Phật giáo và
những rắc rối của nó
- Phần 2
Linh mục George Maximov ✢
10.10.2024 — 10 phút đọcThần Học và Biện Giải
Dịch bởi Savva Tống
THƯỢNG ĐẾ NHƯ MỘT NGÔI VỊ
Một trở ngại lớn thứ hai đối với Đức Phật là việc không biết đến giáo lý về Thượng Đế như một Ngôi Vị. Về điểm này, ta nên chú ý đến cách Đức Phật chế giễu quan niệm của các tu sĩ Bà-la-môn về cầu nguyện: “Hãy tưởng tượng một người có việc phải sang bờ bên kia, và đứng từ bờ này, y kêu gọi: ‘Hãy đến đây, bờ bên kia, hãy đến đây!’ Ngươi nghĩ sao về việc này, Vasetthà? Liệu bờ bên kia của sông Achiavati có di chuyển về phía y chỉ vì tiếng gọi, lời cầu nguyện, hay niềm hy vọng của y không? – Tất nhiên là không” (Dīgha Nikāya, 13. Tāvijja Sutta, 29).
Sự phủ nhận cầu nguyện của Đức Phật bắt nguồn từ việc Ngài quan niệm về Thượng Đế Tối Cao như một thực thể vô ngôi. Thánh Nicholas của Serbia đã nói: “Đức Phật không biết đến cầu nguyện, vì Ngài không biết đến Thượng Đế như là Cha Trên Trời.”
Hiển nhiên, bờ sông sẽ không tự đến đáp lời cầu nguyện. Bờ sông là một vật vô tri, vô cảm. Nhưng cha mẹ, khi nghe tiếng cầu cứu của con từ bờ bên kia, há chẳng lẽ lại không đáp lời, vượt qua bờ để đến bên con hay sao? Tất nhiên là họ sẽ đáp lại, vượt qua và giúp đỡ. Nếu con người có thể làm được điều này, tại sao Đấng Tạo Hóa của họ lại không thể? Đây là điều Ngài phán với những ai tin cậy vào Ngài: “Người mẹ nào lại quên con mình, không thương xót đứa con của mình? Nhưng dù người mẹ có quên, Ta sẽ không quên ngươi” (Isaiah XLIX, 15).
Hãy tưởng tượng một người thợ lành nghề, bằng cả tình yêu thương, đã chế tác ra một cỗ máy phức tạp và tuyệt đẹp. Khi cỗ máy gặp trục trặc và phát ra âm thanh lạ, người thợ ấy sẽ không thể bỏ qua sự “cầu cứu” của cỗ máy mà không sửa chữa nó. Bất cứ ai tạo ra thứ gì với tình yêu thương đều sẽ chú tâm vào sản phẩm của mình và tìm cách sửa chữa khi có sự cố.
Nhưng nếu một người thợ bình thường không thể bỏ qua lời “cầu nguyện” của một cỗ máy vô tri, thì làm sao Thượng Đế toàn năng lại có thể thờ ơ với lời cầu xin của tạo vật sống động của Ngài? Người Ki-tô hữu biết rằng Thượng Đế không chỉ đáp lời, mà chính Ngài đã đến với tạo vật của Ngài để “tìm và cứu những gì đã mất” (Mattathias XVIII, 11). Bản tính thần thiêng cách xa bản tính con người vô cùng, giống như bờ sông Achiavati xa cách bờ bên kia. Nhưng Thượng Đế vẫn đến với con người, thực hiện lời cầu nguyện của các vị thánh nhân qua bao thế hệ, giải cứu loài người khỏi tội lỗi và hậu quả của nó. “Đây là Thượng Đế của chúng ta, không ai có thể so sánh với Ngài. Ngài đã hiện ra trên trái đất và sống giữa loài người” (Baruch III, 36, 38). Thượng Đế đã hành động như vậy vì Ngài không phải là một bờ sông vô tri, mà là một Ngôi Vị có thể nghe, đáp lại, yêu thương và cảm thông.
