Muối Của Đất
Muối Của Đất

“Quyền lực”–Điều khiến
Giáo hội Tây phương
không thể quay đầu

Savva Tống Duệ Uyên

10.11.2024 24 phút đọc
Thần Học và Biện Giải

“Vì ai tự hạ mình sẽ được nâng lên.” – Mattathias XXIII, 12

Sự chuyển đổi của Giáo hội Tây phương từ một cộng đồng thiêng liêng theo tinh thần của các Giáo phụ sang một thiết chế quyền lực trần tục không chỉ phản ánh một sự thay đổi trong cấu trúc tổ chức hay phương thức quản lý, mà còn là một sự biến dạng sâu sắc trong cách thức mà quyền uy được hiểu và thực thi trong Giáo hội. Ban đầu, Giáo hội là một cộng đồng tập trung vào việc sống đức tin một cách chân thành và khiêm nhường, theo sự chỉ dẫn của các Giáo phụ, những người không chỉ là người dạy dỗ mà còn là những hình mẫu sống động của đức tin. Các Giáo phụ, với tầm nhìn vượt ra ngoài thế giới vật chất, rằng quyền uy thiêng liêng không xuất phát từ sự thống trị hay quyền lực thế tục, mà từ sự chân thật trong đời sống đạo đức và sự hiệp thông với Thiên Chúa.

Tinh thần của các Thánh Giáo phụ, vốn truy nguyên từ sự khiêm nhu, nhận thức rõ rằng đức tin không phải là một hệ thống lý thuyết hay một cơ chế quyền lực mà là một hành trình bên trong, là sự kết nối trực tiếp và không qua trung gian với mầu nhiệm Thiên Chúa. Họ không chỉ dạy về thần học mà còn sống cuộc sống giản dị, từ bỏ quyền lực và của cải thế gian để làm gương mẫu cho cộng đoàn. Từ quan điểm của các Thánh Giáo phụ, quyền uy thực sự đến từ sự chân thành và đức hạnh, không phải từ những biểu tượng quyền lực trần tục, mà là từ khả năng sống một đời sống thanh bạch, thánh thiện và đồng cảm với nỗi khổ đau của con người. Đó là sự quyền uy của sự thật, sự quyền uy tự phát xuất từ việc sống đúng đắn và khiêm nhường trong mối quan hệ với Thiên Chúa và tha nhân, không phải là quyền uy của một vị lãnh đạo hay một tổ chức chính trị. Tuy nhiên, khi Giáo hội Tây phương dần dần phát triển thành một hệ thống quyền lực phức tạp trong thời trung cổ, có sự xuất hiện của “ngai tòa giáo hoàng tối cao” với quyền lực tuyệt đối, việc này đánh dấu sự chuyển dịch sâu sắc trong khái niệm quyền uy. Giáo hội Tây phương không còn là một cộng đoàn linh đạo khiêm tốn nữa, mà trở thành một thiết chế quyền lực, nơi các quyết định thần học và hành chính được điều hành bởi một cơ cấu quyền lực chặt chẽ. Sự thay đổi này không chỉ làm thay đổi cách thức Giáo hội tổ chức và quản lý, mà còn làm thay đổi bản chất của đức tin Ki-tô giáo. Quyền uy - vốn là một khái niệm gắn liền với sự khiêm nhu và công nghĩa, giờ đây trở thành một công cụ kiểm soát và sự phân chia quyền lực giữa các lãnh đạo tôn giáo và tín hữu.

Khi Giáo hội Tây phương ngày càng đi vào sự cai trị của những thể chế trần tục, việc truyền tải chân lý thiêng liêng không còn là trách nhiệm của cộng đoàn các tín hữu, mà là của một nhóm “lãnh đạo tinh hoa, đứng đầu là giáo hoàng”. Quyền lực của giáo hoàng không chỉ xuất phát từ vai trò tôn giáo của ngài mà còn từ sự kiểm soát triệt để các quyết định thần học, các giáo lý và sự giải thích Kinh Thánh. Đây chính là lúc quyền uy được chuyển từ quyền lực tâm linh, tập trung vào đời sống thiêng liêng của tín hữu, sang quyền lực chính trị, nơi Giáo hội Tây phương không chỉ tham gia vào các vấn đề thần học mà còn can thiệp vào các vấn đề xã hội và chính trị.

