Muối Của Đất
Muối Của Đất

Thánh Gioan (Maximovitch)
- Người làm phép màu

Đức Cha Seraphim Rose

29.04.2024 53 phút đọc
Cuộc Đời Thánh Nhân
Thánh Gioan Maximovitch
Biểu tượng thánh Gioan Maximovitch

Thánh Gioan Maximovitch (tiếng Anh: Saint John Maximovitch; 1896–1966), Đức Tổng giám mục của Thượng Hải và San Francisco, là một giám mục thuộc Giáo hội Chính thống giáo Nga Bên ngoài nước Nga (Russian Orthodox Church Outside Russia–ROCOR). Ông là một nhà khổ hạnh và là một người cha tâm linh xuất chúng của Chính thống giáo, và là một trong những vị thánh được kính trọng và yêu mến nhất của thế kỷ 20. Ông còn được gọi là Thánh Gioan–Người làm phép màu (St. John the Wonderworker), được biết đến với khả năng tiên tri, thấu thị, chữa lành bệnh; vô vàn những phép màu đã xảy ra nhờ lời cầu nguyện của ông, kể cả khi ông còn sống và sau khi đã an nghỉ.

Với niềm hân hoan to lớn của các tín đồ Chính thống giáo trên toàn thế giới, vào ngày 28 tháng 9 năm 1993 (lịch Julius), khi hầm mộ của ông được mở ra, thân xác ông đã được tìm thấy trong tình trạng nguyên vẹn và không bị phân huỷ, cho dù lễ phục của ông đã bị hư nát từ rất lâu trước đó (Đọc thêm tại đâyđây).

Năm 1994, ông chính thức được trang trọng tuyên thánh vào lễ kỷ niệm 28 năm ngày ông mất. Ngày lễ của ông được tổ chức hàng năm vào thứ Bảy gần nhất của ngày 2 tháng 7.

Bài viết dưới đây được dịch lại từ bản sơ lược tiểu sử (Vita Prima) về Thánh Gioan (Maximovitch) được viết ngay sau khi ông mất năm 1966 bởi Eugene Rose (người được hướng dẫn trực tiếp bởi Thánh Gioan, và sau này trở thành Linh mục tu sĩ Seraphim Rose).

Văn bản gốc, đính kèm với những bài viết của những người đã quen biết và phụng sự chung với Thánh Gioan cũng như một trăm câu chuyện lớn nhỏ chứng nhận về sự giúp đỡ màu nhiệm của ông, được tìm thấy trong sách: Blessed John the Wonderworker (Google Books).

Thánh Gioan Maximovitch, hãy cầu nguyện với Chúa cho chúng con!


I. Lời Mở Đầu

Chỉ mới sáu tháng trước đây (1966), một vị thuộc hàng giáo phẩm của Giáo hội Chúa Kitô đã qua đời, người mà cuộc đời toả sáng một cách phi thường những đức tính Kitô giáo và ân sủng của Chúa Thánh Thần, biến ông thành một trụ cột của Chính thống giáo đích thực và một biểu tượng của đời sống Kitô giáo mang tính toàn cầu. Đức Tổng giám mục Gioan hội tụ cả ba đức tính cao quý nhất của Kitô giáo mà hiếm khi được thấy ở cùng một người: một vị Hoàng tử dũng cảm và đáng kính trọng của Giáo hội; một tu sĩ khổ hạnh tuân theo truyền thống của các thánh trụ cột (pillar saints), tự áp lên mình những khắc khổ nghiêm ngặt nhất; và một đấng khờ vì Chúa Kitô, giảng dạy cho mọi người bằng một 'sự khờ dại' vượt xa hơn hẳn trí khôn của thế gian này.

Bài tường thuật sau đây không thể được coi là một tiểu sử hoàn chỉnh về Đức Tổng giám mục Gioan; đây chỉ là một tuyển tập được chọn lọc từ những tài liệu sẵn có, được trình bày dưới dạng phác thảo sơ lược về cuộc đời của vị thánh nhân này. Bản tường thuật được biên soạn bởi Hội Anh em Thánh Herman (St. Herman Brotherhood), được thành lập với sự chúc phúc của Đức Tổng giám mục Gioan (người mong muốn thấy Đức cha Herman được tuyên thánh sau Đức cha Gioan thành Kronstadt) với sứ mệnh truyền giáo qua ấn phẩm. Và giờ đây, để hoàn thành sứ mệnh này, bổn phận của chúng ta là nói lên sự thật về con người này, người đã trở thành hiện thân của cuộc sống của Chúa Kitô trong thời đại đen tối hiện nay, khi mà Kitô giáo đích thực gần như đã biến mất.

Bài tường thuật này chủ yếu dựa trên sự quen biết cá nhân và lời khai của các nhân chứng quen biết với các nhà biên soạn. Xuyên suốt văn bản, Đức Tổng giám mục Gioan được gọi bằng thuật ngữ người Nga dùng để nói về và gọi các giám mục: Vladika (Phiên âm tiếng việt là Vla-đi-ca). Trong tiếng Anh, từ này được dịch là ‘Master’ (Chủ), nhưng trong tiếng Nga, khi được sử dụng riêng lẻ, lại hàm ý một sự thân quen và trìu mến mà không được thể hiện trong từ đồng nghĩa của tiếng Anh.

Đối với những người quen biết ông, Đức Tổng giám mục Gioan sẽ mãi mãi đơn giản là Vladika.

Thánh Gioan Maximovitch thăm một nhà thờ ở Monterey, California, 1959.
Thánh Gioan thăm một nhà thờ ở Monterey, California, 1959.

II. Tuổi Trẻ

Đức Tổng giám mục Gioan sinh ngày 4 tháng 6 năm 1896 tại làng Adamovka trong tỉnh Kharkov ở miền nam Nga. Ông là thành viên của gia đình quý tộc Little Russian họ Maximovitch, dòng họ mà Thánh Gioan của Tobolsk cũng thuộc về. Cha ông, Boris, là một nguyên soái quý tộc ở một vùng của tỉnh Kharkov; và chú của ông là hiệu trưởng của Đại học Kiev. Tại lễ rửa tội, ông nhận tên là Michael, với thiên thần hộ mệnh là Tổng lãnh Thiên thần Michael. Ông là một đứa trẻ ốm yếu và ăn rất ít.

Ông theo học trung học tại Trường Quân sự Poltava, từ năm 1907 đến năm 1914. Ông yêu quý ngôi trường này và nhớ về nó một cách trìu mến trong những năm sau này. Sau khi hoàn thành trường quân sự, ông nhập học khoa luật tại Đại học Hoàng gia Kharkov, nơi ông tốt nghiệp năm 1918, trước khi trường bị Xô viết chiếm đóng. Sau đó, ông được phân công về Tòa án Quận Kharkov, nơi ông phục vụ trong thời Hetman Skoropadsky cai trị Ukraine và trong thời Quân đội Tình nguyện có mặt ở đó.

Kharkov, nơi Vladika trải qua những năm tháng hình thành, là một thị trấn đích thực của Nga Thánh (Holy Russia), và chàng trai Michael, với tâm hồn nhạy cảm với những mặc khải của sự thánh khiết, đã hình thành nên khuôn mẫu cho cuộc sống tương lai của mình tại nơi đây. Nơi đây có hai biểu tượng (icon) kỳ diệu của Đức Mẹ, Oseryanskaya và Eletskaya, được rước kiệu theo nghi lễ tôn giáo hai lần một năm từ các tu viện nơi các biểu tượng được chưng cất đến Nhà thờ chính toà Dormition. Tại Tu viện Protection, trong một hang động được trang trí bích họa bên dưới khu vực bàn thờ, an nghỉ hài cốt của Đức Tổng giám mục Melety Leontovitch thánh khiết, người sau khi qua đời vào năm 1841 đã giúp đỡ một cách màu nhiệm cho những ai cữ hành lễ panikhida (lễ cầu nguyện cho người đã khuất) bên quan tài của ông. Ngay cả khi còn sống, Đức Tổng giám mục này đã được tôn kính vì sự khắc khổ nghiêm ngặt của mình, đặc biệt là kỳ tích khắc khổ trong việc kiêng ngủ. Ông được biết đến là đã dành cả đêm đứng bất động, giơ tay lên cao, chìm đắm trong cầu nguyện. Ông biết trước cả ngày và giờ của cái chết của mình, và chàng trai Maximovitch được biết đến là người tôn kính đức thánh khiết trong hàng giáo phẩm này.

