Lý giải việc sùng kính Đức Mẹ
trong Chính thống giáo
- Phần 4
Thánh Gioan Maximovitch ✢
11.06.2024 — 15 phút đọcVề Đức Theotokos
Đây là bài thứ tư trong chuỗi các bài dịch của "The Orthodox Veneration of the Mother of God" viết bởi Thánh Gioan Maximovitch. Đọc bài thứ nhất tại đây
Phần bốn: Dị giáo Nestorius và Công đồng Đại kết thứ ba.
Sau khi tất cả những kẻ dám xúc phạm đến sự thánh thiện và thanh khiết của Đức Trinh Nữ Maria bị dập tắt tiếng nói, một mưu hại khác đã được nhen nhóm lên để tấn công vào việc sùng kính Bà với tư cách là Đức Mẹ của Chúa. Vào thế kỷ 5, Tổng Giám mục của Constantinople, Nestorius, bắt đầu rao giảng quan điểm cho rằng Đức Mẹ Maria chỉ sinh hạ ra người đàn ông Giêsu, là Đấng mà Thần Tính đã ngự trong Ngài và cư ngụ như trong một ngôi đền thờ. Ban đầu ông cho phép linh mục của mình là Anastasius, và sau đó là chính bản thân ông bắt đầu rao giảng công khai trong nhà thờ rằng, không nên gọi Đức Maria là Theotokos, vì Bà không sinh ra Đức Chúa-Người. Ông cho rằng việc thờ phụng một đứa trẻ quấn trong khăn vải và nằm trong máng cỏ là tự hạ thấp bản thân mình.
Những bài giảng như vậy đã gây ra sự xáo trộn và lo lắng chung về sự thanh khiết của đức tin, đầu tiên là ở Constantinople, và sau đó là khắp mọi nơi mà tin đồn về giáo lý mới lan đến. Thánh Proclus, môn đệ của Thánh Gioan Chrysostom, người lúc đó là Giám mục của Cyzicus và sau này trở thành Tổng Giám mục của Constantinople, đã rao giảng ngay trước mặt Nestorius trong nhà thờ. Ông tuyên xưng Con Đức Chúa sinh ra trong xác thịt từ Đức Trinh Nữ, Người thực sự là Đức Theotokos (Người sinh ra Chúa), vì ngay từ trong cung lòng của Đức Mẹ Thánh Khiết, vào thời điểm thụ thai, Thần Tính đã hợp nhất với Hài Nhi được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần; và Hài Nhi này, dù được sinh ra từ Đức Trinh Nữ Maria chỉ trong bản tính con người, vẫn đã sinh ra là Đức Chúa chân thật và là người chân thật.
Nestorius cương quyết từ chối thay đổi giáo lý của mình, khẳng định rằng cần phải phân biệt giữa Đức Giêsu và Con Đức Chúa, rằng Đức Maria không nên được gọi là Theotokos, mà nên gọi là Christotokos (Người sinh ra Đấng Kitô), vì Đức Giêsu được sinh ra từ Đức Maria chỉ là con-người Kitô (nghĩa là Đấng Mêsia, Đấng được xức dầu), giống như các ngôn sứ được xức dầu của Đức Chúa ngày xưa, chỉ khác là vượt trội hơn họ ở sự hiệp thông trọn vẹn với Đức Chúa. Qua đó giáo lý của Nestorius phủ nhận toàn bộ hoạch định của Chúa, vì nếu từ Đức Maria chỉ một con người được sinh ra, thì không phải là Chúa đã chịu khổ vì chúng ta, mà là một con người.
Thánh Cyril, Tổng Giám mục Alexandria, khi biết về giáo lý của Nestorius và những rối loạn trong giáo hội do giáo lý này gây ra tại Constantinople, đã viết thư cho Nestorius, trong đó ông cố gắng thuyết phục Nestorius giữ vững giáo lý mà Giáo Hội đã tuyên xưng từ khi thành lập, và không đưa ra bất kỳ điều gì mới lạ vào giáo lý này. Ngoài ra, Thánh Cyril cũng viết thư cho giáo sĩ và dân chúng tại Constantinople rằng họ nên kiên định trong Đức Tin Chính Thống và không sợ những cuộc bách hại của Nestorius đối với những người không đồng tình với ông. Thánh Cyril cũng viết thư báo cáo mọi việc cho Rôma, gửi đến Thánh Giáo hoàng Celestine, người lúc đó cùng với toàn thể giáo đoàn của mình vẫn kiên định trong Đức Tin Chính Thống.