Điều này dẫn đến một nghịch lý lớn trong lịch sử Giáo hội: trong khi các Thánh Giáo phụ ban đầu giảng dạy về quyền uy thiêng liêng bắt nguồn từ mối quan hệ cá nhân với Thiên Chúa, thì các thế hệ sau này lại tìm kiếm quyền lực trong tổ chức và cấu trúc, làm cho chân lý thiêng liêng bị lệch lạc qua sự chi phối của những cấu trúc thế tục. Các quyết định thần học không còn là kết quả của sự chiêm nghiệm, cầu nguyện và sự lãnh đạo qua gương mẫu sống đạo, mà trở thành kết quả của các cuộc tranh luận chính trị và quyền lực. Quyền uy không còn là sự chứng minh qua hành động đức hạnh mà trở thành sự áp đặt qua các quyết định tổ chức và quyết định giáo lý.

Điều này không chỉ phản ánh sự thay đổi về quyền lực trong Giáo hội Tây phương mà còn là một sự thay đổi trong bản chất của đức tin. Đức tin không còn được xây dựng dựa trên sự khiêm nhu, nhận thức về mầu nhiệm Thiên Chúa mà trở thành một hệ thống các quy định, các điều lệ, và một cấu trúc quyền lực. Điều này phản ánh một sự lệch lạc rời xa Ki-tô giáo hoàn toàn, khi đức tin dần được hiểu như một thứ mà có thể kiểm soát, phân chia và bảo vệ thông qua quyền lực, thay vì là một thực tại sống động và tự do của mối quan hệ giữa con người và Thiên Chúa. Sự chuyển đổi này không chỉ là một thay đổi về cơ cấu tổ chức mà còn là một thay đổi sâu sắc trong cách thức mà Giáo hội Tây phương hiểu về chính mình và sứ mệnh của mình trên thế gian. Trong khi các Thánh Giáo phụ khuyên răn tín hữu ban đầu sống theo con đường của Thiên Chúa, xây dựng một cộng đoàn yêu thương và khiêm nhường, thì những thế hệ sau này lại coi trọng quyền lực để bảo vệ giáo lý và củng cố ảnh hưởng của Giáo hội Tây phương. Một khi quyền uy được đặt trong tay một cá nhân hay một nhóm nhỏ, và được áp dụng qua các cấu trúc quyền lực thế tục, chân lý không còn là điều có thể tự nhiên đến với mọi người, mà trở thành thứ phải được áp đặt và kiểm soát. Chính trong sự chuyển đổi này, Giáo hội Tây phương đã đánh mất phần nào sự khiết tinh thuần bạch trong cách thức sống đời đức tin và đi lạc lối vào một con đường mới, nơi quyền lực và ảnh hưởng trở thành trọng tâm của các quyết định thần học và hành động đạo đức.

