
Bài viết gốc: On Forming the Soul (nguồn)
Ngày nay, khi một tâm hồn bước vào Chính Thống giáo, nó thường đến trong một trạng thái khó khăn hoặc thậm chí bị què quặt. Người ta thường nghe những người mới cải đạo sau nhiều năm vật lộn tưởng chừng trong vô ích nói, “Tôi không biết mình đang dấn thân vào điều gì khi trở thành người Chính Thống giáo.” Nhiều người đã cảm thấy như vậy ngay từ khi tiếp xúc với Đức tin Chính Thống giáo, và điều này có thể khiến họ trì hoãn việc đón nhận Chính Thống giáo hoặc thậm chí hoàn toàn trốn chạy khỏi nó. Tình trạng tương tự cũng thường xảy ra với những người đã được nhận phép Rửa từ thời thơ ấu, khi họ trưởng thành và phải quyết định có cam kết với đức tin thời thơ ấu của mình hay không.
Từ một góc độ nào đó, cốt lõi của vấn đề này là sự cam kết trọn vẹn mà những tín hữu Chính Thống giáo nghiêm túc phải có—một sự cam kết hơi khác biệt về mặt bản chất so với những người chỉ đơn thuần gia nhập một giáo phái hoặc một hệ phái mới. Có rất nhiều giáo phái và những cách diễn giải khác nhau về đời sống Kitô hữu, nhưng chỉ có Một Giáo hội của Chúa Kitô, đang sống đời sống chân thật trong Chúa Kitô, với các giáo lý và thực hành không thay đổi từ các Thánh Tông đồ và các Giáo phụ của Giáo hội.
Dưới góc độ thực tế hơn, vấn đề nằm ở sự nghèo nàn trong tâm hồn hiện đại, vốn chưa được chuẩn bị hay rèn luyện để tiếp nhận chiều sâu của đời sống Kitô hữu chân chính. Sự nghèo nàn này bao gồm cả các yếu tố văn hóa lẫn tâm lý. Thực trạng giáo dục thanh thiếu niên ngày nay, đặc biệt là tại Mỹ, cho thấy sự thiếu sót nghiêm trọng trong việc bồi đắp năng lực cảm thụ những tinh hoa văn hoá nghệ thuật, văn học, và âm nhạc; kết quả là giới trẻ được hình thành một cách chắp vá dưới sự ảnh hưởng của truyền hình, nhạc rock và những biểu hiện khác của “văn hóa” đương thời (hay đúng hơn là “phản văn hóa”). Thêm vào đó, một nguyên nhân đồng thời cũng là hậu quả của vấn đề này, chính là sự thiếu vắng từ phía các bậc phụ huynh và giáo viên trong việc truyền đạt những khái niệm rõ ràng về đời sống Kitô hữu và phương pháp nuôi dạy con cái theo đó. Do vậy, tâm hồn của những người trải qua những năm tháng thanh thiếu niên thường trở nên khô cằn về mặt cảm xúc, hoặc trong trường hợp tốt nhất, chỉ bộc lộ những thiếu sót trong các thái độ căn bản đối với cuộc sống, vốn đã từng được xem là chuẩn mực và không thể thiếu trước đây.
Ngày nay, có rất ít người có thể diễn đạt rõ ràng cảm xúc và suy nghĩ của mình, cũng như đối diện với chúng một cách chính chắn; nhiều người thậm chí không nhận thức được những gì đang diễn ra trong tâm mình. Đời sống bị phân mảnh một cách giả tạo: công việc (rất ít ai dồn hết tâm huyết vì cho rằng “công việc chỉ để kiếm tiền”), giải trí (nhiều người coi đây là mục đích sống của họ), tôn giáo (thường chỉ chiếm một hoặc hai giờ mỗi tuần), và các điều tương tự. Tuy nhiên, nó không có một nền tảng thống nhất chung để mang lại ý nghĩa toàn diện cho cuộc đời con người. Nhiều người, khi không thỏa mãn với đời sống hằng ngày, cố gắng sống trong thế giới mộng tưởng của riêng mình (họ cũng cố áp đặt tôn giáo vào thế giới ấy). Trong toàn bộ nền văn hóa hiện đại, chúng ta có thể nhận thấy một mẫu số chung: sự tôn thờ bản thân và sự theo đuổi tiện nghi cá nhân, và điều này hoàn toàn triệt tiêu mọi khả năng phát triển đời sống tâm linh của một người.