Biểu Tượng Ozeryanskaya
Biểu Tượng Elets Chernigov
(a) Bản gốc của biểu tượng Ozeryanskaya (trái) đã bị thất lạc vào những năm đầu của chính quyền Xô viết, tham khảo thêm tại đây. (b) Biểu tượng Eletskaya dường như là tên gọi khác của Elets-Chernigov hay Elets (phải), một biểu tượng nhiệm màu cũng ở Kharkov và được đặt tại Nhà thờ chính toà Dormition, tham khảo tại đây.

Ngày nay, Đức Tổng giám mục Gioan có thể được nhìn nhận là giống với vị thánh nhân của Kharkov ở ít nhất ba điểm: ông không được biết là đã ngủ trên giường trong bốn mươi năm; ông biết trước về cái chết của mình; và ông hiện đang an nghỉ bên dưới một nhà thờ chính toà trong một nhà nguyện đặc biệt, nơi những bài kinh panikhidas (lễ cầu nguyện cho người đã khuất) được cử hành gần như hàng ngày và các Thánh vịnh được đọc bên quan tài của ông bởi những người cầu xin sự giúp đỡ từ ông. Đây có thể nói là một trường hợp độc đáo về việc "cấy ghép" một phần của Nga Thánh vào bên trong của nước Mỹ đương đại.

Trong thời gian theo học tại đại học Kharkov, Vladika dành nhiều thời gian đọc về cuộc sống của các vị thánh hơn là tham gia các lớp học; tuy nhiên, ông vẫn là một sinh viên xuất sắc. Lòng mộ đạo của ông đối với các thánh nhân đã thể hiện rõ ràng ngay từ độ tuổi đó, vì Đức Tổng giám mục Anthony của Kharkov, một trong những nhân vật lớn của Giáo hội thời bấy giờ (sau này là Tổng Giám mục đô thành, ứng viên đầu tiên cho chức Thượng phụ giáo phận Moscow, và là Tổng giám mục cao nhất của Giáo hội Nga ở Nước ngoài) đã đặc biệt dành nhiều sự quan tâm đến với ông, sau đó giữ chàng thanh niên bên cạnh mình và dẫn lỗi cho sự hình thành tâm linh của anh.

Năm 1921, trong thời Nội chiến Nga, Vladika cùng với cha mẹ, anh em trai và chị em của mình đã được sơ tán đến Belgrade, nơi ông và các anh của mình nhập học tại Đại học Belgrade. Một người anh tốt nghiệp khoa kỹ thuật và trở thành kỹ sư, người kia tốt nghiệp luật và phục vụ trong cảnh sát Yugoslav. Bản thân Vladika tốt nghiệp ngành thần học vào năm 1925. Trong khi là sinh viên, ông tự trang trải cuộc sống bằng cách bán báo.

Năm 1924, Vladika được thụ phong làm người đọc kinh trong nhà thờ Nga tại Belgrade bởi Đức Tổng giám mục đô thành Anthony, người tiếp tục có ảnh hưởng lớn đối với ông; và Vladika cũng bày tỏ lòng tôn kính và tận tụy hết mực với người bề trên của mình. Năm 1926, Đức Tổng giám mục Anthony đã làm lễ nhận ông làm tu sĩ và thụ phong ông làm phó tế tu sĩ (hierodeacon, người tu sĩ được thụ phong phó tế, hoặc ngược lại) tại Tu viện Milkov, đặt cho ông tên là Gioan, theo tên vị thánh xa xưa cũng là họ hàng xa của Vladika, thánh Gioan Maximovitch của Tobolsk. Vào ngày 21 tháng 11 cùng năm, Vladika được thụ phong làm linh mục tu sĩ (hieromonk, vừa là linh mục vừa là tu sĩ) bởi Giám mục Gabriel của Chelyabinsk. Từ năm 1925 đến 1927, Vladika là giảng viên dạy giáo lý tại Trường Trung học Công lập Serbia, và từ năm 1929 đến 1934, ông là giáo viên và gia sư tại Trường dòng Serbia của Thánh Gioan Nhà Thần Học ở Bitol. Ở đó, ông cử hành Phụng vụ bằng tiếng Hy Lạp cho cộng đồng địa phương người Hy Lạp và Macedonia, những người rất kính trọng ông.

Linh mục tu sĩ John với các học viên đang bị bệnh và vô gia cư tại nhà thương của Trường dòng ở Bitol.
Linh mục tu sĩ Gioan với các học viên đang bị bệnh và vô gia cư tại nhà thương của Trường dòng ở Bitol (nguồn)

Thành phố Bitol thuộc giáo phận Okhrida, và vào thời điểm đó, giám mục cai quản giáo phận này là Nicholas Velimirovitch, được coi là Đức Chrysostom (Kim Khẩu) của Serbia, một nhà thơ giảng đạo, nhà văn, nhà tổ chức và nhà truyền cảm hứng nổi tiếng cho phong trào tôn giáo. Ông, cũng như Đức Tổng giám mục đô thành Anthony, đánh giá cao và yêu mến Đức Linh mục tu sĩ Gioan trẻ tuổi, và bản thân ông cũng có ảnh hưởng tích cực đến với anh. Nhiều lần người ta đã nghe ông nói:

Nếu các anh muốn thấy một vị thánh sống, hãy đến Bitol gặp Đức cha Gioan.

Vì thực sự điều này đã bắt đầu trở nên rõ ràng, rằng đây là một con người hoàn toàn phi thường. Chính các học sinh của ông là những người đầu tiên phát hiện ra việc mà có lẽ là kỳ tích khắc khổ lớn nhất của Vladika. Ban đầu, họ nhận thấy ông thức rất lâu sau khi mọi người đã đi ngủ; ông sẽ đi qua các phòng ký túc xá vào ban đêm và nhặt chăn mền bị rơi xuống, và đắp lại cho những người đang ngủ say, đồng thời làm dấu Thánh giá lên trên họ. Cuối cùng, người ta phát hiện ra rằng Vladika rất hiếm khi ngủ, và không bao giờ nằm trên giường, chỉ cho phép bản thân mình nghỉ ngơi một hoặc hai giờ mỗi đêm trong tư thế ngồi khó chịu, hoặc gập người xuống sàn, cầu nguyện trước các biểu tượng. Nhiều năm sau, chính ông đã thừa nhận rằng kể từ khi thực hiện lời thề tu sĩ, ông chưa bao giờ nằm ngủ trên giường. Thực hành sự khắc khổ như vậy là một điều rất hiếm; tuy nhiên, nó không phải là điều không được biết đến trong truyền thống Chính thống giáo. Người thành lập lối sống đan tu cộng đoàn (coenobitic monasticism) vào thế kỷ thứ tư, Thánh Đại Pachomius (Phakhômiô), khi nhận Quy tắc của đời sống tu viện cộng đồng từ một thiên thần, đã nghe những điều sau đây về việc ngủ: ‘Và họ (các tu sĩ) sẽ không nằm xuống để ngủ, nhưng ngươi sẽ làm cho họ những chỗ ngồi để khi họ ngồi xuống, họ có thể tựa đầu’ (Quy tắc bốn).

Tổng giám mục Averky của Tu viện Holy Trinity Jordanville, khi đó còn là một linh mục tu sĩ trẻ tuổi ở Carpatho-Rusyns, đã chứng kiến ấn tượng sâu sắc mà Đức Linh mục tu sĩ Gioan tạo ra cho các học viên trường dòng. Mỗi khi về nhà nghỉ hè, họ lại kể về người giáo viên phi thường của mình, người cầu nguyện liên tục, cử hành Phụng vụ hoặc ít nhất là nhận Thân và Huyết Thánh Chúa mỗi ngày, ăn chay nghiêm ngặt, không bao giờ ngủ nằm và với một tình phụ tử chân thành đã truyền cảm hứng cho họ những lý tưởng cao đẹp của Kitô giáo và Nga Thánh.