Như đã đề cập, khi Giáo hội Tây phương, đặc biệt là trong thời kỳ trung cổ, chuyển mình từ một cộng đoàn thiêng liêng dựa trên sự chiêm nghiệm và đức hạnh, thành một thiết chế quyền lực phức tạp với sự điều hành từ giáo hoàng, sự thay đổi này không chỉ là sự thay đổi về cơ cấu hay tổ chức mà còn là một sự biến dạng sâu sắc trong cách thức mà quyền uy được xây dựng và thực thi trong thế giới đức tin. Nếu như trước đây, quyền uy trong Giáo hội là một quyền uy xuất phát từ sự thánh thiện và đời sống đức hạnh của các Thánh Giáo phụ, là loại quyền uy vô hình nhưng mạnh mẽ, được chứng minh qua sự sống động trong mối quan hệ với Thiên Chúa, thì giờ đây quyền uy đó được thay thế bởi một quyền lực hữu hình, có thể kiểm soát và áp đặt. Điều này không chỉ đơn thuần là một sự “tiến hóa” về mặt tổ chức mà là một cuộc “đảo lộn” triết học. Sự chuyển dịch này mang tính chất triệt để và toàn diện, vì nó không chỉ thay đổi cơ chế quản lý mà còn làm thay đổi bản chất của đức tin và cái thiêng. Đối với các nhà lãnh đạo Giáo hội Tây phương thời kỳ trung cổ, quyền uy không còn là một lời kêu gọi đến sự tự do trong đức tin và hành động, mà là một hệ thống các quy tắc, lệnh truyền, và nghĩa vụ phải tuân thủ. Đây là một quyền uy được áp đặt từ bên ngoài, một hình thức quyền lực không thể chống cự, không mang tính cá nhân hay tự nguyện, mà được củng cố bằng những công cụ chính trị, kinh tế và quân dịch. Trong khi đó, trong giáo lý ban đầu của các Thánh Giáo phụ, quyền uy là quyền lực có tính chất tinh thần, được trao ban qua sự tiếp nhận và sống động của đời sống đức tin, và không có sự cưỡng ép hay sự ràng buộc.

Nếu như Giáo hội ban đầu chỉ đơn giản là một cộng đoàn thiêng liêng, một “thân thể Chúa Ki-tô” sống động trong sự liên kết mật thiết giữa các tín hữu và Thiên Chúa, thì khi quyền uy trở thành quyền lực chính trị và thế tục, Giáo hội biến thành một tổ chức chính trị có tính cưỡng chế. Sự khiêm nhu của các Thánh Giáo phụ đã bị thay thế bằng một thứ uy quyền cứng rắn, nơi mà chân lý không còn được sống động qua sự chiêm nghiệm cá nhân mà trở thành một bộ luật phải tuân thủ, một hệ thống quyền lực thiêng liêng mà mọi tín đồ phải chấp nhận. Từ góc nhìn triết học, đây chính là một sự chuyển hóa “nghịch lý” trong cách tiếp cận thần học: quyền uy đã từ từ chuyển từ quyền uy của “sự thật và ánh sáng” sang quyền uy của “quyền lực và sợ hãi”.

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là, trong suốt quá trình chuyển biến này, có thể thấy rõ một sự “vong thân” trong bản chất của đức tin Ki-tô giáo Tây phương. Chân lý và quyền lực của Thiên Chúa, vốn được thể hiện qua đời sống đạo đức và sự khiêm nhường, đã bị thay thế bằng một loại quyền lực “mềm dịu”, nơi những gì thực sự quan trọng không phải là sự kết nối thiêng liêng hay hành động bác ái, mà là sự tuân thủ các mệnh lệnh. Đây không phải chỉ là một sự thay đổi về cơ cấu, mà là một sự thay đổi về bản chất – khi đức tin không còn là một hành trình đầy tự do, giải phóng của thuộc linh, mà trở thành một công cụ quản lý và duy trì quyền lực. Quá trình này có thể được coi là sự chuyển từ “quyền uy tự do” sang “quyền lực cưỡng chế”, từ một xã hội cộng đoàn hiệp thông trong đức tin sang một xã hội có sự phân chia và kiểm soát, nơi mà quyền lực không chỉ đến từ Chúa mà còn từ các cấu trúc quyền lực nhân loại. Và thậm chí, điều đáng nói là việc chuyển đổi này không phải là sự phản kháng hay sự thay đổi đến từ những yếu tố ngoại lai mà là một phần của quá trình “tự nhiên” trong sự phát triển của bất kỳ tổ chức quyền lực nào. Những thay đổi trong Giáo hội không phải là sự phát sinh từ bên ngoài, mà là sự phản ánh sâu sắc của những xu hướng quyền lực đã tiềm ẩn ngay trong chính tổ chức đó, từ lâu đã có sự kết giao giữa thiêng liêng và trần tục, giữa Thiên Chúa và thế gian. Điều này càng trở nên phức tạp khi chúng ta xem xét một khía cạnh khác: không chỉ Giáo hội Tây phương bị ảnh hưởng bởi quyền lực trần tục, mà chính quyền lực đó đã được “thần thánh hóa”, đã được kết hiệp với Thiên Chúa qua các lý thuyết thần học, với lý do rằng quyền lực trần tục giờ đây là “phương tiện” để thực thi ý chí của Chúa trên trần gian. Chúng ta có thể nhìn nhận rằng đây là sự “hóa hình” của một hệ thống quyền lực: quyền lực không còn được bảo vệ bằng quyền uy thiêng liêng, mà được bảo vệ bằng sự chính danh do Thiên Chúa ban cho. Hệ thống quyền lực này không chỉ vận hành trong những lĩnh vực chính trị và xã hội, mà còn xuyên qua chính đời sống đức tin, nơi quyền uy thần học không còn là sự lãnh đạo thuộc linh mà trở thành một công cụ quản lý nhân loại.

