, và thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Đức Chúa, Đấng cứu độ tôi.”
Tuy nhiên trong suốt cuộc đời trần thế của bà, Đức Trinh Nữ Maria đã tránh xa mọi sự vinh quang vốn thuộc về Bà với tư cách là Đức Mẹ của Chúa. Bà muốn sống trong yên lặng và chuẩn bị cho Mình cuộc hành trình vào cuộc sống vĩnh cửu. Cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời trần thế, Đức Mẹ vẫn luôn cẩn thận để chứng tỏ mình xứng đáng với Vương Quốc của Con Bà, và trước khi qua đời, Bà đã cầu nguyện để Ngài có thể giải thoát linh hồn Bà khỏi những ác quỷ mà linh hồn con người phải đối mặt khi đang trên đường lên thiên đàng—chúng sẽ bằng mọi cách chiếm đoạt lấy linh họ để kéo xuống địa ngục. Chúa đã hồi đáp lại lời cầu nguyện của Mẹ Ngài, và vào giờ phút lâm chung, chính Ngài đã từ thiên đàng bước xuống cùng với vô vàn thiên thần để đón nhận linh hồn Bà.
Vì Đức Mẹ của Chúa cũng đã cầu nguyện để có thể vĩnh biệt các Tông Đồ, Chúa đã triệu tập lại tất cả các Tông Đồ, ngoại trừ Tôma, vào ngày Bà mất. Ngày hôm đó, họ được một sức mạnh vô hình mang đến Giêrusalem từ khắp mọi nơi trên thế giới, nơi họ đang rao giảng, và họ đã hiện diện tại sự chuyển tiếp phúc lành của Đức Mẹ vào cuộc sống vĩnh cửu.
Các Tông Đồ đã tiễn đưa thân xác thanh khiết nhất của Bà vào hầm mộ với những bài thánh ca linh thiêng, và vào ngày thứ ba, họ đã mở hầm mộ để một lần nữa sùng kính di hài của Đức Mẹ của Chúa cùng với Tông Đồ Tôma, ông đã về đến Giêrusalem vào lúc đó. Nhưng họ lại không tìm thấy thân xác nào trong hầm mộ, và họ quay trở về nhà với sự bối rối; và sau đó, trong bữa ăn của họ, chính Đức Mẹ của Chúa đã hiện ra trước mặt họ ở trên cao, tỏa sáng với ánh sáng thiên đàng, và thông báo rằng Con Bà cũng đã tôn vinh thân xác Bà—rằng Bà đã phục sinh, và đứng trước Ngai của Ngài. Cùng lúc đó, Bà hứa rằng sẽ sát cánh bên các Tông Đồ, luôn luôn và sẽ vẫn mãi như vậy.
Các Tông Đồ chào đón Đức Mẹ của Chúa với niềm vui lớn lao và bắt đầu sùng kính Bà, không chỉ với tư cách là Đức Mẹ của Người Thầy và Đức Chúa yêu mến của họ, mà còn là đấng trợ giúp của họ từ thiên đàng, là đấng che chở cho những Kitô hữu, và là đấng cầu thay cho toàn thể nhân loại trước Đấng Phán Xét Công Chính. Nếu ở đâu mà Tin Mừng của Đấng Kitô được rao giảng, thì ở đó Đức Mẹ Rất Thánh của Ngài cũng sẽ bắt đầu được tôn vinh.
Phần hai: Những kẻ thù đầu tiên trong việc sùng kính Đức Mẹ của Chúa.