Đây chính là bối cảnh, hay nói cách khác, là “hành trang văn hóa” mà một người mang theo khi bước vào Chính Thống giáo trong thời đại ngày nay. Tất nhiên, vẫn có nhiều người giữ được đức tin Chính Thống giáo bất chấp bối cảnh xã hội hiện đại; một số thì gặp tai biến trong đời sống tâm linh vì nó; nhưng vẫn không ít người đang sống trong tình trạng què quặt hoặc không thể phát triển được về mặt tâm linh, bởi vì đơn giản là họ chưa được chuẩn bị hay không nhận thức được về những yêu cầu thực sự của đời sống tâm linh.
Như một khởi đầu để đối diện với vấn đề này (và hy vọng có thể giúp một số người đang băn khoăn), chúng ta hãy nhìn sơ lược về giáo huấn Chính Thống giáo về bản chất con người, dựa trên lời dạy của một tác giả Chính Thống giáo uyên thâm thế kỷ 19, một vị Thánh Giáo phụ chân chính của thời đại sau này—Đức Giám Mục Theophan Ẩn Sĩ (+1892). Trong tác phẩm “Đời Sống Tâm Linh Là Gì và Làm Sao Để Hòa Nhập Với Nó” (What the Spiritual Life Is and How to Attune Oneself to It, bản in lại tại Jordanville, 1962), ông viết:
“Đời sống con người phức tạp và đa diện. Trong đó có khía cạnh của thân xác (body), khía cạnh của tâm hồn (soul), và khía cạnh của thần trí (spirit). Mỗi khía cạnh đều có những năng lực và nhu cầu riêng, những phương pháp riêng để thực hiện và thỏa mãn chúng. Chỉ khi tất cả các năng lực của chúng ta đều cùng hoạt động và mọi nhu cầu đều được đáp ứng, con người mới thực sự sống. Nhưng nếu chỉ một phần nhỏ trong những năng lực ấy hoạt động và chỉ một phần nhỏ trong những nhu cầu ấy được thỏa mãn thì cuộc sống như vậy không phải là cuộc sống... Con người không thực sự là con người trừ khi mọi mặt trong con người anh đều hoạt động... Một người phải sống như cách Chúa đã tạo dựng ra chúng ta, và khi họ không sống như vậy, một người có thể mạnh dạn nói rằng người đó chưa thực sự sống” (trang 7).

Sự phân biệt giữa “tâm hồn” và “thần trí” ở đây không có nghĩa là trong bản tính con người tồn tại hai thực thể riêng biệt; đúng hơn, “thần trí” là phần cao hơn, “tâm hồn” là phần thấp hơn, và chùng cùng thuộc về phần vô hình duy nhất của con người (thường được gọi chung là “tâm hồn”). Theo nghĩa này, “tâm hồn” bao gồm những suy nghĩ và cảm xúc không liên quan trực tiếp đến đời sống tâm linh—hầu hết thuộc về nghệ thuật, tri thức, và văn hóa con người; còn “thần trí” thuộc về khát vọng hướng đến Chúa thông qua việc cầu nguyện, nghệ thuật thánh, và sự vâng phục lề luật của Thiên Chúa.
Từ lời dạy của Đức Giám Mục Theophan, chúng ta có thể nhận ra một lỗi chung của những ai tìm kiếm đời sống tâm linh ngày nay: không phải tất cả các khía cạnh của bản chất con người trong họ đều được vận động; họ đang cố gắng thỏa mãn nhu cầu tôn giáo (thuộc về thần trí) trong khi chưa giải quyết thoả đáng các nhu cầu khác (đặc biệt là những nhu cầu tâm lý và cảm xúc); hoặc tệ hơn, họ dùng tôn giáo để thoả mãn những nhu cầu tâm lý một cách không chính đáng. Ở những người như vậy, tôn giáo vẫn còn ở trên bề nổi, chưa chạm đến phần sâu thẳm nhất của con người; và đôi khi chỉ cần một biến cố xáo trộn trong đời, hay đơn giản là sự hấp dẫn tự nhiên của thế gian này, cũng đủ để phá vỡ thế giới “bằng nhựa” đó và khiến họ rời xa tôn giáo. Đôi khi, sau những trải nghiệm cay đắng, họ quay về với đức tin; nhưng thường thì họ lại bị lạc lối, hoặc trong trường hợp tốt nhất, trong tình trạng què quặt và không còn sinh hoa kết trái.