Thánh John (người thứ hai ngồi từ phía bên trái) lúc này vẫn còn là một linh mục tu sĩ giản dị, giảng dạy ở Trường dòng Bitol; ông được thụ phong lên chức giám mục ở Belgrade.
Thánh Gioan (người thứ hai ngồi từ phía bên trái) lúc này vẫn còn là một linh mục tu sĩ giản dị, giảng dạy ở Trường dòng Bitol; ông được thụ phong lên chức giám mục ở Belgrade (nguồn).

Năm 1934, người ta quyết định thụ phong Đức Linh mục tu sĩ Gioan lên chức giám mục. Tuy nhiên, bản thân Vladika thì lại hoàn toàn không muốn nghĩ đến điều đó. Một người phụ nữ quen biết ông kể lại rằng bà đã gặp ông vào lúc đó khi đang ở trên một chuyến xe điện ở Belgrade. Ông nói với bà ấy rằng ông có mặt ở thị trấn là do một sự nhầm lẫn, vì ông đã được gọi đến thay cho một Đức Linh mục tu sĩ Gioan khác, người sẽ được thụ phong thành giám mục! Khi gặp lại bà ấy vào ngày hôm sau, Vladika thông báo rằng tình hình còn tệ hơn ông nghĩ: chính ông sẽ là người họ muốn đưa lên làm giám mục! Khi ông phản đối rằng điều này là không thể vì ông bị nói ngọng và không thể phát âm rõ ràng, họ chỉ trả lời rằng ngay cả nhà tiên tri Moses cũng gặp phải khó khăn tương tự.

Lễ thụ phong diễn ra vào ngày 28 tháng 5 năm 1934, Vladika là vị giám mục cuối cùng trong số rất nhiều người được thụ phong bởi Tổng giám mục đô thành Anthony, và sự quý trọng đặc biệt mà đức giám mục đáng kính đó dành cho đức giám mục mới được thể hiện trong một bức thư mà ông đã gửi cho Tổng giám mục Dimitry ở Viễn Đông. Khi từ chối lời mời về hưu trí ở Trung Quốc, ông viết:

Nhưng thay cho bản thân tôi, cũng như linh hồn tôi, cũng như trái tim tôi, tôi sẽ gửi đến với ông Vladika Đức Giám mục Gioan. Người đàn ông nhỏ bé gầy yếu này, trông gần như một đứa trẻ, nhưng thực sự lại là một phép màu của sự kiên định và nghiêm ngặt tuân theo lối sống khổ hạnh trong thời đại suy yếu tâm linh trầm trọng của chúng ta.

Vladika đã được chỉ định cho giáo phận Thượng Hải.

Đức Giám mục John Maximovitch
Đức Giám mục Gioan (Maximovitch)

III. Thượng Hải

Vladika đến Thượng Hải vào cuối tháng Mười một, ngay ngày lễ Vào Cửa của Đức Mẹ tại Đền Thánh (the Entry of the Most Holy Mother of God into the Temple), và nhận thấy một nhà thờ chính toà chưa được hoàn thiện và một cuộc xung đột về quyền tài phán cần được giải quyết. Việc đầu tiên ông làm là khôi phục sự đoàn kết của Giáo hội. Ông thiết lập liên lạc với người Serbian, người Hy Lạp, người Ukraine. Ông dành sự chú trọng đặc biệt cho nền giáo dục tôn giáo và tự đặt ra quy tắc để luôn có mặt trong các kỳ thi vấn đáp của các lớp giáo lý tại tất cả các trường học Chính thống giáo ở Thượng Hải. Ông sớm trở thành người bảo trợ cho các hội từ thiện và nhân đạo và tham gia tích cực vào công việc của họ, nhất là sau khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn mà đa số các giáo dân của mình, những người tị nạn từ Liên Xô, đang phải đối mặt. Ông không bao giờ đến thăm người giàu để uống trà, nhưng hễ ở đâu có ai cần đến ông thì bất kể thời gian hay thời tiết, ông đều hiện diện. Ông thành lập một mái ấm cho trẻ mồ côi và con cái của những bậc cha mẹ nghèo khó, và đặt dưới sự che chở từ thiên đường của một vị Thánh mà ông hết mục tôn kính, Thánh Tikhon của Zadonsk, người rất mực yêu thương trẻ em. Vladika đã tự thân thu nhận các trẻ ốm đau và đói khát từ các con phố và góc tối khu ổ chuột ở Thượng Hải. Bắt đầu với tám đứa trẻ, cô nhi viện sau đó đã là nhà của khoảng một trăm trẻ cùng một lúc, và tổng cộng đã chăm sóc khoảng 3500 trẻ. Khi phía Cộng sản lên nắm quyền, Vladika đã sơ tán toàn bộ trại trẻ mồ côi, trước tiên đến một hòn đảo ở Philippines, và sau đó sang Mỹ.

Vladika Gioan và cô nhi viện thánh Tikhon.
Vladika Gioan và cô nhi viện thánh Tikhon, hoạt động trong khoảng thời gian 1934 đến 1948 (nguồn).

Với những giáo dân của mình, Vladika nhanh chóng được biết đến như là một nhà khổ hạnh vĩ đại. Cốt lõi trong sự khổ hạnh của ông là cầu nguyện và kiêng ăn. Ông chỉ ăn một lần một ngày vào lúc 11 giờ tối. Trong tuần đầu tiên và tuần cuối cùng của mùa Chay lớn (Great Lent), ông không ăn gì cả, và trong những ngày còn lại của mùa Chay và mùa Chay Giáng sinh, ông chỉ ăn bánh nghi lễ trên bàn thờ. Ông thường dành cả đêm để cầu nguyện, và khi đã kiệt sức, ông sẽ đặt đầu xuống sàn nhà và chợp mắt vài giờ vào lúc bình minh. Khi đến giờ cử hành kinh cầu nguyện buổi sáng (Matins), mọi người sẽ gõ cửa phòng ông, nhưng không hề có tiếng trả lời; khi mở cửa ra, họ liền thấy Vladika đang nằm cuộn tròn trên sàn nhà ở góc biểu tượng, gục đầu ngủ quên. Với một cái vỗ nhẹ lên vai, ông sẽ bật dậy và chỉ vài phút sau ông đã ở trong nhà thờ để cử hành lễ - nước lạnh chảy dài trên râu, nhưng gần như đã tỉnh táo.

Văn phòng của Vladika Gioan tại Thượng Hải.
Văn phòng của Vladika Gioan tại Thượng Hải (nguồn).

Vladika chủ sự trong nhà thờ chính toà mỗi buổi sáng và tối, ngay cả khi bệnh tật. Ông cử hành Phụng vụ hàng ngày, giống như những gì ông đã làm trong suốt quãng đời còn lại, và nếu vì một số lý do nào đó ông không thể cử hành lễ, ông vẫn sẽ nhận Thân và Huyết Thánh Chúa. Dù ở bất cứ đâu, ông cũng không bao giờ bỏ lỡ một buổi lễ nào. Một lần, theo lời của một nhân chứng:

Chân của Vladika bị sưng tấy một cách khủng khiếp, và hội đồng bác sĩ, lo ngại về vấn đề hoại tử, đã chỉ định phải nhập viện, điều mà Vladika kiên quyết từ chối. Sau đó các bác sĩ Nga thông báo cho Hội đồng Giáo xứ rằng họ sẽ không chịu bất cứ trách nhiệm về sức khỏe và thậm chí là tính mạng của bệnh nhân. Sau những lời van xin nài nỉ và đe dọa ép ông đi bằng vũ lực, các thành viên của Hội đồng Giáo xứ đã buộc Vladika phải đồng ý, và ông đã được đưa đến Bệnh viện Nga vào buổi sáng ngày hôm trước lễ Tôn vinh Thánh giá (the Exaltation of the Holy Cross). Tuy nhiên, khoảng trước sáu giờ, Vladika lê từng bước vào nhà thờ chính toà và cử hành lễ. Trong một ngày, mọi sưng tấy đã biến mất. (Tham khảo thêm.)

