
“Tôi vẫn kinh ngạc trước sức mạnh của lời cầu nguyện của ông ấy.” - Thánh Silouan núi Athos.
Thánh Ioann thành Kronstadt là một trong những vị thánh nổi tiếng của Giáo Hội Chính Thống giáo vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Với vô vàn phép mầu được ghi nhận như thấu thị, chữa lành, tiên tri, cùng với đời sống tâm linh phi thường và những đóng góp vô cùng to lớn của ông cho Giáo Hội Chính Thống giáo, ông đã được biết đến như là một “Chủ Chăn của toàn nước Nga,” và được tuyên thánh vào năm 1990.
Ngày tôn kính của ông là 20 tháng 12 và 19 tháng 10 lịch phụng vụ (lịch Gregorian ngày 2 tháng 1 và 1 tháng 11)
I. Tuổi thơ
Thánh Ioann thành Kronstadt được sinh ra tại một ngôi làng nhỏ ở Nga vào năm 1829. Ông được nhận phép rửa ngay từ khi lọt lòng do sức khoẻ yếu và được đặt tên theo Thánh Ioann của Rila (+880), vị thánh được tưởng nhớ trong cùng ngày hôm đó.
Cha mẹ ông là những tín hữu Chính Thống giáo mộ đạo và sùng kính Chúa. Dù gia đình họ nghèo khó và thiếu thốn, cha mẹ ông vẫn tạo dựng được một nền tảng đức tin vững chắc trong trái tim chàng trai Ioann. Ông là một cậu bé ít nói, yêu thiên nhiên và đặc biệt là các buổi lễ phụng sự trong nhà thờ. Những người hàng xóm xung quanh thường xuyên nhờ ông cầu nguyện cho họ vì họ thấy được ơn sủng đặc biệt và tấm lòng lương thiện ở chàng trai này.
Vào những năm sau này, khi Cha Ioann trò chuyện với nữ tu viện trưởng Thaisia, một trong những người con tâm linh của ông, ông kể với bà:1
Con có biết điều gì đã đặt nền móng cho sự hướng về với Chúa của cha và điều gì đã sưởi ấm trái tim cha với tình yêu dành cho Ngài ngay từ thời thơ ấu không? Đó chính là quyển Tin Mừng. Bố của cha có một cuốn Tân Ước bằng tiếng Slavonic-Nga và cha rất thích đọc cuốn sách tuyệt vời này vào những kỳ nghỉ học; văn phong và sự giản dị trong cách kể chuyện làm cho nó rất dễ tiếp cận đối với lý trí trẻ con bấy giờ của cha. Cha đọc các sách Tin Mừng, thưởng thức chúng và thấy chúng là niềm an ủi không thể nào thay thế được. Cuốn Tân Ước này cũng đã theo cha đến trường. Cha có thể nói rằng cuốn Tân Ước này đã là người bạn thời thơ ấu, người thầy, người hướng dẫn và người an ủi của cha.
Khi Cha Ioann lên 10, cha mẹ ông đã dành dụm được một số tiền và gửi ông đến trường học địa phương trực thuộc Giáo Hội. Tuy nhiên, ông gặp phải một khoảng thời gian vô cùng khó khăn trong việc học: cậu cố gắng chăm chỉ liên tục nhiều ngày, nhưng vẫn không theo kịp các bạn đồng trang lứa.
Trong những trang nhật ký của mình, ông miêu tả lại một khoảng khắc đáng nhớ vào một buổi tối, khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ:2
Tôi không thể ngủ được, vẫn không thể hiểu những điều mà thầy dạy. Tôi vẫn đọc kém và không nhớ được điều gì. Tôi chán nản đến mức quỳ xuống và cầu nguyện. Tôi không biết mình đã ở trong tư thế đó bao lâu, nhưng đột nhiên có điều gì đó lay chuyển toàn bộ con người tôi, như thể một tấm màn che phủ đôi mắt tôi đã rơi xuống, đầu óc như được khai sáng, và tôi nhớ rất rõ về người thầy ngày hôm đó và bài học mà thầy đã dạy; tôi cũng nhớ lại những gì thầy đã nói và hiểu ý thầy. Trong lòng tôi cảm thấy rất bình an và hạnh phúc.
Sau trải nghiệm này, ông đã học rất tiến bộ và trở thành một trong những người đầu tiên trong lớp được tuyển chọn vào chủng viện và sau đó được chọn vào Học viện Thần học ở St. Petersburg (một vinh dự lớn lao vào thời điểm đó).
II. Hành trình ơn gọi
Trong suốt quá trình học tập của mình, Cha Ioann đã suy nghĩ về tầm quan trọng của sự tha thứ, hiền lành và tình yêu thương, đồng thời ông tin rằng, đây chính là trung tâm và là sức mạnh của Kitô giáo, và rằng chỉ có một con đường — con đường của tình yêu khiêm tốn — dẫn đến Thiên Chúa.
Cha Ioann thường xuyên chiêm nghiệm về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá tại đồi Golgotha, và rơi nước mắt thương xót những người chưa biết đến Chúa Giêsu Kitô; ông vô cùng khao khát được rao giảng cho họ về cái chết và sự phục sinh của Thiên Chúa. Cũng vì lẽ đó, ông mơ ước trở thành một nhà truyền giáo ở đất nước Trung Quốc xa xôi.
Không lạ gì khi ông mang trong mình giấc mơ trở thành một nhà truyền giáo khi ta xem xét bối cảnh của Giáo Hội Nga bấy giờ. Đó là ngay sau công cuộc truyền giáo vĩ đại ở Alaska của Thánh Herman (+1837) và thánh Juvenaly (+1796) — vị thánh tử đạo đầu tiên của nước Mỹ. Đó là những vị thánh nhân được nhắc đến khi Cha Ioann vẫn còn là một chàng trai trẻ. Chúng ta cũng phải kể đến thánh Philaret của Moscow (+1867) người có công rất lớn trong việc đẩy mạnh sứ mệnh truyền giáo ra toàn thế giới, và ông được kế nhiệm bởi thánh Innocent (+1879) người đã truyền giáo cho toàn bộ Alaska và Bắc Mỹ. Đây chính là bầu không khí và đời sống tâm linh của Nga mà Cha Ioann trưởng thành.

