Lý giải việc sùng kính Đức Mẹ
trong Chính thống giáo
- Phần 6
Thánh Gioan Maximovitch ✢
16.06.2024 — 33 phút đọcVề Đức Theotokos
Đây là bài thứ sáu trong chuỗi các bài dịch của "The Orthodox Veneration of the Mother of God" viết bởi Thánh Gioan Maximovitch. Đọc bài thứ nhất tại đây
Phần sáu: "Lòng nhiệt thành không sáng suốt" (Rm 10:2)
Sự xuyên tạc của người Latinh trong tín điều mới phát minh về "Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội", làm sai lệch sự sùng kính chân thật đối với Đức Mẹ của Chúa Rất Thánh và Đức Đồng Trinh Maria.
Khi những người chỉ trích cuộc sống vô nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh bị cáo buộc, cũng như những người phủ nhận sự Đồng Trinh của Bà, những người phủ nhận phẩm giá của Bà là Đức Mẹ của Chúa, và những người khinh thường các biểu tượng của Bà—khi vinh quang của Đức Mẹ của Chúa đã chiếu sáng khắp thế gian, thì một giáo lý khác đã xuất hiện, tưởng chừng như tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria, nhưng thực chất lại phủ nhận tất cả các đức hạnh của Bà.
Tín điều này được gọi là Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (Immaculate Conception), và được những người theo ngai Giáo hoàng ở Rôma chấp nhận. Tín điều này như sau: rằng "Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria, đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội ngay từ lúc thụ thai, do ân sủng và tình thương đặc biệt của Đức Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô Đấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội" (Sắc lệnh của Giáo hoàng Piô IX về tín điều mới). Nói cách khác, Đức Mẹ của Chúa ngay từ lúc Thụ Thai đã được bảo vệ khỏi nguyên tội và, nhờ ân sủng của Đức Chúa, đã được đặt vào tình trạng không thể nhiễm tội cá nhân.
Các Kitô hữu chưa từng nghe đến điều này trước thế kỷ 9, cho đến khi Trưởng Tu Viện của Corvey, Paschasius Radbertus, lần đầu tiên bày tỏ quan điểm rằng Đức Trinh Nữ Thánh được thụ thai mà không bị nhiễm tội nguyên tổ. Bắt đầu từ thế kỷ 12, quan điểm này bắt đầu lan rộng trong hàng giáo sĩ và các giáo dân của giáo hội Tây phương, vốn đã tách rời khỏi Giáo hội Toàn thể và do đó mất đi ân sủng của Đức Chúa Thánh Thần.
Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên của giáo hội Rôma đều đồng ý với giáo điều mới này. Thậm chí có sự khác biệt ý kiến giữa những nhà thần học nổi tiếng nhất của Tây phương, có thể nói là trụ cột của giáo hội Latinh. Tôma Aquinô và Bênađô xứ Clairvaux quyết liệt lên án giáo điều này, trong khi Duns Scotus thì lại bảo vệ. Sự chia rẽ này được tiếp nối từ các bậc thầy sang các học trò của họ: các tu sĩ dòng Đa minh Latinh, theo thầy của họ Tôma Aquinô, đã thuyết giảng chống lại giáo điều về Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, trong khi những người theo Duns Scotus, thuộc dòng Phanxicô, cố gắng khẳng định giáo điều này ở khắp nơi. Cuộc chiến giữa hai luồng tư tưởng này kéo dài suốt nhiều thế kỷ. Cả hai phía đều có những người được coi là có phẩm quyền lớn nhất trong cộng đồng Công giáo.
Việc quyết định câu hỏi này không trở nên khả quan hơn khi một số người tuyên bố họ đã nhận được mặc khải từ trên cao liên quan đến vấn đề này. Nữ tu Bridget, nổi tiếng vào thế kỷ 14 trong cộng đồng Công giáo, đã viết về những lần xuất hiện của Đức Mẹ của Chúa với bà, và chính Đức Mẹ đã nói với bà rằng Bà đã được thụ thai vô nhiễm nguyên tội. Nhưng người cùng thời với bà, một nhà khổ hạnh nổi tiếng hơn là Catarina của Siênna, lại khẳng định rằng trong sự thụ thai của Đức Mẹ, Đức Trinh Nữ Maria đã tham gia vào tội nguyên tổ, và bà nhận được mặc khải này từ chính Đấng Kitô. (Xem sách của Linh mục A. Lebedev, "Sự Khác Biệt Trong Giảng Dạy về Đức Mẹ của Chúa Giữa Các Giáo Hội Đông và Tây.")
