Muối Của Đất
Muối Của Đất

Lý giải việc sùng kính Đức Mẹ
trong Chính thống giáo
- Phần 3

Thánh Gioan Maximovitch

09.06.2024 11 phút đọc
Về Đức Theotokos
Biểu tượng màu nhiệm Kursk Root của Đức Mẹ của Chúa
Biểu tượng màu nhiệm Kursk Root của Đức Mẹ của Chúa của Phép Màu (hay còn gọi vắn tắc là Kursk Root Icon; thế kỷ thứ 13). Biểu tượng này là một trong những biểu tượng cổ nhất của Giáo hội Nga, từng được cất giữ tại tu viện Kursk ở Nga, và được chuyển đến thành phố New York năm 1951. Ngày nay, biểu tượng này được mang qua thăm các giáo xứ Chính thống giáo trên khắp thế giới, và danh tiếng của biểu tượng này cũng đã lan rộng khắp quốc tế với vô vàn những phép màu, chữa bệnh, và sự trợ giúp trong những hoàn cảnh khó khăn. Điều đáng chú ý là Thánh Gioan Maximovitch (+1966, tác giả của chuỗi bài viết này) đã yên nghỉ trước chính biểu tượng này, nên ông thường được vẽ với biểu tượng này cầm trên tay.

Đây là bài thứ ba trong chuỗi các bài dịch của "The Orthodox Veneration of the Mother of God" viết bởi Thánh Gioan Maximovitch. Đọc bài thứ nhất tại đây


Phần ba: Những mưu hại của người Do Thái và những kẻ dị giáo nhằm bôi nhọ sự Đồng Trinh của Đức Maria.

Những kẻ Do Thái vu khống nhanh chóng nhận ra rằng gần họ như không thể bôi nhọ Đức Mẹ của Chúa Giêsu, và dựa trên những thông tin mà chính họ nắm giữ, việc chứng minh cho cuộc sống đáng khen ngợi của Bà lại dễ dàng hơn nhiều. Vì thế, họ từ bỏ luận điệu vu khống này, vốn đã được các dân ngoại nhắc đến (Origen, Phản bác Celsus, I), và cố gắng chứng minh rằng, ít nhất Đức Maria không phải là một trinh nữ khi sinh ra Đấng Kitô. Họ thậm chí còn nói rằng, lời tiên tri về việc Đấng Mêsia được sinh ra bởi một trinh nữ chưa bao giờ tồn tại, và do đó, các Kitô hữu đã lầm khi nghĩ rằng, họ có thể tôn vinh Chúa Giêsu dựa trên một lời tiên tri đã được ứng nghiệm trong Ngài.

Những dịch giả Do Thái (Aquila, Symachus, Theodotion) đã thực hiện các bản dịch mới của Cựu Ước sang tiếng Hy Lạp và trong đó, họ đã dịch lời tiên tri nổi tiếng của Isaiah (Is.7:14) như sau: “Này đây người thiếu nữ sẽ thụ thai.” Họ khẳng định rằng từ Aalma trong tiếng Hebrew có nghĩa là “thiếu nữ” chứ không phải “trinh nữ,” như trong bản dịch thiêng liêng của Bảy Mươi Dịch Giả [Septuagint], nơi đoạn này được dịch là “Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai.”

Dựa trên bản dịch mới này, họ muốn chứng minh rằng các Kitô hữu đã dựa trên bản dịch sai lệch của từ Aalma để để gán cho Đức Maria điều hoàn toàn không thể—một sự thụ thai không có người đàn ông, và khi thực tế rằng, sự ra đời của Đấng Kitô không khác gì các trường hợp sinh hạ khác của loài người.

Tuy nhiên, ý đồ xấu xa của những dịch giả mới này đã lộ ra rõ ràng khi so sánh các đoạn khác nhau trong Kinh Thánh, rõ ràng từ Aalma có nghĩa chính xác là "trinh nữ." Thực tế, không chỉ người Do Thái, mà còn cả những người ngoại giáo khác đều dựa trên chính truyền thống của họ và những lời tiên tri khác nhau, và mong đợi Đấng Cứu Chuộc của thế gian sẽ được sinh ra từ một Trinh Nữ. Các Tin Mừng đã rõ ràng khẳng định rằng Chúa Giêsu đã được sinh ra từ một Trinh Nữ.

“Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Đức Maria, người đã hứa nguyện giữ trinh tiết, đã hỏi Tổng lãnh thiên thần Gabriel khi thiên sứ thông báo về sự ra đời của Đấng Kitô.

Thiên sứ trả lời: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Đức Chúa.” (Luca 1:34-35).

Sau đó, sứ thần cũng hiện ra với ông Giuse công chính, người đã muốn đưa Maria ra khỏi nhà mình khi thấy Bà mang thai mà không có sự giao hợp vợ chồng với ông. Với ông Giuse, Tổng lãnh thiên thần Gabriel đã nói: “đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con Bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần.” và nhắc nhở ông về lời tiên tri của Isaia rằng một trinh nữ sẽ thụ thai (Matt 1:18-25).

Nativity Icon
Biểu tượng về sự ra đời của Chúa Giêsu. Ở góc trái là Thánh Giuse đang vật lộn với sự hoài nghi. Người đàn ông bên cạnh tượng trưng cho ác quỷ, đang lấp đầy tâm trí của thánh với sự nghi ngờ và những suy nghĩ tiêu cực. Nguồn ảnh và đọc thêm tại đây.

Cây gậy của Aaron trổ hoa, tảng đá được cắt ra từ ngọn núi mà không bởi bàn tay con người, được Nebuchadnezzar nhìn thấy trong giấc mơ và được Tiên tri Daniel giải thích, cổng đóng kín được Tiên tri Ezekiel nhìn thấy, và nhiều điều khác trong Cựu Ước, đều tiên tri cho sự sinh hạ của một Trinh Nữ. Cũng như Ađam đã được tạo bởi Ngôi Lời của Chúa từ đất chưa canh tác và trinh nguyên, Ngôi Lời của Chúa cũng đã tạo nên xác thịt cho chính Mình từ cung lòng của một trinh nữ khi Con Đức Chúa trở thành Ađam mới, nhằm chỉnh lại sự sa đoạ vào tội lỗi của Ađam đầu tiên (Thánh Ireneaus thành Lyon, sách III).

Sự ra đời không-thụ-thai của Đấng Kitô chỉ có thể bị chối bỏ bởi những ai phủ nhận Tin Mừng, trong khi Giáo Hội của Đấng Kitô đã tuyên xưng từ rất lâu rằng, Đấng Kitô “nhập thể bởi Chúa Thánh Thần và Đức Trinh Nữ Maria.” Nhưng sự ra đời của Chúa từ Đức Đồng Trinh là một tảng-đá-vấp-ngã cho những ai muốn tự xưng là Kitô hữu nhưng lại không muốn hạ mình trong tâm trí và nhiệt thành sống cuộc sống thanh khiết. Cuộc sống thanh khiết của Đức Maria là một lời khiển trách đối với những ai không thanh khiết ngay cả trong tư tưởng. Để tự xưng mình là Kitô hữu, họ không dám phủ nhận rằng Đấng Kitô được sinh ra từ một Trinh Nữ, nhưng họ bắt đầu khẳng định rằng Đức Maria chỉ còn là Trinh Nữ cho đến khi bà sinh ra Con đầu lòng của mình, là Đức Giêsu (Matt. 1:25).