Khi Giáo hội Tây phương trở thành một thiết chế chính trị mạnh mẽ, có quyền lực không chỉ trong lãnh vực đức tin mà còn trong các hoạt động chính trị, xã hội, và kinh tế, sự phân biệt giữa quyền lực thế tục và quyền uy thiêng liêng không còn rõ ràng nữa. Thay vì dẫn dắt và nuôi dưỡng đức tin qua sự hiệp thông và chiêm nghiệm, Giáo hội Tây phương giờ đây phải duy trì quyền lực của mình thông qua việc áp đặt các quy tắc, quy định, và luật pháp. Đây là một sự chuyển mình không thể nào quay lại, và chính trong sự thay đổi này, Giáo hội Tây phương đã đánh mất bản chất thiêng liêng và linh đạo của mình, khiến cho đức tin Ki-tô giáo dần trở thành một cấu trúc quyền lực có tính chất cưỡng chế và trần tục.

Các nhà Cải cách Kháng Cách giáo (Tin Lành) nhận thấy sự biến dạng này và phê phán nó bằng cách từ bỏ Thánh Truyền và chấp nhận nguyên tắc sola scriptura – chỉ dựa vào Kinh Thánh. Tuy nhiên, theo lập luận của các nhà tư tưởng Chính Thống giáo, sự bác bỏ Thánh Truyền này lại không phải là một hành động hợp lý hay logic. Thánh Truyền là phương tiện truyền tải tư tưởng và đức tin đã được bảo vệ và phát triển liên tục qua nhiều thế kỷ bởi các Giáo phụ, và trong đó chứa đựng cả những hiểu biết sâu sắc về đức tin mà không chỉ có trong văn bản Kinh Thánh. Triết học truyền thống, từ Aristoteles đến Thomas Aquinas, đã nhấn mạnh tính liên tục của tri thức: nếu không có một nền tảng truyền thống ổn định, tri thức dễ dàng bị cắt rời và phân tán, dẫn đến mất đi sự thống nhất và chiều sâu cần thiết.

Logic học cũng cho thấy rằng, từ bỏ Thánh Truyền đồng nghĩa với việc từ bỏ một thành tố quan trọng trong hệ thống đức tin Ki-tô giáo, vì Thánh Truyền không chỉ là các thực hành hay phong tục, mà là sự lưu truyền của chính phương pháp và tinh thần của Ki-tô giáo qua các thế hệ. Kháng Cách đã “giận cá chém thớt” – từ bỏ mọi thứ chỉ vì một số phong tục và thực hành đã bị biến dạng. Đáng lý, một cách tiếp cận hợp lý hơn là loại bỏ các yếu tố lạm dụng trong Giáo hội thay vì từ bỏ toàn bộ Thánh Truyền.

Sự bác bỏ Thánh Truyền của Kháng Cách giáo có thể được xem là một hình thức “dung dị hóa” đức tin, khi mọi thứ bị đơn giản hóa đến mức chỉ còn lại Kinh Thánh và sự diễn giải cá nhân. Điều này dẫn đến sự phân tán của các giáo phái và sự không đồng thuận thần học – một hệ quả tất yếu khi quyền uy không còn được kết nối bởi một nền tảng chung và bị phân chia theo từng diễn giải cá nhân.