Do đó, dựa trên cơ sở các văn bản thần học, hay dựa trên cơ sở các mặc khải nhiệm màu nhưng lại mâu thuẫn với nhau, giáo đoàn Latinh vẫn không thể phân biệt được sự thật trong một khoảng thời gian dài. Các Giáo hoàng Rôma cho đến Giáo hoàng Xíttô IV (cuối thế kỷ 15) vẫn đứng ngoài cuộc tranh cãi, và chỉ Giáo hoàng này, vào năm 1475, phê chuẩn một nghi lễ trong đó giáo lý về Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội được biểu đạt rõ ràng; và vài năm sau đó, ông ban lệnh cấm việc lên án những người tin vào Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội. Tuy nhiên, ngay cả Xíttô IV cũng chưa thể quyết định một cách khẳng định rằng đó là giáo lý không thể thay đổi của giáo hội; và do đó, dù đã cấm việc lên án những người tin vào Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, ông cũng không lên án những người tin khác đi.
Trong khi đó, giáo lý về Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội ngày càng có nhiều người ủng hộ trong giới giáo sĩ của giáo hội Rôma. Lý do là vì giáo lý này dường như tỏ ra sùng kính và làm hài lòng Đức Mẹ của Chúa hơn khi dâng lên cho Bà nhiều vinh quang nhất có thể. Sự khao khát của người dân muốn tôn vinh Đấng Cầu Thay Trên Thiên Đường là một mặt, và mặt khác là sự lạc lối của các nhà thần học phương Tây vào các suy luận trừu tượng vốn chỉ dẫn đến những điều tưởng chừng như là sự thật (Scholasticism), và cuối cùng là sự bảo trợ của các Giáo hoàng Rôma sau Xíttô IV—tất cả các yếu tố trên đã dẫn đến quan điểm về Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội, vốn đã được Paschasius Radbertus phát biểu vào thế kỷ 9, đã trở thành niềm tin chung của giáo hội Rôma vào thế kỷ 19. Chỉ còn lại một việc là tuyên bố rõ ràng giáo điều này chính là giáo điều của giáo hội, điều mà Giáo hoàng Rôma Piô IX đã làm trong một nghi lễ trọng thể vào ngày 8 tháng 12 năm 1854, khi ông tuyên bố rằng Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội là một tín điều của giáo hội Rôma.
Do đó, giáo hội Rôma đã thêm một sự lệch lạc nữa so với giáo lý mà giáo hội này đã tuyên xưng khi đang còn là thành viên của Giáo hội Công giáo, Tông truyền—đức tin mà vẫn được giữ nguyên vẹn và không bị thay đổi cho đến ngày nay bởi Giáo hội Chính thống giáo. Việc công bố tín điều mới đã thỏa mãn đông đảo quần chúng thuộc giáo hội Rôma, những người đơn thành nghĩ rằng việc công bố giáo lý mới trong giáo hội sẽ phục vụ cho vinh quang to lớn hơn của Đức Mẹ của Chúa, mà qua đó họ như đang dâng tặng một món quà cho Bà. Đồng thời, lòng kiêu hãnh của các nhà thần học Tây phương, những người đã bảo vệ và xây dựng giáo điều này, cũng được thỏa mãn. Nhưng trên hết, việc công bố tín điều mới có lợi cho ngai vàng Rôma, vì khi tuyên bố tín điều mới bằng quyền lực của mình, mặc dù ông đã lắng nghe ý kiến của các giám mục trong giáo hội Công giáo, Giáo Hoàng Rôma đã công khai tự cho mình quyền thay đổi giáo lý của giáo hội Rôma và đặt tiếng nói của mình lên trên lời chứng của Thánh Kinh và Truyền Thống. Một hệ quả trực tiếp của điều này là việc các Giáo Hoàng Rôma được cho là bất khả ngộ trong các vấn đề về đức tin, điều mà cũng đã được chính Giáo Hoàng Piô IX tuyên bố là một tín điều của Giáo hội Công giáo vào năm 1870.
Do đó, giáo lý của giáo hội Tây phương đã bị thay đổi sau khi tách khỏi sự hiệp thông với Giáo hội Chân chính. Giáo hội này đã giới thiệu thêm nhiều giáo lý mới và mới hơn, nghĩ rằng sẽ tôn vinh được Sự Thật hơn thế nữa, nhưng thực tế lại đang bóp méo nó. Trong khi Giáo hội Chính thống giáo khiêm nhường tuyên xưng những gì mà mình đã nhận được từ Đấng Kitô và các Tông đồ, thì giáo hội Rôma lại dám thêm vào, đôi khi vì lòng nhiệt thành không sáng suốt (Rom. 10:2), và đôi khi lại đi chệch hướng vào những mê tín dị đoan và những vấn đề của tri thức giả hiệu (I Tim. 6:20). Điều đó khó có thể khác được. Rằng cửa địa ngục sẽ không thắng nổi Giáo hội (Mat. 16:18) chỉ được hứa với Giáo hội Chân chính, Toàn thể; còn đối với những kẻ đã tách khỏi Giáo hội thì lời hứa ấy không còn hiệu lực, thay vào đó là những lời: Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. (Gio 15:4).
