Muối Của Đất
Muối Của Đất

Đức Cha Seraphim Rose

Tu Sĩ Damascene

25.06.2024 17 phút đọc
Cuộc Đời Thánh Nhân
Đức Cha Seraphim Rose
Đức Cha Seraphim Rose của Platina, California (1934–1982)

...khi tôi bước vào Nhà thờ Chính thống giáo lần đầu tiên...một điều gì đó đã xảy đến với tôi, điều mà tôi chưa từng cảm nhận được ở bất kỳ ngôi chùa Phật giáo hay đền thờ phương Đông nào khác; có điều gì đó trong tim mách bảo rằng đây là ‘nhà,’ rằng hành trình tìm kiếm của tôi đã đến hồi kết.

Đức Cha Seraphim Rose là một trong những người thầy vĩ đại nhất của Chính thống giáo trong thời đại của chúng ta. Sinh ra trong một gia đình Tin Lành, ông từ bỏ đức tin và trở thành người vô thần, sau đó theo đạo Phật, nghiên cứu triết học phương Đông, gặp gỡ và được hướng dẫn bởi một thánh nhân, và cuối cùng gia nhập Chính thống giáo. Những bài viết của ông đã gây rung động hàng triệu trái tim trên khắp thế giới, cung cấp một góc nhìn nguyên bản và chân thật của Kitô giáo về những vấn đề tâm linh, các phong trào tôn giáo mới và chính trị đương thời, những trăn trở của con người hiện đại, và ý nghĩa thực sự của Đức Tin.

Để tóm gọn lại câu chuyện cải đạo và những chiêm nghiệm của Đức Cha Seraphim Rose, Muối Của Đất xin được dịch lại một bài viết của tu sĩ Damascene, người được trực tiếp hướng dẫn bởi Đức Cha Seraphim và hiện đang là trưởng tu viện Thánh Herman của Alaska. Văn bản gốc tiếng Anh được dịch lại tại đây.


Đức Cha Seraphim sinh năm 1934 trong một gia đình Tin Lành trung lưu da trắng điển hình ở San Diego. Khi lớn lên, ông là một người con ngoan ngoãn và luôn đạt thành tích học tập xuất sắc. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp trung học, ông bắt đầu khát khao tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi “Tại sao?”—và khi không tìm thấy nó trong môi trường mà ông đã được nuôi nấng, ông bắt đầu nổi loạn. Ông từ chối chấp nhận những câu trả lời đã được chấp nhận sẵn. Thời điểm này cũng là khởi đầu của văn hóa phản kháng hiện đại, khoảng đầu những năm 1950. Cha Seraphim trở thành học trò của một trong những người tiên phong đầu tiên của văn hóa phản kháng, Alan Watts (sau này ông nhận ra là hoàn toàn giả dối) và trở thành một Phật tử theo chủ nghĩa Bohemian ở San Francisco. Ông học tiếng Trung cổ để nghiên cứu Đạo Đức Kinh và các văn bản phương Đông cổ khác bằng ngôn ngữ gốc, hy vọng có thể chạm được vào trái tim của triết lý phương Đông. Đến lúc này, ông đã hoàn toàn từ bỏ đạo Tin Lành của những năm tháng thơ ấu, coi đó là trần tục, yếu đuối và giả tạo; ông chế giễu khái niệm về Chúa của đạo Tin Lành và cho rằng nó đã “đặt Chúa vào trong một chiếc hộp.” Ông đọc Nietzsche cho đến khi những lời của Nhà Tiên Tri này bắt đầu vang vọng trong tâm hồn ông với một sức mạnh cháy rực.

