Muối Của Đất
Muối Của Đất

Về Tính Đơn Thuần
của Thiên Chúa
(Divine Simplicity)

Nicholas Nguyễn Đức Khoa

15.03.2025 10 phút đọc
Thần Học và Biện Giải
Bài trừ ảnh tượng
Thánh Gregory Palamas (1296-1359)

Hôm nay, mình muốn bàn về quan điểm của Giáo hội Chính Thống giáo Đông phương về “Tính Đơn Thuần của Thiên Chúa” (Divine Simplicity), vì có rất nhiều lầm tưởng cho rằng khái niệm này bị bác bỏ hoàn toàn bởi Giáo hội Chính Thống giáo, hoặc ngược lại, có cùng quan điểm với Giáo hội Công giáo Rôma. Và cả hai nhận định này đều không chính xác.

Thuyết “Tính Đơn Thuần của Thiên Chúa” là một trong những khía cạnh nền tảng của thần học Kitô giáo, đặc biệt trong truyền thống Công giáo và Chính Thống giáo. Về cơ bản, khái niệm này nhấn mạnh rằng Thiên Chúa không có sự phân chia, không được tạo thành bởi các thành phần, và bản thể của Ngài là hoàn toàn đơn thuần. Qua lịch sử, giáo lý này đã được phát triển bởi nhiều nhà thần học của Đông và Tây phương, đặc biệt là được hệ thống hóa bởi Thomas Aquinas, và ông có ảnh hưởng sâu rộng đến chủ nghĩa duy lý và văn hóa Tây phương. Dù cả Chính Thống giáo và Công giáo Rôma đều tuyên xưng rằng Thiên Chúa là Đấng tuyệt đối đơn thuần và không bị phân chia hay cấu thành bởi các phần, hai truyền thống này hoàn toàn khác nhau về phương pháp thần học và cách tiếp cận mầu nhiệm Thiên Chúa. Thuật ngữ "Tính Đơn Thuần của Thiên Chúa" thường không được sử dụng trong truyền thống Đông phương vì nó mang một ý nghĩa đặc thù trong Công giáo Rôma. Tuy nhiên, thuật ngữ này vẫn sẽ được sử dụng trong bài để giải thích sự khác biệt.

Từ thời kỳ Giáo hội sơ khai, nhiều Giáo phụ đã đề cập đến Tính Đơn Thuần của Thiên Chúa nhằm khẳng định tính duy nhất và không thể thay đổi của Ngài. Một số trong những nhân vật quan trọng đầu tiên thảo luận về khái niệm này bao gồm Thánh Irênê thành Lyon, Thánh Athanasius, Thánh Augustinô, và Thánh Gioan Kim Khẩu. Thánh Athanasius, trong cuộc đấu tranh chống lại thuyết Arian, đã nhấn mạnh rằng Thiên Chúa là bất biến, đơn thuần, và không có sự phân chia trong bản thể của Ngài, Thánh Augustinô trong De Trinitate đã lập luận rằng “mọi thuộc tính của Thiên Chúa đều đồng nhất với bản thể Ngài, phản ánh sự toàn vẹn tuyệt đối.”

Trong cách tiếp cận các vấn đề thần học của Tây phương, đặc biệt là Công giáo Rôma, Tính Đơn Thuần của Thiên Chúa thường được hiểu theo phương pháp khẳng định (cataphatic), theo đó, các thuộc tính (attributes) và bản thể (essence) của Thiên Chúa được coi là đồng nhất. Rằng mọi sự nơi Thiên Chúa đều hoàn toàn đồng nhất, kể cả các thuộc tính và bản thể, và hai phạm trù chỉ được phân biệt về mặt khái niệm. Như trong tác phẩm “Summa Theologiae” của Thomas Aquinas, ông lập luận rằng Thiên Chúa không có sự phân biệt giữa bản thể và hiện hữu, không có thành phần vật chất hay tinh thần nào tách rời nhau, và mọi thuộc tính của Ngài đều chính là Ngài.1 Và con người có thể tiếp cận với bản thể của Thiên Chúa thông qua ân sủng không được tạo thành và được tạo thành (uncreated and created grace). Ân sủng không được tạo thành có thể được hiểu là chính Thiên Chúa, đặc biệt là Chúa Thánh Thần ngự trong con người. Còn ân sủng được tạo thành là những món quà siêu nhiên và những ảnh hưởng của sự hiện diện của Chúa trong linh hồn con người.