Thật hợp lý khi trích dẫn bài giảng của Thánh tử đạo Andronik (Nikolsky), được ngài thuyết giảng trước các Phật tử Nhật Bản: “Tôi chủ yếu nói về linh hồn và về Thượng Đế như những nguyên tắc cá nhân và bất diệt, nhằm đối lập quan niệm đúng đắn về chúng với thuyết vạn vật hữu linh của Phật giáo... Về Thượng Đế, tôi giải thích về Quyền Năng Tối Thượng của Ngài và việc Ngài là một Ngôi Vị thực sự, điều khiển vạn vật, và tất cả chúng ta đều phải đến với Ngài vào cuối cùng... Thượng Đế nhất định phải là một Ngôi Vị, khác biệt hoàn toàn với sự tồn tại vô ngôi hay sự lan tỏa của Ngài trong thế giới.”
Thật đáng tiếc, Đức Phật đã không được nghe bài giảng như vậy. Giáo lý về Thượng Đế như một Ngôi Vị hoàn toàn xa lạ với Ngài. Điều này cũng liên quan đến lập luận mà Đức Phật đã đưa ra trong cuộc đối thoại với Anathapindika, nơi Ngài khẳng định rằng Đấng Hoàn Hảo không tạo ra chúng ta, bởi vì điều gì hoàn hảo không thể là nguyên nhân của bất kỳ thứ gì, bởi vì qua đó, nó sẽ thay đổi và mất đi sự hoàn hảo. Lập luận này dựa trên quan niệm về Thượng Đế như một tuyệt đối vô ngôi, và chỉ trong bối cảnh như vậy thì lập luận mới có thể tồn tại. Tuy nhiên, sự hiểu biết về Thượng Đế như một Ngôi Vị sẽ đánh đổ mọi nền tảng của lập luận đó.
Nếu ta hình dung một người chưa bao giờ viết gì, rồi sau đó viết cuốn sách đầu tiên, và cuốn sách đó trở nên kiệt tác, được cả thế giới công nhận, thì liệu rằng sau khi viết cuốn sách ấy, tác giả có trở nên kém hoàn hảo hơn chăng? Trái lại, chính qua hành động sáng tạo ra cuốn sách ấy mà sự thiên tài và hoàn hảo của người đó được thể hiện. Cũng như vậy, Thiên Chúa, do tình yêu của Ngài, đã sáng tạo ra thế giới, không phải để giảm bớt hay tăng thêm gì cho sự hoàn hảo của Ngài, mà chỉ là để biểu lộ sự hoàn hảo vốn đã hiện diện trong Ngài từ trước.
Thánh tử đạo Aleksandr (Miropolsky) viết: “Phật giáo có thể được công nhận là một trong những tôn giáo ngoại giáo tự nhiên cao cấp nhất, bởi vì nó nỗ lực tìm hiểu bản chất của linh hồn, thông qua việc diệt trừ các dục vọng xác thịt... Nhưng chính sự tự quan sát bản thân này đã hủy hoại Đức Phật, vì khi nhìn vào chính mình, Ngài đã quay lưng khỏi Đấng Sáng Tạo và Thượng Đế, và từ đó đánh mất mọi khái niệm về Ngài. Khi từ chối Đấng Sáng Tạo, Đức Phật không thể tự mình nhận ra hình ảnh và tương đồng của Thiên Chúa trong chính mình – Đấng là nguồn cội của sự sống mà Ngài được kêu gọi không phải để hủy diệt, mà để biểu lộ và phát triển. Đức Phật không có một người hướng dẫn nào trên con đường đến nguồn sự sống thần linh, vì thế Ngài đã lạc lối trong bóng tối của cái tôi kiêu ngạo và bản chất tội lỗi của con người.”