Tuy vậy, Cha Ioann nhận thấy rằng thành phố của ông và các thị trấn xung quanh đang rất cần một linh mục chân chính, và hiện đang còn rất nhiều công tác phải làm cho người dân của mình. Nên ông quyết định cống hiến toàn bộ sức lực của mình cho ơn gọi và hoàn thiện trách nhiệm của một chủ chăn.
Tại thời điểm đó, khi vẫn còn đang suy nghĩ về những dự định của mình, Cha Ioann đã có một thị kiến cực kỳ rõ ràng: một linh mục đang phụng vụ tại một nhà thờ chánh toà. Hình ảnh đó như một dấu hiệu, tiên định cho toàn bộ cuộc đời ông sau này.
Sau khi tốt nghiệp chủng viện, Cha Ioann nhận lời mời làm linh mục tại nhà thờ chánh toà Andrew thành Kronstadt. Lễ thụ phong phó tế diễn ra vào ngày 10 tháng 12 năm 1885, và lễ thụ phong linh mục vào ngày 12 tháng 12 cùng năm. Khi lần đầu đặt chân đến nhà thờ tại Kronstadt, Cha Ioann dừng lại trước ngưỡng cửa và hoàn toàn choáng váng vì mọi thứ hiện hữu trước mắt trùng khớp hoàn toàn với những gì ông đã thấy trong thị kiến. Từ kiến trúc nhà thờ, màu sắc, đến những chi tiết nhỏ như cầu thang, ông đều đã thấy tất cả. Ngay lập tức, Cha Ioann nhận ra đây chính là ý Chúa và đây sẽ là nơi ông dành cả quãng đời còn lại để phục vụ cho Giáo Hội.

Cuộc hôn nhân của Cha Ioann với bà Elizabeth Nesvitsky, con gái của đức linh mục trưởng tại nhà thờ chánh toà, cũng cực kỳ đặc biệt. Cần được hiểu rằng trong bối cảnh Giáo Hội Nga bấy giờ, kết hôn là một tiêu chuẩn cho giới linh mục. Nếu không kết hôn, một người sẽ gia nhập các tu viện, và từ các tu viện, Giáo Hội sẽ chọn ra các giám mục. Nhưng tất cả các linh mục giáo xứ đều phải kết hôn.
Cha Ioann đón nhận lời mời hôn nhân với một ơn gọi đặc biệt, là một ơn gọi từ Chúa. Ngay khi bắt đầu cuộc hôn nhân, ông đã nói ngay với người vợ của mình: “Liza, thế gian đã có nhiều gia đình hạnh phúc rồi mà không cần đến chúng ta. Chúng ta hãy cùng nhau dâng hiến cả cuộc đời này để phục vụ Chúa.” Việc phục vụ Chúa ở đây có nghĩa rằng Cha Ioann muốn với việc giữ gìn sự trinh tiết trọn đời cho nhau, một lời hứa mà Elizabeth đã đồng ý.
Họ sống với nhau hơn 50 năm, như anh em ruột trong gia đình.3 Sự sắp đặt hôn nhân này đã tạo ra một nền tảng và sự hỗ trợ cần thiết cho sứ mệnh vĩ đại của ông trong tương lai. Ông sẽ dành cả phần đời còn lại để cầu nguyện, ăn chay không ngừng nghỉ, cử hành các buổi lễ, nghiên cứu và làm việc xuyên đêm, giảng đạo liên tục, thăm viếng giáo dân, ban đầu là khắp thành phố Kronstadt và sau đó là toàn bộ nước Nga. Ông sẽ xây dựng các công trình từ thiện, nhà thờ và tu viện, tư vấn cho mọi người, thậm chí trở thành người tâm giao, xưng tội và cố vấn cho hoàng gia, chữa lành bệnh, bảo vệ đức tin và sớm được gọi là “Chủ Chăn của toàn nước Nga.”

III. Bạn đồng hành của người nghèo
Vào thời điểm đó, Kronstadt là trung tâm của tệ nạn. Chính quyền đã đày những kẻ giết người, trộm cắp và những tội phạm khác đến thành phố này. Có rất nhiều người lao động không có tay nghề, người thất nghiệp, ăn xin và kẻ say xỉn ở khắp mọi nơi. Thậm chí ngay cả trẻ em cũng có thể trở thành kẻ trộm và tội phạm. Người dân không thể đi lại an toàn vào ban đêm vì họ có thể bị tấn công và trấn lột. Tuy vậy, Cha Ioann, ngay sau khi trở thành linh mục, đã bắt đầu thăm viếng mọi ngóc ngách của thành phố này.
Cha Ioann thường đến thăm các hầm mỏ và tầng hầm để thăm hỏi nhiều người trong số những người lưu vong và nghèo khổ này. Không chỉ đơn thuần dừng lại năm mười phút để thực hiện một số nghi lễ rồi rời đi, vị thánh tin rằng ông đang đến thăm những tâm hồn vô giá, những người anh chị em của ông; ông nán lại đó hàng giờ, nói chuyện, động viên, an ủi, khóc, và đồng cảm với nỗi đau của họ.
Thánh Ioann nhìn thấy hình ảnh của Chúa trong tất cả mọi người, bất kể đó là kẻ vô lại hay tội phạm, điều đó không quan trọng đối với ông. Ông luôn tìm cách khôi phục lại hình ảnh của Chúa trong mỗi người mà ông gặp. Ông viết rằng:4
Chúng ta phải yêu thương tất cả mọi người, dù họ đang ở trong tội lỗi và trong sự hổ thẹn... Không nên đánh đồng một người, vốn là hình ảnh của Chúa, với ác quỷ tồn tại bên trong họ.

Cha Ioann cũng quan tâm đến nhu cầu vật chất của người nghèo, ông thường đi mua thức ăn, đến hiệu thuốc xin đơn thuốc, đến bác sĩ để được giúp đỡ, nhiều lần ông đưa cho người nghèo những đồng xu cuối cùng của mình. Người dân thành Kronstadt sẽ thường thấy cha trở về nhà bằng đôi chân trần và không mặc áo chùng thâm. Giáo dân thường mang giày đến cho Matushka và nói với mẹ rằng: “Chồng bà đã tặng giày cho người khác và sẽ đi chân trần về nhà.”
