Muối Của Đất
Muối Của Đất

Lý giải việc sùng kính Đức Mẹ
trong Chính thống giáo
- Phần 5

Thánh Gioan Maximovitch

13.06.2024 9 phút đọc
Về Đức Theotokos
Biểu tượng màu nhiệm Đức Theotokos của Jerusalem
Biểu tượng màu nhiệm Đức Theotokos của Jerusalem (Panagia Ierosolymitissa; thế kỷ 19; nguồn ảnh). Biểu tượng này được đặt ở ngôi mộ trống của Đức Theotokos Thánh Khiết ở vườn Gethsemani, được biết đến là "không-được-làm-bởi-tay-người" (Acheiropoieta; made-without-hands). Chuyện kể rằng vào năm 1870, Đức Mẹ của Chúa đã hiện trong giấc mơ của Tatiana, một nữ tu cũng là một nghệ nhân vẽ biểu tượng đang sống ở một tu viện nằm đối diện chân núi ÔLiu, và yêu cầu nữ tu sĩ vẽ một biểu tượng về Bà. Tatiana lập tức tỉnh dậy và thông báo ngay cho Trưởng Tu Viện về giấc mơ kỳ lạ. Bà Trưởng Tu Viện không tin, nhưng vẫn chúc phúc cho Tatiana vẽ biểu tượng của Đức Mẹ. Nhưng khi Tatiana vừa quay trở lại phòng, biểu tượng này đã tự hoàn thành một cách nhiệm màu và toả ra hương thơm ngào ngạt. Đọc thêm tại đây.

Đây là bài thứ năm trong chuỗi các bài dịch của "The Orthodox Veneration of the Mother of God" viết bởi Thánh Gioan Maximovitch. Đọc bài thứ nhất tại đây


Phần năm: Mưu hại của những kẻ phá hủy biểu tượng nhằm hạ thấp vinh quang của Đức Nữ Vương Thiên Đàng; Họ sẽ phải chịu nhục.

Sau Công đồng Đại kết thứ ba, các Kitô hữu, ở cả Constantinople lẫn những nơi khác, đều bắt đầu sốt sắng hơn trong việc cầu cứu sự can thiệp của Đức Mẹ của Chúa, và hy vọng của họ vào sự can thiệp của Bà không phải là vô căn cứ. Đức Mẹ đã thể hiện sự giúp đỡ của Bà trong vô số những người bệnh tật, những người bất lực, và những người gặp hoạn nạn. Nhiều lần Bà xuất hiện như một đấng bảo vệ thành Constantinople chống lại kẻ thù bên ngoài, thậm chí còn hiện ra một cách rõ ràng trước Thánh Andrew, Kẻ-Điên-vì-Đấng-Kitô (Fool-for-Christ) sự Bảo Trợ nhiệm màu của Bà đối với những người đang cầu nguyện vào ban đêm tại Đền Blacherna.

Holy Protection Icon
Biểu tượng Đức Mẹ “Sự Bảo Hộ Thánh Thần” (Panaghia “Agia Skepi”). Vào giữa thế kỷ 10, Thánh Andrew đã chứng kiến Đức Mẹ hiện ra trên nhà thờ Blacherna, tay cầm lễ phục omophorion dang rộng như một tấm màng che chở bảo vệ những tín hữu Kitô giáo. Nguồn ảnh và đọc thêm tại đây.

Đức Nữ Vương Thiên Đàng đã ban chiến thắng cho các trận chiến của các Hoàng đế Byzantine, vì thế trong các chiến dịch họ có phong tục luôn cầm theo biểu tượng của Bà, Hodigitria (Người Chỉ Đường). Bà đã củng cố những người khổ hạnh và những người nhiệt thành với đời sống Kitô giáo trong cuộc chiến chống lại những đam mê và điểm yếu của con người. Bà soi sáng và chỉ dẫn các Giáo Phụ và Bậc Thầy của Giáo Hội, bao gồm cả Thánh Cyril thành Alexandria khi ông đang do dự thừa nhận sự vô tội và thánh khiết của Thánh Gioan Chrysostom.

panagia_hodegetria
Một biểu tượng thuộc khuôn mẫu Hodigitria trong tu viện Thánh Gioan Tiền Hô ở Serres (thế kỷ 14). Theo Thánh Truyền của Chính thống giáo, biểu tượng Hodigitria đầu tiên được vẽ bởi Thánh Luca Tông Đồ, được vẽ với Đức Trinh Nữ Mary bế Chúa Hài Đồng Giêsu một bên và chỉ vào Ngài như để chỉ nguồn cứu rỗi của nhân loại. Đọc thêm tại đây.

Đức Trinh Nữ Rất Thánh Khiết đã đặt những bài thánh ca vào miệng các nhà soạn nhạc thánh ca, đôi khi tạo ra những ca sĩ nổi tiếng từ những người không có năng khiếu ca hát, nhưng lại là những người lao động ngoan đạo, như Thánh Romanus Người Ca Ngọt Ngào. Vì thế, có gì ngạc nhiên khi các Kitô hữu nỗ lực tôn vinh tên của Đấng Cầu Thay liên tục của họ? Để tôn vinh Đức Mẹ, nhiều ngày lễ đã được tổ chức, nhiều bài ca tuyệt vời được dâng lên cho Bà, và hình ảnh Bà được tôn kính.