Trong chính định nghĩa của giáo điều mới, người ta nói rằng một giáo lý mới không được thiết lập, mà chỉ công bố những gì đã luôn tồn tại trong Giáo hội và được nhiều Giáo Phụ giữ vững, được trích dẫn từ chính các bài viết của họ. Tuy nhiên, tất cả các trích dẫn chỉ nói về sự thánh thần cao cả của Đức Trinh Nữ Maria và sự vô nhiễm của Bà, cũng như đặt cho Bà nhiều tước hiệu để định nghĩa sự thanh khiết và sức mạnh tâm linh của Bà; nhưng không ở đâu đề cập đến sự vô nhiễm nguyên tội trong sự thụ thai của Bà. Trong khi đó, chính những Giáo Phụ này ở những bài viết khác lại nói rằng chỉ có Chúa Giêsu Kitô là hoàn toàn thanh khiết khỏi mọi tội lỗi, trong khi tất cả mọi người, sinh ra từ ông Ađam, đều sinh ra trong một thân xác chịu sự chi phối của tội lỗi.
Không một Giáo Phụ nào thời xưa nói rằng Đức Chúa, bằng một phép màu, đã thanh tẩy Đức Trinh Nữ Maria khi bà còn ở trong lòng mẹ; và nhiều đức cha trực tiếp cho rằng Đức Trinh Nữ Maria, cũng như tất cả mọi người, phải trải qua cuộc chiến với tội lỗi, nhưng đã chiến thắng được những cám dỗ và được cứu rỗi bởi Người Con Thần Thánh của Bà.
Các nhà chú giải theo tín điều Latinh cũng nói rằng Đức Trinh Nữ Maria được cứu rỗi bởi Đấng Kitô. Nhưng họ hiểu điều này theo nghĩa rằng Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội nhờ vào công nghiệp của Đấng Kitô (Sắc lệnh về Giáo điều Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội). Theo giáo lý của họ, Đức Trinh Nữ Maria nhận trước, như thể là, một món quà mà Đấng Kitô mang đến cho loài người qua sự đau khổ và cái chết của Ngài trên Thập giá. Hơn nữa, khi nói về những đau khổ mà Đức Mẹ của Chúa phải chịu đựng khi đứng dưới chân Thập giá của Con Yêu mến của Bà, và những đau khổ đầy rẫy trong cuộc đời của Đức Mẹ của Chúa nói chung, họ coi đó là một phần bổ sung cho những đau khổ của Đấng Kitô và coi Đức Maria là Đồng Công Cứu Chuộc của chúng ta. Theo chú giải của các nhà thần học Latinh, “Đức Maria là người cộng tác với Đấng Cứu Chuộc của chúng ta như một Đồng Công Cứu Chuộc (Co-Redemptress)” (xem Lebedev, op. cit, tr. 273). “Trong công nghiệp Cứu chuộc, Bà, ở một mức độ nào đó, đã giúp Đấng Kitô” (Giáo lý vấn đáp của Tiến sĩ Weimar). “Đức Mẹ của Chúa,” tiến sĩ Lentz viết, “đã gánh chịu gánh nặng của sự tử đạo của Bà không chỉ với lòng dũng cảm, mà còn với niềm vui vẻ, mặc dù với một trái tim tan nát” (Thánh Mẫu học của Tiến sĩ Lentz). Vì lý do này, Bà là “sự bổ sung của Chúa Ba Ngôi,” và “giống như Con Bà là Đấng Trung Gian duy nhất được Đức Chúa chọn giữa sự uy nghiêm bị xúc phạm của Ngài và loài người tội lỗi, thì cũng chính xác như vậy, Đấng Trung Gian quan trọng nhất mà Ngài đặt giữa Con Ngài và chúng ta là Đức Trinh Nữ Maria.” “Trong ba khía cạnh—là Người Con gái, là Hiền Mẫu, và là Hiền Thê của Đức Chúa—Đức Trinh Nữ được nâng lên một mức độ ngang hàng nhất định với Chúa Cha, một mức độ vượt trội nhất định so với Chúa Con, một mức độ gần gũi nhất định với Chúa Thánh Thần” (“Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội,” Malou, Giám mục Brouges).
Như vậy, theo giáo lý của các đại diện của thần học Latin, Đức Trinh Nữ Maria trong công nghiệp Cứu Chuộc được đặt ngang hàng với chính Đấng Kitô và được tôn lên ngang hàng với Đức Chúa. Không một ai có thể đi xa hơn thế. Nếu tất cả những điều này chưa được chính thức công bố như một giáo điều của Giáo hội Roma, thì Đức Giáo hoàng Piô IX, đã thực hiện bước đầu tiên theo chiều hướng này, đã chỉ ra hướng phát triển tiếp theo của giáo lý được công nhận rộng rãi trong Giáo hội của ông, và gián tiếp xác nhận giáo lý được trích dẫn ở trên về Đức Trinh Nữ Maria.
Như vậy, Giáo hội Roma, trong nỗ lực tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria Rất Thánh, đang đi trên con đường thần thánh hóa hoàn toàn Bà. Và ngay cả bây giờ, nếu những người nắm giữ phẩm quyền của họ gọi Đức Maria là sự bổ sung của Chúa Ba Ngôi, thì người ta có thể sớm mong đợi rằng Đức Trinh Nữ sẽ được tôn kính như Đức Chúa.
