Lý giải việc sùng kính Đức Mẹ
trong Chính thống giáo
- Phần 7 (Kết)
Thánh Gioan Maximovitch ✢
18.06.2024 — 15 phút đọcVề Đức Theotokos
Đây là bài thứ bảy (phần kết) trong chuỗi các bài dịch của "The Orthodox Veneration of the Mother of God" viết bởi Thánh Gioan Maximovitch. Đọc bài thứ nhất tại đây
Phần bảy (kết): Việc sùng kính Đức Mẹ trong Chính thống giáo
Giáo hội Chính thống giáo dạy về Đức Mẹ của Chúa theo như những gì mà Thánh Truyền và Thánh Kinh đã nói về Bà, và hàng ngày Giáo hội tôn vinh Đức Mẹ trong các đền thờ, cầu xin sự giúp đỡ và bảo vệ của Bà. Biết rằng Đức Mẹ chỉ hài lòng với những lời khen ngợi tương xứng với vinh quang thực sự của Bà, các Giáo Phụ và các nhà soạn thánh ca đã cầu xin Đức Mẹ và Con Bà dạy họ cách ca ngợi Bà. "Xin Đấng Kitô xây quanh tâm trí con một thành trì kiên cố, vì con xin được mạnh dạn cất lên lời ca ngợi Đức Mẹ thanh khiết của Ngài" (Ikos của Lễ Yên giấc - Dormition). "Giáo Hội dạy rằng Đấng Kitô thực sự được sinh ra từ Đức Mẹ Đồng Trinh Maria" (Thánh Epiphanius, “Lời Chân Thật Về Đức Tin”). "Điều thiết yếu đối với chúng ta là phải xưng nhận rằng Đức Đồng Trinh Maria thánh khiết thực sự là Đức Theotokos (Đấng Sinh ra Đức Chúa), để không rơi vào sự báng bổ. Những kẻ phủ nhận sự thật rằng Đức Trinh Nữ thánh khiết thực sự là Đức Theotokos không còn là tín đồ nữa, mà là môn đồ của các Pharisiêu và Sađusê" (Thánh Ephraim người Syria, “Gửi Gioan Người Tu Sĩ”).
Theo Thánh Truyền, Maria là con gái của ông Joachim và bà Anna, cả hai đều đã già, và ông Joachim xuất thân từ dòng dõi hoàng gia vua David, còn bà Anna từ dòng tộc tư tế. Dù có gốc gác quý tộc như vậy, họ đều là những người nghèo khó. Tuy nhiên, điều làm những người công chính này buồn phiền không phải là sự nghèo khó, mà là việc họ không có con cái và không thể hy vọng rằng hậu duệ của họ sẽ được nhìn thấy Đấng Mêsia. Và này đây, khi một lần họ bị người Hípri khinh thường vì sự hiếm muộn của mình, cả hai đều đau khổ trong tâm hồn và đã dâng lời nguyện cầu lên Đức Chúa—ông Joachim ở trên một ngọn núi nơi ông đã rút lui về sau khi thầy tư tế không muốn dâng lễ vật của ông trong Đền Thờ, và bà Anna trong khu vườn nhà khóc thương cho sự hiếm muộn—một thiên sứ hiện ra với họ báo rằng họ sẽ sinh hạ một người con gái. Vui mừng khôn xiết, họ hứa sẽ hiến dâng đứa con của mình cho Đức Chúa.