Sự chú tâm không ngừng nghỉ của Vladika trong việc tự hành xác bắt nguồn từ lòng kính sợ Chúa, một đức tính ông thừa hưởng từ truyền thống của Giáo hội thời sơ khai và của Nga Thánh. Sự việc sau đây, do O. Skopichenko kể lại và được nhiều người từ Thượng Hải xác nhận, minh họa rõ ràng đức tin kiên định, không gì lay chuyển được của ông vào Chúa Kitô.

Bà Menshikova bị chó dại cắn. Có thể bà ấy đã không tiêm phòng dại hoặc tiêm phòng một cách bất cẩn…. Và sau đó bà đã mắc phải căn bệnh kinh khủng này. Giám mục Gioan được tin và đến thăm người phụ nữ đang hấp hối. Ông ban Thân và Huyết Thánh Chúa cho bà, nhưng ngay sau đó bà bắt đầu có những cơn co giật; miệng sùi bọt mép và đồng thời phun ra Thân và Huyết Thánh Chúa mà bà vừa nhận. Nhiệm tích Thánh thể không thể bị vứt bỏ được. Và Vladika nhặt lên và cho ngay vào miệng mình lễ vật thánh mà người phụ nữ ốm đã nôn ra. Những người xung quanh thốt lên: ‘Vladika, ông đang làm gì vậy! Bệnh dại rất dễ lây nhiễm!’ Nhưng Vladika trả lời một cách bình tĩnh: ‘Sẽ không có chuyện gì xảy ra; đây là Thân và Huyết Thánh Chúa.’ Và quả thật vậy, không có chuyện gì xảy ra cả.

Vladika mặc quần áo làm từ vải Trung Quốc rẻ tiền nhất, và đi dép mềm hoặc xăng đan, hoàn toàn không đi tất, bất kể thời tiết. Ông thường đi chân trần, sau khi đã tặng đôi dép của mình cho một người nghèo nào đó. Ông thậm chí cử hành lễ với đôi chân trần, và vì điều này mà ông đã bị chỉ trích nặng nề.

Đến lúc này, người ta đã biết rằng Vladika không chỉ là một người công chính và là một nhà khổ hạnh, mà còn rất gần gũi với Chúa đến nỗi ông được ban cho khả năng nhãn thông và có nhiều người được chữa lành bệnh nhờ lời cầu nguyện của ông Một câu chuyện nổi bật do một nhân chứng, Lidia Liu, kể lại, chứng nhận cho tầm vóc tâm linh của Vladika.

Vladika đã đến Hồng Kông hai lần. Lạ thay, khi ấy tôi chưa gặp Vladika, tôi đã viết cho ông ấy một lá thư nhờ giúp đỡ cho một góa phụ có con, và tôi cũng hỏi về một vấn đề về chuyện tâm linh cá nhân, nhưng tôi chưa bao giờ nhận được thư hồi đáp. Một năm trôi qua. Vladika đến Hồng Kông và tôi có mặt trong đám đông đón ông tại nhà thờ. Vladika quay sang tôi và nói, 'Bà là người đã viết thư cho tôi!’ Tôi vô cùng kinh ngạc vì Vladika chưa bao giờ gặp tôi trước đó. Sau khi buổi lễ moleben [nghi lễ cầu nguyện cho người sống] được cử hành, Vladika đứng trước bục giảng kinh để thuyết giáo. Tôi đứng cạnh mẹ tôi, và cả hai chúng tôi đều thấy một vầng sáng phủ quanh Vladika đến xuống bục giảng - một vầng hào quang rộng khoảng một gang tay bao xung quanh ông. Điều này kéo dài khá lâu. Khi bài giảng kết thúc, tôi bị choáng váng bởi hiện tượng lạ thường đó, đã kể cho R.V.S. nghe những gì chúng tôi đã nhìn thấy, cô ấy nói: "Vâng, nhiều tín đồ cũng đã nhìn thấy điều đó." Chồng tôi, đang đứng cách xa một chút, cũng đã nhìn thấy vầng sáng này.

Vladika rất quan tâm đến người đau yếu và đến thăm họ mỗi ngày, để nghe lời thú tội và ban Thánh Thể. Nếu tình trạng của một bệnh nhân trở nên nguy kịch, Vladika sẽ đến bên họ vào bất kỳ giờ nào trong ngày hoặc đêm để cầu nguyện. Đây là một phép lạ không thể nghi ngờ trong vô vàn những phép lạ do lời cầu nguyện của Vladika; điều này đã được ghi lại và lưu trữ tại Bệnh viện Hạt ở Thượng Hải (nguồn N. Makovaya).

L. D. Sadkovskaya là một người rất đam mê môn đua ngựa. Một lần bà bị ngã khỏi lưng ngựa, đập đầu vào tảng đá và bất tỉnh. Bà được đưa đến bệnh viện trong tình trạng hôn mê. Hội đồng bác sĩ kết luận rằng tình trạng của bà là vô vọng và có khả năng cao sẽ không qua khỏi tới sáng. Nhịp tim gần như đã ngừng; hộp sọ bị bể nhiều chỗ khiến cho các mảnh vỡ nhỏ chèn lên não. Trong tình trạng như vậy, bà sẽ chết trên bàn mổ. Ngay cả khi trái tim của bà chịu đựng được ca phẫu thuật và ca mổ thành công, bà vẫn sẽ bị điếc, câm và mù. Em gái của bà, sau khi nghe tin dữ, đã vội vã chạy đến Giám mục Gioan trong tuyệt vọng và đã cầu xin ông cứu lấy chị gái mình. Vladika đồng ý: ông đến bệnh viện và yêu cầu mọi người rời khỏi phòng và cầu nguyện tại đó khoảng hai tiếng đồng hồ. Sau đó, ông gọi bác sĩ trưởng và yêu cầu ông ta kiểm tra lại bệnh nhân. Bác sĩ kinh ngạc khi phát hiện ra rằng nhịp tim của bà đã trở lại bình thường! Ông đồng ý tiến hành phẫu thuật ngay lập tức, nhưng với điều kiện là có Giám mục Gioan ở đó. Ca phẫu thuật thành công, và các bác sĩ càng kinh ngạc hơn khi bệnh nhân tỉnh lại và yêu cầu uống nước sau ca phẫu thuật. Bà có thể nhìn và nghe hoàn toàn bình thường. Hiện tại bà vẫn còn sống và có thể nói, nhìn và nghe. Tôi đã biết bà ấy khoảng ba mươi năm.

Vladika cũng đến thăm nhà tù và cử hành Phụng vụ cho các tù nhân trên một cái bàn nhỏ sơ sài. Tuy nhiên, nhiệm vụ khó khăn nhất đối với một linh mục là thăm những người bị bệnh tâm thần và những người bị quỷ ám - và Vladika phân biệt rõ ràng giữa hai nhóm trên. Bên ngoài Thượng Hải có một bệnh viện tâm thần, và chỉ có Vladika mới có đủ sức mạnh tâm linh để đến thăm những người ốm đau nặng nề này. Ông ban Thân và Huyết Thánh Chúa cho họ, và đáng ngạc nhiên là họ tiếp nhận với một cách yên bình và lắng nghe ông. Họ luôn mong chờ những lần viếng thăm của ông và đón tiếp ông với niềm hân hoan.

Vladika có lòng dũng cảm rất lớn. Trong thời gian Nhật Bản chiếm đóng, chính quyền Nhật Bản đã làm mọi cách có thể để áp đặt cộng đồng Nga theo ý muốn của họ. Áp lực đè trực tiếp lên những người đứng đầu Ủy ban Di cư Nga; hai chủ tịch của Ủy ban này đã nỗ lực duy trì sự độc lập, và cái kết là cả hai đều bị giết. Sự hoang mang và sợ hãi đã bao trùm lên cộng đồng Nga, và tại thời điểm đó, Vladika Gioan bất chấp những lời cảnh báo từ những người Nga đang hợp tác với người Nhật, đã tự tuyên bố mình là người lãnh đạo tạm thời của cộng đồng Nga.