Cũng đã theo bước trên con đường này là một nhóm các nhà tư tưởng hiện vẫn thuộc về Giáo hội Chính thống giáo, nhưng đang xây dựng một hệ thống thần học mới dựa trên giáo lý triết học về Sophia, Sự Khôn Ngoan, như một sức mạnh đặc biệt liên kết Thần tính và tạo vật. Cũng phát triển giáo lý về phẩm giá của Đức Mẹ của Chúa, họ muốn thấy trong Bà một Bản tính nhất định nằm ở giữa Đức Chúa và con người. Trong một số vấn đề, họ ôn hòa hơn các nhà thần học Latinh, nhưng ở một số khác, nếu quý vị cho phép tôi nói, họ đã vượt xa họ. Mặc dù phủ nhận giáo lý về Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội và sự tự do khỏi nguyên tội, họ vẫn dạy rằng Bà hoàn toàn tự do khỏi mọi tội cá nhân, nhìn nhận Bà như là Đấng Trung Gian giữa con người và Đức Chúa, giống như Đấng Kitô: trong vị cách (Hypostasis) của Đấng Kitô là Ngôi Vị Thứ Hai của Chúa Ba Ngôi, Ngôi Lời Hằng Hữu, Con Đức Chúa đã xuất hiện trên trần gian; trong khi đó, Chúa Thánh Thần được biểu lộ qua Đức Trinh Nữ Maria.
Theo lời của một đại diện của phong trào này, khi Chúa Thánh Thần đến cư ngụ trong Đức Trinh Nữ Maria, Bà đã có “một cuộc sống nhị nguyên, con người và thánh thần; tức là, Bà đã hoàn toàn được thần thánh hóa, vì trong vị cách của Bà đã hiện thân sự mặc khải sống và sáng tạo của Chúa Thánh Thần” (Linh mục Sergei Bulgakov, Bụi cây cháy không tàn, 1927, tr. 154). “Bà là sự hiện thân hoàn hảo của Ngôi Vị Thứ Ba”(Ibid., tr. 175), “một tạo vật, nhưng cũng không còn là tạo vật nữa” (tr. 191). Nỗ lực thần thánh hóa Đức Mẹ của Chúa chủ yếu được nhìn thấy ở phương Tây, trong khi cùng thời gian đó, về một mặt khác, các giáo phái Tin Lành khác nhau đang có được nhiều thành công lớn, cùng với các nhánh chính của Tin Lành, Luther và Tin Lành Calvin, vốn trên bình diện tổng thể phủ nhận việc sùng kính Đức Mẹ và việc gọi tên Bà khi cầu nguyện.
Nhưng chúng ta có thể nói với lời của Thánh Epiphanius của Cyprus: “Cả hai dị giáo này đều có tác hại ngang nhau, cả khi con người hạ thấp Đức Trinh Nữ và khi, ngược lại, họ tôn vinh Bà quá mức chuẩn mực” (Panarion, “Chống lại Collyridians”). Đức Giáo Phụ này kết án những người tôn thờ Bà gần như thần thánh: “Hãy để Đức Maria được tôn kính, nhưng sự thờ phượng phải dành cho Chúa” (cùng nguồn). “Mặc dù Đức Maria là hòm bia được Chúa chọn, nhưng Bà vẫn là một người phụ nữ theo bản chất, không có gì khác biệt so với người khác. Mặc dù lịch sử của Đức Maria và Truyền thống kể lại rằng cha của Bà là ông Joachim được báo tin trong sa mạc rằng "Vợ ngươi đã thụ thai." Tuy nhiên, điều này vẫn xảy ra thông qua sự kết hợp vợ chồng và không thể tách rời khỏi hạt giống của người đàn ông.” (cùng nguồn). “Chúng ta không nên sùng kính các thánh vượt quá mức thích hợp, mà nên sùng kính Thầy của họ. Đức Maria không phải là Đức Chúa, và không nhận một thân thể từ thiên đàng, mà từ sự kết hợp của người đàn ông và người phụ nữ; và theo lời hứa, giống như Isaac, Bà đã được chuẩn bị để tham gia vào Công nghiệp Thần thánh. Nhưng mặt khác, đừng ai dám dại dột xúc phạm đến Đức Trinh Nữ Đồng Trinh” (Thánh Epiphanius, “Chống lại Antidikomarionites”).