Tất cả điều này đã trở thành một thói quen, một quy luật sống của ông; nhưng cũng chính vì điều này đã khiến Cha Ioann bị tấn công từ mọi phía. Ông bị gia đình mình chỉ trích, bị người khác chế giễu, bị các cha bề trên trách mắng. Vì một lý do nào đó, sự độc đáo trong đời sống Kitô giáo của vị linh mục trẻ này đã khiến những người xung quanh khó chịu. Ông bị gọi là “kẻ điên vì Chúa Kitô.” Ban quản lý giáo phận còn cấm không cho ông nhận lương vì ngay khi nhận được, ông liền đưa hết lại cho những người nghèo khó.
Nhưng Cha Ioann đã dũng cảm chịu đựng tất cả những thử thách này mà không hề thay đổi lối sống của ông. Và với sự giúp đỡ của Chúa, ông đã cảm hoá được tất cả mọi người và vượt lên trên mọi thử thách mà ông gặp phải. Sự kiên nhẫn, tình yêu thương, và thành quả của những nỗ lực tinh thần của Cha Ioann có thể được thấy qua câu chuyện sau đây, được kể lại bởi một người thợ thủ công giản dị:4
Vào lúc đó, tôi khoảng 22-23 tuổi. Bây giờ tôi đã là một ông già, nhưng tôi vẫn nhớ rõ lần đầu tiên tôi gặp batiushka. Tôi có một gia đình, hai đứa con. Tôi đi làm và uống rượu. Gia đình tôi sống trong cảnh nghèo đói. Vợ tôi lặng lẽ đi ăn xin. Chúng tôi sống trong một túp lều xiêu vẹo. Một ngày nọ, tôi về nhà khi chưa quá say và thấy một linh mục trẻ đang ngồi bên trong, ôm con trai tôi vào lòng và nói điều gì đó rất ân cần. Đứa trẻ chăm chú lắng nghe. Tôi cảm thấy batiushka trông như Chúa Kitô trong bức tranh “Chúa ban phước cho trẻ em.” Ban đầu tôi muốn chửi rủa: tại sao ông ta lại ở đây?... nhưng ánh mắt yêu thương và trang nghiêm của batiushka đã ngăn tôi lại: tôi cảm thấy hổ thẹn. Tôi cúi đầu, trong khi ông tiếp tục nhìn tôi, nhìn thẳng vào tâm hồn tôi. Cha bắt đầu nói chuyện. Tôi không thể tái hiện lại hết những gì cha đã nói. Cha nói túp lều của tôi như thiên đường, vì nơi nào có trẻ em, nơi đó có ánh sáng và sự ấm áp, và rằng tôi không nên đánh đổi thiên đường này để lấy bầu không khí mịt mù của quán rượu. Cha không trách mắng tôi — không, cha cứ bào chữa cho tôi, chỉ là tôi không muốn được bào chữa… Cha rời đi, và tôi chỉ ngồi yên lặng... Tôi không khóc, dù tâm hồn tôi như muốn trào nước mắt. Vợ tôi cứ nhìn tôi... Và từ đó, tôi trở thành một người tử tế trở lại...

IV. Một nhà thuyết giáo mạnh mẽ
Cha Ioann là một nhà thuyết giáo tuyệt vời và cực kỳ nhiệt huyết. Ông giảng đạo mỗi ngày trong nhà thờ và nhiều lần trong ngày khi đi thăm viếng buổi chiều. Ông luôn luôn gán nguồn cảm hứng cho Chúa Thánh Thần. Ông ấy thường nói rằng ông sẽ cầu xin Chúa ban cho mình lời nói và Chúa Giêsu sẽ hoàn thành lời dạy của Ngài dành cho các tông đồ: “Anh em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói gì” (Mát-thêu 10:19).
Năm 1857, ông được mời giảng dạy Kinh Thánh tại trường công lập ở Kronstadt, và ông đã vui mừng chấp nhận, vì ông yêu trẻ em và luôn dành nhiều tâm huyết cho những đứa trẻ. Ông quan niệm rằng:2
Nếu trẻ em không thích nghe Tin Mừng, đó chỉ là vì nó được dạy như bất kỳ môn học nào khác, với sự nhàm chán và khô khan. Việc dạy như vậy đi ngược lại mục đích của Tin Mừng. Nó thất bại vì nó buộc học sinh chỉ đọc chữ và ghi nhớ chúng một cách thờ ơ thay vì hướng chúng hiểu và áp dụng các giá trị đạo đức vào trong đời sống của chính mình.
Khi nói với các linh mục khác về ơn gọi của họ, ông thường nói:2
Hỡi các linh mục, các bạn là đại diện đức tin của Giáo Hội; là đại diện của chính Chúa Kitô. Bạn phải trở nên tấm gương của sự hiền lành, trong sạch, can đảm, kiên trì, kiên nhẫn và tinh thần cao cả, bạn đang làm công việc của Chúa và không được để bất cứ điều gì làm bạn nản lòng.
Không chỉ là một người thầy giảng đạo nhân từ, Cha Ioann còn là một chiến binh dũng cảm, lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ đức tin Chính Thống giáo trước những dị giáo và chủ nghĩa vô thần đang hoàng hành ở Nga bấy giờ. Đối với các nhóm Tin Lành đang xâm nhập vào Nga, đặc biệt là người Luther và người Anh giáo, ông nói:5
Người Kháng Cách (Tin Lành) có một quan niệm hoàn toàn sai lệch về Giáo Hội, vì họ không có ân điển của hàng giáo phẩm hợp pháp, họ không có các nhiệm tích, ngoại trừ phép rửa, và họ không có điều quan trọng nhất: Nhiệm tích Thánh Thể của Thân và Huyết Chúa Kitô; họ không có nhánh thiên thượng — Giáo Hội Thiên Đàng, vì họ không thừa nhận các thánh; họ cũng không có nhánh âm phủ, vì họ không công nhận các linh hồn đã khuất và không cầu nguyện cho họ, cho rằng điều đó là không cần thiết. Người Anh giáo và người Luther không muốn có bất kỳ biểu tượng nào, cũng không tôn kính chúng! Điều này thật kỳ quặc và vô lý. Các thánh là bạn của Chúa, là những thành viên mà Ngài ngự trong đó. Tại sao chúng ta lại không tôn kính hình ảnh của họ?
Ông đã lên tiếng một cách quyết liệt chống lại những người Công giáo La Mã, những người lúc đó đang rất nỗ lực trong việc cố gắng cải đạo người Chính Thống giáo.