Trong suốt quãng thời gian này, ông tìm kiếm Chân Lý bằng tâm trí, nhưng Chân Lý lại lảng tránh ông. Ông rơi vào trạng thái tuyệt vọng mà nhiều năm sau ông mô tả là địa ngục trần gian. Ông cảm thấy mình không thuộc về thế giới hiện đại, và ngay cả gia đình cũng không thể hiểu cho ông. Cứ như thể ông đã sinh ra sai chỗ, sai thời điểm. Ông thích đi dạo dưới những vì sao, nhưng lại cảm thấy rằng không có gì ngoài kia chào đón mình—không Chúa, không gì cả. “Tính Không” của Phật giáo khiến ông trống rỗng, cũng giống như nó đã làm với người sáng lập ra phong trào Beat, Jack Kerouac; và cũng giống như Kerouac, Cha Seraphim bắt đầu tìm đến men say. Ông uống rượu vang một cách rất hăng và sau đó đập mạnh xuống sàn, gào thét với Chúa rằng hãy để cho ông yên. Một lần khi say, ông đứng trên đỉnh núi giơ nắm đấm lên trời nguyền rủa Chúa, thách Ngài đày ông xuống địa ngục. Trong cơn tuyệt vọng của mình, việc bị đày đoạ mãi mãi bởi cơn thịnh nộ của Chúa dường như đáng để đánh đổi, chỉ cần ông có thể biết chắc chắn rằng Chúa tồn tại—thay vì dưng dửng thờ ơ, phẳng lặng như nước ao tù. Nếu Chúa thực sự đày ông xuống địa ngục, ít nhất ông cũng sẽ cảm nhận được, trong khoảnh khắc hạnh phúc đó, cái chạm của Chúa và biết chắc rằng Ngài có thể với tới được.

“Chủ nghĩa vô thần,” Đức Cha Seraphim viết trong những năm sau này, “chủ nghĩa vô thần ‘hiện sinh’ đích thực, cháy bỏng với lòng căm ghét một Chúa dường như bất công chính hoặc không bao dung, là một trạng thái tâm linh; nó là một cuộc vật lộn thực sự với Đức Chúa thật, Đấng mà ngay cả những tín đồ mộ đạo nhất cũng không thể lý giải được cách thức của Ngài, và nó đã không ít lần được biết là kết thúc trong một tầm nhìn chói lọi về Đấng mà người vô thần thực sự tìm kiếm. Chính Đấng Kitô đã hoạt động trong những linh hồn này. Kẻ Phản Kitô (AntiChrist) không được thấy ở những kẻ phủ nhận Ngài, mà là ở những kẻ tuyên xưng nhỏ bé, những người mà chỉ tôn kính Đấng Kitô bằng môi bằng miệng. Nietzsche, khi tự gọi mình là Kẻ Phản Kitô, đã chứng minh sự đói khát mãnh liệt của ông đối với Đấng Kitô…”

Trong quá trình tìm kiếm các tôn giáo và truyền thống cổ khác nhau, Đức Cha Seraphim đã đến thăm một Nhà thờ Chính thống giáo Nga. Sau đó ông đã viết về trải nghiệm của mình.

“Trong nhiều năm nghiên cứu, tôi cảm thấy thoã mãn khi ‘vượt lên trên tất cả các truyền thống’ nhưng bằng một cách nào đó vẫn trung thành với chúng... Khi tôi đến thăm một Nhà thờ Chính thống giáo, mục đích của tôi chỉ là tìm hiểu về một ‘truyền thống’ khác. Tuy nhiên, khi tôi bước vào Nhà thờ Chính thống giáo lần đầu tiên (một Nhà thờ Nga ở San Francisco), một điều gì đó đã xảy đến với tôi, điều mà tôi chưa từng cảm nhận được ở bất kỳ ngôi chùa Phật giáo hay đền thờ phương Đông nào khác; có điều gì đó trong tim mách bảo rằng đây là ‘nhà,’ rằng hành trình tìm kiếm của tôi đã đến hồi kết. Tôi thực sự không hiểu điều này có nghĩa là gì, vì buổi lễ khá lạ lẫm với tôi và bằng một ngôn ngữ xa lạ. Tôi bắt đầu tham dự các buổi lễ Chính thống giáo thường xuyên hơn, dần dần học ngôn ngữ và phong tục của nó... Qua việc tiếp xúc với Chính thống giáo và các tín hữu Chính thống giáo, một ý niệm mới bắt đầu nhen nhóm trong nhận thức của tôi: rằng Chân Lý không chỉ là một khái niệm trừu tượng, được tìm kiếm và biết bởi tâm trí, mà là một điều gì đó giống người (personal)—thậm chí là một Người (Person)—được tìm kiếm và yêu mến bởi trái tim. Và đó là cách tôi gặp Đấng Kitô.”