Giáo hội Chính thống giáo tôn vinh Đức Mẹ của Chúa hết mực qua các bài thánh ca, nhưng không dám gán ghép cho Đức Mẹ những điều Thánh Kinh hoặc Truyền Thống không đề cập đến. “Sự thật xa lạ với mọi cường điệu thái quá cũng như mọi sự giảm nhẹ đánh giá thấp. Sự thật ban cho mọi thứ một thước đo và vị trí phù hợp” (Giám mục Ignatius Brianchaninov). Xét về một mặt, các Giáo Phụ của Giáo hội tôn vinh sự vô nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria và sự chịu đựng kiên cường những nỗi đau trong cuộc sống trần thế của Bà, nhưng về mặt khác, các Đức Cha bác bỏ ý tưởng rằng Bà là đấng trung gian giữa Đức Chúa và con người theo nghĩa là Đức Mẹ cùng với Chúa cứu chuộc nhân loại. Thánh Ambrose, Giám mục Milan, một Giáo phụ nổi tiếng của Giáo hội Tây phương, khi nói về sự sẵn sàng chịu chết cùng Con Bà và cùng Con Bà chịu đau khổ vì sự cứu rỗi của mọi người, đã nói thêm: "Nhưng những đau khổ của Chúa Giêsu không cần bất kỳ sự giúp đỡ nào, vì chính Chúa đã từng tiên tri về điều này từ rất lâu trước: Ta nhìn xem: không một người trợ giúp!; Ta tìm kiếm: chẳng người nào đỡ nâng! (Is 63:5)" (Thánh Ambrose, "Về việc nuôi dạy Đức Trinh Nữ và sự Đồng trinh của Đức Mẹ Maria," chương 7).
Đức Giáo Phụ trên cũng dạy về tính toàn thể của nguyên tội, trong đó chỉ có Đấng Kitô là ngoại lệ. “Trong số những ai sinh ra từ phụ nữ, không có một ai hoàn toàn thánh thần, ngoại trừ Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã trải qua sự sinh thành đặc biệt mới mẻ, không tì vết, không bị ô nhiễm trần gian.” (Thánh Ambrose, Chú giải Luca, ch. 2). “Chỉ có Đức Chúa là không có tội. Tất cả những người sinh ra bằng cách thông thường của người đàn ông và người phụ nữ, tức là, sự kết hợp xác thịt, đều trở nên có tội. Do đó, Đấng không có tội không được thụ thai theo cách này” (Thánh Ambrose, Ap. Aug. “Về Hôn nhân và Sự thụ thai”). “Một Người duy nhất, Đấng Trung gian giữa Đức Chúa và con người, là tự do khỏi sự ràng buộc của sự sinh ra trong tội lỗi, vì Ngài được sinh ra từ một Trinh Nữ, và vì khi được sinh ra Ngài không bị tội lỗi chạm đến” (Thánh Ambrose, Chống lại Julian, Quyển 2).
Một Đức Cha khác từ Giáo hội, Augustine, viết: “Đối với những người khác, ngoại trừ Đấng là viên đá sống động, tôi không thấy bất kỳ phương tiện nào khác để họ trở thành đền thờ của Chúa và là nơi cư ngụ của Ngài ngoài sự tái sinh tâm linh, điều này phải tuyệt đối đến trước sự sinh ra trong xác thịt. Vì vậy, dù chúng ta có suy nghĩ bao nhiêu về những đứa trẻ trong bụng mẹ, và dù lời của Đức Thánh Truyền Giáo nói về ông Gioan Tẩy Rửa rằng ông nhảy lên vui mừng trong bụng mẹ (điều này không xảy ra ngoài tác động của Chúa Thánh Thần), hoặc lời của Chúa phán với Jeremiah: trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hoá ngươi (Jer. 1:5)—bất kể những điều này có thể hoặc không thể cho chúng ta cơ sở để nghĩ rằng những đứa trẻ trong tình trạng này có khả năng thánh hóa nhất định, nhưng trong bất kỳ trường hợp nào cũng không thể nghi ngờ rằng, sự thánh hóa mà qua đó tất cả chúng ta, về cả phương diện tập thể và cả cá nhân, trở thành đền thờ của Chúa chỉ có thể xảy ra đối với những người đã tái sinh, và sự tái sinh luôn giả định trước sự sinh đời. Chỉ những người đã được sinh ra mới có thể hợp nhất với Đấng Kitô và hợp nhất với Thân thể Thiêng liêng này, điều làm cho Giáo hội của Ngài trở thành ngôi đền sống của sự uy nghi của Chúa” (Augustine, Thư 187).