Người Công giáo đã bầu ra một vị đứng đầu mới của Giáo Hội, trong khi đã làm nhục Đấng Đứng Đầu chân thật duy nhất của Giáo hội — Đấng Kitô. Điều gây tổn hại lớn nhất đối trong Kitô giáo, một tôn giáo thiên thượng được mặc khải bởi Chúa, là quyền tối thượng của con người trong Giáo Hội, chẳng hạn như Giáo hoàng, và tính bất khả ngộ trong trí tưởng tượng của ông ta. Chính giáo lý về tính bất khả ngộ chứa đựng một sai lầm lớn nhất, vì Giáo hoàng cũng là một con người tội lỗi, và sẽ là một tai họa lớn nếu ông ta tự cho mình là bất khả ngộ. Biết bao sai lầm lớn, gây hại cho linh hồn con người, đã được Giáo hội Công giáo của Giáo hoàng nghĩ ra — trong giáo lý, trong tập tục, trong các quy tắc giáo luật, trong việc phục vụ, trong thái độ độc hại và tiêu cực của người Công giáo đối với người Chính Thống giáo, trong những lời phỉ báng và vu khống đối với Giáo hội Chính Thống giáo, trong sự lăng mạ hướng đến Giáo Hội Chính Thống giáo và các Kitô hữu Chính Thống giáo! Và tất cả những điều này đều do Giáo hoàng được cho là bất khả ngộ chịu trách nhiệm, cùng với giáo lý của các tu sĩ Dòng Tên của ông, đầy tính lừa dối và giả hình. Chính Chúa luôn hiện diện trong Giáo Hội của Ngài; vậy cần gì phải có một người đại diện — Giáo hoàng? Và liệu một người tội lỗi có thể là đại diện của Chúa không? Không thể nào. Có thể có một người đại diện cho vua, một người đại diện cho thượng phụ, nhưng không ai có thể đại diện cho Chúa, Đức Vua vĩnh cửu và là Đầu của Giáo hội.5
Cha Ioann cũng phơi bày chủ nghĩa vô thần và chủ nghĩa khoa học đang gia tăng, và chỉ trích giới trí thức vô thần của Nga đương thời.
Hơn bao giờ hết, những kẻ tuyên truyền sự giác ngộ sai lầm đã xuất hiện ở Nga, phát triển trên đất Nga; một số nhà khoa học và nhà văn của chúng ta mong muốn cải tạo giới trẻ theo cách riêng của họ, không dựa trên nền tảng của Kitô giáo chân chính, mà dựa trên đức tin sai lầm và tư duy tự do sai lầm; họ làm mờ mịt và ô nhiễm tâm trí và trái tim của giới trẻ với những khái niệm và quan điểm sai lầm; họ tạo ra các luật lệ sống riêng của mình, có thể nói, họ đang viết ra một phúc âm của riêng họ thay vì của Chúa Kitô, và với sự thiếu đạo đức của mình, họ hoàn toàn làm bại hoại đạo đức của giới trẻ chúng ta.5
Tổ tiên chúng ta đã phạm tội, nhưng họ gọi tội lỗi là tội lỗi; tuy nhiên, những người theo tư tưởng tự do ngày nay phạm tội và cố gắng biện minh cho tội lỗi, như thể đó là một hành động hợp pháp. Lấy ví dụ về những tội lỗi của xác thịt — tất cả những điều này không chỉ là sự yếu đuối đơn giản của bản chất con người, mà còn là quy luật tự nhiên và nhu cầu của nó.6
Ông răn đe người dân Nga bấy giờ, và thậm chí đã nhìn thấy trước cuộc Cách mạng trong tương lai:7
Nước Nga, nếu ngươi từ bỏ đức tin của mình, như nhiều người trong giới trí thức đã làm, ngươi sẽ không còn là nước Nga hay nước Nga Thánh nữa. Và nếu dân tộc Nga không thống hối, thì ngày tận thế sễ đến gần. Chúa sẽ lấy đi vị Sa hoàng mộ đạo và sẽ gửi đến một chiếc roi trong hình hài của những kẻ cai trị độc ác, vô thần, tự phong, những kẻ sẽ nhấn chìm cả thế giới trong máu và nước mắt.
V. Ơn Sủng Phép Màu
Từ cuộc đời của các thánh trong Giáo Hội, chúng ta biết rằng ân sủng phép mầu được Chúa ban cho các vị thánh như một phần thưởng cho những nỗ lực lớn lao, sự cầu nguyện không ngừng nghỉ, việc ăn chay nghiêm ngặc, sự khiêm nhường, tình yêu thương và lòng nhân từ của họ. Và Cha Ioann là một ví dụ điển hình. Vô vàn các phép mầu, bao gồm việc chữa lành bệnh tật, đã diễn ra nhờ sức mạnh của lời cầu nguyện từ ông.
Trong một buổi tụ họp với các linh mục năm 1904, Thánh Ioann đã kể lại về phép màu đầu tiên mà ông thực hiện để chữa lành, và dường như bản thân ông cũng rất ngạc nhiên về điều đó.8
Tại Kronstadt, có một người phụ nữ mộ đạo với tâm hồn tuyệt đẹp, tên là Paraskeva Kovrigina, quê ở Kostroma, đã dành cả đời mình để phục vụ người khác. Bà bắt đầu khẩn thiết yêu cầu tôi cầu nguyện cho những người đau khổ, khẳng định rằng lời cầu nguyện của tôi sẽ mang thành sự thật và mang lại lợi ích cho họ. Nhưng tôi liên tục từ chối, cho rằng mình không xứng đáng làm người trung gian đặc biệt giữa những người cần sự giúp đỡ của Chúa và Chúa. Tuy nhiên, những lời yêu cầu và khẳng định không ngừng của Paraskeva về sự giúp đỡ của Chúa cuối cùng đã thuyết phục tôi, và với một niềm tin và hy vọng vững chắc, tôi bắt đầu cầu xin Chúa chữa lành cho những người đau yếu cả về tâm hồn lẫn thể xác. Chúa đã nghe lời cầu nguyện của tôi, dù tôi không xứng đáng, và đã đáp lại: những người bệnh tật và yếu đuối đã được chữa lành. Điều này khích lệ và củng cố niềm tin của tôi. Tôi bắt đầu thường xuyên cầu xin Chúa theo yêu cầu của nhiều người, và Chúa đã thực hiện, và vẫn đang thực hiện đến hiện tại, nhiều phép mầu kỳ diệu qua những lời cầu nguyện chung của chúng tôi. Nhiều phép mầu rõ ràng đã xảy ra và vẫn đang xảy ra. Qua đó, tôi thấy được sự chỉ dẫn của Chúa dành cho mình, một nhiệm vụ đặc biệt từ Chúa để cầu nguyện cho tất cả những ai cầu xin lòng thương xót từ Chúa.