Thánh Gioan Maximovitch, người cha tâm linh của Cha Seraphim
Thánh Gioan Maximovitch, người cha tâm linh của Cha Seraphim.

Khi gia nhập Chính thống giáo, Đức Cha Seraphim tiếp tục khinh miệt thế giới hiện đại và không hy vọng bất cứ điều gì từ nó; ông chỉ muốn thoát khỏi nó. Ông vẫn cảm thấy sự xa lạ, nếu không muốn nói là nhiều hơn, với đạo Kitô mà ông đã được nuôi dạy, bởi vì đạo Kitô đó đã là nhà với thế gian này, còn đạo của ông thì lại hoàn toàn hướng về một thế giới khác. Ông cuối cùng đã tìm ra được ý nghĩa tồn tại của con người, và đó là: con người được sinh ra cho một thế giới khác.

Đối với Cha Seraphim, đạo Kitô là một Đức Tin khổ hạnh. Ông muốn một Kitô giáo nhấn mạnh không phải vào sự an ủi và niềm tin của trần gian, mà thay vào đó là sự cứu rỗi trên thiên đàng thông qua việc chịu đựng gian khổ trên thế gian này. Không một đạo nào khác có thể thuyết phục được một người đã từng trải qua nhiều khổ nạn. Chỉ có một Đức Chúa, Đấng cho phép con cái Ngài được tôi luyện trong gian khổ nhằm xứng đáng với thiên đàng, và chính Đấng đã tự Mình nêu gương bằng cách sống một cuộc đời đau khổ—chỉ một Đức Chúa như vậy mới có thể thu hút được cả một thế gian hoạn nạn về với Ngài và xứng đáng được tôn thờ bởi những năng lực tâm linh cao nhất của con người.

Trong nhật ký của mình, Cha Seraphim viết: “Chúng ta, những người muốn trở thành Kitô hữu, đừng mong đợi một điều gì khác ngoài việc bị đóng đinh. Bởi vì trở thành một Kitô hữu tức là sẽ bị đóng đinh, cả trong thời đại này và bất cứ thời đại nào khác kể từ khi Đấng Kitô lần đầu tiên giáng thế. Cuộc sống của Ngài là tấm gương–và là lời cảnh báo–cho tất cả chúng ta. Chúng ta phải tự mình chịu bị đóng đinh, theo một cách bí ẩn; vì qua sự đóng đinh là con đường duy nhất để đến với sự phục sinh. Nếu chúng ta muốn sống lại với Đấng Kitô, chúng ta phải trước hết hạ mình cùng với Ngài—thậm chí đến sự nhục nhã tột cùng, bị nuốt chửng và nhổ ra bởi thế gian vô minh.

“Và chúng ta phải bị đóng đinh ở bên ngoài, dưới con mắt của thế gian; vì Vương Quốc của Đấng Kitô không thuộc về thế gian này, và thế gian này không thể chịu đựng được nó, ngay cả một đại diện duy nhất của Vương Quốc đó, thậm chí chỉ trong một khoảnh khắc duy nhất. Thế gian chỉ có thể chấp nhận Kẻ Phản Kitô, dù là bây giờ hoặc bất kỳ lúc nào.

“Không có gì ngạc nhiên khi trở thành một Kitô hữu lại khó khăn đến như vậy—không chỉ khó mà còn là bất khả thi. Không ai có thể chấp nhận một lối sống khi họ biết rằng càng theo đuổi lối sống đó một cách chân thật, thì càng chắc chắn về sự huỷ diệt của bản thân mình. Và đó là lý do tại sao chúng ta liên tục nổi loạn, cố gắng làm cho cuộc sống dễ dàng hơn, cố gắng trở thành Kitô hữu nửa vời, cố gắng tận hưởng cả hai thế giới. Chúng ta phải chọn—hạnh phúc của chúng ta nằm ở thế giới này hoặc thế giới bên kia, không thể ở cả hai.