Những lời đã trích trên từ các bậc thầy từ thời xa xưa của Giáo hội đã chứng minh rằng ngay chính ở Tây phương, giáo lý mà hiện đang được lan rộng đã từng bị từ chối. Ngay cả sau khi Giáo hội Tây phương ly giáo, Bênađô, người được công nhận là một quyền uy lớn, đã viết: “Tôi rất sợ hãi khi thấy rằng một số anh em đã mong muốn thay đổi tình trạng của những vấn đề quan trọng, đưa vào một lễ hội mới mà Giáo hội không biết đến, không được chấp thuận bởi lý trí, không được chứng minh bởi truyền thống cổ xưa. Chúng ta thực sự có học và mộ đạo hơn cha ông chúng ta sao? Các anh em sẽ nói, 'Phải tôn vinh Đức Mẹ của Chúa nhiều nhất có thể.' Điều này là đúng; nhưng sự tôn vinh dành cho Nữ Vương Thiên Đàng đòi hỏi sự nhìn nhận. Đức Trinh Nữ Vương của chúng ta không cần những sự tôn vinh sai lệch, vì Bà đã sở hữu những vương miện vinh quang đích thực và những dấu chỉ của phẩm giá. Hãy tôn vinh sự thanh khiết của xác thịt của Bà và sự thánh thần của cuộc sống của Bà. Hãy kinh ngạc trước sự phong phú của các món quà của Đức Trinh Nữ này; hãy sùng kính Người Con Thần Thánh của Bà; hãy tôn vinh Bà Người đã mang thai mà không biết đến dục vọng và sinh ra mà không biết đến đau đớn. Nhưng còn cần phải thêm gì vào những phẩm giá này nữa? Người ta nói rằng phải tôn kính sự thụ thai trước sự ra đời vinh quang; vì nếu không có sự thụ thai, sự ra đời sẽ không có vinh quang. Nhưng sẽ nói gì nếu cùng vì lý do đó, một người đòi hỏi sự sùng kính tương tự cho cha mẹ của Đức Mẹ Maria? Người ta cũng có thể đòi hỏi tương tự cho ông bà và cụ của Bà, đến vô cùng. Hơn nữa, làm sao có thể không có tội ở nơi có dục vọng? Đặc biệt, càng không nên nói rằng Đức Trinh Nữ được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần và không phải bởi người đàn ông. Tôi quả quyết cho rằng Chúa Thánh Thần đã giáng xuống lên Bà, nhưng không phải rằng Ngài đã đi cùng với Bà.
“Tôi nói rằng Đức Trinh Nữ Maria không thể được thánh hóa trước khi Bà được thụ thai, vì Bà chưa tồn tại. Hơn nữa, nếu Bà không thể được thánh hóa ngay tại thời điểm thụ thai vì tội lỗi không thể tách rời với sự thụ thai, thì chỉ còn cách tin rằng Bà được thánh hóa sau khi thụ thai trong lòng mẹ. Sự thánh hóa này, nếu nó xóa bỏ tội lỗi, thì sẽ khiến việc sinh ra của Bà được thánh thần, nhưng không phải thụ thai của Bà. Không ai được quyền được thụ thai trong sự thánh thần; chỉ có Đấng Kitô được thụ thai bởi Chúa Thánh Thần, và chỉ có Ngài mới là thánh thần ngay từ khi thụ thai. Ngoại trừ Ngài, tất cả các hậu duệ của ông Ađam đều phải nhắc đến lời mà một người trong số họ đã nói về mình, vừa vì lòng khiêm nhường vừa vì thừa nhận sự thật: Ngài thấy cho : lúc chào đời con đã vương lầm lỗi (Ps. 50:7)(51:7). Làm sao có thể đòi hỏi sự thụ thai này là thánh thần khi nó không phải là công việc của Chúa Thánh Thần, chưa kể đến việc nó xuất phát từ dục vọng? Dĩ nhiên, Đức Mẹ Đồng Trinh bác bỏ vinh quang này, vì rõ ràng nó tôn vinh tội lỗi. Bà không thể bằng bất kỳ cách nào biện hộ cho một sự mới lạ được phát minh ra bất chấp giáo lý của Giáo hội, một sự mới lạ là mẹ của sự khinh suất, chị của sự không tin, và con gái của sự nhẹ dạ.” (Bernard, Thư 174; trích, như các tài liệu tham khảo từ Augustine, từ Lebedev.) Những lời được trích dẫn ở trên cho thấy rõ ràng cả tính mới lạ và sự phi lý của giáo điều mới của Giáo hội Rôma.
Giáo lý về sự hoàn toàn không có tội lỗi của Đức Mẹ của Chúa:
-
Không phù hợp với Kinh Thánh, nơi nhiều lần nhắc đến sự không có tội của chỉ có một Đấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Đức Kitô Giêsu (I Tim. 2:5); và trong Ngài không có tội lỗi (I John 3:5); Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. (I Peter 2:22); vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội (Heb. 4:15); Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta (II Cor. 5:21). Nhưng về phần của những con người khác, Kinh Thánh ghi rằng Ai tìm thanh sạch được từ ô uế? Dứt khoát chẳng một ai! (Job 14:4). Chúa thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta rằng, trong khi chúng ta còn là những người tội lỗi, Đấng Kitô đã chết vì chúng ta. Nếu, trong khi chúng ta là kẻ thù, chúng ta đã được hòa giải với Chúa qua cái chết của Con Ngài, thì càng hơn nữa, được hòa giải, chúng ta sẽ được cứu bởi sự sống của Ngài (Rom. 5:8-10).