Các phép mầu chữa lành xảy ra bằng lời cầu nguyện hoặc bằng cách đặt tay của Cha Ioann lên người bệnh sau khi tất cả các phương pháp điều trị đều được coi là vô ích. Thậm chí một tín hữu chỉ cần viết một lá thư hoặc gửi điện tín đến Cha Ioann, thì họ sẽ biết được ngay thời điểm vị thánh đã cầu nguyện cho họ vì lời cầu nguyện của họ đã được hồi đáp. Ví dụ nổi tiếng nhất là từ cuộc đời của Thánh Silouan núi Athos.
Khi Thánh Silouan quyết tâm trở thành một tu sĩ trên Núi Athos, ông đã hành hương đến Kronstadt với mong muốn được Cha Ioann ban phước. Trong lòng, ông tràn đầy hy vọng, và tin rằng “Nếu tôi nhận được phước lành của Cha Ioann, tôi sẽ có đủ ân sủng cần thiết để trở thành một tu sĩ chuẩn mực.” Tuy nhiên do không thể gặp trực tiếp với Cha Ioann, ông đã để lại một lá thư cho vị thánh này. Ông viết: “Cha ơi, con khát khao trở thành một tu sĩ; xin hãy cầu nguyện để thế gian này không giam giữ con.” Khi ông quay trở về và ngay ngày hôm sau, ông cảm thấy xung quanh mình “lửa địa ngục đang bùng cháy.” Vị tu sĩ núi Athos sau này kể lại rằng: “Tôi vẫn kinh ngạc trước sức mạnh của lời cầu nguyện của ông ấy. Đã gần 40 năm trôi qua, nhưng tôi chưa thấy ai cử hành như ông ấy đã làm.”9

Cha Ioann nổi tiếng khắp nơi nhờ vào ân sủng phép mầu của Chúa, và danh tiếng của ông vượt xa ra khỏi biên giới Nga. Ông cầu nguyện và chữa lành cho tất cả những ai tìm đến ông, bao gồm cả người Công giáo, Hồi giáo, Do Thái, và người nước ngoài từ Pháp, Ý, Thụy Sĩ, Mỹ và nhiều quốc gia khác. Một câu chuyện sau được ghi nhận lại tại bệnh viện Ung thư ở St. Petersburg bởi Nadejda, một người không theo Chính Thống giáo:10
Đứng đầu bệnh viện là một người phụ nữ Pháp rất được kính trọng, bà J., một người Công giáo La Mã, được hỗ trợ trong công việc bởi hai người bạn cùng quốc tịch và đức tin. Học vấn, văn hóa và cuộc sống tận tâm của họ đủ để đảm bảo sự đáng tin cậy của những sự thật mà họ kể cho tôi.
Sau khi giải quyết xong chuyện cá nhân của mình tại bệnh viện, tôi nhận thấy một bức ảnh của Cha John treo trên tượng Đức Mẹ, và nói: “Tôi thấy rằng mặc dù bà thuộc Giáo Hội La Mã, Cha Ioann vẫn được bà kính trọng.”
Họ trả lời: “Cha Ioann thuộc về tất cả mọi người và mọi giáo hội; ông ấy là một vị thánh lớn. Chúng tôi đã thấy ông ấy, ở ngay trong bệnh viện này, phục sinh một cô gái đã chết.” Và tiếp tục, họ kể cho tôi rằng một cô gái trẻ bị ung thư đã được đưa đến bệnh viện, và không lâu sau đó đã chết, ít nhất là các bác sĩ khẳng định như vậy.
Người mẹ tội nghiệp đang trong cơn tuyệt vọng; và mặc dù mọi người nói với bà ấy rằng việc bà muốn làm là vô ích, bà ấy vẫn khăng khăng đòi Cha Ioann đến giúp. Ông đã được gọi đến, không có hy vọng nào khác ngoài việc ông sẽ an ủi người phụ nữ tội nghiệp bằng sự tử tế của mình và xoa dịu nỗi đau của bà ấy.
Khi bước vào căn phòng nơi cô gái đã chết đang nằm, Cha Ioann hỏi tên thánh của cô, và khi được cho biết, ông hơi cúi người xuống và nói bằng giọng nói nhỏ nhưng đầy uy quyền: “Maria, hãy đứng dậy, chính cha — Cha Ioann — đang gọi con.” Cô gái mở mắt ra và bắt đầu chuyển động. Vài ngày sau, cô rời khỏi bệnh viện hoàn toàn khỏi bệnh. Người phụ nữ nói thêm: “Không chỉ chúng tôi, mà một số người khác cũng có mặt khi điều đó xảy ra, và tất nhiên khi chứng kiến một phép mầu như vậy, chúng tôi phải thừa nhận rằng Cha Ioann là một vị thánh vĩ đại.”
VI. Chủ Chăn của toàn nước Nga
“Có rất nhiều người ở Nga cho rằng Cha Ioann có sức mạnh siêu nhiên. Ông không tự nhận bất kỳ sức mạnh nào, ngoại trừ sức mạnh của lời cầu nguyện. Ông có một niềm tin chắc chắn vào điều đó, và điều đáng chú ý nhất là những lời cầu nguyện của ông rất ngắn gọn. Nhưng người ta không thể nhìn vào đôi mắt tím kỳ diệu của ông mà không cảm thấy trong đó là một ánh nhìn không thuộc về thế gian này. Chúng dường như đang nhìn, lúc thì vượt ra xa ranh giới của cuộc sống, lúc thì dường như xuyên thấu vào tận trong tâm hồn của một người. Cũng kỳ lạ rằng những người đã quan sát ông trong suốt hai mươi năm năm qua của cuộc đời — ông hiện đã hơn bảy mươi tuổi — tuyên bố rằng tuổi tác dường như không làm thay đổi ngoại hình ông.” - Thánh Tử Đạo Alexander Hotovitzky.11
Khi những phép mầu của Cha Ioann đã trở nên nổi tiếng khắp nước Nga, ông đã chuyển từ việc săn sóc mục vụ ở Kronstadt sang coi sóc toàn nước Nga trong 25 năm cuối đời của ông. Và điều này mở ra giai đoạn quan trọng thứ hai trong sứ mệnh của ông.