“Sau khi sinh ra Chúa Giêsu,” theo giáo lý sai lầm của Helvidius vào thế kỷ thứ 4, và cũng như nhiều người khác trước và sau ông, “Đức Maria đã bước vào đời sống hôn nhân với ông Giuse và có với ông các con, được gọi trong các Tin Mừng là anh chị em của Đấng Kitô.” Nhưng từ “cho đến” không có nghĩa là Đức Maria chỉ là trinh nữ cho đến một thời điểm nhất định. Từ “cho đến” và những từ tương tự thường mang ý nghĩa vĩnh cửu. Trong Kinh Thánh, ta đọc về Đấng Kitô: “Triều đại Người, đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị cho đến ngày nao tuế nguyệt chẳng còn.” (Tv. 71:7 (72:7)), nhưng điều này không có nghĩa là khi mặt trăng biến mất vào ngày cuối cùng của thế giới, công lý của Chúa cũng sẽ không còn; chính xác hơn là khi đó, công lý của Chúa sẽ chiến thắng. Và hơn nữa, ngụ ý gì ở câu sau: “Thật vậy, Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Đức Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Ngài” (I Cr 15:25)? Rằng Chúa sẽ chỉ trị vì cho đến khi kẻ thù bị hạ bệ dưới chân Ngài?! Và trong Thánh Vịnh thứ tư của các bài ca thăng thiên, vua Đavid nói: “như mắt của nữ tỳ hướng nhìn tay bà chủ, mắt chúng ta cũng hướng nhìn lên Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta, cho đến khi Người xót thương chút phận.” (Tv. 122:2 (123:2)). Vậy rằng vị Ngôn Sứ sẽ hướng mắt lên Chúa cho đến khi nhận được lòng thương xót, nhưng sau khi đã nhận được, sẽ liền hướng mắt xuống thế gian? (Thánh Jerome, “Về sự Đồng Trinh của Đức Maria.”) Đấng Cứu Độ trong Tin Mừng đã nói với các Tông Đồ: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt. 28:20). Vậy là, sau ngày tận thế Chúa sẽ rời xa các môn đồ của Ngài, và khi đó, khi họ sẽ phán xét mười hai chi tộc Israel trên mười hai ngai vàng, họ sẽ không có sự hiệp thông như đã hứa với Chúa? (Thánh Jerome, cùng tác phẩm dẫn trên.)

Cũng sai lầm khi nghĩ rằng anh em của Đấng Kitô là con của Đức Mẹ Rất Thánh của Người. Các từ “anh” và “chị” mang nhiều ý nghĩa khác nhau. Chúng có thể chỉ một mối quan hệ họ hàng nhất định giữa con người hoặc sự gần gũi về mặt tinh thần, và đôi khi được sử dụng theo nghĩa rộng, đôi khi theo nghĩa hẹp hơn. Trong mọi trường hợp, người ta được gọi là “anh chị em” nếu họ có chung cha hoặc mẹ, hoặc chỉ có chung cha hoặc mẹ; hoặc thậm chí nếu họ có cha mẹ khác nhau, nhưng cha mẹ của họ sau này (khi đã thành góa phụ) tái hôn (anh chị em cùng cha khác mẹ); hoặc nếu cha mẹ của họ có mối quan hệ họ hàng gần gũi.

Trong Tin Mừng, không một chỗ nào ghi rằng những người được gọi là anh em của Chúa Giêsu là con của Mẹ Ngài. Ngược lại, việc Giacôbê và những người khác là con của Giuse, chồng đính hôn của Maria, người đã là góa phụ với con cái từ người vợ đầu tiên là điều đã được biết. (Thánh Epiphanius thành Cyprus, Panarion, 78.) Ngoài ra, Maria vợ của Cleophas (là chị của Đức Mẹ Maria), người đã đứng cùng Đức Mẹ khi Chúa Giêsu bị treo trên thập giá (Ga 19:25) cũng có cho mình con cái, mà xét về mối quan hệ gần gũi như vậy, hoàn toàn có thể được gọi là anh em của Đức Chúa. Rằng những người được gọi là anh chị em của Đức Chúa không phải là con của Mẹ Ngài được thể hiện rõ ràng từ việc Chúa giao phó Mẹ Ngài cho môn đệ yêu dấu Gioan trước khi chết. Tại sao Ngài lại làm điều này nếu Mẹ Ngài có những người con khác ngoài Ngài? Chính họ mới là người phải chăm sóc cho Mẹ Ngài. Những người con trai của ông Giuse, người được coi là cha của Chúa Giêsu, không tự coi mình có nghĩa vụ phải chăm sóc người mà họ coi là mẹ kế, hoặc ít nhất không có tình yêu thương dành cho Bà như con ruột dành cho cha mẹ, và như Gioan dành cho Bà với danh nghĩa là một người con nuôi.

Vì vậy, việc đọc kỹ lưỡng về Kinh Thánh đã chỉ ra rõ ràng sự thiếu cơ sở của những phản bác chống lại sự Đồng Trinh của Đức Maria và làm xấu hổ những kẻ giảng dạy giáo điều lệch lạc.


Phần hai: Những kẻ thù đầu tiên trong việc sùng kính Đức Mẹ của Chúa.

Phần bốn: Dị giáo Nestorius và Công đồng Đại kết thứ Ba.