-
Giáo lý này cũng mâu thuẫn với Thánh Truyền, được chứa đựng trong nhiều bài viết của các Giáo Phụ, nơi nhắc đến sự thánh thần cao cả của Đức Trinh Nữ Mary từ khi Bà mới sinh, cũng như sự thanh tẩy của Bà bởi Chúa Thánh Thần khi Bà thụ thai Đấng Kitô, nhưng không phải khi Bà thụ thai bởi Đức Anna. “Không có ai là không có tì vết trước Ngài, dù đời sống của anh ta chỉ là một ngày, trừ một mình Ngài, Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã xuất hiện trên trần gian mà không có tội, và qua Ngài chúng ta đều hy vọng đạt được lòng thương xót và sự tha thứ tội lỗi.” (Thánh Basil Cả, Lời Cầu Nguyện Thứ Ba của Vespers của Lễ Ngũ Tuần.) “Nhưng khi Đấng Kitô đến qua một người thanh khiết, trinh nữ, không kết hôn, kính sợ Chúa, Người Mẹ không tì vết, không qua hôn nhân và không có cha, và phù hợp để Ngài sinh ra đời, Ngài đã thanh tẩy bản chất của nữ giới, từ chối bà Eve cay đắng và lật đổ luật xác thịt” (Thánh Gregory Nhà Thần Học, “Ca Ngợi Sự Trinh Tiết”). Tuy nhiên, ngay cả sau đó, như Thánh Basil Cả và Thánh John Chrysostom nói về điều này, Bà không được đặt vào trạng thái không thể phạm tội, mà vẫn tiếp tục chăm lo cho sự cứu rỗi của mình và vượt qua mọi cám dỗ (Thánh John Chrysostom, Chú Giải về John, Bài Giảng 85; Thánh Basil Cả, Thư 160).
-
Giáo lý rằng Đức Mẹ của Chúa được thanh tẩy trước khi sinh ra, để Bà có thể sinh ra Đấng Kitô Thánh Khiết, là vô nghĩa; bởi vì nếu Đấng Kitô Thánh Khiết chỉ có thể được sinh ra nếu Đức Trinh Nữ cũng được sinh ra thanh khiết, thì cần phải rằng cha mẹ của Bà cũng phải thanh khiết khỏi tội nguyên tổ, và họ lại phải được sinh ra từ cha mẹ thanh khiết, và tiếp tục như vậy, một người phải đi đến kết luận rằng Đấng Kitô không thể trở nên nhập thể trừ khi tất cả tổ tiên của Ngài trong xác thịt, cho đến cả ông Ađam, đã được thanh tẩy trước khỏi tội nguyên tổ. Nhưng sau đó sự Nhập thể của Đấng Kitô là không cần thiết, bởi vì Đấng Kitô đã giáng trần để tiêu diệt tội lỗi.
-
Giáo lý rằng Đức Mẹ của Chúa được bảo vệ khỏi tội nguyên tổ, cũng như giáo lý rằng Bà được bảo vệ bởi ân sủng của Chúa khỏi tội cá nhân, làm cho Chúa trở nên không thương xót và không công bằng; bởi vì nếu Chúa có thể bảo vệ Mary khỏi tội lỗi và thanh tẩy Bà trước khi sinh ra, thì tại sao Ngài không thanh tẩy những người khác trước khi họ sinh ra, mà lại để họ trong tội lỗi? Cũng theo đó, Chúa cứu rỗi loài người ngoài ý muốn của họ, định sẵn một số người trước khi sinh ra để được cứu rỗi.
-
Giáo lý này, bề ngoài có vẻ nhằm mục đích tôn vinh Đức Mẹ của Chúa, thực sự hoàn toàn phủ nhận tất cả các đức hạnh của Bà. Xét cho cùng, nếu Đức Maria, ngay cả trong bụng mẹ, khi Bà không thể mong muốn bất cứ điều gì tốt hoặc xấu, được bảo vệ bởi ân sủng của Chúa khỏi mọi sự ô uế, và sau đó bởi ân sủng đó Bà được bảo vệ khỏi tội lỗi ngay cả sau khi sinh ra, vậy thì công đức của Bà nằm ở đâu? Nếu Bà có thể được đặt vào tình trạng không thể phạm tội, và không phạm tội, thì tại sao Đức Chúa lại tôn vinh Bà? Nếu Bà, không cần bất kỳ nỗ lực nào, và không có bất kỳ ham muốn tội lỗi nào, vẫn giữ được sự thanh khiết, thì tại sao Bà lại được tôn vinh hơn tất cả những người khác? Sẽ không có chiến thắng nào nếu không có kẻ thù.
Sự công chính và thánh thần của Đức Trinh Nữ Maria được thể hiện ở chỗ Bà, dù là “người với những đam mê như chúng ta,” nhưng lại yêu mến Chúa và hiến dâng bản thân cho Ngài đến mức, qua sự thanh khiết của Mình, Bà được tôn lên cao hơn tất cả loài người. Vì điều này, đã được biết trước và được chọn trước, Bà được thanh tẩy bởi Chúa Thánh Thần Đấng đã ngự xuống Bà, và thụ thai chính Đấng Cứu Chuộc của thế gian. Giáo lý về Đức Trinh Nữ Maria không có tội bởi ân sủng phủ nhận chiến thắng của Bà trước các cám dỗ; từ một đấng chiến thắng xứng đáng được đội vương miện vinh quang, giáo lý này hạ Đức Mẹ xuống chỉ thành một công cụ mù của Sự Quan Phòng của Chúa.
