Về sự hỗn loạn của
phong trào Tin Lành–
“sai lầm nối tiếp sai lầm”
Savva Tống Duệ Uyên ✢
11.11.2024 — 15 phút đọcThần Học và Biện Giải
Các hệ phái Tin Lành ra đời từ cuộc Cải cách thế kỷ XVI, do linh mục Công giáo La Mã Martin Luther, nhà thần học John Calvin và những người tiên phong khác dẫn đầu. Thoạt nhìn, sự kiện này tưởng chừng như là bước ngoặt giải phóng đức tin khỏi những gông cùm của Giáo hội La Mã, nhưng lại chính là cái mở đầu cho một cuộc “tách lớp” không ngừng nghỉ.
Ngay từ giây phút đầu tiên, những sự khác biệt về giáo lý, nghi lễ, và thậm chí cả cách hiểu về Kinh Thánh đã nảy sinh như một cơn sóng ngầm. Và rồi, điều này dẫn đến một hệ quả không thể tránh khỏi: hàng nghìn các nhóm giáo phái khác nhau, mỗi nhóm tự đặt mình là “chân lý”, tự vẽ ra con đường cứu rỗi riêng biệt, mặc cho cái bản thể của Ki-tô giáo “Chính Thống” vẫn không hề thay đổi suốt hơn 2000 năm qua.
Dễ dàng nhận thấy, sự chia rẽ này không chỉ là một sự phân mảnh tôn giáo mà còn là sự phân chia ngay trong chính cội nguồn đức tin. Khi mà mỗi giáo phái “xé” ra một cách hiểu mới về Kinh Thánh, một lý thuyết mới về cứu rỗi, thì cuối cùng cái mà họ gọi là “chân lý” lại trở thành một khái niệm mơ hồ, chẳng còn nguyên vẹn và sâu sắc như bản gốc mà Chúa Jesus đã trao truyền qua các Thánh Tông Đồ.
Tình trạng chia rẽ này không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà còn thể hiện rõ trong thực tế hàng ngày của các tín đồ Tin Lành toàn cầu. Một ví dụ điển hình là sự khác biệt về cách hiểu và áp dụng “sự cứu rỗi”. Có những hệ phái Tin Lành, như những người theo Martin Luther (Lutheran), kiên quyết bảo vệ “sự cứu rỗi nhờ đức tin” (sola fide), cho rằng chỉ cần tin vào Thiên Chúa là đủ để được cứu rỗi, không cần đến bất kỳ hành động hay nghi thức nào. Trong khi đó, những hệ phái như Baptist lại nhấn mạnh tầm quan trọng của “việc lành” và “giới luật”, khẳng định rằng một người không chỉ cần đức tin mà còn phải hành động theo những chuẩn mực đạo đức mới có thể đạt được sự cứu rỗi.
Chưa hết, vấn đề nghi lễ cũng gây nên sự chia rẽ sâu sắc. Một số giáo phái, chẳng hạn như các nhà thờ chấp nhận Tiệc Thánh (Nhiệm tích Mình Máu Thánh) như một nghi thức thiêng liêng quan trọng, trong khi một số nhóm khác, như Tin Lành Quaker, lại coi đó là hình thức ràng buộc không cần thiết và có thể dẫn đến hình thức thờ phượng máy móc. Tương tự, phép rửa tội của trẻ em là một vấn đề gây tranh cãi lớn. Các nhà thờ theo Calvin và Luther vẫn duy trì phép rửa tội cho trẻ nhỏ, coi đó là một dấu hiệu của giao ước giữa gia đình và Thiên Chúa, trong khi các nhóm như Baptists lại cho rằng phép rửa chỉ nên thực hiện khi một người có đức tin cá nhân vững vàng, tức là khi người đó đủ tuổi để tự quyết định.
Những bất đồng này không chỉ tạo ra sự phân tán trong cộng đồng tín hữu, mà còn phản ánh một mớ hỗn độn trong việc xác định cái gì là “đúng” hay “sai” trong đức tin. Mỗi nhóm tự khẳng định mình là đại diện duy nhất của sự thật, trong khi các quan điểm và nghi thức khác lại bị coi là sai lạc, thậm chí là dị đoan. Thực tế này khiến người ta khó có thể tin rằng các hệ phái này có thể cùng nhau hình thành một “Giáo hội duy nhất”, bởi sự chia rẽ đã ăn sâu vào tận bản chất và cách thức họ tiếp cận với Thiên Chúa, với Kinh Thánh và với nhau.