Về phần mình, Thánh Celestine đã viết thư cho Nestorius và kêu gọi ông giảng dạy Đức Tin Chính Thống, chứ không phải giáo lý riêng của ông. Nhưng Nestorius vẫn ngoan cố không chịu nghe theo mọi sự thuyết phục và đáp rằng những gì ông đang giảng dạy chính là Đức Tin Chính Thống, và những người chống đối ông đều là những kẻ dị giáo. Thánh Cyril viết thư cho Nestorius một lần nữa và soạn ra mười hai Anathema, tức là trình bày mười hai đoạn văn về những điểm khác biệt quan trọng giữa giáo lý Chính Thống và giáo lý mà Nestorius giảng dạy, chấp thuận rằng bất cứ ai từ chối dù chỉ một trong những đoạn mà ông đã soạn đều sẽ bị vạ tuyệt ra khỏi Giáo Hội.
Nestorius bác bỏ toàn bộ văn bản do Thánh Cyril soạn thảo và viết bài diễn giải riêng của mình về giáo lý ông giảng dạy, cũng với mười hai đoạn, kết án Anathema (tức là vạ tuyệt ra khỏi Giáo Hội) tất cả những ai không chấp nhận nó. Nguy cơ đe dọa sự thanh khiết của đức tin ngày càng gia tăng. Thánh Cyril đã viết thư cho Theodosius Trẻ, vị hoàng đế đương thời, vợ ông là Eudocia và chị gái của Hoàng đế là Pulcheria, khẩn cầu họ quan tâm đến các vấn đề của giáo hội và ngăn chặn dị giáo.
Quyết định triệu tập một Công đồng Đại kết được đưa ra, tại đó các giám mục từ khắp nơi trên thế giới sẽ quyết định xem đức tin mà Nestorius giảng dạy có phải là Chính Thống hay không. Để lựa chọn địa điểm cho công đồng, vốn sẽ là Công đồng Đại kết lần thứ ba, họ đã chọn thành phố Ephesus, nơi mà Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh đã từng sống cùng với Thánh Tông Đồ Gioan Nhà Thần Học. Thánh Cyril đã tập hợp các giám mục đồng đạo của mình ở Ai Cập và cùng họ đi bằng đường biển đến Ephesus. Từ Antioch, Tổng Giám mục Antioch, Gioan, và các giám mục miền Đông đã đến bằng đường bộ. Giám mục Rôma, Thánh Celestine, không thể tự mình đi và đã yêu cầu Thánh Cyril bảo vệ Đức Tin Chính Thống, đồng thời ông cũng cử hai giám mục và linh mục Philip của Giáo Hội Rôma, và giao cho họ chỉ dẫn về những điều cần nói. Nestorius cùng các giám mục vùng Constantinople, các giám mục Palestine, Tiểu Á và Cyprus cũng đến Ephesus.
Vào ngày thứ 10 của tháng Kalends trong tháng Bảy theo lịch La Mã, tức là ngày 22 tháng 6 năm 431, tại Nhà thờ Đức Trinh Nữ Maria ở Ephesus, các giám mục đã tập hợp dưới sự chủ trì của Đức Giám mục Cyril của Alexandria và Đức Giám mục Memnon của Ephesus, và họ đã vào chỗ ngồi của mình. Ở giữa được đặt một quyển Tin Mừng như một dấu hiệu của sự lãnh đạo vô hình bởi chính Chúa Kitô đối với Công đồng Đại kết. Đầu tiên, Kinh Tin Kính (Symbol of Faith) được soạn thảo bởi Công đồng Đại kết thứ nhất và thứ hai được đọc lên; sau đó là Tuyên cáo Hoàng gia được đưa đến bởi các đại diện của Hoàng đế Theodosius và Valentinian, các Hoàng đế của phần Đông và Tây của Đế chế.