Đó không phải là sự tôn vinh và vinh quang lớn hơn, mà là sự hạ thấp Bà, “món quà” này được tặng bởi Giáo hoàng Piô IX và tất cả những người khác nghĩ rằng họ có thể tôn vinh Đức Mẹ của Chúa bằng cách tìm kiếm những chân lý mới. Đức Maria Rất Thánh đã được chính Đức Chúa tôn vinh lên rất cao, cả cuộc sống của Bà trên trần gian và vinh quang của Bà trên thiên đường, đến mức những phát minh của loài người không thể thêm bất cứ điều gì vào vinh dự và vinh quang của Bà. Những gì mà con người tự nghĩ ra chỉ làm mờ đi Khuôn Mặt của Bà khỏi mắt họ. Hãy coi chừng chớ để ai gài bẫy anh em bằng mồi triết lý và những tư tưởng giả dối rỗng tuếch theo truyền thống người phàm và theo những yếu tố của vũ trụ chứ không theo Đức Ki-tô, viết bởi Tông đồ Phaolô bởi Chúa Thánh Thần (Col. 2:8).
Quả là một “tư tưởng giả dối rỗng tuếch” với giáo lý về sự thụ thai vô nhiễm nguyên tội bởi bà Anna của Đức Trinh Nữ Mary, thoạt nhìn tưởng là tôn vinh, nhưng thực tế lại hạ thấp Bà. Như mọi lời nói dối, nó là một hạt giống của “cha sự gian dối” (John 8:44), quỷ dữ, kẻ đã thành công trong việc lừa dối nhiều người không hiểu rằng họ đang báng bổ Đức Trinh Nữ Maria. Cùng với nó cần phải từ chối tất cả các giáo lý khác đã xuất phát từ nó hoặc tương tự với nó. Sự cố gắng tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria đến mức ngang hàng với Đấng Kitô, gán cho Bà những đau khổ mẫu tử tại Thập giá có ý nghĩa ngang bằng với những đau khổ của Đấng Kitô, để Đấng Cứu Chuộc và “Đồng Công Cứu Chuộc” chịu đau khổ như nhau, theo giáo lý của người Công giáo, hoặc rằng “bản tính con người của Đức Mẹ của Chúa trên thiên đàng cùng với Đức Chúa-Người Giêsu cùng nhau tiết lộ hình ảnh đầy đủ của con người” (Cha S. Bulgakov, Bụi cây cháy không tàn, tr. 141)—cũng là một sự giả dối rỗng tuếch và sự cám dỗ của triết học. Trong Chúa Giêsu Kitô không có nam cũng không có nữ (Gal. 3:28), và Đấng Kitô đã cứu chuộc toàn bộ loài người; do đó tại Sự Phục Sinh của Ngài, “Adam nhảy lên vui mừng và Eve vui sướng” (Chúa Nhật Kontakia của Tông Thứ Nhất và Thứ Ba), và bởi Sự Thăng Thiên của Ngài, Chúa đã nâng cả bản chất con người lên.
Tương tự, rằng Đức Mẹ của Chúa là “sự bổ sung của Ba Ngôi Thánh” hoặc một “Vị cách thứ tư” (fourth Hypostasis); rằng “Người Con và Người Mẹ là sự tiết lộ của Đức Chúa Cha qua Vị cách Thứ Hai và Thứ Ba”; rằng Đức Trinh Nữ Maria là “một tạo vật, nhưng cũng không còn là một tạo vật”—tất cả điều này là quả trái của sự khôn ngoan phù phiếm, sai lầm, điều mà không hài lòng với những gì Giáo hội đã giữ từ thời của các Tông đồ, nhưng cố gắng tôn vinh Đức Trinh Nữ Maria hơn những gì Chúa đã tôn vinh Bà.
Như vậy, lời của Thánh Epiphanius của Cyprus đã được hoàn thành: “Một số người thiếu nhận thức trong quan điểm của họ về Đức Trinh Nữ Thánh đã cố gắng và đang cố gắng đặt Bà vào vị trí của Chúa” (Thánh Epiphanius, “Chống lại Antidikomarionites”). Nhưng những gì được đưa ra cho Đức Trinh Nữ trong sự thiếu nhận thức, thay vì khen ngợi Bà, lại hóa ra là sự báng bổ; và Đấng Vô Nhiễm hoàn toàn từ chối sự dối trá, vì Đấng là Đức Mẹ của Sự Thật (John 14:6).
Phần bảy (kết): Việc sùng kính Đức Mẹ trong Chính thống giáo.