Đức Giám Mục Theophan tiếp tục:
“Con người có ba tầng cuộc sống: thuộc về thần trí, thuộc về tâm hồn, và thuộc về thân xác. Mỗi tầng đều có những nhu cầu riêng, tự nhiên và thích hợp với con người. Những nhu cầu này không có cùng giá trị; có những nhu cầu cao hơn và những nhu cầu thấp hơn; và việc thỏa mãn các nhu cầu một cách cân bằng đem lại sự bình an cho con người. Nhu cầu thuộc về thần trí là cao nhất, và khi những nhu cầu đó được thỏa mãn, con người có thể tìm được sự bình an ngay cả khi các nhu cầu khác chưa được đáp ứng; nhưng khi các nhu cầu của thần trí không được thỏa mãn, thì ngay cả khi những nhu cầu khác được thỏa mãn dồi dào, con người vẫn không có được sự bình an. Vì thế, sự thỏa mãn những nhu cầu đó được gọi là ‘điều duy nhất cần thiết’ (Lc 10:42).
“Khi các nhu cầu của thần trí được thoả mãn, chúng sẽ hướng dẫn con người cân đối được sự thoả mãn của các nhu cầu khác, sao cho những gì thỏa mãn tâm hồn lẫn những gì thỏa mãn thể xác đều không mâu thuẫn với đời sống tâm linh, mà hỗ trợ cho nó; và khi đó, con người sẽ có một sự hài hòa trọn vẹn trong mọi chuyển động và biểu hiện của đời sống, một sự hài hòa trong tư tưởng, cảm xúc, ước muốn, hành động, mối quan hệ, niềm vui. Và đó chính là thiên đàng!” (trang 65).
Trong thời đại chúng ta, yếu tố thiếu hụt lớn nhất của sự hòa hợp lý tưởng trong đời sống con người có thể được gọi là sự phát triển cảm xúc của tâm hồn. Tuy nó không liên quan trực tiếp đến đời sống tâm linh, nhưng lại thường xuyên cản trở quá trình phát triển tâm linh. Đó là trạng thái của một người, mặc dù có thể nghĩ rằng họ khao khát đấu tranh tâm linh và một cuộc sống cầu nguyện cao thượng, nhưng lại vụng về, không biết đáp lại tình yêu thương và tình bạn thông thường giữa người với người; Vì, “nếu ai nói: ‘Tôi mến Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối, vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì làm sao người ấy có thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy?” (1 Ga 4:20).
Ở một số ít người, khuyết điểm này bộc lộ rõ ở mức độ nghiêm trọng; nhưng nếu ta xét vấn đề này như một khuynh hướng, vấn đề này hiện hữu ít nhiều trong tất cả chúng ta, những người đã lớn lên trong sa mạc cảm xúc và tâm linh của thời đại này. Do đó, đôi khi chúng ta cần phải khiêm tốn hạ mình trước những thôi thúc và đấu tranh mà chúng ta cho là thuộc về tâm linh, để được kiểm nghiệm về sự sẵn sàng của chúng ta về mặt con người và cảm xúc đối với chúng. Đôi khi, cha linh hướng sẽ không cho phép con linh hướng mình đọc một cuốn sách tâm linh nào đó, mà thay vào đó lại đề nghị đọc tiểu thuyết của Dostoevsky hay Dickens, hoặc khuyến khích họ làm quen với một số nhạc cổ điển nhất định—không phải với mục đích “thưởng thức nghệ thuật” đơn thuần (bởi người ta có thể trở thành “chuyên gia” trong lĩnh vực này, thậm chí “phát triển tốt về mặt cảm xúc,” mà chẳng hề quan tâm đến sự phát triển trong đời sống tâm linh—đó cũng lại là một trạng thái mất cân bằng), mà chỉ để tinh luyện và hình thành tâm hồn họ, khiến nó dễ dàng hiểu được những văn bản tâm linh chân thực.
Đức Giám Mục Theophan, trong lời khuyên của mình cho một phụ nữ trẻ đang chuẩn bị cho cuộc sống tu viện trong thế gian, cho phép cô đọc (bên cạnh các sách phi tâm linh khác) những tiểu thuyết “được những người thiện chí đã đọc chúng giới thiệu” (What the Spiritual Life Is, trang 252). Với suy nghĩ này, chuyên mục mới trong tờ “Orthodox America” sẽ giới thiệu và giải thích một số tác phẩm văn chương và nghệ thuật (kể cả những tác phẩm điện ảnh hiện đại) có thể hữu ích trong việc hình thành tâm hồn, đặc biệt cho giới trẻ, về các thái độ và cảm xúc con người căn bản, để họ có thể đón nhận và theo đuổi những điều cao vời hơn của đời sống tâm linh.
+Cha Seraphim (Rose) ở Platina, “Hình Thành Tâm Hồn – Thần trí, Tâm hồn và Thân xác.”