Ngược lại, trong truyền thống Đông phương, Tính Đơn Thuần của Thiên Chúa được chủ yếu tiếp cận theo phương pháp thần học phủ định (apophatic), tức là nói về những gì Chúa không phải, thay vì những gì Ngài là. Không bác bỏ thần khẳng định hay xem đó là một cặp tương phản với thần học phủ định, Giáo hội Chính Thống giáo sử dụng cách tiếp cận này để củng cố thần học khẳng định, nhằm tránh nguy cơ gợi ý rằng con người, một tạo vật của Thiên Chúa, có thể định nghĩa được Thiên Chúa, Đấng sáng tạo muôn loài, và vì thế hạ thấp và đóng khuôn Ngài vào các thuật ngữ và sự hiểu biết của con người hữu hạn, không hoàn hảo. Qua đó, cách tiếp cận này nhấn mạnh được tính siêu việt và sự khôn dò thấu của bản thể Thiên Chúa.

Trong khi Giáo hội Tây phương luôn nhấn mạnh sự tương đồng về bản thể và thuộc tính, Giáo hội Chính thống giáo Đông phương nói chung và Thánh Gregory Palamas nói riêng đã phủ nhận sự đồng nhất về hai đặc tính này và vạch ra khác biệt giữa bản thể (Οὐσία) và năng lượng (νέργειαι). Đối với Chính Thống Giáo, bản thể Thiên Chúa là tuyệt đối đơn thuần, vượt trên mọi khái niệm và danh xưng. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể mô tả hoặc khẳng định một cách chắc chắn bản thể của Thiên Chúa. Thay vào đó, chúng ta nhận biết Thiên Chúa chủ yếu qua các năng lượng không được tạo thành (uncreated energy) từ chính Ngài, tức là từ những hoạt động của Ngài trong thế giới, vốn không được tạo thành và không bị phân chia.2 Nhà thần học Vladimir Lossky đã khẳng định: “Bản thể của Thiên Chúa hoàn toàn không thể thấu đạt, nhưng qua các năng lượng của Ngài, Thiên Chúa tự thông truyền chính Ngài cho thế giới thụ tạo, và nhờ đó có thể được nhận biết.”3

Hơn nữa trong truyền thống Đông phương, không tồn tại khái niệm về năng lượng hay ân sủng được tạo thành, mà chỉ có khái niệm về năng lượng không được tạo thành. Tại đây, thần học Thomaism từ Thomas Aquinas đẵ gặp phải sự đối trọng gián tiếp từ thần học Palamite của Thánh Palamas. Bởi nếu mầu nhiệm Thiên Chúa được hiểu một cách duy lý theo cách hiểu của người Tây phương, thì ân sủng của Ngài cũng chỉ là một tạo vật như cách Barlaam xứ Calabria nhận định khi tranh luận với Thánh Gregory Palamas về bản chất của ánh sáng trên núi Tabor (Mt 17:1-8; Mc 9:2; Lc 9:28-36). Nếu ánh sáng đó là ân sủng được tạo thành, thì con người không thật sự hiệp nhất với Thiên Chúa vì con người cũng chỉ tiếp cận với Ngài thông qua tạo vật, nói cách khác, ánh sáng trên núi ấy cũng chỉ là ánh sáng vật lý mà các môn đệ Chúa Giêsu nhìn bằng mắt thường, chứ không có một sự biến đổi tâm linh nào từ chính các ông. Và vì thế, sự hiệp thông trọn vẹn giữa người và Chúa là không thể, vì để đạt được sự hiệp thông trọn vẹn, bản thể con người phải hòa tan vào bản thể của Ngài.