Chín tháng sau, một cô con gái được sinh ra, được đặt tên là Maria, Người từ nhỏ đã biểu lộ những phẩm chất tốt đẹp của tâm hồn. Khi Đức Maria lên ba tuổi, cha mẹ bà, thực hiện lời hứa của mình, long trọng dẫn cô bé Maria đến Đền Thờ Jerusalem; chính Đức Maria đã tự Mình leo lên những bậc thang cao và, bởi sự mạc khải từ Đức Chúa, Maria được dẫn vào Nơi Cực Thánh, bởi Thượng Tế đã gặp Maria, mang theo ân sủng của Đức Chúa vốn ngự trên Maria vào Đền Thờ, nơi trước đó chưa có ân sủng. (Xem Kontakion của Lễ Nhập Đền. Đây là Đền Thờ mới xây, chưa có sự vinh quang của Đức Chúa ngự xuống như đã từng xảy ra với Hòm Giao Ước hay Đền Thờ của Solomon.) Đức Mẹ được sống trong khu dành cho các trinh nữ trong Đền Thờ, nhưng Bà dành nhiều thời gian cầu nguyện trong Nơi Cực Thánh đến mức có thể nói rằng Bà đã sống trong đó. (Phụng Vụ của Lễ Nhập Đền, stichera thứ hai trên “Chúa ơi, con đã kêu khóc,” và “Vinh Quang, Cả Bây Giờ . . .”) Được ban tặng với tất cả các đức hạnh, Đức Mẹ sống một cuộc sống thanh khiết phi thường. Vâng phục và tuân theo mọi người, Đức Mẹ không xúc phạm đến ai, không nói lời thô lỗ với ai, thân thiện với tất cả, và không cho phép bất kỳ ý nghĩ ô uế nào (tóm lược từ Thánh Ambrose thành Milan, “Về Sự Đồng Trinh của Đức Trinh Nữ Maria”).
"Mặc dù sống một cuộc sống công chính và vô nhiễm, tội lỗi và cái chết đời đời vẫn bộc lộ sự hiện diện của chúng nơi Đức Mẹ. Điều này là không thể tránh khỏi: Đây chính là giáo lý chính xác và trung thành của Giáo Hội Chính thống giáo về Đức Mẹ của Chúa trong mối liên hệ với tội tổ tông (ancestral sin) và cái chết" (Giám mục Ignatius Brianchaninov, “Giải thích Giáo lý của Giáo hội Chính thống giáo về Đức Mẹ của Chúa”). "Người lạ mặt với mọi sa ngã vào tội lỗi" (Thánh Ambrose thành Milan, Bình luận về Thánh Vịnh 118), Đức Mẹ không lạ gì với những cám dỗ tội lỗi. "Chỉ có Đức Chúa là không có tội lỗi" (Thánh Ambrose, cùng nguồn), trong khi con người luôn có điểm gì đó cần phải chỉnh sửa và hoàn thiện để thực hiện điều răn của Chúa: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh. (Lêvi 19:2). Người càng thanh khiết và hoàn hảo, thì càng nhận ra được những khuyết điểm của mình và càng cảm thấy mình bất xứng.
Đức Trinh Nữ Maria, đã hoàn toàn dâng Mình cho Đức Chúa, dù Đức Mẹ đã đẩy lùi mọi sự cám dỗ tội lỗi, nhưng Bà vẫn cảm thấy được sự yếu đuối của bản tính con người rõ ràng hơn người khác và khát khao mãnh liệt sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế. Với lòng khiêm nhường, Đức Mẹ tự coi mình là không xứng đáng để làm ngay cả người nữ tỳ của Đức Trinh Nữ, Đấng sẽ sinh ra Ngài. Để không bị phân tâm khỏi việc cầu nguyện và chú tâm đến bản thân, Đức Maria đã thề nguyện với Đức Chúa sẽ không kết hôn, để làm đẹp lòng mỗi một mình Ngài suốt đời. Được hứa hôn với ông Giuse lớn tuổi khi tuổi tác không còn cho phép Bà ở lại Đền Thờ, Bà chuyển đến sống tại nhà của ông ở Nazareth. Tại đây, Đức Trinh Nữ được vinh dự đón nhận sự xuất hiện của Tổng lãnh thiên thần Gabriel, người mang đến cho Bà tin vui về sự sinh hạ của Con Đấng Tối Cao từ Bà. Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà. Bà được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ... Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa (Luca 1:28-35).