“Chúa ban cho chúng ta sức mạnh để theo đuổi con đường của sự đóng đinh; không có con đường nào khác để trở thành Kitô hữu.”

Trước khi tìm thấy chân lý, Cha Seraphim đau khổ vì không có nó. Nhưng khi đã tìm thấy chân lý, ông chịu khổ vì nó. Ông dành phần còn lại của cuộc đời mình để sống theo chân lý đó, và hy sinh bản thân để truyền đạt nó cho người khác. Cùng với một chàng trai trẻ người Nga tên là Gleb Podmosphnesky, ông thành lập một Hội Anh Em thực hành triết lý “tự thân vận động”. Họ mở một cửa hàng sách ở San Francisco và bắt đầu in ấn thủ công một tạp chí nhỏ mang tên “Lời Chính thống giáo” (The Orthodox Word) bằng một máy in chữ nhỏ, dịch các văn bản Kitô giáo cổ và mang Văn học Chính thống giáo đến với nước Mỹ. Sau đó, để tránh xa sự trống rỗng chốn thành thị, họ chuyển hoạt động in ấn của mình đến vùng hoang dã ở Bắc California, nơi họ bắt đầu sống như những ẩn sĩ sa mạc ngày xưa. Không có nước chảy trên ngọn núi rừng của họ, không có điện thoại, không có đường dây điện. Họ tự xây dựng nhà của họ từ ván gỗ cũ lấy từ những người tiên phong và tự vác nước trên lưng mang lên núi. Họ sống cùng với nai, thỏ, gấu, cáo, sóc, dơi, sư tử núi, bọ cạp và rắn đuôi chuông.

Căn lều gỗ của Cha Seraphim Rose
Căn lều gỗ của Cha Seraphim Rose. Xem thêm ảnh về tu viện của ông tại đây.

Năm 1970, họ trở thành tu sĩ, và rồi từ bỏ thế giới mãi mãi. Trong rừng hoang dã, linh hồn của Cha Seraphim đã bắt đầu bay cao. “Đô thị,” ông từng nói, “là nơi dành cho những người trống rỗng, và nó đẩy xa những người đã được lấp đầy và cho phép họ vươn xa.”

Làm việc dưới ánh nến trong căn lều nhỏ của mình, Cha Seraphim là tác giả của một số lượng lớn các bài viết gốc và bản dịch các văn bản từ các ẩn sĩ khổ hạnh thời xưa. Ở Mỹ, các bài viết của ông chỉ đến được với một số ít hội nhóm, nhưng ở các quốc gia đã từng nằm sau Bức Màn Sắt, chúng đã có một tác động không thể đo lường được lên cuộc sống con người. Trong thời kỳ cộng sản, các bài viết của Cha Seraphim được dịch bí mật sang tiếng Nga và phân phối trong ấn phẩm ngầm (samizdat) dưới dạng các bản thảo đánh máy. Đến khi chế độ cộng sản sụp đổ năm 1991, Cha Seraphim đã được biết đến trên toàn nước Nga. Ngày nay, sách của ông được bày bán khắp nơi ở Nga, bao gồm cả các kệ sách trong tàu Metro (tàu điện ngầm) và trên đường phố. Lý do ông tạo được dấu ấn lớn hơn ở Nga so với quê hương mình là vì ở Nga, người dân đã biết cách chịu đựng đau khổ. Thông điệp của Cha Seraphim về Kitô giáo ngầm, viết về việc chịu đựng khổ nạn và bức hại trên thế gian vì chân lý, đã làm rung động tâm hồn những người đã bị đóng đinh. Ở Mỹ, người ta thích nghe những thông điệp “dễ chịu” của các nhà thuyết giáo như Mục sư Robert Schuler (người này, nhân tiện nói luôn, phát sóng chương trình của mình ở Nga, nơi mà người dân khó có thể tin được nó ngớ ngẩn đến mức nào).