Ngay cả trong cùng một giáo phái, sự đa dạng và phân hóa cũng không hề thua kém. Mỗi giáo phái lại có vô vàn nhánh nhỏ, mỗi nhánh có cách diễn giải riêng về những giáo lý cơ bản, đôi khi gần như đối nghịch nhau. Ví dụ, trong hệ phái Tin Lành Baptist, mặc dù tất cả đều tôn trọng “sự cứu rỗi nhờ đức tin”, nhưng cũng có sự phân chia rõ rệt giữa các nhóm về việc có nên thực hiện phép rửa tội cho trẻ em hay không. Những nhóm theo “Baptism by immersion” (rửa tội bằng cách dìm mình) sẽ không bao giờ chấp nhận phép rửa tội cho trẻ em, trong khi các nhóm khác có thể cho phép rửa tội sơ sinh như một dấu chỉ của giao ước giữa gia đình và Chúa.
Tương tự, trong hệ phái Tin Lành Lutheran, sự chia rẽ giữa các nhóm cũng diễn ra xung quanh cách hiểu về Tiệc Thánh. Một số nhóm theo Lutheran cứng rắn cho rằng bánh và rượu trong Tiệc Thánh thật sự trở thành thân thể và huyết lưu Chúa Jesus, trong khi các nhóm khác lại chỉ xem đó là “biểu tượng” mà không có sự biến đổi thực chất – và không chỉ có Thánh Thể, mà còn cả quan điểm về hôn nhân đồng giới, truyền chức cho phụ nữ,…. Điều này khiến cho ngay trong chính cùng một giáo phái, việc cử hành các “nhiệm tích” cũng trở nên mơ hồ và khó đồng nhất. Hệ phái Cải Cách (Reformed), do John Calvin phát triển, cũng không thoát khỏi sự phân hóa. Một số nhóm theo Calvin có quan điểm cực kỳ cứng rắn về sự “tiền định”, cho rằng Chúa đã định sẵn những người sẽ được cứu rỗi từ trước khi sinh ra, trong khi những nhóm khác lại chú trọng đến yếu tố tự do của con người trong việc chọn lựa đức tin. Điều này không chỉ làm mất đi sự đồng thuận chung về cách thức cứu rỗi, mà còn khẳng định rằng trong cùng một dòng họ, sự cứu rỗi vẫn luôn là một vấn đề bất đồng, không thể thống nhất.
Ngay cả trong các hệ phái Tin Lành như Trưởng Lão (Presbyterian) hay Ngũ Tuần (Pentecostal), sự chia rẽ về việc các nhiệm tích có thực sự cần thiết cho sự cứu rỗi hay không cũng là một chủ đề nóng bỏng. Trong khi Trưởng Lão có xu hướng giữ vững các nghi thức truyền thống, các nhóm Ngũ Tuần lại nhấn mạnh đến trải nghiệm cá nhân và những “biểu hiện siêu nhiên” của Thiên Chúa qua việc nói tiếng lạ và các phép lạ, khiến họ trở thành một nhóm tách biệt, đôi khi coi những nghi thức truyền thống là không cần thiết hoặc thậm chí là không đúng đắn.
Vậy mà, trong tất cả các giáo phái này, dù có những sự khác biệt sâu sắc về giáo lý và nghi thức, họ vẫn tự gọi mình là những người kế thừa “Đức Tin Chân Chính”. Cái nghịch lý ở đây là, trong khi tất cả đều tuyên bố mình là những người bảo vệ sự thật của Thiên Chúa, thì sự thật lại bị vỡ vụn theo từng nhánh nhỏ, từng quan điểm cá nhân, đến nỗi khó có thể thấy được một hình ảnh rõ ràng về một Giáo Hội duy nhất, thống nhất. Những chia rẽ này cho thấy rằng, sự “thống nhất trong Đấng Christ (Đức Ki-tô)” mà các hệ phái Tin Lành này nói đến, hay vỗ ngực xưng tên trong các bài diễn thuyết được đăng tải trên mạng của họ rốt cuộc chỉ là một khái niệm lý tưởng, không bao giờ có thể thực hiện được trong đời sống thực tế.