Trong hành động bác bỏ uy quyền của giáo hoàng, các nhà Cải cách đã cố gắng loại bỏ tính độc đoán, nhưng họ lại mở ra một dạng độc đoán mới, trong đó mỗi cá nhân trở thành một “giáo hoàng” của chính mình. Triết học chính trị và bản thể học về quyền lực cho thấy rằng quyền lực tuyệt đối không bị tiêu diệt khi nó được phân tán mà chỉ biến đổi hình thức. Khi mỗi người tự diễn giải Kinh Thánh và tin rằng họ có thể nắm giữ chân lý, sự tuyệt đối của quyền lực giáo hoàng chỉ chuyển từ cá nhân giáo hoàng sang vô số cá nhân. Điều này không làm suy yếu quyền lực tuyệt đối mà còn tạo ra một dạng quyền lực đa chiều, nơi vô số “giáo hoàng” tự phong tự quyết định điều gì là đúng hay sai. Quyền lực này không hề giảm bớt, mà được nhân lên trong sự phân tán của các cá nhân, khiến cho việc tìm kiếm một đức tin thống nhất trở nên bất khả thi.

Triết học Kant và Hegel từng phân tích rằng tự do cá nhân trong diễn giải chân lý có thể dẫn đến một thứ mà ta gọi là “tính đa nguyên mâu thuẫn” – nơi mà sự đa dạng các quan điểm không chỉ tạo nên sự phong phú mà còn dẫn đến xung đột khi mỗi quan điểm cho rằng mình là duy nhất đúng. Trong bối cảnh Kháng Cách giáo, điều này dẫn đến sự phân hóa và mâu thuẫn gay gắt giữa các hệ phái, khi mỗi cá nhân, mỗi nhóm đều tự coi mình là trung tâm chân lý. Sự xung đột này không chỉ là một vấn đề thần học mà còn là một vấn đề bản thể học, khi mà bản chất của chân lý trở thành thứ mà ai cũng có quyền tự định đoạt. Chân lý trở thành thứ “sở hữu riêng” của từng cá nhân hoặc từng nhóm, thay vì một thực tại khách quan để tất cả cùng khám phá và tôn thờ.

Điều này khiến các tín hữu Chính Thống giáo cảm thấy rằng mình không gần gũi với cả Công giáo La Mã lẫn Kháng Cách. Cả hai hệ phái này, theo Chính Thống giáo, có xu hướng đặt quyền uy thần học vào tay một vài cá nhân hay tổ chức cụ thể: Công giáo La Mã là giáo hoàng, còn Kháng Cách là mỗi cá nhân tự diễn giải. Sự tương đồng này dẫn đến kết luận thú vị của Chính Thống giáo: các giáo hoàng của La Mã sau ly giáo có thể được xem là “những người Kháng Cách đầu tiên” vì họ cũng tự cho mình quyền uy diễn giải Kinh Thánh không thể sai lầm. Người Kháng Cách sau đó tiếp tục xu hướng ấy, nhưng thay vì đặt quyền lực vào tay một giáo hoàng duy nhất, họ áp dụng quyền lực này cho mỗi cá nhân đọc Kinh Thánh, một phiên bản khác của tư tưởng tự quyền uy tôn giáo.

Như nhận định của Chính Thống giáo, Kháng Cách giáo thực chất đã tiếp nối “tư tưởng giáo hoàng” ở một dạng khác – tư tưởng rằng có thể nắm giữ chân lý tuyệt đối. Trong thần học Chính Thống giáo, chân lý là một thực tại thiêng liêng và siêu việt, vượt lên trên khả năng hiểu biết trọn vẹn của con người. Tư tưởng giáo hoàng, dù ở La Mã hay Kháng Cách, đều tiềm ẩn trong đó một niềm tin rằng con người có thể, trong khả năng giới hạn của mình, đạt tới chân lý tuyệt đối thông qua một quyền uy cụ thể (giáo hoàng hay cá nhân). Chính Thống giáo phê phán điều này, vì sự khiêm nhường trước mầu nhiệm thánh mới là con đường đúng đắn để tiếp cận chân lý.