Thánh Gregory Palamas không phải là người đầu tiên đề xuất sự hiệp thông với Chúa qua năng lượng không được tạo thành, nhưng đó là một truyền thống thần học của các Giáo phụ Đông phương và các thánh thời kì trước. Sự thật, hình ảnh “ánh sáng Tabor” mà Thánh Gregory Palamas sử dụng là một sự kế thừa từ luận điểm “ánh sáng Thần Linh” của Thánh Maximus the Confessor, một trong những người quan trọng trong việc phát triển tư tưởng “thần hóa” (theosis), ngài đã nhận định: “Những ai xứng đáng được hiệp nhất với Thiên Chúa thì không bao giờ có thể tham dự vào bản thể của Ngài, nhưng họ tham dự vào những gì xuất phát từ bản thể của Ngài, tức là các năng lượng của Ngài”.2 Thánh Basil cả cũng đã đề cập trong thư Epistle 234: “Sự khác biệt giữa bản thể và hoạt động của Thiên Chúa là điều chúng ta nhận biết, vì dù chúng ta có thể tham dự vào các hoạt động của Ngài, nhưng bản thể của Ngài vẫn mãi vượt quá sự hiểu biết của chúng ta".4 Thánh John Damascus đã nhận định: “Tất cả những gì chúng ta có thể biết về Thiên Chúa là những gì Ngài mặc khải qua các năng lượng của Ngài, còn bản thể của Ngài thì không thể biết được”.5

Những “năng lượng” này phong phú và đa dạng, biểu lộ các khía cạnh khác nhau về sự hiện diện và hành động của Thiên Chúa, trong khi bản thể của Ngài vẫn là một mầu nhiệm ba ngôi. Đối với Giáo hội Đông Phương, mọi điều chúng ta khẳng định về Thiên Chúa, kể cả các thuộc tính như hiện diện khắp nơi, toàn năng, toàn tri, vô biên, v.v., đều quy chiếu về các năng lượng thần linh của Ngài, bởi vì bản thể Thiên Chúa vượt quá mọi khái niệm của con người và giới hạn của thụ tạo. Cách tiếp cận này không phủ nhận chân lý về Thiên Chúa, thay vào đó, nó xác quyết rằng Thiên Chúa thực sự là Đấng mà chúng ta tuyên xưng, nhưng vượt trên sự hiểu biết, lý trí hữu hạn mà con người có thể nắm bắt. Nói cách khác, điều quan trọng chính là sự thừa nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa, là sự chấp nhận rằng mọi điều chúng ta nói về người đều dựa trên sự tương quan với thế giới thụ tạo, và chính vì vậy, Thiên Chúa vẫn luôn siêu việt trên mọi khái niệm mà chúng ta có thể nghĩ về Ngài.

Thiên Chúa là Đấng Thánh, nhưng Ngài vượt quá mọi khái niệm của chúng ta về sự thánh thiện.

Thiên Chúa là Ba Ngôi, nhưng mầu nhiệm Ba Ngôi vượt trên mọi khả năng lĩnh hội của trí khôn con người.

Thiên Chúa là chính Ngài, nhưng Ngài còn hơn những gì mà lý trí chúng ta có thể nắm bắt.

Và khi chúng ta tuyên xưng rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, hãy biết rằng tình yêu của Thiên Chúa vượt xa mọi cảm xúc yêu thương của con người.

Ngài thực sự là Tình Yêu… một tình yêu vượt trên sự hiểu biết của chúng ta.

Amen

Footnotes

  1. Aquinas, T. (1274). Summa Theologiae (I-II, q. 112, a. 1).

  2. Palamas, G. (1983). The Triads (N. Gendle, Trans.; J. Meyendorff, Ed.). New York: Paulist Press. 2

  3. Lossky, V. (1976). The Mystical Theology of the Eastern Church. Crestwood, NY: St. Vladimir’s Seminary Press.

  4. Basil of Caesarea. (1950). Letter 234. In Nicene and Post-Nicene Fathers, Second Series (Vol. 8). Christian Literature Publishing Co.

  5. John of Damascus. (1899). An Exact Exposition of the Orthodox Faith. In P. Schaff & H. Wace (Eds.), Nicene and Post-Nicene Fathers, Second Series, Vol. 9. Christian Literature Publishing Co.