Điều này dẫn đến một vấn đề lớn trong việc xác định tính chân thực và hợp pháp của các giáo lý mà các hệ phái Tin Lành giảng dạy. Vì không có sự kế thừa từ các Thánh Tông đồ hay Giáo phụ, các giáo lý của họ thiếu sự liên kết trực tiếp với nền tảng đức tin mà các Thánh sử và các vị lãnh đạo Giáo hội đầu tiên đã thiết lập. Hệ quả là, mỗi nhóm Tin Lành có thể phát triển một cách hiểu riêng về Kinh Thánh và giáo lý, không bị ràng buộc bởi bất kỳ truyền thống liên tục nào. Điều này không chỉ làm cho sự giảng dạy trở nên mơ hồ và dễ thay đổi theo thời gian, mà còn khiến cho sự đồng nhất trong đức tin trở thành điều không thể đạt được.
Mặt khác, Giáo hội Chính Thống giáo, nhờ vào sự truyền thừa qua các Giám mục và các Giáo phụ, đã duy trì một hệ thống giáo lý vững chắc qua từng thế kỷ, bất chấp những biến động suy vi tuần tự trong lịch sử. Các giáo lý và nghi lễ của Giáo hội này không phải là những sáng tạo cá nhân, mà là sự phát triển liên tục và trung thành với những gì mà các Thánh Tông đồ và các Thánh đã giảng dạy. Chính điều này đã tạo ra một sự ổn định và tính nhất quán trong đức tin, giúp các tín hữu có thể tìm thấy sự liên kết trực tiếp giữa mình và các thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên, và do đó có thể cảm nhận được một sự tiếp nối thiêng liêng xuyên thời đại.
Các hệ phái Tin Lành, do đó, không chỉ thiếu sự kế thừa về mặt lịch sử, mà còn thiếu một cơ chế bảo vệ sự chính xác và đúng đắn của giáo lý qua các thế hệ. Điều này khiến cho mỗi thế hệ có thể tùy ý điều chỉnh giáo lý và nghi lễ theo những xu hướng và hoàn cảnh của thời đại mình. Chẳng hạn những cuộc cải cách trong thế kỷ XVI đã cắt đứt mối liên kết với quá khứ và mở đường cho các phong trào và giáo phái mới xuất hiện, mỗi nhóm lại có những diễn giải riêng về các giáo lý nền tảng của Ki-tô giáo. Điều này dẫn đến một sự phân mảnh liên tục, khiến cho không một hệ phái Tin Lành nào có thể tuyên bố mình là sự tiếp nối trực tiếp của Giáo hội đầu tiên mà không phải đối mặt với sự nghi ngờ về “tính chính thống” của mình.
Các hệ phái Tin Lành, dù được sinh ra từ một làn sóng phản kháng mạnh mẽ đối với sự tha hóa và sai lầm của Giáo hội Công giáo La Mã trong thời Trung Cổ, lại rơi vào một vấn đề khó có thể chối cãi: thiếu vắng một nền tảng thần học vững chắc và liên tục như Giáo hội Công giáo La Mã (dù chính Giáo hội Công giáo La Mã cũng tự mang trong mình những mâu thuẫn và tà thuyết không thể phủ nhận). Điều này có nghĩa là, mặc dù các hệ phái Tin Lành thường xuyên chỉ trích và phản bác các giáo lý của Giáo hội Công giáo La Mã, họ lại không có đủ sự phát triển sâu sắc về thần học cũng như không cung cấp một cơ sở lý luận vững vàng để thay thế những gì họ đã phê phán. Thay vì xây dựng một hệ thống thần học toàn diện, họ chủ yếu tập trung vào việc bác bỏ những vấn đề của Giáo hội Công giáo La Mã (và các hệ phái khác trong phong trào của chính họ), nhưng lại thiếu đi một giải pháp đủ mạnh mẽ để tạo dựng sự thay đổi thực sự về mặt giáo lý và thực hành, khiến cho đức tin của họ dễ bị phân tán và thiếu sự liên kết ổn định.