Chúng ta có thể thấy rõ rằng bất kỳ cộng đồng nào đều cần một nền tảng chung để duy trì sự thống nhất. Khi các nhà Cải cách tách rời cá nhân khỏi sự thống nhất của Giáo hội và truyền thống chung, họ vô tình tạo ra một sự phân rã, khi mỗi cá nhân được trao quyền tự chủ không giới hạn trong diễn giải Kinh Thánh. Mỗi sự diễn giải lại trở thành một “thực thể” riêng biệt, dẫn đến hiện tượng phân mảnh trong đức tin. Sự phân mảnh này, khi đạt đến cực điểm, sẽ gây ra một hiện tượng gọi là sự mâu thuẫn hiện sinh: mỗi cá nhân cố gắng khẳng định tính duy nhất của chân lý mà mình nắm giữ, nhưng đồng thời phải đối diện với vô số quan điểm đối lập từ những người khác – tất cả đều tự nhận là người nắm giữ chân lý. Chính sự tự do tuyệt đối trong diễn giải dẫn đến một loại siêu mâu thuẫn, nơi mà bản thể của đức tin tập thể bị phá vỡ hoàn toàn, và mỗi tín đồ là một “vũ trụ” đức tin cô lập.

Và theo chính trị học, mọi quyền lực tuyệt đối đều có xu hướng quay lại chính bản thân nó theo hình thức khác. Trong Kháng Cách giáo, vòng lặp quyền lực này thể hiện qua việc chối bỏ giáo hoàng nhưng sau đó lại áp dụng tư tưởng tuyệt đối của giáo hoàng cho từng cá nhân. Khi không có một thẩm quyền tập trung, thì quyền lực lại phân tán, và mọi cá nhân đều phải cạnh tranh với nhau để giữ vị trí “giáo hoàng” trong cộng đồng nhỏ của mình. Điều này dẫn đến xung đột nội tại và xu hướng phân rã không ngừng, vì quyền lực tuyệt đối, dù ở dạng tập trung hay phân tán, đều tạo ra sự loại trừ và không thể chấp nhận sự tồn tại của quan điểm đối lập.

Cả Công giáo La Mã và Kháng Cách đều có xu hướng đặt quyền uy tôn giáo vào tay một cá nhân hoặc một thực thể, và họ gọi đây là một dạng quyền uy âm tính. Khi quyền uy trở thành công cụ để củng cố vị thế của một cá nhân hay nhóm, nó không còn phục vụ cho mục tiêu thiêng liêng và hợp nhất. Ngược lại, nó trở thành công cụ phản-thống nhất, phân rã cộng đoàn và tạo ra sự chia rẽ. Quyền uy âm tính này làm cho cả Công giáo La Mã và Kháng Cách, dù có đối lập nhau trong câu trả lời, đều bị dẫn dắt bởi một dạng câu hỏi về quyền lực tương tự nhau: ai là người nắm giữ chân lý? Trong khi đó, Chính Thống giáo – Giáo hội Chân chính của Thiên Chúa, thay vì đặt ra câu hỏi về quyền lực, lại ưu tiên sự hòa hợp và khiêm nhường trong việc tiếp cận chân lý – một cách thức không dựa trên quyền uy tuyệt đối của cá nhân.

Chính Thống giáo đưa ra một giải pháp độc đáo cho bài toán quyền uy trong thần học: từ chối quyền uy tuyệt đối dưới bất kỳ hình thức nào, rằng chân lý chỉ có thể tiếp cận thông qua cộng đoàn, truyền thống, và sự khiêm nhường. Sự tiếp cận này không xem chân lý là thứ con người có thể “nắm giữ” mà là một mầu nhiệm siêu việt, chỉ có thể trải nghiệm và gìn giữ trong cộng đoàn thiêng liêng. Trong khi Công giáo La Mã và Kháng Cách đều tự nhận mình là những người có quyền diễn giải chân lý, Chính Thống giáo lại lựa chọn một hướng tiếp cận không nhằm kiểm soát chân lý mà để sống trong sự khiêm nhường và hợp nhất với mầu nhiệm thiêng liêng – điều mà chúng ta đã được duy trì nguyên vẹn từ thời các Thánh Giáo Phụ.

