Muối Của Đất
Muối Của Đất

Phật giáo và
những rắc rối của nó
- Phần 3

Linh mục George Maximov

14.10.2024 7 phút đọc
Thần Học và Biện Giải
Phật giáo và những vấn đề của nó

Dịch bởi Savva Tống


PHẬT GIÁO NHƯ MỘT TÔN GIÁO CỦA SỰ TUYỆT VỌNG - HIỆN THÂN CỦA SỰ HƯ VÔ VỀ THẾ GIỚI CON NGƯỜI

Chúng ta hãy cố gắng bây giờ, dựa vào cái được gọi là “bốn chân lý cao quý” hay “TỨ DIỆU ĐẾ” của Phật giáo, để phác thảo những điểm khác biệt khác giữa tôn giáo này và Chính Thống giáo. Đối với Đức Phật, điểm khởi đầu là sự công nhận nỗi khổ trong cuộc sống con người. Nguyên nhân của nỗi khổ, theo ngài, là do những ham muốn và sự gắn bó. Chẳng hạn, một người mong muốn có một ngôi nhà tốt, thì sẽ khổ sở vì không có nó, và nếu có được nó, thì lại khổ vì sợ mất đi. Phần nào, quan niệm này trùng hợp với quan điểm Ki-tô giáo – thực sự, sự gắn bó với những điều tạm bợ khiến con người trở nên không tự do và bất hạnh. Nhưng Ki-tô hữu giải thoát mình khỏi những gắn bó với những điều tạm bợ để củng cố mối liên kết với Thiên Chúa vĩnh cửu. Họ tránh xa những ham muốn trái ngược với ý muốn của Thiên Chúa và làm cho họ xa rời Ngài, nhưng nuôi dưỡng những ham muốn đẹp lòng Thiên Chúa, có khả năng đưa họ đến gần Ngài. Ngay cả đối với những nỗi khổ của mình, họ cũng nhìn nhận chúng như là điều giúp cho sự phát triển tâm linh của họ, giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và kết nối với Thiên Chúa. Ngược lại, Đức Phật, khi phủ nhận Thiên Chúa, đã đánh mất điểm xuất phát để phân biệt giữa những ham muốn có lợi và có hại, và đã hòa trộn mọi thứ lại với nhau, tuyên bố rằng mọi ham muốn và mọi sự gắn bó đều là nỗi khổ, và bản thân nỗi khổ là sự dữ tuyệt đối. Ngay cả niềm vui và khoái lạc, Đức Phật cũng chỉ coi là một trong những khía cạnh của nỗi khổ. Như thánh Justin (Popovich) đã nhận xét đúng rằng: “Phật giáo cho phép mọi hiện tượng đi qua lăng kính của sự tuyệt vọng.”

Kết luận tiếp theo từ điều này là cần phải tiêu diệt trong chính mình tất cả các sự gắn bó và ham muốn, thì con người sẽ như thể thoát khỏi samsara (luân hồi) – thế giới của nỗi khổ – và đạt được niết bàn, tức là trạng thái mà trong đó nỗi khổ không còn tồn tại nữa. Khác với Ki-tô giáo, Phật giáo dạy rằng cần phải cắt đứt mọi gắn bó không chỉ với cái xấu, mà còn với cái tốt, và phải dập tắt không chỉ thù hận mà còn cả tình yêu. Vì vậy, các văn bản của Phật giáo ca ngợi những người “tránh xa gắn bó với cả cái tốt và cái xấu... người mà trong họ đã tắt ngúm ham muốn tồn tại” (Dhammapada, 26.415, 418), và khuyến nghị: “thiền định sao cho sự khác biệt giữa tình yêu và thù hận biến mất” (Bardo Thodol, 1).

Để làm cho con người xa rời sự gắn bó với thế giới do Thiên Chúa tạo ra, Phật giáo dạy rằng thế giới thực sự không tồn tại – nó là ảo giác do ý thức của chúng ta tạo ra. “Thế giới chỉ là điều gì đó, được tâm trí tưởng tượng ra” (Lankavatara Sutra, 1), “tất cả những gì tồn tại trong kinh nghiệm chỉ là biểu hiện của hoạt động sai lầm của ý thức, và thực sự không có thế giới của các đối tượng nào trải dài trước chúng ta” (Mahayana Shraddhotpada Shastra, III). Tất cả mọi thứ đều trống rỗng, thực tế chúng không tồn tại, không có gì ngoài hư không – đó là điều mà Phật giáo dạy, với mong muốn cắt đứt sự gắn bó của các tín đồ với thế giới và cuộc sống trong thế giới này.

Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, vì sự gắn bó lớn nhất của con người là với chính mình. Và để dập tắt “sự gắn bó” này, Phật giáo, bằng cách giới thiệu học thuyết “anatta” (vô ngã), thuyết phục các tín đồ rằng cũng không có con người.

Theo học thuyết này, “tôi/ngã” của con người, cá nhân – cũng là ảo tưởng. Không có “cái tôi”, không có linh hồn bất tử nào, chỉ có những tổ hợp đa dạng của những hạt bụi nhỏ nhất – “dharmas” (Pháp), mà trong một khoảng thời gian ngắn, dưới tác động của “luật nhân quả” của nghiệp (karma), dường như tập hợp thành một sự kết hợp, từ đó xuất hiện ảo tưởng về sự tồn tại cá nhân. Các văn bản Phật giáo khẳng định: “không có bất kỳ thực thể tự đủ nào mà có thể được hình dung như một bản ngã-linh hồn” (Lankavatara Sutra, 1), “'Ngã' không có, chỉ có những nhóm, bị chi phối bởi những hành động tối tăm” (Abhidharma Kosha).

Bắt đầu từ mong muốn giải thoát con người khỏi nỗi khổ, Phật giáo đã tuyên bố một nguyên tắc giải thoát, mà khi được đưa đến giới hạn logic, đã mở ra rằng, thực sự, không có ai để giải thoát cả. Phật giáo buộc phải tuyên bố rằng không có Thiên Chúa, không có thế giới, không có con người, vì học thuyết này chỉ có ý nghĩa khi làm cho mọi thứ khác trở nên vô nghĩa. Nếu giả định rằng ít nhất một thứ trong số đã liệt kê tồn tại, thì giáo lý Phật giáo sẽ mất đi ý nghĩa.

Ngược lại, Ki-tô giáo lại ban cho ý nghĩa cho con người và mọi thứ xung quanh họ, mọi thứ mà họ biết qua trải nghiệm. Như thánh Basil Cả đã nói: “Trong những gì tồn tại, không có gì là lộn xộn, không có gì là không xác định, không có gì là vô nghĩa, không có gì là ngẫu nhiên.” Điều này cũng đúng với thánh Nicholas người Serbia: “Ki-tô giáo đã hiểu và diễn đạt tất cả trong lời nói... Không thể khẳng định rằng chỉ một cái gì đó có ý nghĩa, còn lại thì vô nghĩa. Nếu có ý nghĩa, thì nó phải tồn tại trong mọi thứ: trong con người, trong các vật thể, trong các sự kiện, trong suy nghĩ, trong lời nói, trong các mối quan hệ, trong các hiện tượng.”

Sự tồn tại của Thiên Chúa ban cho ý nghĩa cho cả thế giới và con người. Thiên Chúa tạo ra những sinh vật có lý trí để chia sẻ với họ tình yêu và hạnh phúc của Ngài. Nhưng tình yêu chỉ có thể được chia sẻ với những ai biết yêu, và không thể bị ép buộc yêu. Do đó, Thiên Chúa đã ban cho con người tự do, để họ có thể đưa ra lựa chọn. Và ý nghĩa của cuộc sống trần thế của con người là xác định xem trái tim họ nghiêng về điều gì, liệu họ có yêu Thiên Chúa và tha nhân nhiều hơn chính mình, hay, giống như Satan, đi vào con đường tự yêu, ích kỷ.

Giữa Thiên Chúa, Đấng nói “Ta” và con người, người nói “tôi”, xảy ra một bi kịch của các mối quan hệ cá nhân, diễn ra trong không gian cuộc sống của họ, làm đầy ý nghĩa cho mọi điều kiện và tình huống sống. Mỗi cuộc gặp gỡ hoặc sự kiện đều được Thiên Chúa gửi đến con người này với một mục đích nhất định. Chúa gửi tất cả những gì cần thiết cho con người để được cứu rỗi, nhưng việc sử dụng những điều đó hay không – đó là lựa chọn của chính con người. Như Chúa Ki-tô đã nói: “Này, Ta đứng ở cửa và gõ: nếu ai nghe thấy tiếng Ta và mở cửa, Ta sẽ vào với người ấy và ăn tối với họ, và họ sẽ ở với Ta” (Khải Huyền III, 20)./.