Bản tuyên bố của Hoàng đế đã được nghe, và việc đọc các tài liệu bắt đầu, trong đó có các Thư của Cyril và Celestine gửi Nestorius, cũng như các phản hồi của Nestorius. Thông qua tiếng nói của các thành viên, công đồng đã chấp thuận giáo lý của Nestorius là không đúng đắn và kết án nó, và chấp thuận Nestorius bị tước bỏ khỏi Giám mục tòa và chức linh mục của ông. Một sắc lệnh đã được soạn thảo liên quan đến vấn đề này, và được khoảng 160 thành viên của Công đồng ký kết; và vì một số thành viên đại diện cho cả các giám mục khác không có cơ hội tham dự trực tiếp, nên sắc lệnh của Công đồng thực chất là quyết định của hơn 200 giám mục. Những vị này đứng đầu các Giáo phận của các khu vực khác nhau thuộc Giáo Hội vào thời điểm đó, và họ tuyên xưng rằng đây chính là Đức Tin từ thời xa xưa: được gìn giữ ngay tại các địa phương của họ.
Do đó, sắc lệnh của Công đồng là tiếng nói của Giáo Hội Đại Kết, rõ ràng bày tỏ đức tin rằng Đấng Kitô, sinh ra từ Đức Trinh Nữ, là Đức Chúa thật đã trở thành người; và bởi vì Đức Maria đã sinh ra Người hoàn thiện và cũng là Chúa hoàn thiện, nên Đức Mẹ xứng đáng được tôn kính với danh nghĩa là THEOTOKOS.
Vào cuối phiên họp, sắc lệnh của Công đồng đã được thông báo ngay lập tức cho cho những người đang chờ đợi. Toàn thể thành Ephesus vui mừng khi biết việc sùng kính Đức Trinh Nữ Maria đã được bảo vệ, vì Bà luôn được đặc biệt tôn kính ở thành phố này, nơi Bà đã là cư dân khi đang còn sống và là Đấng Bảo Trợ sau khi bước vào cuộc sống vĩnh cửu. Dân chúng đã chào đón các Giáo phụ một cách nồng nhiệt khi họ trở về nhà vào buổi tối sau phiên họp. Họ thắp đuốc sáng đi cùng các Giáo phụ về nhà và đốt trầm hương trên khắp các đường phố. Mọi nơi đều vang lên những lời chào mừng vui vẻ, việc sùng kính Đức Trinh Nữ Maria, và những lời ca ngợi các Giáo phụ đã bảo vệ danh nghĩa của Bà khỏi những kẻ dị giáo. Sắc lệnh của Công đồng được niêm yết trên các đường phố của Ephesus.
Hội đồng còn có năm phiên họp nữa, vào các ngày 10 và 11 tháng Sáu, 16, 17 và 22 tháng Bảy, và 31 tháng Tám. Tại các phiên họp này, trong sáu điều luật, các biện pháp hành động đã được đề xuất nhằm chống lại những ai dám truyền bá giáo lý của Nestorius và thay đổi sắc lệnh của Công đồng Ephesus.
Trước khiếu nại của các giám mục đảo Cyprus về những yêu sách của Giám mục Antioch, Công đồng đã ra sắc lệnh rằng Giáo hội Cyprus nên duy trì quyền tự trị trong việc cai quản Giáo Hội, vốn đã có từ thời các Tông Đồ, và nói chung, không giám mục nào được phép đặt dưới quyền của mình những vùng mà trước đây không thuộc về họ, “để tránh việc lấy cớ danh nghĩa chức tư tế mà lòng kiêu ngạo vào quyền lực thế gian chen chân vào, và để chúng ta không đánh mất, hoặc dần dần hủy hoại, sự tự do mà Chúa Giêsu Kitô, Đấng Giải Phóng tất cả mọi người, đã ban cho chúng ta bằng huyết của Ngài."