Đầu tiên, ta hãy xét đến một ngày thường nhật của Cha Ioann. Ông thức dậy lúc 3 giờ sáng và chuẩn bị cho việc phục vụ lễ sáng tại nhà thờ chính toà. Đến 4 giờ sáng, ông bắt đầu đi đến nhà thờ chính tòa. Tại cổng nhà ông, một đám đông khách hành hương đang chờ đợi. Ông chỉ có thể nói chuyện riêng được với một vài người trong số họ. Đa số đều mong muốn nhận được phước lành từ ông, hôn lên tay vị thánh sống này, chạm vào vạt áo, hay bắt gặp ánh nhìn sáng ngời của ông.

Vào lúc 4 giờ, lễ sáng bắt đầu, và Cha Ioann cử lễ một cách đầy đủ, không bỏ qua bất cứ một bài thánh ca nào, và tự mình đọc tất cả các kinh cầu. Sau lễ sáng và trước khi bắt đầu phụng vụ, ông sẽ bắt đầu nghe thú tội.
Trung bình, mỗi sáng có khoảng 3.000 đến 5.000 người đến nhà thờ chính toà để dự phụng vụ. Có ba linh mục toàn thời gian được giao nhiệm vụ hỗ trợ Cha Ioann tại nhà thờ, và nhiệm tích xưng tội sẽ được diễn ra trước khi bắt đầu phụng vụ. Vì không thể nghe hết tất cả các lời xưng tội nên ông sẽ giảng một bài giảng ngắn về lòng thống hối, tầm quan trọng của việc xưng tội, tại sao Chúa lại mong muốn điều đó, và tâm hồn con người sẽ thay đổi như thế nào khi quay trở lại với Chúa. Sau đó, ông sẽ đọc lời hướng dẫn xưng tội và cầu nguyện trước khi bắt đầu. Và ngay sau đó, toàn bộ nhà thờ ngập tràn tiếng khóc than, và tất cả mọi người đều la to tội lỗi của mình lên với Chúa trước sự hiện diện của Cha Ioann và tất cả mọi người xung quanh. Cuối cùng, Cha Ioann sẽ nâng khăn của mình lên và đọc lời tha tội cho tất cả mọi người cùng một lúc. Và đây là cách duy nhất để việc xưng tội có thể diễn ra trong hoàn cảnh như vậy.

Khi nhiệm tích xưng tội kết thúc, phụng vụ bắt đầu được cử hành. Các buổi lễ không bao giờ kết thúc trước 12 giờ trưa, và nội việc rước lễ có thể kéo dài đến hơn hai tiếng đồng hồ. Đối với Cha Ioann, trung tâm cuộc đời ông là cử hành Phụng vụ và rước Chúa trong Thánh Thể, điều mà ông làm hàng ngày. Ông viết trong nhật ký của mình:
Tôi sẽ chết khi không cử hành phụng vụ...12
Có gì hùng vĩ, xúc động, và có khả năng ban được sự sống trên đất hơn là việc tưởng nhớ trong phụng vụ? Ở đó được thể hiện và thực hiện một nhiệm tích lớn nhất về tình yêu thương của Chúa đối với nhân loại — sự hiệp nhất giữa Chúa và người.13
Phụng vụ là một phép mầu diễn ra liên tục và được coi là tối thượng trong vương quốc đầy ân sủng của Chúa; có thể nói đó là một sự hy sinh vĩnh cửu của Con Chiên của Chúa; đó là sự tưởng nhớ những đau khổ cứu chuộc, cái chết, sự phục sinh, sự thăng thiên, và sự tái lâm của Ngài; đó là một sự hy sinh liên tục của Con Thiên Chúa dâng lên Chúa Cha cho chúng ta, những kẻ có tội, và sự hy sinh đó vẫn sẽ tiếp diễn cho đến khi cả thế giới này kết thúc. ‘Chúng con dâng lên Ngài những gì thuộc về Ngài, nhân danh tất cả, và cho tất cả’: vì Chúa đã chịu khổ vì tất cả chúng ta, và đã chết, và đã trỗi dậy, và do đó Ngài nhắc lại và sẽ nhắc lại tất cả các thế hệ loài người về sự hy sinh của Ngài, và Ngài sẽ ban tặng sự hy sinh đó cho tất cả những tín hữu chân thành và tất cả những người đang tìm kiếm sự cứu rỗi thức ăn và thức uống nhằm thánh hóa và tái sinh cho đến ngày tận thế, để tất cả các tín hữu đều được cứu.13
Sau buổi lễ, được bao quanh bởi hàng ngàn tín hữu, Thánh Ioann rời nhà thờ và đi đến St. Petersburg để đáp lại lời mời gọi từ vô số người bệnh, và ông không trở về nhà trước 12 giờ đêm, đôi khi chỉ chợp mắt được một giờ trên tàu. Và lúc 3 giờ sáng, ông lại thức dậy. Nhiều đêm Thánh Ioann không hề ngủ mà thay vào đó là cầu nguyện, nhưng kỳ lạ thay, không ai từng thấy ông mệt mỏi hay buồn ngủ cả.
Nếu chúng ta suy nghĩ kỹ về lối sống của Thánh Ioann, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu rằng chỉ có phép mầu từ Chúa mới có thể giúp một người sống và làm việc như vậy trong nhiều thập kỷ liền. Một lối sống và những công việc như vậy vượt xa khả năng của con người; chúng là siêu nhiên. Chỉ có những thiên thần giáng trần và những người của thiên đàng, như người ta hay nói về các thánh, mới có thể sống được như vậy.

Thánh Ioann rất được yêu mến bởi gia đình hoàng gia, và ông thường được mời đến để cầu nguyện cho họ mỗi khi gặp vấn đề khó khăn. Ông cũng đã ở bên cạnh hoàng đế Alexander III khi vị hoàng đế này từ trần.