Đức Maria đón nhận tin vui của thiên sứ với sự khiêm nhường và vâng phục. “Rồi Ngôi Lời, theo cách mà chỉ Ngài biết, đã giáng xuống, và theo ý muốn của chính Ngài, đến và nhập vào Đức Maria và ngự trong Bà” (Thánh Ephraim người Syria, “Ca ngợi Đức Mẹ của Chúa”). “Như tia chớp soi sáng những gì ẩn giấu, Đấng Kitô cũng thanh tẩy những điều ẩn giấu trong bản tính của sự vật. Ngài đã thanh tẩy Đức Trinh Nữ và sau đó được sinh ra, để chứng tỏ nơi nào có Đấng Kitô hiện diện, là nơi đó sự thanh khiết hiện diện với tất cả sức mạnh của nó. Ngài thanh tẩy Đức Trinh Nữ, đã chuẩn bị Bà bởi Chúa Thánh Thần, và sau đó cung lòng của Bà, đã trở nên thanh khiết, đã thụ thai Ngài. Ngài thanh tẩy Đức Trinh Nữ khi Bà còn nguyên vẹn; do đó, khi được sinh ra, Ngài vẫn giữ cho Bà là trinh nữ. Tôi không nói rằng Đức Maria trở nên bất tử, nhưng rằng được chiếu sáng bởi ân sủng, Bà không bị bận tâm bởi những ham muốn tội lỗi” (Thánh Ephraim người Syria, Bài giảng chống lại Dị giáo, 41). “Ánh sáng ngự trong Bà, thanh tẩy tâm trí Bà, làm cho suy nghĩ Bà thanh khiết, làm cho những mối quan tâm của Bà trong sạch, thánh hóa sự trinh tiết của Bà (Thánh Ephraim người Syria, “Maria và Eva”). “Một người vốn là thanh khiết theo hiểu biết của con người, Ngài làm cho thanh khiết bởi ân sủng” (Giám mục Ignatius Brianchaninov, “Giải thích Giáo lý của Giáo hội Chính thống giáo về Đức Mẹ của Chúa”).
Đức Maria không kể với ai về sự xuất hiện của thiên sứ, nhưng chính thiên sứ đã tiết lộ cho ông Giuse về sự thụ thai kỳ diệu của Đức Maria từ Chúa Thánh Thần (Matt. 1:18-25); và sau khi Chúa Giáng sinh, cùng với một binh đoàn thiên thần, thiên sứ loan báo điều đó cho các mục đồng. Các mục đồng đến thờ lạy đấng mới sinh, nói rằng họ đã nghe về Ngài. Trước đó đã phải chịu đựng những nghi ngờ trong im lặng, Đức Maria giờ đây cũng lắng nghe trong im lặng và giữ trong tim những lời nói về sự vĩ đại của Con Bà (Luca 2:8-19). Bốn mươi ngày sau đó, Đức Mẹ nghe lời cầu nguyện chúc tụng của ông Simêôn và lời tiên tri về một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Bà. Sau này Bà thấy Đức Giêsu lớn lên đầy khôn ngoan; Bà nghe Ngài ở tuổi mười hai giảng dạy trong Đền Thờ, và mọi điều Bà đều giữ trong tim (Luca 2:21-51).
Dù tràn đầy ân sủng, Bà vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ sứ vụ và sự vĩ đại của Con Bà sẽ như thế nào. Khái niệm về Đấng Mêsia của người Hípri vẫn còn gần gũi với Bà, và tình cảm tự nhiên khiến Bà lo lắng cho Ngài, bảo vệ Ngài khỏi những công việc và nguy hiểm có vẻ quá mức. Vì vậy, lúc đầu Bà ưu ái Con Bà một cách vô thức, điều này dẫn đến sự khẳng định của Chúa về sự ưu tiên của mối quan hệ tâm linh hơn mối quan hệ ruột thịt (Matt. 12:46-49). “Ngài cũng quan tâm đến danh dự của Mẹ Ngài, nhưng nhiều hơn nữa là sự cứu rỗi linh hồn Bà và lợi ích của nhân loại, vì điều đó mà Ngài đã đội lên xác thịt” (Thánh Gioan Kim Khẩu, Bình luận về Gioan, Bài giảng 21). Đức Maria hiểu điều này và lắng nghe và giữ những lời của Chúa (Luca 11:27, 28). Không ai khác, Bà có cùng tâm tình như Đấng Kitô (Phil. 2:5), chịu đựng không than vãn nỗi đau của một người mẹ khi Bà thấy Con Bà bị bách hại và đau khổ. Vui mừng trong ngày Phục sinh, trong ngày Lễ Ngũ tuần Bà được nhận quyền năng từ trên trời cao ban xuống (Luca 24:49). Chúa Thánh Thần đã ngự xuống lên Bà, dạy Bà mọi điều (Gioan 14:26), và dẫn (Bà) tới sự thật toàn vẹn (Gioan 16:13). Được soi sáng, Bà bắt đầu làm việc càng hăng say hơn để thực hiện những điều Bà đã nghe từ Con Bà và Đấng Cứu Chuộc mình, để được lên tới Ngài và được ở với Ngài.