Trong thời gian Nhật chiếm đóng, việc đi lại trên đường phố vào ban đêm là cực kỳ nguy hiểm, và hầu hết mọi người đều cố gắng về nhà trước khi trời tối. Tuy nhiên, Vladika không màng đến nguy hiểm, vẫn tiếp tục đi thăm người ốm yếu và nghèo khó bất kể giờ giấc trong đêm, và ông không bao giờ bị đụng chuyện.

Nhà thờ chính toà Đức Theotokos Thánh khiết - 1938
Nhà thờ chính toà Đức Theotokos Thánh khiết - 2009
Nhà thờ chính toà Đức Theotokos Thánh khiết - Người bảo lãnh của những kẻ tội lỗi, Thượng Hải. Nhà thờ được hoàn thành dưới sự giám sát của Đức Giám mục Gioan. Ảnh được chụp năm 1938 (trái), 2009 (phải). Tư liệu và hình ảnh về nhà thờ được tham khảo tại đâyđây.

Sau chiến tranh, chính quyền Xô Viết đã sử dụng mọi cách để thuyết phục và gây sức ép lên tất cả các giáo sĩ Nga ở khắp mọi nơi để phục tùng ‘Thượng phụ’ vừa được bầu chọn từ Giáo hội Liên Xô. Trong số sáu người thuộc hàng giáo phẩm ở Viễn Đông, năm người đã phục tùng; chỉ có Giám mục Gioan, chống lại mọi thuyết phục và đe dọa, vẫn trung thành với Giáo hội Nga Bên ngoài nước Nga (ROCOR). Vào năm 1946, ông được đưa lên hàng Tổng giám mục, đứng đầu tất cả các tín đồ Chính thống giáo Nga ở Trung Quốc.

Khi phía Cộng sản tiến vào, người Nga ở Trung Quốc lại một lần nữa buộc phải di cư, hầu hết họ phải ghé qua quần đảo Philippines. Vào năm 1949, khoảng 5.000 người tị nạn từ Trung Quốc đại lục đang sống trong một trại tị nạn của Tổ chức Di cư Quốc tế trên đảo Tubabao thuộc Philippines. Hòn đảo này nằm trên đường đi của các cơn bão mùa, và thường quét qua khu vực Thái Bình Dương. Trong suốt 27 tháng trại hoạt động, hòn đảo chỉ bị đe dọa đúng một lần bởi một cơn bão, nhưng nó lại đổi hướng và bỏ qua quần đảo.

Đức Giám mục Gioan Maximovitch
Vladyka Gioan tại trại tị nạn ở đảo Tubabao.

Khi một người Nga đề cập đến nỗi lo sợ bão tố với người Philippines, họ trả lời rằng không cần phải lo lắng, vì 'vị thánh của các anh ban phước cho trại tị nạn từ bốn hướng mỗi đêm.' Họ đề cập đến Vladika Gioan; bởi vì không có cơn bão nào đánh vào đảo khi ông đang ở đó. Sau khi trại gần như đã được sơ tán hoàn toàn và mọi người được tái định cư ở nơi khác (chủ yếu là ở Mỹ và Úc), và chỉ còn khoảng 200 người ở lại trên đảo, thì nơi đây lại bị một cơn bão khủng khiếp tấn công, san bằng hoàn toàn trại tị nạn.

Vladika đích thân đến Washington, D.C., để đưa người dân của mình đến Mỹ. Luật pháp được thay đổi và gần như toàn bộ trại tị nạn đã đến Thế giới Mới - một lần nữa nhờ vào công của Vladika.

IV. Châu Âu

Sau khi hoàn thành việc di cư đàn giáo dân của mình khỏi Trung Quốc vào năm 1951, Tổng giám mục Gioan được giao một nhiệm vụ mới cho hoạt động mục vụ của mình. Ông được Công nghị Giám mục của Tổng giáo phận Tây Âu cử đi, đầu tiên là ở Paris và sau đó là Brussels. Lúc này, ông trở thành một trong những người đứng đầu trong hàng giáo phẩm của Giáo hội Chính thống Nga, và thường xuyên được yêu cầu tham dự các phiên họp của Công nghị tại thành phố New York.

Ở Tây Âu, Vladika không chỉ quan tâm sâu sắc đến người Nga hải ngoại, những người mà ông đã tận tâm cống hiến không biết mệt mỏi bằng những việc tương tự như những gì ông đã được biết đến ở Thượng Hải, mà còn quan tâm đến cả cư dân địa phương. Ông tiếp nhận Giáo hội Chính thống Hà Lan và Pháp của địa phương dưới khu vực nằm trong quyền hạn của mình, để bảo vệ và khuyến khích sự phát triển Chính thống giáo bên họ. Ông cử hành Phụng vụ bằng tiếng Hà Lan và tiếng Pháp, như trước đây ông đã làm bằng tiếng Hy Lạp và tiếng Trung, và sau này là bằng tiếng Anh.

Đức Tổng Giám mục Gioan đọc Kinh thánh với vầng ánh sáng không được tạo ra (Uncreated Light) bao xung quanh, được chứng kiến bởi những người có mặt trong buổi Phụng vụ - Tunis 1952.
Đức Tổng Giám mục Gioan đọc Kinh thánh với vầng ánh sáng không được tạo ra (Uncreated Light) bao xung quanh, được chứng kiến bởi những người có mặt trong buổi Phụng vụ - Tunis 1952.

Sự quan tâm và lòng mộ đạo của Vladika đối với các Thánh của Giáo hội (kiến thức của ông về họ dường như đã là vô hạn) nay đã được mở rộng ra cho các Thánh của Tây Âu từ trước khi sự ly giáo của Giáo hội Latinh, nhiều người trong số họ chỉ được tôn kính tại địa phương và không được ghi nhận trong lịch các Thánh của Chính thống giáo. Ông đã sưu tập tiểu sử và hình ảnh của họ, và sau đó đệ trình một danh sách dài các vị thánh này lên Công nghị.

Ở Tây Âu cũng như ở Trung Quốc, mọi người đều bắt đầu làm quen với việc đón nhận những điều bất ngờ từ Vladika; vì ở đây, ông tiếp tục sống dựa trên luật của Chúa, không hề bận tâm đến sự bất tiện hay ngạc nhiên đôi khi hay xảy đến với những người bị ràng buộc bởi các chuẩn mực con người. Một lần, Vladika tình cờ có mặt ở Marseille, và ông quyết định cử hành lễ pankhida tại địa điểm mà Vua Alexander của Serbia bị ám sát một cách dã man. Không một giáo sĩ nào của ông, vì sự xấu hổ lệch lạc, muốn cử hành lễ cùng Vladika. Thật vậy, thật là một điều kỳ lạ - cử hành lễ ngay giữa phố! Thế là Vladika đi một mình. Người dân Marseille ngạc nhiên khi nhìn thấy một giáo sĩ ăn mặc khác thường, tóc và râu đều dài, tay cầm vali và chổi đi ngay giữa phố. Các nhiếp ảnh gia báo chí nhìn thấy và chụp ảnh ông. Cuối cùng, ông dừng lại, cầm chổi quét sạch một phần của vỉa hè, mở va li và bắt đầu lấy đồ đạc ra. Trên chỗ đã quét sạch, ông đặt một tấm thảm hình đại bàng nghi lễ, thắp lư hương, và bắt đầu cử hành pankhida.

Danh tiếng về sự thánh khiết của Vladika cũng lan truyền xa trong cả cộng đồng Chính thống giáo và những người không theo Chính thống giáo. Trong một nhà thờ Công giáo ở Paris, một linh mục đã cố gắng truyền cảm hứng cho các thanh niên trẻ của mình bằng những lời này:

Các bạn đòi hỏi bằng chứng, các bạn nói rằng thời đại giờ không còn phép lạ hay các thánh nào nữa: Tại sao tôi phải đưa ra những lý thuyết để chứng minh, khi ngay hôm nay, ngay trên đường phố Paris xuất hiện một vị Thánh - Thánh Jean Nus Pieds (Thánh Gioan Chân trần).

Nhiều người đã làm chứng cho những phép màu do lời cầu nguyện của Đức Tổng giám mục Gioan ở Tây Âu.