Cùng với vinh quang và danh dự, một số tiền lớn đã đổ về Cha Ioann cho mục đích từ thiện. Số tiền này chỉ có thể được ước tính một cách gần đúng, vì Cha Ioann ngay lập tức phân phát toàn bộ. Chỉ có các biên lai bưu điện được ghi lại. Theo những người thân cận với Cha Ioann, khoảng một triệu rúp mỗi năm đã qua tay ông. Thậm chí bưu điện đã mở một dịch vụ thư tín đặc biệt chỉ để phục vụ cho việc trao đổi thư từ giữa Cha Ioann và thế giới vì số lượng thư từ và khoảng tiền bạc liên quan.
Khi đề cập về lòng hảo tâm của Thánh Ioann, Thánh Tử Đạo Alexander viết rằng:11
Ảnh hưởng của ông trải dài từ ngai vàng của Sa hoàng đến những mái nhà tồi tàn nhất ở Nga. Ông lấy từ sự giàu có của người giàu bằng cả hai tay và phân phát nó một cách tự do cho những ai cần. Chính nhờ những món quà đặc biệt mà ông nhận được mà ông đã có thể duy trì khoảng hai mươi năm trại tị nạn và các cơ quan khác ở nhiều nơi trên khắp nước Nga, và ông là người lập ra chúng.
Tâm hồn hướng về thiên đường của Cha Ioann đã bảo vệ ông khỏi mọi tham vọng trần tục và sự gắn bó với của cải. Ông nhanh chóng phát hết các khoản quyên góp. Ông nhận vào một tay và trao ra tay kia. Có những trường hợp như sau: một lần, giữa đám đông lớn, Cha Ioann nhận được một gói từ tay một thương gia và ngay lập tức trao nó vào tay của một người ăn xin ở bên cạnh mà không mở ra. Thương gia liền nói: “Batiushka, có một ngàn rúp ở đó!” — “Anh ta may mắn” Cha Ioannn đáp lại. Tuy nhiên, đôi khi ông từ chối nhận quà từ một số người nhất định. Có trường hợp nổi tiếng là ông không nhận 30.000 rúp từ một góa phụ giàu có. Trường hợp này là một ví dụ điển hình về sự thấu thị của Cha Ioann, vì người phụ nữ đã kiếm được số tiền này bằng cách không trong sạch, mà sau đó bà đã ăn năn.
Số lần Cha Ioann chữa lành là vô kể, không thể đếm xuể. Nhưng điều kỳ diệu hơn cả là những thay đổi sâu sắc trong tâm hồn mà ông đã mang đến cho biết bao con người. Từ những kẻ lầm lỗi, những người nghiện ngập, cho đến những tâm hồn lạc lối, tất cả đều được Cha Ioann đưa ra khỏi bóng tối và trở thành những người có ích cho xã hội. Các công lao đóng góp của ông được ghi nhận lại bởi bà Nadejda như sau:10
Toàn bộ dân cư Kronstadt đã hưởng lợi từ sự hiện diện của ông. Ông đã thành lập nhiều tổ chức hữu ích. Đầu tiên, từ năm 1874, là "Nhà Chăm Sóc và Giúp Đỡ Người Nghèo," gắn liền với nhà thờ chính tòa St. Andrew.
Sau đó, ông đã xây dựng ở Kronstadt, St. Petersburg và hai mươi thành phố khác ở Nga, các tổ chức mà ông đặt tên là "Nhà vì Tình Yêu Lao Động."
Tại những nơi này, tất cả những ai muốn kiếm sống bằng công việc chân chính đều được cung cấp việc làm. Riêng Kronstadt, nơi được coi là mô hình mẫu cho các thành phố khác, sở hữu các tổ chức sau:
Một Nhà Tạm Cho 300 nam và nữ. Đây là một tòa nhà bốn tầng lớn, nơi mọi người chỉ cần trả khoảng nửa penny (và với những ai không thể trả, thì được miễn phí) để có một chỗ ngủ qua đêm, và vào buổi sáng có bánh mì và một bình trà.
Một Trường Dạy May Và Xưởng May cho các Cô Gái, nơi dưới sự hướng dẫn của giáo viên, họ học may và sử dụng máy may, đồng thời được cung cấp công việc có trả lương. Bất kỳ phụ nữ nào thất nghiệp đều có thể tìm việc ở đây.
Một Trường Dạy Và Xưởng Đóng Sách.
Một Trường Dạy Và Xưởng Làm Giày.
Một Nhà Bếp Cung Cấp Súp, cung cấp thức ăn bổ dưỡng cho 600 người. Một bữa ăn có giá nửa penny cho những ai muốn trả tiền, và hoàn toàn miễn phí cho những người thật sự túng thiếu. Đáng chú ý là kể từ khi có sự ảnh hưởng của Cha Ioann, phần lớn mọi người đều muốn trả tiền.
Một Nơi Tạm Trú cho những người phụ nữ vô gia cư lớn tuổi. Người trẻ nhất là 63 tuổi, còn người già nhất là 95 tuổi.
Một Bệnh Viện Nhỏ, với thuốc men, xe cứu thương, phẫu thuật, v.v. Các bác sĩ cung cấp dịch vụ tình nguyện.
Một Giảng Đường lớn cho công chúng. Mỗi Chủ nhật, nơi này chật kín những người thuộc tầng lớp thấp nhất.
Một Thư Viện Miễn Phí, với phòng đọc lớn.
Một Thư Viện bán sách theo giá gốc.
Một Trường Mẫu, với ba lớp học, cho 200 nam sinh và 150 nữ sinh.
Phòng Đọc Và Thư Viện Miễn Phí cho trẻ em.
Trường Dạy Vẽ với giáo viên có tay nghề, với chi phí hai đồng rúp (khoảng năm silinh) mỗi năm.
Trại Mồ Côi, cho 100 trẻ em.
Một Nhà Giữ Trẻ Ban Ngày Cho Những Đứa Trẻ Có Cha Mẹ Đi Làm.
Các Xưởng Cho Người Già Hoặc Yếu. Từ 300 đến 400 người khuyết tật được làm công việc nhẹ nhàng và được trả khoảng một shilling mỗi ngày. Họ được cung cấp bữa ăn giá rẻ và, nếu muốn, một chỗ nghỉ đêm tại cơ sở.
Trợ Giúp Ngoài Trời, được quản lý bởi một ủy ban nhỏ. Hàng ngàn người được giúp đỡ bằng nhiều cách khác nhau. Một số nhận được tiền hoặc quần áo, số khác có vé tàu hỏa để trở về nhà. Kronstadt là một cảng biển, nên thường có những người đến làm việc vào mùa hè và những chuyến đi dài sẽ tiêu tốn phần lớn thu nhập của họ.