Kết thúc cuộc đời trần thế của Đức Mẹ Rất Thánh của Chúa là khởi đầu của sự vĩ đại của Bà. “Được khoác lên vinh quang Thánh Thần” (Irmos của Kinh Yên giấc), Bà đứng và sẽ đứng, cả trong ngày Phán Xét Cuối Cùng và trong thời đại sắp đến, bên cánh tay phải của ngai Con Bà. Đức Mẹ trị vì cùng với Ngài và mạnh dạn trước Ngài với tư cách là Mẹ của Ngài theo xác thịt, và với cùng một linh hồn với Ngài, như người đã tuân hành ý Chúa và dạy người khác (Matt. 5:19). Nhân từ và đầy lòng yêu thương, Đức Mẹ thể hiện tình yêu đối với Con và Đức Chúa của Bà qua tình yêu dành cho loài người. Bà cầu thay cho nhân loại trước Đấng Nhân Từ, và đi khắp thế gian, Bà giúp đỡ tất cả mọi người.
Đã trải qua mọi khó khăn của cuộc sống trần thế, Đấng Cầu Thay của tín hữu Kitô giáo thấy từng giọt nước mắt, nghe từng tiếng thở dài và lời khẩn cầu hướng về Bà. Đặc biệt gần gũi với Bà là những người cật lực trong cuộc chiến chống lại những đam mê và nhiệt thành sống cuộc sống đẹp lòng Chúa. Nhưng ngay cả trong những lo toan trần thế, Bà cũng là một người trợ giúp không thể thay thế. “Là niềm vui của tất cả những người đau khổ, và đấng cầu thay cho những người bị xúc phạm, và đấng nuôi dưỡng những người đói than, sự an ủi của khách lữ hành, bến đỗ của những người trong giông bão; sự thăm viếng của người bệnh, sự che chở và đấng cầu thay của người yếu đuối, cây gậy của tuổi già, Bà là Đức Mẹ của Chúa trên cao, ôi Đấng Rất Thanh Khiết” (Sticheron của Phụng vụ Biểu tượng Hodigitria). “Niềm hy vọng và hỗ trợ và nơi nương tựa của các Kitô hữu,” “Đức Mẹ của Chúa không ngừng cầu nguyện” (Theotokion của Tông thứ ba). "Đức Mẹ ngày đêm cầu nguyện cho chúng ta, và các vương quốc được củng cố bởi lời cầu nguyện của Bà" (Kinh đêm hàng ngày).
Không có trí tuệ hay ngôn từ nào có thể diễn tả hết sự vĩ đại của Đức Mẹ, Người được sinh ra trong dòng giống loài người tội lỗi nhưng trở nên “danh giá hơn các Minh thần Cherubim và nhiều vinh quang hơn hẳn các Luyến thần Seraphim.” “Khi thấy ân sủng của những điều mầu nhiệm bí ẩn của Chúa được bộc lộ và thành hiện thực một cách rõ ràng nơi Đức Trinh Nữ, tôi phấn khởi; và tôi không biết làm sao để hiểu sự lạ kỳ và bí ẩn mà Đấng Vô Nhiễm được mặc khải là đấng duy nhất được nâng lên trên hết mọi tạo vật, hữu hình và tâm linh. Vì vậy, muốn ca ngợi Bà, tôi bị câm nín với sự kinh ngạc trong cả tâm trí và lời nói. Nhưng vẫn dám tuyên bố và tôn vinh Bà: Quả thật Đức Mẹ là Hòm Bia thiên đàng” (Ikos của Phụng vụ Lễ Vào Đền thờ). “Mọi loài đều không thể ca ngợi Mẹ đúng mực; thậm chí một linh thể từ thiên đường trên cao cũng bị chóng mặt, khi nó tìm cách ngợi ca Mẹ, ôi Đức Theotokos. Nhưng vì Mẹ thiện lành, nên hãy chấp nhận đức tin của chúng con. Mẹ biết rõ tình yêu của chúng con được truyền cảm hứng bởi Chúa, vì Mẹ là Đấng Bảo Vệ của các Kitô hữu, và chúng con tôn vinh Mẹ” (Irmos của Ca khúc thứ 9, Phụng vụ của Lễ Hiển Linh).