Chính Đức Phật cũng nói rằng vào thời của Ngài ở Ấn Độ, không có ai biết về Thiên Chúa qua trải nghiệm cá nhân. Khi chỉ trích giáo lý của các đạo sĩ Bà-la-môn về sự cần thiết của việc hợp nhất với Thiên Chúa để cứu rỗi khỏi đau khổ, Ngài nói:“Không có một ai trong hàng ngũ các đạo sĩ Bà-la-môn, kể cả đến thế hệ thứ bảy, đã từng thấy Brahma bằng mắt thường. Và ngay cả các nhà hiền triết cổ xưa, những người đã biên soạn các văn bản thánh... cũng không nói rằng: ‘Chúng tôi biết, chúng tôi thấy, từ đâu mà Brahma đến và Brahma ở đâu, Brahma đi về đâu.’ Các đạo sĩ này thực sự nói: ‘Chúng tôi rao giảng con đường dẫn đến sự hợp nhất với Đấng mà chúng tôi không biết và không thấy; con đường này là ngay thẳng, dẫn đến sự giải thoát và đưa người đi theo đến sự hợp nhất với Brahma.’... Nếu như vậy, thì lời nói của các đạo sĩ Bà-la-môn có đáng tin không? Những lời này trở nên trống rỗng, trở nên hư vô và vô nghĩa” (Digha Nikaya, 13. Tavija Sutra, 14–15).
Có thể điều đó đúng với các đạo sĩ Bà-la-môn, nhưng tạ ơn Chúa, điều đó không đúng với các Ki-tô hữu Chính Thống giáo. Những người, được linh ứng bởi Thiên Chúa, đã ghi lại các văn bản thánh của Ki-tô giáo, đã nói: “Điều đã có từ ban đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy bằng mắt mình, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng và tay chúng tôi đã sờ đến, về Ngôi Lời sự sống... chúng tôi loan báo cho các anh chị em, để các anh chị em cũng có thể hiệp thông với chúng tôi: và sự hiệp thông của chúng tôi là với Cha và Con Ngài, Đức Jesus Ki-tô” (I Ioannis I, 1, 3). Họ không nói một cách phỏng đoán hay giả định, mà là chứng nhân của những điều chính họ đã thấy.
Họ làm chứng về chân lý này không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng hành động, không chỉ bằng cuộc sống, mà còn bằng cái chết của họ. Và họ không chỉ làm chứng, mà còn chỉ ra con đường để những người tin vào lời chứng của họ có thể tự mình trải nghiệm chân lý. Và thực sự, nhiều vị thánh đã đi theo bước chân của các Tông đồ, ngay trong đời sống trần thế, đã được ân thưởng cuộc gặp gỡ trực tiếp với Chúa, và đã nhận biết Ngài một cách chân thực. Thánh Silouan Núi Thánh Athos viết: “Nhiều học giả và triết gia đã đạt đến niềm tin rằng có Thiên Chúa, nhưng họ chưa nhận biết Ngài. Một điều là tin rằng có Thiên Chúa, một điều khác là biết Ngài... Ai đã nhận biết Thiên Chúa qua Chúa Thánh Thần, người ấy sẽ cháy lòng yêu mến Thiên Chúa ngày đêm, và không thể gắn bó với bất cứ thứ gì thuộc về thế gian.”
Vì vậy, trọng tâm không chỉ là tin vào sự hiện hữu của Thiên Chúa – bởi vì “ngay cả ma quỷ cũng tin và run sợ” (Iakovos II, 19), mà là nhận biết Ngài qua kinh nghiệm và thiết lập một mối quan hệ cá nhân với Ngài trong tình yêu thương.
Không có gì ngạc nhiên khi Đức Phật và các tác giả của những cuốn sách “thánh” Phật giáo không biết về Thiên Chúa Chân Thật – họ không có nguồn nào để có thể nhận được thông tin đáng tin cậy về Ngài. Điều đáng ngạc nhiên là các Phật tử châu Âu và Mỹ hiện nay, những người có mọi cơ hội để biết sự thật này, lại chỉ lặp lại các lập luận Phật giáo nêu trên, dù trong bối cảnh Ki-tô giáo, những lập luận này hoàn toàn không nghiêm túc và không có giá trị./.