Các tòa nhà chứa đựng tất cả những tổ chức này tạo thành một thị trấn nhỏ, giữa đó là một nhà nguyện đẹp đẽ, nơi thỉnh thoảng Cha John đến đọc Kinh Thánh và nói chuyện với những người mà ông đã cứu khỏi cảnh nghèo khó, nhàn rỗi hoặc tệ nạn.
VII. Cuối đời
Cha Ioann đã lao động không ngừng nghỉ trong công việc rao giảng, dạy dỗ và giúp đỡ tất cả những người gặp khó khăn mà cha tiếp xúc. Dành cả cuộc đời phục vụ Chúa và giá dân của ông. Cha Ioann ngã bệnh và qua đời vào ngày 20 tháng 12 năm 1908. Gần như ngay lập tức, người dân khắp gần xa bắt đầu hành hương đến tu viện nơi cha được chôn cất. Thậm chí ngày nay, hàng triệu Kitô hữu Chính Thống giáo ở Nga và trên khắp thế giới vẫn cầu nguyện để cha cầu thay cho họ như ông đã luôn làm từ thời thơ ấu.

VIII. Di sản
Thánh Ioann Kronstadt đã viết nhiều cuốn sách và bài giảng về đạo đức và tâm linh. Các tác phẩm của ông vẫn được đọc và trân trọng trong giới văn học Chính Thống giáo cho đến ngày nay. Nổi tiếng nhất vẫn là cuốn My Life in Christ — Đời con trong Chúa.14
IX. Tôn kính và tuyên thánh
Thánh Ioann thành Kronstadt được tuyên thánh là Thánh vào năm 1990 bởi Giáo Hội Chính thống giáo Nga. Thánh Ioann Maximovitch đã đóng một vai trò chủ chốt trong việc chuẩn bị việc tôn vinh Thánh Ioann.
Hiện thánh tích của Thánh Ioann được cất giữ tại tu viện nữ Thánh Ioann của Rila tại St. Petersburg, tu viện mà chính tay Cha Ioann đã thành lập.


Thánh Ioann thành Kronstadt được biết đến như một người linh thiêng và tận tụy, người đã dành cuộc đời mình để phục vụ người nghèo khó và làm chứng cho tình yêu và lòng nhân ái của Chúa. ông là một trong những vị Thánh nổi tiếng trong lịch sử Chính Thống giáo Nga và tiếp tục tác động đến tâm linh của nhiều người trong và ngoài giới tôn giáo.
X. Lời cầu nguyện tới Thánh Ioann thành Kronstadt

XI. Danh ngôn của Thánh Ioann thành Kronstadt
Sau đây là một số danh ngôn của vị thánh nhân này:
Đừng bao giờ lo lắng về những việc đã qua, và đừng lo lắng về những việc sắp tới, mà hãy sống thật sự trong hiện tại và hãy cố gắng sống một cuộc sống thánh thiện và tốt lành ngay ngày hôm nay.
Chúa Kitô không đòi hỏi điều gì hơn ngoài lòng trung thành đối với ngài và lòng nhân ái đối với tha nhân.
Tình yêu thương là ngôn ngữ chung của thế giới, một ngôn ngữ không cần biên dịch.
Hãy làm việc của mình, hãy sống cuộc sống của mình, hãy tôn trọng mọi người, hãy tin tưởng vào Chúa, và mọi thứ sẽ ổn.
Hãy luôn luôn nhớ đến rằng Chúa luôn luôn đối diện với bạn, thấy bạn, nghe bạn.
Tình yêu không chỉ là lời nói mà còn là việc làm và sự cống hiến.
Hãy cầu nguyện không chỉ để yêu thương, mà còn để làm cho lòng yêu thương của bạn trở nên sâu sắc hơn.
Mỗi ngày, hãy làm một công việc nhỏ tốt lành để mang lại hạnh phúc cho người khác.
Lòng trung thành không phải là điều dễ dàng, nhưng nó là điều quan trọng để có một cuộc sống đích thực và hạnh phúc.
Hãy sống cuộc đời của mình như một món quà và hãy cố gắng để làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn.
Những danh ngôn của cha Thánh Ioann thành Kronstadt thường tập trung vào tình yêu thương, lòng nhân ái và sự cống hiến đối với Chúa và người khác. ông thường khuyên mọi người sống một cuộc sống thiện lành và thánh thiện, đồng thời tin tưởng vào quyền năng và tình yêu thương của Chúa.
Footnotes
-
Tham khảo từ The Life of Saint John of Kronstadt - OCA (nguồn). ↩ ↩2 ↩3
-
Cuộc sống gia đình của Cha Ioann và Matushka Elizabeth được cháu gái ruột (và cũng là con nuôi) của họ, bà R. G. Shemyakina, tường thuật lại một cách sinh động. Đọc thêm tại đây. ↩
-
Tham khảo từ The Life of the Pastor of Kronstadt (nguồn). ↩ ↩2
-
Tham khảo từ St. John of Kronstadt and the enemies of Christ (nguồn). ↩ ↩2 ↩3
-
Tham khảo từ The Future of Russia and the End of the World (nguồn). ↩
-
Trích dẫn từ St. John of Kronstadt on Priesthood (nguồn). Tham khảo thêm How Saint John of Kronstadt Explained To a Group of Priests His Miraculous Power (nguồn). ↩
-
Tham khảo thêm St. John of Kronstadt: The Circle of Grace (nguồn). Đọc bài viết của Thánh Silouan núi Athos khi nói về Cha Ioann tại đây. ↩
-
Tiểu sử của Cha Ioann thành Kronstadt bởi Nadeja. Đây là một trong những bài tiểu sử chi tiết nhất và được viết bởi một người không theo Chính Thống giáo. Đọc tại đây. ↩ ↩2
-
Tham khảo từ St. John of Kronstadt Through the Eyes of New Martyr Alexander Hotovitzky. Đọc tại đây. ↩ ↩2
-
Tham khảo từ A Model for Priests: St. John of Kronstadt (nguồn). ↩
-
Tham khảo từ St. John of Kronstadt as server of the Divine Liturgy (nguồn). ↩ ↩2