V. San Francisco

Tại San Francisco, nơi có giáo xứ chính toà lớn nhất trong Giáo hội Nga ngoài nước Nga, một người bạn lâu năm của Vladika, Tổng giám mục Tikhon, đã về hưu vì lý do sức khỏe yếu kém, và trong thời gian ông vắng mặt, công trình xây dựng một nhà thờ chính tòa lớn mới đã bị đình trệ do một cuộc tranh chấp gay gắt làm tê liệt cộng đồng Nga. Để đáp lại sự khẩn cầu cấp thiết của hàng ngàn người Nga tại San Francisco, những người mà đã biết ông từ lúc ở Thượng Hải, Công nghị đã chỉ gửi Tổng giám mục Gioan vào năm 1962 với tư cách là người duy nhất trong hàng giám phẩm có khả năng khôi phục hòa bình của cộng đồng đang bị chia rẽ. Ông đến với nhiệm vụ giám mục cuối cùng của mình vào đúng 28 năm sau ngày ông đến Thượng Hải lần đầu tiên, vào đúng lễ Vào Cửa của Đức Mẹ tại Đền Thánh, ngày 21 tháng 11 (ngày 4 tháng 12) năm 1962.

Các thánh giá lên Nhà thờ chính toà tại San Francisco
shanghai_cathedral
(trái) Ảnh được chụp trong buổi lắp đặt các thánh giá lên Nhà thờ chính toà tại San Francisco, được hoàn thành nhờ vào Vladyka Gioan (nguồn). (phải) Nhà thờ chính toà Đức Mẹ Đồng trinh Thánh khiết - 2018 (nguồn).

Dưới sự dẫn dắt của Vladika, hòa bình đã được khôi phục lại phần nào, tình trạng tê liệt của cộng đồng đã được chấm dứt, và nhà thờ chính tòa đã được hoàn thành. Tuy nhiên, ngay cả trong vai trò là người hòa giải, Vladika cũng bị tấn công, bị vùi dập bởi những lời cáo buộc và đồn thổi. Ông bị ép buộc phải xuất hiện trước tòa án cộng đồng - điều mà vi phạm trắng trợn các giáo luật của giáo hội - để trả lời những lời cáo buộc vô căn cứ về việc che giấu sự không trung thực về tài chính của Hội đồng Giáo xứ. Những người liên quan đều được minh oan hoàn toàn; nhưng những năm cuối đời của Vladika đã chìm ngập trong sự cay đắng bởi những lời vu khống và sự ngược đãi, nhưng ông không hề có một lời phàn nàn, không một lời phán xét, và luôn luôn đáp lại với sự bình thản không hề nao núng.

Vladika vẫn luôn trung thành cho đến cuối con đường phụng sự cho Giáo hội. Đối với những người đã biết ông trong những năm cuối đời, có lẽ hai khía cạnh trong tính cách ông là nổi bật nhất. Đầu tiên là sự nghiêm khắc của ông trong những gì liên quan đến Giáo hội và luật của Chúa. Ông nhấn mạnh về cách cư xử đúng đắn của những người phụng sự Giáo hội, không cho phép đùa cợt, hoặc thậm chí nói chuyện trong khu vực thờ (Orthodox altar). Là một người am hiểu về các lễ nghi Thần thánh, ông sẽ lập tức chỉnh sửa những sai lầm và thiếu sót trong trình tự của lễ nghi. Với giáo đoàn, ông cũng nghiêm khắc, không cho phép phụ nữ hôn lên thánh giá hoặc thánh tích khi đang dùng son môi, và yêu cầu phải nhịn ăn trước khi nhận antidoron [bánh được ban phước] được phân phát vào cuối buổi Phụng vụ. Ông lên tiếng phản đối việc xúc phạm sự linh thiêng của các buổi chiều tối trước ngày Chủ nhật và các ngày lễ bằng việc tổ chức các buổi dạ hội và các hoạt động vui chơi giải trí khác vào những buổi đó. Ông kiên định bảo vệ Lịch Giáo hội (Julian) chống lại những kẻ muốn đổi sang lịch mới. Ông nghiêm cấm các linh mục của mình tham gia vào các các buổi lễ ‘Toàn Chính thống giáo’ vì tính quy điển đáng ngờ của một số người tham gia; và các hoạt động của những người Chính thống giáo theo phong trào Đại kết (Ecumenism) đã khiến ông phải lắc đầu một cách không tin tưởng. Ông cực kỳ nghiêm khắc với giáo lý linh thiêng của Chính thống giáo; trong khi ông vẫn còn là một giám mục trẻ ở Thượng Hải, bài luận phê bình của ông về 'Sophiology' của Linh mục S.N. Bulgakov đã đóng vai trò quan trọng trong việc kết án dị giáo của Công nghị lên vị linh mục này vào năm 1936. Không một ai đã từng thấy mà có thể sớm quên được vẻ mặt đầy uy lực của Vladika khi hạ các cây nến nghi lễ tuyên bố Anathemas (tuyên bố bị cắt đứt khỏi Giáo hội) chống lại những kẻ dị giáo vào ngày Chủ nhật Chính Thống giáo (Sunday of Orthodoxy) - và đây là lúc ông là một với giáo hội trong việc loại trừ khỏi mình tất cả những người từ chối đức tin trọn vẹn và đầy sự cứu rỗi của Chính thống giáo. Những điều trên không phải xuất phát từ sự cứng nhắc thiển cận hay sự ‘cuồng tín’, mà xuất phát từ cùng một lòng kính sợ Chúa mà Vladika đã gìn giữ suốt đời mình, và điều đó ngăn cản con người phạm luật của Chúa với nguy cơ đánh mất sự cứu rỗi của chính mình.

Thánh Gioan cử hành Phụng vụ mỗi ngày và luôn nán lại rất lâu trong khu vực bàn thờ sau khi mọi người đã ra về.
Thánh Gioan cử hành Phụng vụ mỗi ngày và luôn nán lại rất lâu trong khu vực bàn thờ sau khi mọi người đã ra về (nguồn).

Một ví dụ gần đây về sự nghiêm khắc công chính của Vladika đã gợi lên sự so sánh với một sự kiện từ cuộc đời của Thánh Tikhon của Zadonsk yêu mến của Vladika, vị thánh này đã đi xe ngựa xông vào ngay giữa một lễ hội tà giáo được tổ chức trong mùa Chay của các Tông đồ và đã cất lên một bài giảng cáo buộc gay gắt những kẻ đã tham dự (xem The Orthodox Word, vol. 2, no. 3, trang 87, link). Vào đêm trước đó, ngày 19 tháng 10 (ngày 1 tháng 11) năm 1964, Giáo hội Chính thống Nga ngoài nước Nga đã cử hành lễ tuyên thánh trọng thể cho Đức Cha Gioan thành Kronstadt, người mà Vladika cực kỳ kính trọng, và đã tích cực đóng góp vào việc soạn thảo phụng vụ tôn vinh vị thánh này. Người Latinh thì tổ chức lễ Tất cả các Thánh vào ngay ngày này, và có một truyền thống cho rằng vào đêm trước đó, các linh hồn bóng tối tổ chức lễ hội nổi loạn của riêng chúng. Ở Mỹ, ngày 'Halloween' này đã trở thành dịp để trẻ em nghịch ngợm, hóa trang thành phù thủy, quỷ dữ, ma quỷ, như thể đang kêu gọi các thế lực đen tối - một sự nhạo báng đầy tính ma quỷ đối với Kitô giáo.

Một nhóm người Nga đã tổ chức một buổi dạ hội Halloween vào đêm đó (cũng là đêm trước Chủ nhật). Tại Nhà thờ chính tòa San Francisco vào thời điểm diễn ra buổi Canh thức Nguyên đêm đầu tiên được cử hành để tôn vinh Thánh Gioan của Krohnstadt, một số người đã vắng mặt, và khiến cho Vladika vô cùng buồn bã. Sau buổi lễ, Vladika đến nơi dạ hội đang diễn ra. Ông bước lên các bậc thang và bước vào hội trường, khiến cho tất cả những người tham dự hoàn toàn kinh ngạc. Nhạc dừng lại, và trong sự im lặng tuyệt đối, Vladika nhìn chằm chằm vào những người đang sững sờ. Với một cách chậm rãi và chủ ý, ông đi một vòng quanh toàn bộ hội trường, cây trượng cầm trên tay. Ông không nói một từ nào và cũng không cần thiết phải nói; chỉ cần nhìn thấy Vladika thôi đã làm nhói lương tâm của tất cả mọi người, điều này thể hiện rõ ràng qua không khí bối rối tột độ. Vladika lặng lẽ rời đi và ngày hôm sau tại nhà thờ, ông đã dõng dạc bày tỏ sự phẫn nộ thánh thần và lòng nhiệt thành rực cháy, kêu gọi mọi người hướng đến cuộc sống Kitô giáo chân chính.