Tôi gặp Cha Seraphim một năm rưỡi trước khi ông qua đời vào năm 1982. Giống như ông, tôi đã tìm kiếm thực tại qua các tôn giáo phương Đông, v.v., cố gắng thoát khỏi thực tại giả bằng cách phá vỡ các quá trình suy nghĩ logic theo kiểu Zen. Cuối cùng, bị rơi vào tuyệt vọng, tôi nghe đi nghe lại hai album solo của Sid Barrett về sự “rút lui tâm thần phân liệt” và “trở về tuổi thơ” cho đến khi tôi thuộc lòng đống “xà lách chữ” của ông.

Một ngày nọ, Cha Seraphim đến khuôn viên trường nơi tôi đang học. Ông lái một chiếc xe tải cũ nát và xuất hiện trong chiếc áo tu đen sờn rách của mình, mái tóc dài và bộ râu xám dài cực kỳ đã trở nên rối bết. Trước mặt tôi là hình ảnh của sự nghèo khổ tuyệt đối. Điều tiếp theo tôi nhớ là tôi đang đi cùng Cha Seraphim qua khuôn viên trường đại học. Bữa tối vừa kết thúc và sinh viên đang tụ tập và lảng vảng quanh căng tin ngoài trời. Mọi người đều nhìn chằm chằm vào Cha Seraphim, nhưng ông đi qua họ một cách tự nhiên như thể đang ở nhà mình. Trong một ngôi trường đại học tiên tiến của Mỹ, ông trông giống như một người vừa bước ra khỏi sa mạc Ai Cập vào thế kỷ 4.

Đức Cha Seraphim Rose
Linh mục tu sĩ Seraphim Rose

Cha Seraphim bước vào phòng giảng và bắt đầu bài nói chuyện với tựa đề “Dấu hiệu cận kề của ngày tận thế.”1 Ông tình cờ bị ốm vào cùng thời điểm đó và sụt sịt suốt buổi. Mặc dù rõ ràng là kiệt sức, ông vẫn giữ được sự minh mẫn, vui vẻ và sẵn sàng trả lời các câu hỏi một cách chi tiết. Tôi có thể nhận thấy rằng học thức của ông cũng ít nhất ngang ngửa với bất kỳ các giáo sư nào của tôi, và thậm chí ông còn uyên bác hơn hẳn họ, nhưng đồng thời cũng rõ ràng là ông là một người của miền hoang dã, quen với rừng núi hơn là với giảng đường.

Điều làm tôi ấn tượng sâu sắc nhất về Cha Seraphim là hình ảnh một con người hoàn toàn hy sinh bản thân vì Chúa, vì chân lý. Ông không phải là một Giáo Sư đại học nhận lương cao để truyền bá kiến thức, cũng không phải là một nhà lãnh đạo tôn giáo khao khát quyền lực, sức ảnh hưởng, hay thậm chí là một bát hoa quả được đặt dưới chân, giống như các "bậc thầy tâm linh" với môn đồ trong khu vực đó. Ông không “theo tôn giáo” vì những gì ông có thể nhận được từ nó; ông không tìm kiếm một điểm tựa để “tận hưởng cuộc sống tâm linh.” Ông chỉ là một tu sĩ bình dị và đặt cuộc tìm kiếm Chân Lý lên trên mọi sự. Và tôi biết chắc chắn rằng ông sẽ sẵn sàng chết vì Chân Lý đó, vì tôi có thể thấy ông đã và đang chết vì nó rồi.

-Tu sĩ Damascene

Footnotes

  1. Bài giảng có tiêu đề: “Signs of the Coming of the End of the World” (1981) Bài giảng này đã được ghi âm và có bản chép lời đầy đủ. Bạn đọc có thể truy cập bản ghi âm tại đây và bản chép lời tại đây.