Công đồng cũng khẳng định sự lên án đối với dị giáo Pelagian, cho rằng con người có thể tự cứu rỗi bằng chính sức lực của mình mà không cần ân sủng của Đức Chúa. Công đồng cũng quyết định một số vấn đề về quản lý giáo hội, và gửi thư đến các giám mục không tham dự Công đồng, thông báo các nghị quyết của mình và kêu gọi tất cả hãy bảo vệ Đức Tin Chính Thống và hòa bình của Giáo Hội. Đồng thời, Công đồng thừa nhận rằng giáo lý của Giáo Hội Chính Thống Đại Kết đã được trình bày đầy đủ và rõ ràng trong Kinh Tin Kính Nicene-Constantinopolitan, vì lý do này, Công đồng không soạn thảo một Kinh Tin Kính mới và ban lệnh cấm trong tương lai “soạn thảo một Đức Tin khác,” tức là soạn thảo các Kinh Tin Kính khác hoặc thay đổi Kinh Tin Kính đã được xác nhận tại Công đồng Đại kết thứ hai.
Sắc lệnh cuối sau này đã bị vi phạm bởi các Kitô hữu Tây phương vài thế kỷ sau đó, khi họ bắt đầu thêm cụm từ “và từ Con” vào Kinh Tin Kính, đầu tiên ở một số nơi riêng lẻ, rồi sau đó trên toàn Giáo hội Rôma. Sự thêm thắt này đã được các Giáo hoàng La Mã chấp thuận từ thế kỷ 11, mặc dù trước đó, các vị tiền nhiệm của họ, bắt đầu từ Thánh Celestine, vẫn kiên định tuân theo quyết định của Công đồng Ephesus, Công đồng Đại kết thứ ba, và thực hiện nó.
Thế là sự hòa bình từng bị Nestorius phá vỡ nay đã được khôi phục lại trong Giáo Hội. Đức Tin chân chính đã được bảo vệ và giáo lý sai lầm đã bị cáo buộc.
Công đồng Ephesus được tôn kính một cách chính đáng như một Công đồng Đại kết, ngang hàng với các Công đồng Nicea và Constantinople trước đó. Tại đây có sự hiện diện của đại diện toàn thể Giáo Hội. Các quyết định của Công đồng đã được toàn thể Giáo Hội chấp nhận “từ một đầu của thế giới đến đầu kia.” Tại đây Công đồng đã khẳng định giáo lý được gìn giữ từ thời các Tông Đồ. Công đồng không tạo ra một giáo lý mới, mà chỉ công khai tuyên xưng chân lý mà một số người đã cố gắng thay thế bằng sáng chế của họ. Công đồng đã trình bày rõ ràng sự xưng nhận về Thần Tính của Đấng Kitô, Đấng sinh ra từ Đức Trinh Nữ. Đức tin của Giáo Hội và phán quyết về vấn đề này đã được diễn đạt rõ ràng đến mức không ai còn có thể gán cho Giáo Hội những suy luận sai lầm của riêng mình. Trong tương lai có thể xuất hiện những câu hỏi khác đòi hỏi quyết định của toàn thể Giáo Hội, nhưng sẽ không phải là câu hỏi liệu Đức Giêsu Kitô có phải là Chúa thực sự hay không.
Các Công đồng sau này đã căn cứ vào các quyết định của các Công đồng trước đó. Họ không soạn thảo một Kinh Tin Kính mới, mà chỉ đơn thuần là giải nghĩa. Tại Công đồng Đại kết thứ ba, giáo lý của Giáo Hội về Đức Mẹ của Chúa đã được khẳng định một cách chắc chắn và rõ ràng. Trước đó, các Giáo phụ đã buộc tội những kẻ vu khống cuộc sống vô nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria; và giờ đây, đối với những ai cố gắng hạ thấp danh dự của Đức Mẹ, điều sau đây đã được công bố cho tất cả: “Ai không xưng nhận Emmanuel là Đức Chúa chân thật và vì thế Đức Trinh Nữ là Theotokos, vì Bà đã sinh ra trong xác thịt Ngôi Lời, Đấng từ Chúa Cha và Đấng đã trở thành xác thịt, hãy để người đó bị anathema (khai trừ khỏi Giáo Hội)” (Lời Anathema thứ nhất của Thánh Cyril thành Alexandria).