Tuy nhiên, Vladika không được giáo dân của ông nhớ nhiều đến vì sự nghiêm khắc, mà chính là vì sự hiền lành, luôn hân hoan, thậm chí cả vì điều mà được biết là 'sự điên rồ vì Chúa Kitô'. Bức ảnh nổi tiếng nhất của ông đã ghi lại được phần nào của khía cạnh này trong tính cách Vladika. Điều đó đặc biệt thể hiện rõ trong cách ông cư xử với trẻ em. Sau các buổi lễ, ông thường mỉm cười và nói đùa với những cậu bé giúp cử hành lễ, nghịch ngợm gõ nhẹ đầu chúng bằng cây trượng của mình. Đôi khi, các giáo sĩ Nhà thờ chính tòa cũng bối rối khi thấy Vladika, ngay trong buổi lễ (dù không bao giờ ở khu vực bàn thờ), cúi xuống chơi đùa với một đứa trẻ nhỏ! Và vào các ngày lễ cần được chúc phước bằng nước thánh, ông sẽ rảy nước cho các tín đồ, không phải lên đỉnh đầu như thường lệ, mà là thẳng vào mặt (một lần khiến một bé gái thốt lên, ‘ông ấy đang phun nước’), với một tia sáng lấp lánh trong mắt ông và hoàn toàn không bận tâm đến sự khó chịu của một số người nghiêm khắc hơn. Trẻ em hoàn toàn yêu mến ông mặc dù sự nghiêm khắc thường thấy của ông đối với chúng.

Vladyka Gioan với cả trẻ mồ côi ở San Francisco.
Vladyka Gioan với các trẻ mồ côi ở San Francisco (nguồn). Tham khảo thêm tại (đây).

Vladika đôi khi bị chỉ trích vì làm đảo lộn trật tự thường lệ. Ông thường đến muộn vào các buổi lễ (không bao giờ là vì lý do cá nhân, mà là do đi thăm người ốm hoặc hấp hối), và ông sẽ không cho phép buổi lễ bắt đầu mà không có mặt mình; và khi ông cử hành, các buổi lẽ sẽ diễn ra khá dài, vì ông chỉ tuân theo một số ít các rút gọn tiêu chuẩn. Ông hay xuất hiện ở nhiều nơi mà không thông báo trước và vào những thời điểm bất ngờ; ông thường xuyên đến thăm bệnh viện vào đêm khuya - và luôn được chấp nhận cho vào. Đôi khi các phán quyết của ông dường như mâu thuẫn với lẽ thường, và hành động của ông có vẻ kỳ lạ; và thường thì ông không bao giờ giải thích lý do.

Không ai là hoàn hảo; Vladika đôi khi cũng mắt sai lầm (và ông không ngần ngại thừa nhận điều đó khi ông phát hiện ra). Nhưng đa phần thì ông đúng, và một số hành động cũng như các phán quyết của ông tưởng chừng như kỳ lạ nhưng lại hoàn toàn phù hợp với một khuôn mẫu khác. Lối sống của Vladika được dẫn dắt bởi các chuẩn mực của cuộc sống tâm linh, và nếu điều này có làm xáo trộn trật tự thường lệ thì đó là để đánh thức mọi người khỏi sự trì trệ tâm linh và nhắc nhở họ rằng, có một sự phán xét cao hơn hẳn so với những phán xét của thế gian.

Một sự kiện đáng chú ý trong những năm Vladika ở San Francisco (1963) minh họa cho nhiều khía cạnh của sự thánh khiết của ông: sự dũng cảm tâm linh dựa trên đức tin tuyệt đối; khả năng biết trước được tương lai và vượt qua những giới hạn của không gian bằng thị giác tâm linh; và sức mạnh của lời cầu nguyện của ông đã chắc chắn đã tạo nên những phép màu. Sự kiện này được kể lại bởi người phụ nữ tận mắt chứng kiến, bà L. Liu; những lời chính xác của Vladika đã được xác nhận bởi ông T. được đề cập trong câu chuyện.

Tại San Francisco, chồng tôi bị tai nạn giao thông và bị thương nặng; anh ấy mất khả năng thăng bằng và bị đau đớn vô cùng. Vào thời điểm đó Vladika cũng đang có nhiều vấn đề phải giải quyết. Biết được sức mạnh từ những lời cầu nguyện của Vladika, tôi nghĩ: nếu tôi nhờ Vladika đến thăm chồng tôi, chồng tôi sẽ hồi phục; nhưng tôi lại chần chừ vì lúc đó Vladika quá bận. Hai ngày trôi qua, và bất ngờ thay Vladika đã đến thăm chúng tôi, có sự đi cùng của ông B. T., người đã lái xe đưa ông ấy tới. Vladika ở lại với chúng tôi khoảng năm phút, nhưng tin rằng chồng tôi sẽ hồi phục. Tình trạng sức khỏe của chồng tôi lúc đó đang ở giai đoạn nguy kịch nhất, và sau chuyến thăm của Vladika, một tình trạng nguy cấp xảy ra, và rồi đó chồng tôi bắt đầu hồi phục và sống thêm bốn năm nữa. Lúc đó chồng tôi đã khá già. Sau một thời gian, tôi gặp ông T tại một cuộc họp ở nhà thờ và ông ấy nói với tôi rằng khi đó ông đang chở Vladika ra sân bay. Đột nhiên Vladika nói với ông: ‘Hãy đến nhà Lius’. Ông ấy liền phản đối rằng họ sẽ trễ chuyến bay và không thể quay đầu xe ngay lúc đó. Sau đó Vladika trả lời: "Liệu ông có thể chịu trách nhiệm cho mạng sống của một người được không?’ Ông không thể làm gì khác ngoài việc lái xe đưa Vladika đến chỗ chúng tôi. Và sau đó, Vladika không hề bị trễ chuyến bay, vì họ đã hoãn chuyến để đợi ông ấy.

Với thông báo của Đức Tổng giám mục đô thành Anastassy vào năm 1964 về việc ông từ chức, Tổng giám mục Gioan đã trở thành ứng cử viên hàng đầu để kế nhiệm ông làm Tổng giám mục đô thành và Giáo Phụ Trưởng của Giáo hội Chính thống Nga ngoài nước Nga. Trong lần bỏ phiếu thứ hai, ông là một trong hai ứng cử viên, với sự chênh lệch là một phiếu bầu. Để giải quyết sự chia rẽ ngang bằng của các giám mục, đêm đó Vladika đã mời người trẻ nhất trong hàng giáo phẩm, Giám mục Philaret, đến phòng của mình, và tại đó ông đã thuyết phục ứng cử viên bất ngờ này chấp nhận trách nhiệm to lớn của chức vụ này. Ngày hôm sau, ông rút lui khỏi cuộc bầu cử và đề nghị bầu chọn Giám mục Philaret, người mà các giám mục cũng đã nhất trí bầu chọn, và nhận thấy được ân sủng của Chúa Thánh Thần trong bước ngoặt đột ngột này. (Đọc thêm về cuộc bầu cử tại đây)

Trước khi kết thúc cuộc đời trần thế, Vladika đã được nâng lên một vị trí cao quý như vậy giữa hàng giáo phẩm của Giáo hội Chính thống Nga. Đó là một địa vị không hề dựa trên bất kỳ hình thức bên ngoài nào, vì Vladika gầy yếu, còng lưng, không tham vọng hay xảo quyệt, thậm chí không thể nói rõ ràng. Đó là một địa vị chỉ dựa trên những đức tính bên trong và tâm linh đã khiến ông trở thành một trong những người thuộc hàng giáo phẩm Chính thống giáo vĩ đại nhất của thế kỷ này, và là một người thánh khiết. Trong ông, sự công chính tỏa sáng.