Cả Martin Luther lẫn John Calvin, những người sáng lập ra các phong trào cải cách này, dù có những đóng góp đáng kể trong việc tái xác định những vấn đề như ân sủng và “sự cứu rỗi nhờ đức tin” (sola fide), nhưng nhiều khi họ lại giống như những người “chống đối không hề có lộ trình”, tức là cứ phản biện giáo lý Giáo hội Công Giáo La Mã mà thiếu đi việc xây dựng một hệ thống thần học vững chắc và có sự kế thừa. Họ chỉ nói rõ những cái sai, cái yếu của giáo lý và nghi lễ dị giáo của Giáo hội Công giáo La Mã, nhưng chẳng thật sự đưa ra được những câu trả lời sắc bén cho những câu hỏi thần học sâu sắc về mối quan hệ giữa con người với Thiên Chúa. Và hậu quả là, trong rất nhiều hệ phái Tin Lành, ta thấy rõ sự “khiếm khuyết” khi giải quyết những vấn đề siêu quan trọng như bản chất của Giáo hội, tính chính thống của các phép nhiệm tích, hay thậm chí là mối quan hệ giữa đức tin và việc lành. Sự thiếu vắng một hệ thống thần học rõ ràng khiến các nhóm này giống như một bản nhạc thiếu nốt, rời rạc và không hòa hợp. Mạnh ai nấy chơi theo cách mình muốn!
Điều này dẫn đến một thực tế khá chua chát là dù các hệ phái Tin Lành có sự đổi mới về giáo lý và phần nào giúp thoát khỏi sự độc quyền dị giáo của Giáo hội Công Giáo La Mã, nhưng chúng lại thiếu đi một sự phát triển thần học liên tục và mạch lạc. Mỗi nhóm Tin Lành có thể “đóng góp” vào một khía cạnh riêng của đức tin, nhưng không thể tạo ra một hệ thống giáo lý đủ vững để kết nối tất cả các yếu tố này lại với nhau, như cách mà Giáo hội Chính Thống giáo làm qua Truyền Thống Thánh và sự kế thừa đức tin từ các Thánh Tông đồ. Điều này dẫn đến việc các nhóm Tin Lành không thể có một sự đồng nhất về mặt thần học, khiến mỗi giáo phái, mỗi nhánh lại có những cách giải thích khác biệt về các vấn đề cốt lõi của đức tin. Và rồi, việc xác định cái gì là “đúng” hay “sai” trong đức tin trở thành một trò chơi vô định, không có hồi kết và cực kỳ khó nắm bắt, khiến cho mọi thứ cứ mơ hồ và trôi dạt theo từng làn sóng mới.
Nói theo một cách khác, dù cuộc Cải cách Tin Lành đã đưa ra một làn sóng thay đổi, nhưng điều đó lại không đồng nghĩa với việc hệ thống thần học của các hệ phái Tin Lành có một cơ sở vững chắc như nền tảng thần học truyền thống của Giáo hội Mẹ Công Giáo La Mã với những dị giáo của nó vào thời Trung Cổ (và cả hiện nay). Mặc dù các nhà cải cách có thể chỉ trích những lạm dụng của Giáo hội Công Giáo La Mã thời Trung Cổ, nhưng khi đi vào chiều sâu của các vấn đề lý thuyết, thần học và thực hành, họ lại không thể cung cấp một sự thay thế đủ mạnh mẽ và mạch lạc. Điều này khiến cho đức tin của các hệ phái Tin Lành thường dễ bị phân tán, thiếu ổn định, và không có sự kết nối rõ ràng với đức tin ban đầu mà các Thánh Tông đồ và Giáo phụ đã dày công xây dựng. Mọi thứ có vẻ như thiếu một cơ sở vững vàng, như một chiếc thuyền không có neo, trôi dạt theo từng sóng gió của những cách giải thích mới lạ.
Giữa hàng đống những biến động và cách giải thích khác nhau của các giáo phái Tin Lành, đôi khi thật khó để biết cái nào mới là “đúng” hay “chuẩn”. Chúng ta dễ dàng nhận thấy điều này qua sự phát triển của đủ loại giáo phái Tin Lành, từ Baptist, Trưởng Lão cho đến Ân Tứ hay Phúc Âm Liên Hiệp – mỗi nhóm đều có cách nhìn và thực hành riêng biệt, nhưng nhiều khi lại chẳng có sự thống nhất nào về những câu hỏi cốt lõi của đức tin. Họ có thể có lý thuyết này, nghi thức nọ, nhưng mà đôi khi lại chẳng giải quyết được những vấn đề nền tảng một cách rõ ràng hay sâu sắc, khiến cho mọi thứ cứ lửng lơ như không biết đâu mà lần./.