Người Chính Thống giáo luôn tin rằng đức tin chân chính không chỉ là sự hiểu biết về chân lý mà là một hành trình thiêng liêng, một con đường để từng cá nhân và cộng đoàn hòa mình vào mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trọng tâm của Ki-tô giáo không nằm trong sự sở hữu lý thuyết hay diễn giải tuyệt đối nào về thần học mà là trong việc sống một đời sống tràn đầy đức hạnh, bác ái, và kết nối sâu sắc với Thiên Chúa qua thực hành và đời sống đức tin hàng ngày. Đây là phương cách duy nhất để chân lý thiêng liêng có thể được trải nghiệm một cách thực chất, không bị giới hạn bởi ngôn từ hay các hệ thống lý thuyết.

Điều này lý giải tại sao trong Chính Thống giáo, quyền uy không tập trung ở một cá nhân hay một tổ chức duy nhất mà được thể hiện qua một sự hiệp nhất của các thành viên trong Giáo hội, mỗi người đều có vai trò gìn giữ và tiếp nối truyền thống. Chính Thống giáo không đặt niềm tin vào việc diễn giải tuyệt đối của bất kỳ một cá nhân nào, vì sự khiêm nhường yêu cầu mỗi người thừa nhận rằng Thiên Chúa luôn vượt qua mọi hiểu biết giới hạn của con người. Do đó, trong Chính Thống giáo, sự liên kết giữa các tín hữu không được duy trì nhờ vào quyền lực cưỡng chế mà bằng một tinh thần cộng đoàn thống nhất, một dạng uy quyền nhẹ nhàng, khiêm tốn và phát sinh từ tình yêu thương – điều mà các Thánh Giáo Phụ đã khẳng định là nền tảng của đức tin Ki-tô giáo.

Cách tiếp cận này tạo nên sự khác biệt quan trọng giữa Chính Thống giáo và các truyền thống khác, đặc biệt là về cách họ tiếp cận các câu hỏi thần học. Trong khi Công giáo La Mã và các hệ phái Kháng Cách đặt trọng tâm vào sự diễn giải lý thuyết và tìm kiếm định nghĩa tuyệt đối, người Chính Thống giáo lại tìm cách sống đức tin thông qua sự hoà hợp với cộng đoàn và sự quy hướng về Thiên Chúa. Mọi nỗ lực nhằm định nghĩa hay giới hạn Thiên Chúa bằng ngôn từ và lý thuyết đều sẽ rơi vào thiếu sót, vì Thiên Chúa là mầu nhiệm siêu việt, một thực tại mà con người chỉ có thể tiếp cận qua đức tin sống động và tình yêu thương.

Chính vì thế, Chính Thống giáo không coi trọng những tranh luận thần học nhằm phân định rạch ròi hay khẳng định quyền uy. Đối với Chính Thống giáo, điều quan trọng nhất là sống một đời sống đạo đức, kiên định với tinh thần của các Thánh Giáo Phụ và để mỗi tín hữu tự rèn luyện tâm hồn trong đức tin khiêm nhường và sự khiêm tốn sâu sắc trước Thiên Chúa. Trong hành trình đó, con người sẽ tìm thấy một loại quyền uy siêu việt – một quyền uy không phải do nhân loại sở hữu hay kiểm soát mà là quyền uy xuất phát từ sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống và tâm hồn mỗi người tín hữu, làm phong phú đức tin không phải bằng quyền lực cưỡng ép mà bằng tình yêu thương Ki-tô giáo và đức tin sâu sắc nơi Thiên Chúa ái từ./.

“Vì các ngươi đã được gọi để sống trong tự do, anh em. Nhưng đừng lợi dụng tự do của mình để thỏa mãn xác thịt, mà hãy dùng tự do đó để phục vụ nhau trong tình yêu thương.” - Galatias V, 13