Axion Estin
Axion Estin
Nhắc đến thánh ca về Đức Mẹ là không thể không nhắc đến biểu tượng “Xứng Đáng Rằng” (It is truly meet; Axion Esti). Truyền Thống kể rằng Tổng lãnh thiên thần Gabriel đã xuất hiện và hát cùng với một tu sĩ, đồng thời mặc khải một câu dạo đầu bắt đầu với cụm từ “Xứng Đáng Rằng” mà trước đây chưa từng được nghe đến. Bài thánh ca này luôn được cất lên trong Phụng vụ của Chính thống giáo. Nguồn ảnh và đọc thêm tại đây.

Sự mưu độc của thủ lãnh thế gian này đã trang bị cho những kẻ bội giáo để gây chiến với Chúa Immanuel và Mẹ Ngài ngay tại Constantinople, nơi mà giờ đây, giống như Ephesus trước đây, tôn kính Đức Mẹ của Chúa như Đấng Cầu Thay của nơi này. Ban đầu không dám công khai chống lại Nữ Tướng Quân, những kẻ bội giáo muốn hạ thấp vinh quang của Đức Mẹ bằng cách nghiêm cấm việc sùng kính các biểu tượng của Đấng Kitô và các thánh nhân của Ngài, gọi đó là sự tôn thờ ngẫu tượng. Đức Mẹ của Chúa cũng đã củng cố những người nhiệt thành với sự chính trực trong cuộc chiến bảo vệ sự sùng kính Hình Ảnh, thể hiện rất nhiều phép màu từ các biểu tượng của Bà và chữa lành người bị thương.

Cuộc bách hại những người sùng kính biểu tượng và các Thánh một lần nữa kết thúc với sự chiến thắng và thắng lợi của Chính thống giáo, vì sự sùng kính được dành cho các biểu tượng vươn tới các Thánh Nhân được miêu tả trên đó; và những vị thánh của Chúa được sùng kính như những người bạn của Chúa vì ân sủng Thánh Thần đã ngự trong họ, theo như lời của Thánh Vịnh: “Quý giá biết bao những người bạn của Ngài.” Đức Mẹ Rất Thánh Khiết được tôn vinh với sự kính trọng đặc biệt ở trên thiên đàng và dưới trần gian, và ngay cả trong những tháng ngày mà các biểu tượng thánh bị chế nhạo, chính Đức Mẹ đã hiện ra qua các hình ảnh ấy với biết bao phép màu mà cho đến ngày nay chúng ta vẫn nhớ lại với lòng thống hối. Bài thánh ca "Nơi Mẹ, Toàn Thể Tạo Vật Vui Mừng, Ôi Đức Mẹ Đấng Đầy Ân Sủng," và Biểu Tượng Ba Bàn Tay nhắc chúng ta về sự chữa lành của Thánh Gioan Damascus trước Biểu Tượng này; Biểu Tượng Iveron của Đức Mẹ nhắc chúng ta về sự giải thoát kỳ diệu khỏi kẻ thù nhờ biểu tượng này, biểu tượng mà đã được một góa phụ thả xuống biển khi không thể cứu nó.

Iveron Icon
Biểu tượng được thả xuống biển trong đoạn trên là biểu tượng màu nhiệm Iveron, được cất giữ ở núi Athos. Đọc thêm tại đây.

Không có cuộc bách hại nào chống lại những người sùng kính Đức Mẹ của Chúa và tất cả những gì gợi nhớ đến Bà có thể hạ thấp đi tình yêu mến của các Kitô hữu dành cho Đấng Cầu Thay của họ. Quy tắc đã được thiết lập rằng mỗi loạt bài thánh ca trong các phụng vụ phải kết thúc bằng một bài thánh ca hoặc câu thơ tôn vinh Đức Mẹ của Chúa (được gọi là "Theotokia"). Nhiều lần trong năm, các Kitô hữu ở bốn phương trời đều tụ họp trong nhà thờ, như trước đây họ đã tụ họp, để ngợi khen Đức Mẹ, cảm ơn Bà vì những ân huệ Bà đã ban, và cầu xin lòng thương xót.

Nhưng liệu kẻ thù của các Kitô hữu, “ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (I Pr 5:8), có thể đứng nhìn một cách thờ ơ trước vinh quang của Đấng Vô Nhiễm? Liệu hắn có thể thừa nhận mình đã bị đánh bại và ngừng gây chiến với chân lý qua những kẻ phục tùng hắn? Vì vậy, khi cả vũ trụ vang dội với tin mừng của Đức Tin của Đấng Kitô, khi tên của Đấng Rất Thánh được gọi, khi trái đất đầy ắp nhà thờ, khi nhà cửa của các Kitô hữu được tô điểm bằng các biểu tượng miêu tả Đức Mẹ—thì một giáo lý sai lầm mới về Đức Mẹ của Chúa đã xuất hiện và bắt đầu lan rộng. Giáo lý sai lầm này nguy hiểm vì nhiều người không thể ngay lập tức nhận ra mức độ mà nó làm suy yếu đi sự sùng kính đúng đắn dành cho Đức Mẹ.

Iveron Icon
Biểu tượng về Sự Chiến Thắng của Chính thống giáo, kỷ niệm sự chiến thắng trong việc bảo vệ sự sùng kính biểu tượng. Nguồn ảnh tại đây.

Phần bốn: Dị giáo Nestorius và Công đồng Đại kết thứ Ba.

Phần sáu: "Lòng nhiệt thành không sáng suốt" (Rm 10:2).