VI. An Nghỉ

Trong số những người biết và yêu mến Vladika, phản ứng đầu tiên trước tin ông qua đời đột ngột là: Không thể nào! Điều này không chỉ đơn thuần là phản ứng trước sự đột ngột của biến cố; những người thân cận ông đều có một niềm tin khó lý giải rằng, vị trụ cột của Giáo hội, đức thánh nhân luôn gần gũi với giáo dân này sẽ không bao giờ lìa xa! Và rằng sẽ không bao giờ có lúc nào mà người ta không thể tìm đến ông để xin lời khuyên và sự an ủi! Theo một nghĩa nào đó, về mặt tâm linh, điều này đã trở thành sự thật. Nhưng đó cũng là một trong những hiện thực của thế giới này, rằng mọi người đang sống đều sẽ phải chết.

Vladika đã sẵn sàng cho thực tại này. Mặc dù những người khác mong đợi ông sẽ còn cống hiến thêm nhiều năm nữa cho Giáo hội Chúa Kitô – bởi ông là một người còn khá trẻ trong hàng giáo phẩm – tuy nhiên ông đã sẵn sàng cho sự kết thúc này, điều mà ông đã nhìn thấy trước ít nhất vài tháng, và dường như còn biết trước cả ngày cụ thể.

Với người quản lý trại trẻ mồ côi nơi ông sống, người đã đề cập vào mùa xuân năm 1966 về một cuộc họp giáo phận sẽ được tổ chức ba năm sau, ông trả lời, 'Tôi sẽ không ở đây vào lúc đó.' Vào tháng Năm 1966, một người phụ nữ đã biết Vladika trong mười hai năm – và lời chứng của bà theo Đức Tổng giám mục đô thành Philaret, là 'đáng tin cậy hoàn toàn' – đã rất ngạc nhiên khi nghe ông nói, 'Tôi sẽ sớm qua đời, vào cuối tháng Sáu… không phải ở San Francisco, mà là ở Seattle…' Bản thân Đức Tổng Giám mục Philaret cũng chứng nhận về lời tạm biệt cuối cùng lạ thường của Vladika với ông khi trở về San Francisco từ phiên họp cuối cùng của Công nghị Giám mục mà ông tham dự ở New York. Sau khi Tổng giám mục đô thành đã cử hành nghi lễ moleben trước khi đi khởi hành, Vladika, thay vì tự rảy nước thánh lên đầu mình như những người trong hàng giáo phẩm khác vẫn hay làm, thì lại cúi xuống và yêu cầu Tổng giám mục đô thành rảy lên cho mình; và sau đó, thay vì hôn lên tay lẫn nhau như thường lệ, Vladika nắm chặt tay Đức Tổng giám mục đô thành và hôn lên tay ông, rồi rụt tay mình lại.

Một lần nữa, vào buổi tối hôm trước khi khởi hành đến Seattle, bốn ngày trước khi ông qua đời, Vladika đã khiến một người đàn ông vừa được ngài cử hành lễ moleben ngạc nhiên tột độ với câu nói, 'anh sẽ không còn hôn tay tôi được nữa'. Và vào ngày ông qua đời, sau khi cử hành xong Phụng vụ, ông đã dành ba tiếng cầu nguyện tại khu vực bàn thờ, chỉ ra khỏi đó một lúc ngắn trước khi trút hơi thở cuối cùng, vào 3:50 chiều ngày 2 tháng 7 năm 1966. Ông qua đời tại phòng riêng trong tòa nhà giáo xứ cạnh nhà thờ, không hề có dấu hiệu bệnh tật hay đau đớn trước đó. Người ta nghe thấy tiếng ông ngã và sau khi được những người chạy đến đỡ lên ghế, ông đã trút hơi thở cuối cùng một cách thanh thản, dường như không đau đớn, trước biểu tượng Kursk kỳ diệu của Đức Mẹ. Như vậy, Vladika đã được coi là xứng đáng để noi gương cái chết phước lành của vị thánh bảo trợ của mình, Thánh Gioan của Tobolsk.

Thánh Gioan với biểu tượng kỳ diệu Kursk Root của Đức Theotokos Thánh khiết
Biểu tượng kỳ diệu Kursk Root
(trái) Thánh Gioan với biểu tượng kỳ diệu Kursk Root của Đức Theotokos Thánh khiết (nguồn ảnh và bài luận của thánh Gioan về biểu tượng: nguồn). (phải) Icon kỳ diệu Kursk Root (nguồn ảnh và lịch sử của biểu tượng này: nguồn).

Hôm nay [1966] Đức Tổng giám mục Gioan an nghỉ trong một nhà nguyện ở tầng hầm của Nhà thờ chính tòa San Francisco; và tại đó, một chương mới đã được mở ra trong câu chuyện về vị thánh nhân này. Cũng giống như thánh Seraphim của Sarov đã dặn với các người con tâm linh của mình rằng, hãy coi ông như vẫn đang sống sau khi ông qua đời, và đến mộ ông và tâm sự hết những gì trong tim họ, thì Vladika của chúng ta cũng đã chứng minh rằng, ông sẽ lắng nghe những ai thành kính tưởng nhớ ông. Ngay sau khi ông qua đời, một cựu học trò của ông, Đức Cha Amvrossy P., đã có một giấc mơ vào một đêm (hoặc một ảo ảnh, ông không thể nói chính xác): Vladika, khoác trên mình áo lễ Phục sinh, rực rỡ ánh sáng, đang xông hương Nhà thờ chính tòa và vui vẻ thốt ra với ông chỉ một từ trong khi chúc lành: ‘hạnh phúc’.

Sau đó, trước khi kết thúc bốn mươi ngày, Đức Cha Constantine Z., lâu nay là phó tế của Vladika và bây giờ là linh mục, người gần đây đã tức giận với Vladika và bắt đầu nghi ngờ về sự công chính của ông, đã gặp Vladika trong giấc mơ, toàn thân rực sáng, với những tia sáng chiếu quanh đầu rực rỡ đến mức không thể nhìn thẳng trực tiếp. Và như thế, những nghi ngờ của Đức Cha Constantine về sự thánh thiện của Vladika đã được giải tỏa.

Nhiều người khác đã mơ thấy Đức Tổng giám mục Gioan trong những giấc mơ khác thường mang một ý nghĩa hoặc thông điệp đặc biệt. Một số người khẳng định rằng họ đã được ban cho sự giúp đỡ lạ thường. Ngôi mộ khiêm tốn [năm 1966], nơi mà sắp được Pimen Sofronov trang trí bằng các biểu tượng để tưởng nhớ Vladika, đã chứng kiến biết bao nhiêu nước mắt, những lời thú tội, những lời cầu nguyện chân thành…

Người quản lý cô nhi viện thánh Tikhon Zadonsky và là người hầu cận lâu năm của Vladika, M.A. Shakhmatova, đã thấy một giấc mơ kỳ lạ. Một đám đông rước Vladika trong một chiếc quan tài vào Nhà thờ Thánh Tikhon; Vladika liền sống lại và đứng ở cửa hoàng gia (royal doors) xức dầu cho mọi người và nói với bà, ‘Hãy nói với mọi người rằng: mặc dù tôi đã chết, tôi vẫn còn sống!’

Vladyka John với bà Shakhmatova, Shanghai.
Vladyka Gioan với bà Shakhmatova, Shanghai (nguồn).

Vẫn còn quá sớm để chúng ta, những con người lạnh lùng và tội lỗi, đang sống trong thời đại đầy bất ổn này, có thể nắm bắt trọn vẹn sự thật rằng mình đã được chứng kiến một sự kiện đầy vinh hiển đến thế - cuộc sống và cái chết của một đức thánh! Giống như thể thời kỳ Nga Thánh đã quay lại trên thế gian, như để chứng minh sự thật rằng "Đức Chúa Giêsu Kitô hôm qua, ngày nay, và cho đến đời đời không bao giờ đổi thay" (Híp-ri 13:8). Amen.